‘Thủ lĩnh nông dân’ 23 tuổi ở New Zealand
Nhóm NZ Farming do Tyler Fifield sáng lập đóng vai trò chủ đạo kết nối nông dân trẻ cũng như tích cực tham gia cứu trợ nhân đạo tại New Zealand.
‘Thủ lĩnh nông dân’ 23 tuổi ở New Zealand
Nhóm NZ Farming do Tyler Fifield sáng lập đóng vai trò chủ đạo kết nối nông dân trẻ cũng như tích cực tham gia cứu trợ nhân đạo tại New Zealand.
Trong vòng 3 tháng qua, Tyler Fifield (23 tuổi) rong ruổi khắp vùng Marlborough, phía bắc đảo Nam của New Zealand, để điều hành chương trình khắc phục hậu quả động đất do nhóm NZ Farming tiến hành. Marlborough là nơi tập trung rất nhiều trang trại lớn, chủ yếu nuôi cừu và trồng nho sản xuất rượu vang. Vùng này bị tàn phá nặng nề trong trận động đất 7,8 độ Richter vào tháng 11.2016 và tính đến tháng 1.2017, đã hứng chịu thêm 11.956 trận dư chấn.
Theo Đài Radio New Zealand, từ lúc xảy ra động đất đến nay, Fifield và các cộng sự đã đến tất cả các nông trang tại Marlborough, cùng chung tay sửa chữa hàng rào, cung cấp nước uống và xây lại chuồng trại. Trang Facebook NZ Farming cũng đóng vai trò kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân bổ sung vốn, cung cấp con giống để khôi phục đàn cừu…, đồng thời giúp kết nối hỗ trợ tìm kiếm người mất tích trong động đất.
Cứu trợ sát sườn
Là cộng đồng chuyên kết nối người làm nông, chủ yếu là thanh niên, để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng cũng như hỗ trợ thành viên khi cần nên NZ Farming tập trung nỗ lực cứu trợ các hộ nông dân bị ảnh hưởng nặng nề trong trận động đất. “Thông qua các mạng xã hội, chúng tôi tiếp xúc với nông dân, tìm hiểu nhu cầu của họ và kêu gọi mọi người tham gia hỗ trợ. Ngoài phân phát thực phẩm, nước uống, chúng tôi cố gắng giúp khắc phục những vấn đề sát sườn nhất với các trang trại như sửa lại chuồng trại, thùng chứa nước và tìm kiếm gia súc bị lạc”, trang tin Stuff dẫn lời Fifield cho biết.
Chàng trai trẻ kể lại rằng ngay từ hôm 14.11.2016, một ngày sau trận động đất rung chuyển đảo Nam, anh và bạn bè đã lên đường đến các nông trại để tìm hiểu tình hình, đồng thời họp bàn qua mạng nhằm tìm cách giúp đỡ thực tế nhất. Trong 2 tuần đầu tiên kể từ khi NZ Farming đăng lời kêu gọi, các thành viên của nhóm trên toàn quốc liên tục gửi thực phẩm, chăn mền, nước uống… đến các hộ nông dân đang bị cô lập. Tổng cộng, NZ Farming đã chuyển được khoảng 50 chuyến hàng. “Chúng tôi còn làm nhiều thứ khác, từ chuyển hệ thống lọc nước đến chở thai phụ ra khỏi vùng bị nạn”, Fifield nhớ lại.
Sau khi giúp khắc phục hậu quả bước đầu, NZ Farming nhanh chóng chuyển sang hỗ trợ các trang trại khôi phục sản xuất. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều công ty đã cung cấp lại nông cụ, con giống, thức ăn chăn nuôi… Mục tiêu đặt ra là làm sao trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt. Ai nấy đều chạy đua với thời gian, vì càng kéo dài, nông sản, gia súc càng tổn hao giá trị. “Qua mỗi ngày, một con cừu có giá 100 USD sẽ chỉ còn 99 USD rồi 98 USD vì điều kiện thiếu thốn, không đạt chuẩn khiến nông dân không thể bảo đảm trọng lượng hay chất lượng lông”, Fifield cho biết.
Trao kỹ năng cho giới trẻ
Năm 2014, khi còn vài tháng nữa mới tròn 20 tuổi, Fifield lập NZ Farming với mục tiêu liên kết những người trẻ yêu thích làm nông như anh. Đến nay, từ chỗ chỉ là một fanpage nhỏ, trang này đã thu hút hơn 113.000 người bấm like (thích) và cũng khoảng đó người đăng ký theo dõi, trở thành cộng đồng kết nối nông nghiệp lớn nhất New Zealand. Tốt nghiệp ngành xây dựng nhưng chàng trai sinh tại TP.Blenheim lại nuôi mộng khởi nghiệp làm nông.
“Tôi không phải sinh ra từ gia đình làm nông, nên phải đánh vật một thời gian khi mới thử chăn cừu. Tôi cũng phát hiện rất khó tìm được người chỉ dẫn, giúp mình vượt qua những khó khăn ban đầu vì nông nghiệp ở New Zealand vẫn dựa chủ yếu vào mô hình trang trại cha truyền con nối”, Đài Radio New Zealand dẫn lời Fifield.
Từ trải nghiệm của bản thân, anh quyết định lập trang NZ Farming vừa tạo cộng đồng chung vừa trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm cho bản thân. “Qua tiếp xúc, trao đổi, chúng tôi có thể hoàn thiện kỹ năng của chính mình cũng như hiểu thêm về nhu cầu, thị trường… tìm đầu ra cho sản phẩm”, Fifield cho biết.
Sau nhiều tháng tập trung giúp khắc phục hậu quả động đất, hiện NZ Farming đã quay lại với các chương trình hỗ trợ kỹ năng của mình. Theo Stuff, nhóm quyết định tổ chức một chuỗi sự kiện định kỳ chủ yếu nhằm vào đối tượng là những người bỏ học giữa chừng cần hướng nghiệp và thanh niên muốn thử sức trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng không có kinh nghiệm lẫn quan hệ.
Trong sự kiện đầu tiên mang tên “Quay lại những kỹ năng làm nông cơ bản” sẽ diễn ra ở Blenheim vào ngày 25.3, người tham dự sẽ được các chuyên gia và chủ nông trang giàu kinh nghiệm hướng dẫn những kỹ năng cơ bản và thực tế, từ dựng hàng rào, xén lông cừu, kiểm tra sức khỏe vật nuôi và các vấn đề về an toàn khác.
“Đây là ngày hội được thiết kế để những người trẻ tuổi học hỏi cũng như có dịp thể hiện, thử sức nếu muốn làm nông”, Fifield cho Stuff hay. Sắp tới, theo chàng “thủ lĩnh nông dân” trẻ, bên cạnh thu hút thanh niên, NZ Farming cũng sẽ hướng tới mang lại lợi ích cho những người lớn tuổi nhưng có ý định thay đổi nghề nghiệp.
Thuỵ Miên