29/11/2024

Sự lộng hành của ‘mafia cát’: Thảm hoạ môi trường

Lòng sông, bãi biển khắp thế giới đang bị nạo vét tràn lan để lấy cát, gây ra những hậu quả nặng nề cho môi trường và người dân địa phương.

 

Sự lộng hành của ‘mafia cát’: Thảm hoạ môi trường

Lòng sông, bãi biển khắp thế giới đang bị nạo vét tràn lan để lấy cát, gây ra những hậu quả nặng nề cho môi trường và người dân địa phương.



Cảnh trơ trụi ở hồ Bà Dương (Trung Quốc), mỏ cát lớn nhất thế giới /// Reuters

 

Cảnh trơ trụi ở hồ Bà Dương (Trung Quốc), mỏ cát lớn nhất thế giớiREUTERS

 

Hút cát sông và biển bất hợp pháp theo kiểu tận diệt đang hủy hoại môi trường ở khắp nơi trên thế giới. Tờ The Guardian dẫn lời các chuyên gia cảnh báo đây là cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu và nạn nhân không ai khác chính là người dân sinh sống quanh những “đại công trường hút cát”.
Bức tử sông hồ
Nhiều nhà nghiên cứu từ lâu đã lên tiếng về nạn nạo vét khai thác cát đe dọa hệ sinh thái, gây sạt lở bờ, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân địa phương cũng như có nguy cơ gây sập cầu. Minh chứng rõ ràng nhất là những gì mà cư dân quanh khu vực hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) đang phải gánh chịu.
Hồ Bà Dương là mỏ cát lớn nhất thế giới, lớn hơn cả 3 mỏ cát lớn nhất của Mỹ cộng lại. Nhà địa lý học David Shankman thuộc Đại học Alabama (Mỹ) ước tính có tới 236 triệu m3 cát được nạo hút lên từ hồ này hằng năm. Khai thác cát tràn lan khiến mực nước hồ giảm đáng kể trong nhiều năm qua, đe doạ sinh kế người dân cũng như các loài động vật như chim, rùa, cá và tôm.
Theo tờ Nhân Dân nhật báo, nạn lén lút khai thác cát phi pháp trong nhiều năm trên sông Trường Giang khiến nhiều đoạn bờ bị sạt lở nghiêm trọng và vào năm 2000, chính quyền đã ra lệnh cấm cùng nhiều biện pháp xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó, tàu nạo vét lũ lượt kéo đến hồ Bà Dương.
“Những chiếc tàu nạo vét cát đang hủy hoại khu vực đánh bắt cá của chúng tôi. Tôi đánh bắt ở đây gần 30 năm và cá ngày càng ít đi”, một ngư dân họ Đàm chia sẻ với The Guardian. Không còn cách nào khác, ông Đàm đã phải xin việc làm trên chính các tàu nạo vét đã huỷ hoại nguồn thu nhập chính của mình.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, số lượng công trình xây dựng tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 và vẫn tiếp tục tăng nhanh, đẩy nhu cầu cát lên cao dẫn đến tình trạng khai thác cát lậu tràn lan. Nhiều băng nhóm được mệnh danh là “mafia cát” hối lộ cảnh sát, quan chức và sẵn sàng hành hung bất kỳ ai dám lên tiếng phản đối, theo trang Wired.
Sống trong cảnh phập phồng lo sợ bên bờ hồ Bahour (bang Puducherry), một nông dân địa phương tên V. Chandrashekhar cho hay anh nhiều lần bị chặn đánh, dọa giết. “Khoảng 500 xe ben chở cát hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Họ chiếm lĩnh cả khu vực này. Họ cầm theo gậy gộc đến nhà tôi lúc nửa đêm. Đây là những người rất nguy hiểm”, Chandrashekhar nói với Wired. “Mực nước hồ sụt giảm nghiêm trọng vì mất cát. Biển chỉ cách đây 5 km và tình trạng này khiến nước biển xâm nhập sông hồ và chúng tôi đang rất thiếu nước tưới tiêu”, anh cho hay.
Mới đây, Tòa án tối cao Ấn Độ đã lên tiếng cảnh báo hoạt động đào hút cát không có kiểm soát đang đe hoạ hệ sinh thái khiến nguồn cá, sinh vật thuỷ sinh lâm nguy và là “thảm hoạ” đối với nhiều loại chim ở khắp nước này. Ngoài ra, chính quyền Kenya cùng một số quốc gia khác đã ra lệnh cấm lấy cát ở tất cả các con sông để bảo vệ môi trường và đời sống địa phương.
Sự lộng hành của 'mafia cát': Thảm họa môi trường - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Sự lộng hành của ‘mafia cát’

Sự bùng nổ đô thị hoá đẩy nhu cầu sử dụng cát lên cao dẫn đến sự bành trướng tội phạm khai thác cát trái phép trên khắp thế giới.
Hết sông đến biển
Khi nguồn cát sông kiệt quệ, hoạt động khai thác lậu lấn sang cả biển. Ở khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn tàu nạo vét, hút hàng triệu tấn cát từ đáy biển hằng năm, theo The Guardian. Ảnh hưởng nghiêm trọng được nhận thấy rõ ở Indonesia sau khi một số hòn, bãi thuộc quần đảo Riau của nước này bị xoá khỏi bản đồ kể từ năm 2005.
Trong khi đó, The Guardian dẫn lời Giáo sư Ed Thornton thuộc Học viện Hải quân Mỹ cho biết: “Ở California, chúng tôi đang mất 3 ha bờ biển mỗi năm. Tất cả chỉ vì bị lấy cát”. Ông Thornton cùng cộng đồng địa phương đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối khai thác cát tại đây.
Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ môi trường, doanh thu kinh doanh cát hợp pháp toàn thế giới được ước tính lên đến 70 tỉ USD/năm, chưa kể hàng tỉ USD từ cát lậu. Bên cạnh đó, nạo hút cát vô tội vạ gây thiệt hại hàng triệu USD cho hệ thống cơ sở hạ tầng, làm suy yếu nền móng và gây sập cầu ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2001, khai thác cát tràn lan làm một cây cầu ở Bồ Đào Nha bị sập khiến 70 người chết và đến năm 2016 thì đến lượt tại Ấn Độ xảy ra vụ việc tương tự với 26 người thiệt mạng.
“Sự bùng nổ đô thị hoá toàn cầu đẩy nhu cầu sử dụng cát lên cao trong khi nguồn cát thì có hạn. Hoạt động khai thác tràn lan dù có huỷ hoại môi trường nhưng sẽ tiếp diễn vì lợi nhuận khổng lồ”, nhà nghiên cứu Pascal Peduzzi thuộc Tổ chức Chương trình môi trường LHQ, nhận định.

 

Phúc Duy