11/01/2025

Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

Hôm 10-3-2017, hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin: “Ban thường vụ Liên HĐGM Phi châu và Madagacar, gọi tắt là Secam, chuyên phối hợp sự cộng tác của 57 HĐGM tại đại lục này, đã lên tiếng kêu gọi ban lãnh đạo Đài Vatican tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.”

 Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

 

 
VATICAN – Đài Vatican dần dần sẽ bỏ hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn và thay vào đó các chương trình được phát qua Internet.

Hôm 10-3-2017, hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin: “Ban thường vụ Liên HĐGM Phi châu và Madagacar, gọi tắt là Secam, chuyên phối hợp sự cộng tác của 57 HĐGM tại đại lục này, đã lên tiếng kêu gọi ban lãnh đạo Đài Vatican tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.”

Từ năm 2012, việc phát thanh của nhiều chương trình Âu Mỹ qua sóng ngắn và sóng trung bình của Đài Vatican đã được thay thế bằng Internet, nhưng vẫn còn được duy trì cho các chương trình phát về Phi châu, Á châu và Trung Đông.

Năm nay, Ban Lãnh đạo Bộ Truyền thông đã quyết định sẽ ngưng hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn, trễ nhất là vào năm 2019 và thay vào đó, sẽ phát qua Internet cho vùng Phi châu và Á châu.

Trước tin này, Ban Thường vụ Liên HĐHM Phi châu và Madagascar, trong phiên nhóm tại Accra, thủ đô nước Ghana, đã gửi thư chính thức đến ban lãnh đạo mới của Đài Vatican để bày tỏ lo âu vì quyết định ngưng phát thanh qua sóng ngắn. Các GM nói rằng các chương trình phát qua sóng ngắn bảo đảm cho hàng triệu người dân Phi châu được nghe ĐTC và chia sẻ những quan tâm cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Các GM chính thức yêu cầu tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Thư của các GM có đoạn viết: “Trong khi chúng tôi nhìn nhận rằng các chương trình của Đài Vatican có thể nghe được qua Internet, nhưng sự kiện nhiều người dân Phi châu không có các phương tiện hoặc kỹ thuật để nghe các chương trình qua Internet.”

Liên HĐGM Phi châu và Madagascar bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và đánh giá cao vai trò của Đài Vatican từ nhiều thập niên qua, đã đóng góp vào công việc loan báo Tin Mừng cho Phi châu, huấn giáo và phát triển tinh thần cho người dân tại đại lục này.

Các GM Secam kết luận: “Đài Vatican vẫn luôn là một nguồn tin đáng tin cậy về Giáo Hội hoàn cầu và là một kênh mau lẹ để chia sẻ tin tức về Phi châu với các nơi khác trên thế giới.” (Fides 10-3-2017)

Chưa có phản ứng nào của Bộ Truyền thông Vatican về lời yêu cầu trên đây của các GM Phi châu. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị một số dữ kiện về những về Đài Vatican, và những biến chuyển gần đây.

Diễn tiến lịch sử

Đài Phát thanh Vatican được ĐGH Piô XI thành lập cách đây 86 năm, ngày 12-3-1931 và có 40 chương trình với hơn 40 thứ tiếng, với số nhân viên hiện nay còn gần 350 người. Đài luôn được cập nhật về kỹ thuật để đáp những đòi hỏi của thời đại mới.

Trong kế hoạch cải tổ các cơ quan Toà Thánh, ngày 27-6-2015, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc gộp 9 cơ quan thông tin của Toà Thánh thành Bộ Truyền thông, đó là Hội đồng Toà Thánh Truyền thông Xã hội, Phòng Báo chí Toà Thánh, Dịch vụ Internet Vatican, Đài Phát thanh Vatican, Trung tâm Truyền hình Vatican, Báo Quan sát viên Roma, Nhà in Vatican, Dịch vụ Hình ảnh, Nhà Xuất bản Vatican.

Ngài cũng bổ nhiệm Đức ông Dario Viganò, nguyên là Tổng Giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican, làm Bộ trưởng của Bộ mới lập, và Đức ông Lucio Adrian Ruiz, người Argentina, làm Tổng Thư ký của Bộ này.

Ngày 6 tháng 9 năm 2016, ĐTC ban hành quy chế của Bộ Truyền thông, theo đó Bộ này gồm có 5 phân bộ là: Tổng vụ, Biên tập, Phòng Báo chí Tòa Thánh, Kỹ thuật và sau cùng là Thần học Mục vụ.

Từ đó, các vị lãnh đạo của Bộ xúc tiến việc gộp 9 cơ quan lại và đề ra đường hướng cũng như những qui tắc chi tiết cho các hoạt động của Bộ. Tổng số các nhân viên của Bộ Truyền thông vào khoảng 700 người, trong đó một nửa là nhân viên của Đài Vatican.

Từ ngày 1-1 năm nay, 2017, danh xưng “Radio Vaticana”, Đài Phát thanh Vatican, không còn giá trị pháp lý nữa.

Từ ngày 1-12 năm 2016, Đài Vatican ngưng phát qua các làn sóng trung bình và cả một số chương trình ngưng phát qua các làn sóng ngắn. Các sóng ngắn này còn được sử dụng để phát các chương trình hướng về Phi châu và Á châu, trong đó có chương trình tiếng Việt, nhưng theo dự kiến, việc phát sóng ngắn còn lại này cũng sẽ chấm dứt trễ nhất là trước năm 2019 tới đây. Các chương trình của đài sẽ còn chỉ được phát qua Internet.

Đức ông Bộ trưởng Dario Viganò loan báo đã có một hợp đồng với Facebook, qua đó 44 nước Phi châu có thể nhận được các sứ điệp của Đức Giáo hoàng qua điện thoại di động thông minh, nhờ một Apps, một thảo chương thích hợp.

Vẫn theo Đức ông Viganò, Trung tâm Phát tuyến Santa Maria di Galeria, một khu vực rộng 440 hecta, tức là rộng gấp 10 lần lãnh thổ Quốc gia thành Vatican, cách Roma 18 cây số, sắp bị đóng cửa, vì các ăng ten và máy phát tuyến ở đây sẽ không còn hoạt động nữa. 30 nhân viên kỹ thuật đã và đang được chuyển về các cơ sở của Đài Vatican và các phân bộ khác thuộc Bộ Truyền thông.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Bộ Truyền thông sẽ nhường làn sóng FM 93,3 megaxich ở vùng Roma cho Đài RTL, Phát thanh và Truyền hình Luxemburg, và thay vào đó, sẽ sử dụng Radio Digital (kỹ thuật số) để phát trên toàn lãnh thổ Italia, dù rằng phương tiện truyền thông mới mẻ này chưa được thông dụng lắm ở nước này.

Đài Vatican có chi phí là 26 triệu euro, và việc bỏ phát chương trình trên sóng ngắn chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm một phần ngân khoản này, nhưng cũng cần để ý rằng 70% ngân sách của Đài Vatican là để trả lương cho các nhân viên. Các ban ngành trong Bộ đều nhận được lệnh phải giảm chi và tiết kiệm tối đa.

Trong số các chương trình bị cắt giảm hoặc huỷ bỏ trong kế hoạch giảm chi có hai nhật báo truyền thanh bằng tiếng Ý hằng ngày lúc 12 giờ trưa và 17 giờ chiều, và được thay thế bằng những ấn bản “chớp nhoáng” nhập khẩu từ mạng Công giáo Italia InBlu. Tạp chí truyền thanh lúc 21 giờ 30 bằng tiếng Pháp mỗi ngày cũng bị huỷ bỏ.

Để huấn luyện các nhân viên về kỹ thuật đa phương tiện, Đức ông Viganò đã đăng ký cho 50 nhân viên theo học khoá tu nghiệp tại Trường Doanh nghiệp của Đại học LUISS ở Roma, thuộc Liên đoàn Công nghệ Italia.

Nhận xét và giải thích của Cha Lombardi SJ

Để hiểu rõ hơn những thay đổi trên đây, cũng nên để ý đến nhận xét của Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, đã từng làm Giám đốc các chương trình, rồi làm Tổng Giám đốc của Đài Vatican trong 25 năm, tức là cho đến năm 2015.

Trong thư gửi ký giả Sandro Magister truyền đi ngày 7-3-2017 (magister.blogautore.espresso.repubblica.it), Cha cho biết trong những năm gần đây, có khoảng 1.000 đài phát thanh, lớn nhỏ khác nhau, trên thế giới, phát lại các chương trình của Đài Vatican tại 80 quốc gia 5 châu. Dĩ nhiên điều này không xảy ra tại các nước không có đài phát thanh Công giáo hoặc đài tư nhân. Vì thế phần lớn các chương trình của Đài Vatican được các đài khác tiếp sóng và truyền đi, ví dụ tại Brazil, Ba Lan, Pháp và tại Tiệp khắc, Slovak, Slovenia,…

Chương trình phát thanh của Đài Vatican qua Internet bắt đầu và lan rộng từ thập niên 1990. Phương thức này liên hệ tới tất cả các chương trình của đài và ngày càng được coi là con đường ưu tiên để phát thanh, đến độ những năm gần đây có nhiều đài khác muốn tải từ Internet các chương trình của Đài Vatican xuống và phát lại, thay vì nhận các chương trình đó từ vệ tinh. Chính vì thế từ vài năm nay, Đài Vatican không còn dùng vệ tinh trên Ấn Độ Dương nữa, vì không còn cần thiết.

Internet dĩ nhiên có lợi điểm là nghe tuy theo nhu cầu những chương trình đã thu và phát, tuỳ theo thời gian thuận tiện của mình, mà không cần phải nghe trực tiếp vào lúc chương trình được phát đi. Trên Internet, đài cũng khai triển một trang mạng thông tin quan trọng với các văn bản bằng 40 thứ tiếng thuộc 13 mẫu tự khác nhau.

Trong bối cảnh liên tục tiến triển của ngành truyền thông những năm qua, việc sử dụng sóng ngắn và sóng trung bình dần dần mất đi tầm quan trọng, nhất là tại những nơi có thể tiếp sóng và truyền lại các chương trình qua một đài khác. Vì thế, đến lúc nào đó, tại một số miền, việc phát thanh qua sóng điện trở nên thừa thãi và có thể không dùng phương thế này nữa.

Đó là trường hợp các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về Âu châu, Mỹ châu và Úc châu, nghĩa là giảm bớt 50% hoạt động của Trung tâm Phát tuyến Santa Maria di Galeria.

Trái lại, Đài thấy rằng nên giữ các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về một số miền khác trên thế giới, nhất là Á châu, Trung Đông và Phi châu, kể cả Cuba, nơi mà các đài địa phương không thể phát lại, ví dụ như tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Đông, các nước Hồi giáo, vùng Sừng ở Phi châu, Nigeria,… hoặc tiếp tục phát sóng ngắn về những vùng vẫn còn ít sử dụng Internet hoặc đài phát thanh địa phương quá yếu không thể phát cho những vùng rộng lớn.

Hướng đi trên đây không phải của riêng Đài Vatican mà thôi, nhưng nhiều đài phát thanh lớn khác trên thế giới cũng hành động tương tự đối với các chương trình phát sóng ngắn. Khi quyết định như thế, – Cha Lombardi nói – chúng tôi cũng để ý tới sự kiện các thính giả ở trong tình trạng khó khăn, tuy họ không đông đảo, nhưng họ gặp khó khăn vì nghèo túng, vì tự do bị giới hạn hoặc lý do khác, nên đáng cho chúng tôi dấn thân.

 Sứ mạng của Đài Vatican là thông truyền sứ điệp Tin Mừng và phục vụ Đức Thánh Cha trong sứ vụ hoàn cầu của ngài. Để được vậy, cần phải sử dụng những phương thế thích hợp, những phương thế này chắc chắn là thay đổi với thời gian. Nếu sóng ngắn hữu ích cho một số vùng địa lý, để ý tới tình trạng Giáo hội hoặc chính trị, thì nên tiếp tục sử dụng chúng, nếu chúng ta có thể đạt tới mục đích bằng cách sử dụng phương thế khác, thì chúng ta bỏ sóng ngắn. Đó là điều được trình bày cho Hội đồng 15 Hồng Y.

 Cha Lombardi cũng cho biết các đài lớn trên thế giới đã nghiên cứu phát thanh Digital, kỹ thuật này có chất lượng cao hơn, nhưng các nhà sản xuất máy thu thanh không tin tưởng nơi phương thế này, vì cho đến nay đài Digital không thành công nhiều trên bình diện quốc tế, vì thiếu phương thế để nghe với giá cả phải chăng. Tuy rằng những nước lớn như Trung Quốc, đã tiếp tục phát triển đài cho thị trường địa phương của họ.

 Nhận xét của ký giả Sandro Magister


Sau cùng, cũng nên nói đến nhận xét của Ông Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu tại Phòng Báo chí Toà Thánh.

Trong một blog truyền đi ngày 3-3-2017, Ông cho biết trong khi Đài Vatican chấm dứt việc phát các chương trình qua sóng ngắn, thì Trung Quốc đang làm cho không gian tràn ngập các chương trình phát thanh sóng ngắn bằng mọi thứ tiếng.

Đài BBC tiếng Anh được chính phủ tài trợ thêm 85 triệu bảng Anh để tăng cường các chương trình phát sóng ngắn, đi tới hàng triệu thính giả khác, vượt qua con số 65 triệu thính giả hiện nay, nhất là tại Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Đông và Phi châu.

Về phần Đài Phát thanh NHK của Nhật Bản, ban lãnh đạo đài này đã xin Vatican cho sử dụng Trung tâm Phát tuyến Santa Maria di Galeria để tăng cường các chương phát phát sóng ngắn của Đài này hướng về Phi châu, lý do vì trung tâm phát của đài này ở Đảo Madagascar, được sử dụng từ trước đến nay, nay đã quá tải rồi.

Trung tâm Santa Maria di Galeria có chất lượng cao được thế giới nhìn nhận và Đài Vatican có thể cho Đài NHK của Nhật thuê để có thêm tài chính.

 
 

G. Trần Đức Anh OP