Sông Mê Kông kêu cứu: Dòng chảy thất thường, thuỷ sản cạn kiệt
Cách đây 10 – 15 năm, ngư dân mỗi ngày đánh bắt được hơn 100 kg cá tôm trên sông Mê Kông, còn ngày nay cố gắng lắm mới kiếm được vài ký.
Sông Mê Kông kêu cứu: Dòng chảy thất thường, thuỷ sản cạn kiệt
Cách đây 10 – 15 năm, ngư dân mỗi ngày đánh bắt được hơn 100 kg cá tôm trên sông Mê Kông, còn ngày nay cố gắng lắm mới kiếm được vài ký.
Các nhà khoa học cảnh báo sản lượng thuỷ sản trên sông Mê Kông đang sụt giảm mạnh và gây nên tác động dây chuyền đến cả hệ sinh thái toàn lưu vực. Theo các nhà nghiên cứu, bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu thì việc tác động vào dòng chảy thượng nguồn đang làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn lợi thuỷ sản.
Số liệu của Uỷ hội Sông Mê Kông (MRC) cho thấy bình quân sản lượng đánh bắt trên sông Mê Kông hằng năm là hơn 2 triệu tấn với trị giá hàng chục tỉ USD. Với quy mô trên, một khi thủy sản bị ảnh hưởng thì toàn bộ chuỗi thức ăn của cả hệ sinh thái bị tác động dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường đối với cộng đồng dân cư không chỉ ở ĐBSCL mà còn ở các nước thượng nguồn.
Cá, chim không về
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS Dương Văn Ni, Trường đại học Cần Thơ, cho hay những năm gần đây lượng cá trên sông Mê Kông đã giảm đáng kể, nhất là đoạn chảy qua Lào. Tại ĐBSCL, năm nay cũng có rất nhiều loài cá không về nữa. Cá không về kéo theo các loài khác như chim cò cũng ít về do không còn nguồn thức ăn. “Do lượng nước không lên đồng ruộng được, nhất là do mực nước thấp từ năm 2015 đến nay nên rất nhiều loài cá di cư không có bãi ăn nên không sinh sản và phát triển được. Trong năm tới, số lượng các loài cá di cư như loài cá trắng (cá linh, cá trèn…) sẽ giảm rất nhiều nữa”, ông dự báo.
Các chuyên gia cảnh báo nguồn thuỷ sản ở Campuchia cũng chịu chung số phận. Ông Marc Goichot, chuyên gia Tổ chức Bảo tồn WWF, cho rằng nguồn thủy sản ở hồ Tonle Sap cung cấp khoảng 1/3 thực phẩm cho hơn 15 triệu dân Campuchia hiện đang bị sụt giảm. “Đập thủy điện ngăn sự di cư của các loài thủy sản và đe dọa làm giảm đến khoảng 1/3 sản lượng”, ông nói.
Tờ The Phnom Penh Post mới đây dẫn một loạt báo cáo của Tổ chức WorldFish có trụ sở ở Malaysia nhấn mạnh rằng đánh bắt thuỷ sản có vai trò sống còn đối với rất nhiều người dân Campuchia. Khoảng 3 triệu người dân hiện sống nhờ vào hồ Tonle Sap và nhiều người theo nghề này để vừa kiếm bữa ăn cho gia đình vừa làm sinh kế. Trong khi đó, khảo sát của WorldFish cũng cho thấy 81% người dân được hỏi cho biết sản lượng đánh bắt đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Theo WorldFish, nguyên nhân là các dự án đập lớn làm thay đổi hệ sinh thái.
Trong bài phân tích về sự thay đổi của sông Mê Kông, trang tin BlueNotes so sánh rằng cách đây 10 – 15 năm, một ngư dân trung bình mỗi ngày đánh bắt được trên 100 kg cá mỗi ngày. Ngày nay, mỗi ngày họ chỉ bắt được chừng 10 – 15 kg dù rất cố gắng. Nguyên nhân có thể một phần do việc đánh bắt quá mức, đánh bắt trái phép (như dùng điện, thuốc nổ…), hạn hán, nhu cầu cao và tình trạng xâm nhập mặn, tuy nhiên nhiều ngư dân cho rằng nguyên nhân chủ yếu là các đập thượng nguồn ngăn cản các loài cá di cư và sinh sản.
TIN LIÊN QUAN
Sông Mê Kông tiếp tục bị bóp nghẹt
Lại thêm một con đập được lên kế hoạch xây dựng trên sông Mê Kông, có thể làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực từ các con đập ở thượng nguồn.
Bấp bênh theo nguồn nước
Theo TS Ni, thủy điện làm thay đổi thất thường nguồn nước khiến đời sống ngư dân cũng bấp bênh theo. “Không phải thuỷ điện khiến ĐBSCL không còn nước hoàn toàn mà các đập sẽ tích nước vào mùa khô và xả nước vào mùa lũ. Trường hợp nào cũng gây bất lợi cho ĐBSCL”, ông nói.
Tại một diễn đàn về sông Mê Kông năm 2015, TS Ian Cowx thuộc Viện Thuỷ sản quốc tế của Đại học Hull (Anh) từng cảnh báo về tác động của đập thuỷ điện đối với sự di cư của cá. Theo đó, trứng cá và cá con sẽ không thể trôi xuống hạ nguồn do bị kẹt bên trong hồ chứa của các con đập.
Theo ông Cowx, hơn 50% các loài cá ở hạ lưu sông Mê Kông là loài di trú và là nạn nhân lớn nhất của đập thuỷ điện, và loài cá trắng thường đi một quãng đường di cư xa hơn các loài khác sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo nghiên cứu của MRC, 40% loài cá trắng ở Việt Nam và 37% ở Campuchia sẽ “rất dễ bị tổn thương hoặc bị đe dọa” bởi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn.
Bà Oh Soon-Hwa, một nhiếp ảnh gia người Singapore, gần đây đã tìm hiểu cuộc sống của người dân ven sông Mê Kông và nhận ra rằng cuộc sống người dân đang khó khăn hơn, theo tờ Eco Business. Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần do sản lượng đánh bắt giảm và mùa màng thất bát. “Người dân thường đánh bắt thuỷ sản vào mùa mưa và trồng lúa vào mùa khô. Nhưng trong những năm gần đây, dòng chảy trở nên rất thất thường, gây bất lợi toàn diện”, bà nói.
Nỗ lực bảo vệ các loài thuỷ sản
Theo tờ Khmer Times, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nước toàn cầu thuộc Đại học Nevada (Mỹ) vừa ra mắt dự án Wonders of the Mekong (tạm dịch: Những điều kỳ diệu của sông Mê Kông). Dự án kéo dài 5 năm nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và các vấn đề liên quan đến dòng sông.
Trưởng nhóm Zeb Hogan, người từng nghiên cứu về sông Mê Kông trong 20 năm qua, nói rằng dự án là cơ hội chia sẻ các kinh nghiệm về bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học giữa các nhà khoa học. Theo đó, nhóm sẽ cùng các chuyên gia Viện Nghiên cứu và phát triển thủy sản Campuchia nghiên cứu về các loài thuỷ sản, sự di trú và tình trạng của các loài bị đe doạ.
Các nhà nghiên cứu hy vọng dự án sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dòng sông cùng hệ sinh thái vốn là yếu tố sống còn đối với sự phát triển kinh tế xã hội khu vực.
|
Khánh An