09/01/2025

Nguyễn Chí Hiếu: ‘thợ săn’ học bổng về quê hương

Từ Bình Định vào TP.HCM học, sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ rồi trở về VN làm việc. Sau đó lại sang Anh học, rồi lại quay trở về, lại ra Hà Nội làm việc. Câu chuyện của Nguyễn Chí Hiếu (33 tuổi) là câu chuyện đi ngược dòng thú vị.

 

Nguyễn Chí Hiếu: ‘thợ săn’ học bổng về quê hương\

Từ Bình Định vào TP.HCM học, sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ rồi trở về VN làm việc. Sau đó lại sang Anh học, rồi lại quay trở về, lại ra Hà Nội làm việc. Câu chuyện của Nguyễn Chí Hiếu (33 tuổi) là câu chuyện đi ngược dòng thú vị.

 

 

 

Nguyễn Chí Hiếu: 'thợ săn' học bổng về quê hương
Nguyễn Chí Hiếu được cỗ vũ trong lễ tốt nghiệp khóa MBA tại ĐH Oxford (Anh) năm 2016 – Ảnh: NVCC

Chí Hiếu trải lòng với Tuổi Trẻ về hành trình học, dạy học và làm việc của mình.

“Thước đo” đã khác

* 5 năm trước, 2012, bạn chọn con đường về nước sau 10 năm du học và có bằng tiến sĩ kinh tế ĐH Stanford, rời vị trí lương cao hàng trăm ngàn USD tại Mỹ…, bất chấp sự phản đối của gia đình. Tại sao như vậy?

– Nếu ở lại Mỹ làm việc, tôi nghĩ mình sẽ hình dung rõ những điều sẽ diễn ra trong tương lai, trong khi về VN thì mọi thứ sẽ là một dấu hỏi lớn. Tôi thích những gì rủi ro, thử thách nên chọn con đường trở về.

* Nhưng khi về VN, đã có vị trí nhất định ở VN, thu nhập tốt, năm 2015 bạn lại quyết định dừng tất cả để xách cặp đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở ĐH Oxford (Anh), dù đã có bằng tiến sĩ?

– Thời điểm đó tôi giống như chạm ngưỡng “mid-life crisis” (tạm dịch: khủng hoảng tuổi trung niên). Báo chí viết nhiều, phụ huynh cũng rất nhiều người biết đến, tôi cũng có tên tuổi nhất định trong lĩnh vực giáo dục… Việc đi học xa phần nào giúp tôi “thoát” ra khỏi những áp lực trên.

Nhưng sâu xa hơn, tôi đi vì tự thấy chưa trả lời được các câu hỏi lớn của cuộc đời: Liệu cái đang làm có phải đam mê để mình hi sinh cuộc sống? Và nếu ở lại thì có làm được gì khác hơn và tốt hơn cho thế hệ sau?

Bây giờ thì tôi rất tự tin trả lời là có sau một năm suy nghĩ kỹ.

* Bây giờ bạn lại ra Hà Nội. Trong khi những người cùng thời với bạn giờ phần lớn đều đã rất thành công, bạn có từng chạnh lòng khi vẫn phải ở nhà thuê, tự nấu ăn, ngay cả xe cũng là của người khác…?

– Trước khi qua Oxford, tôi từng rất sợ việc bản thân dễ chạnh lòng trước sự thành công, giàu có của bạn bè và từ đó mình sẽ thay đổi, không còn là chính mình. Tiền tỉ thì ai chẳng ham? Nếu tôi chấp nhận làm tư vấn du học, giúp học sinh cách viết luận thì chỉ cần vài tuần là tôi đã có thể kiếm được tiền tỉ.

Nhưng từ lúc ở Oxford về thì tôi không còn chút chạnh lòng nữa, vì thước đo hạnh phúc, thành công và thang giá trị sống của tôi hiện giờ rất khác với trước đây. Thành công và hạnh phúc, theo tôi, không còn đồng nghĩa với địa vị, danh vọng.

“Nếu hôm nay là ngày cuối cùng…”

* Điều gì làm thước đo trong bạn thay đổi đến vậy?

– Trong khóa MBA, Trường Oxford có mời CEO các công ty, tập đoàn đình đám đến giao lưu cùng sinh viên. Buổi trò chuyện nào tôi cũng đến tham dự và chăm chú lắng nghe vì họ rất đáng để mình học hỏi.

Nhưng tôi không tìm thấy bóng dáng mình trong hình ảnh của họ, tôi thấy xa lạ, chẳng chút thoải mái với những bộ cánh hàng hiệu, những chiếc xe đắt tiền…

Ngược lại, thời điểm đó tôi đọc rất nhiều sách từ tâm lý học đến lịch sử, giáo dục, kinh doanh, khởi nghiệp… và dù đọc quyển sách nào thì tôi cũng đều liên tưởng đến giáo dục VN. “Tại sao nước mình không có người viết được những quyển sách như vậy?”, “Cái này dạy cho học trò trong nước thì như thế nào?”, “Tại sao học sinh VN không được học như thế này?”… Cứ gấp sách lại thì ý tưởng, những câu hỏi trên lại bật lên, khiến tôi suy nghĩ mãi.

* Và chính vì vậy, bạn quyết định trở về dù nhận được nhiều lời mời làm việc lương cao, kể cả vị trí giảng viên tại Oxford?

– Tôi được mời giảng dạy các môn kinh tế tại Oxford từ học kỳ đầu tiên nhập học, và trường tiếp tục mời tôi ở lại trường dạy sau khi tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng tôi từ chối.

Lần về nước thứ hai này khó hơn lần đầu rất nhiều. Tôi đã ngoài 30, cuộc sống cần ổn định, chưa kể về tài chính tôi là trụ cột chính trong gia đình. Công việc ở nước ngoài thu nhập hàng trăm ngàn USD mỗi năm.

Ngày xưa gia đình không ủng hộ việc tôi rời Mỹ về, đến bây giờ mọi người vẫn không ủng hộ, chỉ có điều cha mẹ tôn trọng quyết định của tôi. Những người thân đều biết rõ rằng cuộc sống của tôi không phải là ở VN vì cách nhìn nhận, tư duy về mọi thứ rất “ngoại”, nhiều người thậm chí sửng sốt khi biết tôi về…

Đến cả đồng nghiệp, hiệu trưởng tại các trường đối tác ở VN cũng không ngừng đặt câu hỏi về chuyện này. Dẫu vậy tôi vẫn tự tin về quyết định của mình.

* Vì sao bạn lại chọn “bến đỗ” là Hà Nội thay vì TP.HCM – nơi bạn đã học (Trường THPT Lê Hồng Phong) và sống, nơi có lợi thế đủ bề?

– Đúng là nếu thuần kinh doanh tôi về TP.HCM thì mọi thứ sẽ thuận tiện hơn nhiều, phụ huynh và giới giáo dục đã biết rõ về năng lực chuyên môn và quản lý của tôi, đây lại là trung tâm kinh tế cả nước… Nhưng khi đã chọn về nước và hiểu rõ điều mình làm thì cần gì phải phân biệt Hà Nội với TP.HCM, ở đâu cũng là quê nhà, cũng là làm giáo dục…

5 năm nữa nếu thất bại với con đường đã chọn thì chưa chắc tôi đã buồn. Bởi vì ít ra tôi sẽ không áy náy về điều mình làm. Steve Jobs từng nói “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng để sống, bạn sẽ làm gì?”, tôi luôn răn chính mình với câu hỏi đó.

* Cái “trả giá” lớn nhất khi trở về?

– Là cuộc sống và sức khỏe của tôi. Nếu sống ở Anh, Mỹ thì tôi dễ dàng được là chính mình, nhẹ đầu hơn, không có nhiều nhức nhối, trăn trở và không phải cố gắng nhỏ nhẹ, làm chiều lòng nhiều người như ở đây.

Nếu tôi là giảng viên ĐH ở nước ngoài thì khó ai có thể lớn tiếng với tôi, tôi không ngại tranh cãi, phản biện với giáo sư từ Oxford, Stanford…

Ở nước ngoài sạch và văn minh hơn. Mũi của tôi rất nhạy cảm, tôi lại bị viêm mũi trong khi không khí Hà Nội khá ô nhiễm.

Teach & Learn – dạy và học

* Đã về nước gần nửa năm, nhìn lại bạn thấy gì?

– Tôi về VN từ tháng 10-2016, và cần mẫn bắt tay gầy dựng mọi thứ từ đầu. Nhiều khi đứng dự giờ giáo viên từ cuối lớp, tôi xúc động muốn khóc khi thấy có sự thay đổi trong cách giảng dạy, trong cách tiếp thu kiến thức và phát triển tư duy của học trò.

Có những học sinh tiểu học khi làm việc nhóm và thi đua thua nhóm khác thì quay ra đổ lỗi nhau, bỗng có một em đã đứng dậy nói “thắng thua không quan trọng, thua là do cả nhóm, không phải tại ai cả”…

Nhìn ra những cái đó, tôi lại thêm động lực, nghĩ nên làm gì để xứng đáng với đồng tiền phụ huynh bỏ ra thay vì chạy theo danh vọng, phải “tranh giành” vị trí số 1…

Tôi chỉ ước gì những bạn bè, anh chị em đang tự nhận là theo đuổi giáo dục hãy bước ra khỏi những phòng họp nguy nga với bao chiến lược kinh doanh hoành tráng, để hơn một lần đặt chân vào lớp học – nơi mà giáo dục thật sự đang diễn ra.

* Là người thường đứng trên bục giảng, bạn có bao giờ nghĩ mình có thể học ngược lại từ học trò?

– Nhiều chứ. Các em cho tôi bài học về giá trị cuộc sống. Chẳng hạn như có một nữ sinh bị ung thư não nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập và sống hạnh phúc. Một nam sinh đã học đến năm thứ ba vẫn quyết tâm bắt đầu lại với ước mơ du học.

Nếu bạn để ý kỹ thì bạn sẽ thấy chữ Teach (dạy học) trong tiếng Anh, nếu coi hình ảnh phản chiếu ngược sẽ rất giống chữ Learn (học). Hai điều này không thể tách rời mà bổ sung cho nhau.

* Nhưng ắt hẳn không chỉ có niềm vui…

– Với tôi, trò chuyện với những người hiểu mình sẽ tiếp thêm động lực cho mình, nhưng ngồi với những người nghe hoài mà vẫn không hiểu mình – đặc biệt là phụ huynh, học sinh – thì động lực đó lại lớn hơn. Tôi ngược đời vậy đó.

Có những thứ phải 10-20 năm nhìn lại mới cảm nhận được sự thay đổi. Đặc biệt là giáo dục. Và quan trọng hơn hết thảy, tôi tin vào con đường mình đang đi.

* Hãy nói về thất bại của bạn.

– Nếu nói về thất bại, tôi nghĩ đó là bản thân đã không giải quyết được câu hỏi, nỗi đau đáu cho cả bản thân lẫn đồng nghiệp ở công việc trước. Tôi thấy mình bất lực để tìm một lối đi chung.

Hay như câu chuyện quá khó để thay đổi tư duy của phụ huynh, của học trò nào đó. Tôi thấy mình bé nhỏ, thấy rõ bước đi đúng nhưng lại chẳng thể thay đổi được.

“Thợ săn” học bổng

Thời là sinh viên tại Học viện Kinh tế và chính trị London (Anh), Nguyễn Chí Hiếu từng được chọn là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004, Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006… Sau đó Chí Hiếu nhận học bổng sang Mỹ và trở thành tiến sĩ kinh tế tại ngôi trường danh tiếng Stanford năm 27 tuổi. Cũng thời điểm này, Chí Hiếu đoạt giải thưởng Giảng viên xuất sắc nhất trong 5 học kỳ ở ĐH Stanford.

Sau khi giành suất học bổng toàn phần duy nhất và tốt nghiệp thủ khoa khoá MBA tại ĐH Oxford (Anh) cuối năm 2016, Chí Hiếu quay về VN và hiện là giám đốc điều hành Học viện phát triển tư duy và kỹ năng IEG.

Người hát rong hạnh phúc

* Vì sao bạn ví mình như một người hát rong?

– Một người bạn là giảng viên ĐH, tuổi đời lớn hơn tôi nhiều có ví von với tôi rằng trong một chương trình ca nhạc với những ca sĩ hàng đầu trên sân khấu cùng giàn loa khủng, còn mình có thể như một kẻ hát rong đứng chơ vơ ở góc sân. Có thể nhiều người tưởng mình điên và lạc loài. Nhưng chúng ta cứ thế mà hát, thì đã sao?

Những người không thích mình thì có thể mãi mãi không thích mình, nhưng những người thích dòng nhạc của mình thì làm sao họ biết đến, nhận ra sự đồng cảm nếu mình không cất tiếng hát?

Có thể những điều tôi làm là rất nhỏ nhoi, thậm chí như chỉ mới đặt được một vài viên gạch chứ chưa được cái móng để xây nhà. Nhưng tôi cho rằng đó là những viên gạch vững chắc cần thiết. Việc chinh phục bất kỳ hành trình nào cũng cần những bước chân đầu tiên. Và tôi tin mình là một người hát rong hạnh phúc.

CÔNG NHẬT thực hiện