29/11/2024

Sông Mê Kông kêu cứu

Nhiều năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự tác động của các quốc gia phía thượng nguồn đã khiến hạ nguồn Mê Kông cạn kiệt, đe doạ cuộc sống của hàng chục triệu người dân.

 

Sông Mê Kông kêu cứu

Nhiều năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự tác động của các quốc gia phía thượng nguồn đã khiến hạ nguồn Mê Kông cạn kiệt, đe doạ cuộc sống của hàng chục triệu người dân.




​Khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long /// Ảnh: Công Hân

 

Khô hạn ở đồng bằng sông Cửu LongẢNH: CÔNG HÂN

Ngày 16.3, Đại học Cần Thơ sẽ phối hợp với Học viện Hoàng gia Campuchia tổ chức hội thảo về nguồn nước sông Mê Kông tại Phnom Penh, Campuchia. Hội thảo có chủ đề “Saving agriculture water for our farmers along the Mekong River” (tạm dịch: Tiết kiệm nước cho nông dân khu vực sông Mê Kông).
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh người dân trong khu vực, nhất là tại vùng hạ nguồn ở Campuchia và VN, đang gánh chịu nhiều hậu quả do việc tác động vào dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông, bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, lượng phù sa từ thượng lưu đổ về đã sụt giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây. Hậu quả là lúa, hoa màu cằn cỗi, xâm nhập mặn ngày càng sâu, người nông dân thất mùa và nhiều nơi bị sạt lở. ĐBSCL có thể sẽ không còn là vựa lúa của cả nước khiến an ninh lương thực khu vực bị đe doạ.
Nguồn nước thất thường
Theo báo cáo của Uỷ hội Sông Mê Kông (MRC), mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) thời gian gần đây đang thấp hơn mức trung bình nhiều năm qua. Dự báo trong những ngày tới, mực nước tại hai trạm này vẫn duy trì ở mức thấp là 0,3 m tại Tân Châu và 0,41 m tại Châu Đốc. Đây là 2 trạm có mực nước dự báo dưới mức trung bình trong thời gian gần đây trong tổng số 22 trạm quan trắc trên sông Mê Kông trải dài từ Thái Lan đến VN.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS Dương Văn Ni tại Đại học Cần Thơ cho biết dù biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn nhưng việc tác động vào dòng chảy ở thượng nguồn mới là yếu tố nguy cơ chính làm thay đổi dòng chảy. “Thủy điện đã làm thay đổi thất thường nguồn nước theo hướng vào mùa khô, khi mình cần nước thì không có vì thuỷ điện tích nước để phát điện. Ngược lại vào mùa mưa thì các đập lại xả nước”, ông nói. Theo TS Ni, hiện tượng El Nino giai đoạn 2015 – 2016 tạo ra tác động rất khủng khiếp và sau El Nino thường có ảnh hưởng của La Nina, tạo ra mưa gió rất thất thường trong năm nay khiến nông dân chịu tác động kép từ đập thuỷ điện thượng nguồn lẫn ảnh hưởng thời tiết. “Mùa nắng năm nay có những trận mưa rất lớn khiến người trồng lúa và hoa màu chịu thiệt hại khá nhiều”, ông nói.
Sông Mê Kông kêu cứu - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Người nặng lòng với Mê Kông

Đó là thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mê Kông.
Thiệt hại nặng nề
Năm ngoái, nguồn nước biến đổi thất thường khiến đồng bằng sông Cửu Long chịu tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm qua. Theo Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ, tác động của xâm nhập mặn lên các đồng ruộng cũng giống như “đổ nước sôi lên mùa màng”. Theo cơ quan này, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến cuộc sống và an ninh lương thực đối với ít nhất 2,3 triệu người VN. Bà Huỳnh Thị Tám, một nông dân tại H.Thủ Thừa, Long An, nói rằng những năm gần đây nước mặn xâm nhập sâu hơn vào ruộng đồng trong khi lũ không còn về nữa. “Không còn lũ thì không có phù sa tràn lên ruộng, làm sao mà trồng lúa. Còn nước mặn một khi không ngăn được nó tràn vô ruộng thì coi như mấy năm nữa đất cũng chưa hết chai. Mà mấy năm tới không chừng nước mặn còn nhiều hơn”, bà than thở.
Trong khi đó, tình trạng của nông dân ở Campuchia và Lào cũng không khá hơn. Nhiều nông dân ở vùng phía nam Lào đã thiệt hại nặng trong mùa khô năm ngoái. Còn tại một số tỉnh của Campuchia, các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ nông dân tìm cách tăng năng suất lúa trong điều kiện thiếu nước hoặc chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu chịu hạn tốt hơn. Tuy nhiên, các biện pháp trên đều chưa đem lại hiệu quả lớn. Theo tờ The Diplomat, nhiều nông dân ở tỉnh Pursat của Campuchia đã bỏ cuộc và di cư đến các tỉnh khác hoặc sang Thái Lan để tìm việc làm trong nhà máy.
Phản đối nạo vét sông Mê Kông
Kênh Channel NewsAsia ngày 9.3 đưa tin các nhà bảo vệ môi trường ở Thái Lan đang phản đối dự án nạo vét sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Chiang Rai ở phía bắc nước này. Theo các chuyên gia, việc nạo vét sẽ không mang lại lợi ích nào cho người dân dù chính phủ vẫn quyết tâm tiến hành khảo sát dự án nhằm phục vụ tàu vận tải cỡ lớn. Từ năm 2001, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch nạo vét nhằm thông luồng cho các tàu hàng lớn đưa hàng từ tỉnh Vân Nam xuôi về hạ nguồn đến các cảng ở Thái Lan và Lào. Tháng 12.2016, chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch khảo sát dọc đoạn chảy qua tỉnh Chiang Rai nhằm xác định khối lượng nạo vét phục vụ cho việc thông luồng cho các tàu với tải trọng lên đến 500 tấn.
Theo nhà bảo vệ môi trường Niwat Roikeaw, việc nạo vét sẽ tác hại nặng nề đến môi trường, an ninh lương thực và đời sống người dân. Năm ngoái, một số chuyên gia Trung Quốc đã đến Thái Lan để giải thích về những lợi ích của dự án. Tuy nhiên ông Roikeaw nói rằng Trung Quốc nên hủy dự án và cần hiểu rằng “những người khác cũng cùng sống với họ” ở vùng sông Mê Kông. “Nếu không, đây sẽ là hành vi xâm phạm kinh tế các nước khác vì lợi ích riêng của họ”, ông nói. Việc nạo vét đã bắt đầu tại đoạn chảy qua Myanmar và Lào. Ông Kham Yana, một ngư dân Thái Lan, nói rằng ông đã nhìn thấy tác hại. “Dòng nước chảy xiết hơn và ít cá hơn vì những hốc đá dưới sông nơi chúng sinh sản đã không còn nữa”, ông nói.


 

Khánh An