Cùng góp trí tuệ bảo vệ nguồn nước
Cả năm tác phẩm đoạt giải bạc cuộc thi “Nước và cuộc sống” năm 2016 đều thể hiện trách nhiệm của những người trẻ trong tham gia góp sức bảo vệ và cải thiện nguồn nước đang bị ô nhiễm.
Cùng góp trí tuệ bảo vệ nguồn nước
Cả năm tác phẩm đoạt giải bạc cuộc thi “Nước và cuộc sống” năm 2016 đều thể hiện trách nhiệm của những người trẻ trong tham gia góp sức bảo vệ và cải thiện nguồn nước đang bị ô nhiễm.
Ban tổ chức cuộc thi trao năm giải bạc cho các nhóm học sinh, sinh viên đoạt giải – Ảnh: Nam Trần |
“Chế tạo nước tẩy rửa sinh học từ một số nguyên liệu thiên nhiên” là tên tác phẩm đoạt giải bạc của nhóm học sinh Hồ Thị Khuyên, Nguyễn Thị Hà, Trần Thị Hoa, Trường THPT Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Giữ cho nguồn nước không bị ô nhiễm
Trưởng nhóm Hồ Thị Khuyên cho biết mong muốn của các bạn là biến các nguyên liệu thiên nhiên phổ biến, có sẵn ở địa phương thành một loại nước tẩy rửa sinh học khắc phục được nhược điểm của chất tẩy rửa hoá học.
“Quy trình sản xuất chất tẩy rửa sinh học được nghiên cứu theo hai bước. Bước một chuẩn bị nguyên liệu tự nhiên gồm quả găng gai, quả khế chua, vỏ cam quýt và nước biển. Các nguyên liệu được phơi khô và nghiền nát thành bột.
Bước hai, theo công thức đã thành công, pha 5 gam bột quả găng gai, 10 gam bột vỏ quýt khô, 8 gam bột vỏ khế khô và 1 lít nước biển. Đem trộn các nguyên liệu này với nhau đun ở nhiệt độ cao và tính từ thời điểm sôi cho đến lúc tắt bếp là 5-7 phút, trong quá trình đun cần được khuấy đều” – Khuyên cho biết.
Sau quá trình này sẽ tạo ra chất tẩy rửa sinh học có thể làm sạch các chất bẩn bám trên các vật dụng gia đình một cách nhanh chóng, da tay người sử dụng luôn mềm.
“Để biết chất này có gây hại cho môi trường hay không, chúng tôi thử nghiệm bằng cách cho vào cây khoai lang và bể cá cảnh ở nhà. Theo dõi sau hai tuần thì cây khoai lang sinh trưởng rất tốt, cá cảnh vẫn sinh trưởng và phát triển tốt” – Khuyên nói.
Cùng đoạt giải bạc, nhóm học sinh Mai Thành Đô, Đặng Văn Dũng, lớp 11A11 Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh), lại hướng đến việc giúp người dân có sản phẩm lọc nước sinh hoạt.
Theo bạn Mai Thành Đô, từ thực tế thôn Bắc Sơn, xã Phù Lưu là một địa phương nghèo của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), địa hình thấp trũng gần biển nên nguồn nước vốn đã nhiễm phèn rất lớn, chưa kể vào mùa lũ nước lên ngập ruộng vườn, nhà cửa thì việc sử dụng nguồn nước sạch là điều vô cùng xa xỉ với người dân ở đây.
Vì vậy, nhóm sử dụng những vật dụng đơn giản để nghiên cứu gồm một chiếc thùng nhựa cỡ lớn, một thùng nhựa cỡ vừa, hệ thống ống nhựa dẫn nước, kèm theo là các vật liệu đá sỏi, than hoa, cát, vỏ trấu để chế “bình lọc nước mini thân thiện với môi trường, dùng cho hộ gia đình nông thôn”.
Các vật liệu được sắp xếp theo thứ tự, lớp dưới cùng là sỏi, tạo khoảng trống để thu gom nước. Tiếp theo là lớp than hoa. Trên cùng là lớp cát vàng. Với các vật liệu kể trên, qua nghiên cứu nhóm khẳng định các lớp có thể lọc được vi sinh vật và tiêu hoá bớt độc tố trong nước.
Cách sử dụng: mở hệ thống cung cấp nước, nước sẽ chảy vào thùng lọc và chảy ra ngoài qua van xả vào thùng chứa. Khi đã đạt được mực nước lọc theo mong muốn thì đóng hệ thống cấp nước và van xả lại.
“Điểm nổi bật của sản phẩm là rẻ tiền, có thể tận dụng được nguồn nguyên vật liệu tại địa phương và rất cần vào mùa mưa lũ” – bạn Đô cho hay.
Cải thiện nguồn nước ô nhiễm
Theo sinh viên Nguyễn Trung Hiệp, Trường đại học Nông lâm TP.HCM, tác giả đoạt giải bạc với đề tài “Mô hình thảm sinh thái nổi tích hợp xử lý ô nhiễm nguồn nước”, ô nhiễm nước đang là vấn đề thời sự, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Làm thế nào để đạt được những tiêu chí xử lý nguồn nước ô nhiễm mà chi phí rẻ, dễ vận hành, Hiệp cho biết qua vốn kiến thức tích luỹ từ thực tiễn, cộng với sự tìm hiểu từ các công trình nghiên cứu, bạn đề xuất ý tưởng ứng dụng kỹ thuật sinh thái “mô hình thảm sinh thái nổi tích hợp xử lý ô nhiễm nguồn nước”.
Để thực hiện phải thiết kế mô hình gồm: thảm sinh thái nổi tích hợp được thiết kế như những “trạm modul xử lý”, đặt nổi trên bề mặt của hệ thống kênh rạch bị ô nhiễm. Đây là một quần thể thực vật + vi sinh vật nhân tạo, được tạo ra để loại bỏ các chất dinh dưỡng dư thừa và các chất gây ô nhiễm khác trong kênh rạch bị ô nhiễm bởi nước thải.
Việc lựa chọn loại thực phẩm là những loại cây địa phương và khu vực lân cận nhằm đảm bảo sự thích nghi. Qua khảo sát thực địa về kế thừa các kết quả nghiên cứu trước, Nguyễn Trung Hiệp lựa chọn ba loại thực vật: hoa chuối, thuỷ trúc và cỏ vetiver.
Đây là các loài thực vật giống bản địa có khả năng thích nghi tốt và không phải các loài xâm hại, có khả năng xử lý ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng theo nhiều nghiên cứu.
Khi sử dụng các hệ sinh thái nổi tích hợp như những trạm modul trong xử lý nước thải có ưu điểm là tạo nên một quá trình ổn định, tương đối bền vững để phân huỷ các chất hữu cơ ngay trong lòng nguồn nước được xử lý.
Tương tự, cho phép thực hiện việc xử lý nước thải mà không cần thay đổi hoặc cải tạo cấu trúc hệ thống kênh rạch dẫn thoát nước thải hoặc công trình xử lý riêng.
Cùng đoạt giải bạc cuộc thi “Nước và cuộc sống” năm 2016 do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – môi trường phối hợp với Công ty Coca – Cola VN tổ chức, còn có sản phẩm “Hệ thống thu gom rác kết hợp với thuyền ngư dân” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hạnh Duyên, Nguyễn Văn Tùng, Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) và công trình nghiên cứu khoa học “Ứng dụng công nghệ tự động hoá cho hệ thống xử lý nước bằng vật liệu keo tụ mới PG21Ca” của nhóm nghiên cứu Nguyễn Duy Hùng, Lê Nguyễn Ngọc Vinh, sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng. |