Học trò là tài sản quý của tôi
40 năm nghiên cứu về cây thuốc Việt Nam, giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng đã kịp “trồng” được mấy mươi đồng sự cùng đam mê, kiên trì tiếp tục công việc ý nghĩa cho cộng đồng và khoa học.
Học trò là tài sản quý của tôi
40 năm nghiên cứu về cây thuốc Việt Nam, giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng đã kịp “trồng” được mấy mươi đồng sự cùng đam mê, kiên trì tiếp tục công việc ý nghĩa cho cộng đồng và khoa học.
GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng (thứ 4 từ trái qua) và các học trò nữ của mình – Ảnh: TƯỜNG HÂN |
Trên chiếc xe máy cà tàng đến trường mỗi sáng, giáo sư Nguyễn Kim Phi Phụng (62 tuổi, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM) thường diện váy hồng hoặc xanh da trời nhàn nhạt, cài kẹp tím, đeo kính màu hồng cánh sen.
Đi qua 40 mùa khai khoá, bà vẫn “xì tin”, sôi nổi chọc phá đám học trò giờ đã là trưởng khoa, phó giáo sư, tiến sĩ.
Đừng viết về bà già này!
“Thôi đừng viết về bà già này, viết về học trò tui đi! Lăngxê đám trẻ, “bơm hơi” cho tụi nó. Tui già hết xí quách rồi, cần chi lên báo” – cô “chuyền banh” về hướng học trò. Nhưng các học trò thuyết phục, vị nữ giáo sư mới chấp nhận cuộc trò chuyện với điều kiện nói thêm về khó khăn, tâm tư và kế hoạch của những nhà khoa học trẻ.
Niềm vui công việc là khi không còn nghĩ tới mình mà nghĩ tới học trò, làm sao để thúc các em bước xa hơn trên con đường học vấn, nghiên cứu. Trên chặng đường đó, thầy trò kề vai sát cánh là đủ vui.” |
GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng |
Cô hào hứng giới thiệu “đại đệ tử” – TS Dương Thúc Huy (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM) đang đi những bước đầu tiên trên con đường ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế. Anh Huy cho biết đang đề xuất Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Thuận (quê anh) hỗ trợ kinh phí cho đề tài sản xuất thực phẩm chức năng từ loại địa y có khả năng trị bệnh gout.
Quá trình đàm phán hãy còn 50-50, nhưng anh cho rằng đã đến lúc thử mang kết quả trong phòng thí nghiệm ra thực tế để phục vụ cộng đồng.
Tiếp lời học trò, giáo sư Phụng nói: “Từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, từ ống nghiệm đến viên thuốc còn phải trải qua 4-5 bước nữa, mỗi giai đoạn đều cần công sức, tiền bạc và tiềm ẩn rủi ro. Để sản xuất thành công viên thuốc trị ung thư giống như hoạt chất trong cây thông đỏ (phân bố ở Lâm Đồng), Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) phải mất 10 năm với rất nhiều đầu tư. Trong điều kiện Việt Nam, quá trình đó còn gian nan hơn nhiều”.
Giới thiệu học trò trẻ hơn, giáo sư Phụng chỉ qua anh Lưu Huỳnh Vạn Long, giảng viên ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), đang làm nghiên cứu sinh và ôm ấp một dự án giáo dục ý nghĩa. “Mình và một số giáo viên có kế hoạch thành lập nhóm giảng dạy trực tuyến miễn phí về các chương trình hoá học phổ thông. Quê mình ngày xưa đã nghèo, giờ có nơi còn khó khăn hơn. Mình có điều kiện về tri thức nên muốn chia sẻ với các em học sinh” – anh Long nói.
Khi đã lãnh đủ bằng khen, huân chương lao động, danh hiệu nhà giáo ưu tú, chiến sĩ thi đua, giáo sư Phụng cho rằng: “Dạy ở trường là xác định nghèo. Khi không thể trông đợi vào vật chất, người ta nên tận hưởng giá trị tinh thần. Những giải thưởng như là sự tưởng thưởng về mặt tinh thần. Tuy nhiên, tài sản quý nhất của tôi là học trò và những bài báo quốc tế. Ở vị trí của mình, tôi cho rằng đã làm tròn nhiệm vụ là đào tạo những con người tài năng, thành đạt, dễ thương, đóng góp các công trình nghiên cứu cơ bản, góp phần nâng cao chỉ số chất lượng của ĐHQG”.
Suốt buổi họp mặt, nữ giáo sư đều cho rằng công lao trong giải thưởng lần này thuộc về học trò. Công việc hướng dẫn nghiên cứu sinh đối với cô “nhẹ nhàng, sung sướng, chỉ tay năm ngón”. Cô tự nhận mình chỉ là nhạc trưởng già trong một dàn nhạc lớn.
Cô là chủ nợ
Khi đã ở cuối đoạn đường đời và nghề, nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Phi Phụng vẫn “chạy” bền bỉ cùng học trò qua từng bài giảng, công trình nghiên cứu về cây thuốc. Tự nhận mình lành nhưng không hiền, nữ giáo sư càng thương càng rầy la, dữ dằn với học trò, bất kể sinh viên hay phó giáo sư đều “ăn chửi” nếu phạm sai lầm ngớ ngẩn.
“Hồi còn trẻ tôi hay la, hay khó với tụi nhỏ. Giờ đỡ rồi, các em lớn nên tự giác nghiên cứu, mình chỉ giúp các em hình dung lộ trình, theo dõi và nhắc nhở khi các em xao nhãng” – vừa nói cô Phụng vừa sửa khoá luận tốt nghiệp của sinh viên. Giữ nguyên vẻ nghiêm khắc, nữ giáo sư bắt đầu cằn nhằn, hù dọa, mắng yêu học trò khiến cả phòng thí nghiệm rộn ràng, thân thương như một góc gia đình.
Chỉ qua một học viên cao học, giáo sư Phụng bực mình vì học trò rề rà học tiếng Anh. Mỗi lần gặp, cô đều đòi nợ: TOEFL tới đâu rồi, hồ sơ lý lịch, bài luận đã xong chưa? Cô thẳng thắn nói: “Đứa nào giỏi, mình muốn nó làm hồ sơ nhanh cho tụi nó đi học và nghiên cứu ở nước ngoài. Các giáo sư ở Đài Loan, Thái Lan có rất nhiều suất học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam”.
Cơ hội có thể đến bất kỳ lúc nào nên phải chuẩn bị tốt. Cô Phụng bằng mọi cách ép buộc, chiêu dụ, la rầy để học trò phấn đấu đạt chuẩn tiếng Anh, rèn luyện phương pháp thực nghiệm, trình bày, báo cáo theo chuẩn quốc tế và đặc biệt là đức tính trung thực trong khoa học.
Tiến sĩ Võ Thị Ngà – trưởng khoa công nghệ hóa học và thực phẩm ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – chia sẻ: “Khi đã là giảng viên, mình mới hiểu hết sự đầu tư của cô. Cho rất nhiều đề, chấm điểm, nhận xét, vào sổ điểm chỉ với mục tiêu đánh giá đúng sinh viên suốt quá trình học tập. Những lời động viên, phê bình cụ thể như em giỏi quá, ý tưởng hay tạo hứng thú học tập cũng như giúp sinh viên biết phải cải thiện ở đâu. Điều đó ý nghĩa hơn là con số vô hồn để kết thúc môn”.
1 tập thể và 1 cá nhân được trao giải thưởng Kovalevskaia 2016 Lễ trao thưởng được tổ chức cùng chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam diễn ra tối nay 7-3 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Giải thưởng được trao cho 1 tập thể và 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 sẽ trao cho “Tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng – giảng viên khoa hóa học ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM”. Tập thể nữ khoa học nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano gồm 5 thành viên. Các nhà khoa học này đã thực hiện thành công 12 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ, 8 đề tài cấp viện, 6 đề tài cấp quốc gia Nafosted, là tác giả và đồng tác giả của 636 bài viết khoa học, trong đó có 120 bài đăng trên tạp chí quốc tế và có trong danh mục ISI. Các chị là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hoá ướt để chế tạo, sản xuất ra các loại bột kích thước nanomet (nm). Đó là bột phát quang kích thước vài nanomet, nano tinh thể các chất bán dẫn nhóm II-VI (và dạng hợp kim của chúng) kích thước nanomet (còn được gọi là các chấm lượng tử), các hạt nano tinh thể TiO2, ZnO. Các chị đã nghiên cứu tính chất cấu trúc, tính chất quang và ứng dụng của các loại hạt nano tinh thể này. GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng đã tham gia 11 đề tài cấp quốc gia và quốc tế, 1 đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, 1 đề tài của Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM và 1 đề tài Nafosted, công bố 144 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành hóa, viết và xuất bản 7 sách giáo trình phục vụ giảng dạy ĐH và sau ĐH của ĐH Khoa học tự nhiên. Giáo sư Phụng đã nghiên cứu 53 loại cây và phát hiện nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú… Các công trình này đã đóng góp vào kho tàng tri thức về cây thuốc Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, góp phần định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này. |