10/01/2025

Dễ bị ô nhiễm thuốc diệt cỏ

Mới đây, 60 học sinh ở Trà Vinh bị nôn ói, ngộ độc sau khi hít phải thuốc diệt cỏ theo gió (cách trường 60m) bay vào lớp học. Điều này cho thấy rất dễ bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực nông thôn.

 

Dễ bị ô nhiễm thuốc diệt cỏ

 Mới đây, 60 học sinh ở Trà Vinh bị nôn ói, ngộ độc sau khi hít phải thuốc diệt cỏ theo gió (cách trường 60m) bay vào lớp học. Điều này cho thấy rất dễ bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật ở khu vực nông thôn.

 

 

 

Dễ bị ô nhiễm thuốc diệt cỏ
Nhiều người dân miền Tây vẫn còn thói quen sử dụng nước sông trong sinh hoạt – Ảnh: Hoài Thương

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí khá nặng nề ở khu vực nông thôn. Các dòng sông, kênh mương, đất ở ĐBSCL lâu nay hứng trọn thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thậm chí cả heo, gà chết đổ xuống. Trong khi nhiều nơi ở khu vực ĐBSCL, người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ kênh rạch cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Liên tiếp ngộ độc thuốc diệt cỏ

Bác sĩ CK II Hà Anh Tuấn – trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ – cho biết đã có những ca ngộ độc nặng ở trẻ em do ô nhiễm nguồn nước.

Không chỉ trường hợp 60 em học sinh lớp 6 nói trên, mới đây có cháu U.N.V.K. (13 tuổi, ở An Lạc Tây, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) bị nôn ói, đau bụng, tay chân lạnh ngắt, khò khè, tím người.

Cháu K. được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương, chẩn đoán bị suy hô hấp cấp chưa rõ nguyên nhân, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Tại đây, qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết trước đó cháu K. có uống nước từ con kênh gần nhà. Cách dòng kênh không xa có trồng bắp cải, khổ qua và xà lách…

Trước đó chủ vườn đã xịt thuốc trừ sâu khá nhiều, từ đó thuốc theo xuống dòng nước gây ngộ độc tức thì cho người sử dụng.

Qua các xét nghiệm cộng kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu K. bị ngộ độc thuốc trừ sâu gốc photpho hữu cơ.

Sau đó bệnh nhi này được chỉ định dùng phác đồ ngộ độc cấp, súc rửa dạ dày, truyền dịch thải độc và thở máy. Liên tục 4 ngày xử trí tích cực, cháu K. mới hồi phục.

Bệnh từ nước mà ra

Theo thống kê từ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, từ năm 2015 – 2016, trên địa bàn xã Long Khánh có 118 người mắc bệnh ung thư các loại trong khi toàn xã chỉ có hơn 3.300 hộ dân.

Theo nhiều báo cáo và nhận định từ các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm nước và đất ở khu vực nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp đang rất đáng báo động.

Ngoài các loại thuốc, hoá chất bảo vệ thực vật thải trôi xuống và tích tụ lại, phần lớn các chất thải của con người và gia súc cũng không được xử lý đúng nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn cho rằng khi người dân vẫn sử dụng trực tiếp nguồn nước sông để sinh hoạt như tắm giặt, nấu ăn là điều rất đáng lo vì nguồn nước ô nhiễm sẽ phát sinh các bệnh do nước mà ra.

Cụ thể các kim loại nặng như chì, asen, thuỷ ngân tăng cao trong nguồn nước bị ô nhiễm, có thể tích tụ trong tôm cá nuôi, khi ăn một số lượng lớn có thể gây ngộ độc. Sự tích luỹ kim loại nặng lâu dài cũng gây thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi và dễ mắc ung thư.

Chất hữu cơ tổng hợp có trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, kháng sinh trong chăn nuôi… Các chất này thường độc và có độ bền sinh học khá cao nên khó bị phân huỷ. Chẳng hạn như thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ, thường gặp khi bị ngộ độc sẽ gây nôn mửa, tiêu chảy, chậm nhịp tim, hạ huyết áp.

Còn ngộ độc thuốc trừ cỏ gốc paraquat gây nôn ói nhiều, ói máu, tổn thương tim, phổi, gan, thận nặng và tử vong.

Các chất thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản như xác cá chết, thức ăn thừa, chất tăng trọng, kháng sinh và phân cá thải trực tiếp ra môi trường sẽ làm ô nhiễm môi trường nước, tăng nguy cơ lây lan nhiều dịch bệnh như dịch cúm gia cầm. Các vi sinh vật lạ trong nguồn nước bị ô nhiễm gây các bệnh đường tiêu hóa như viêm ruột cấp, thương hàn, lỵ.

Nguồn nước ô nhiễm cũng khiến người sử dụng nhiễm các loại ký sinh trùng gây thiếu máu, ăn uống kém, mệt mỏi. Rất nhiều nguy cơ, mà theo bác sĩ Tuấn, các ngành chức năng cần có những khảo sát và nghiên cứu quy mô để cảnh báo nhiều hơn nữa.

Xử lý ra sao?

Tiến sĩ Dương Văn Ni, khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên thuộc Trường đại học Cần Thơ, cho rằng nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước do các loại thuốc, hóa chất dùng trong nông nghiệp ở vùng ĐBSCL đã được đơn vị này cảnh báo từ 10 năm trước và giờ tình trạng ô nhiễm đang hiện hữu ở mức khá trầm trọng.

Trong nghiên cứu từ cách đây 10 năm, về dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất ở các khu vực nông nghiệp có đê bao khép kín (ở 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) cao hơn từ 3-5 lần so với nơi không có đê bao.

Sau đó, khoa đã kết hợp với nhiều nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học của các nước, làm cuộc khảo sát và phân tích ở 530 điểm kéo dài từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đến hạ nguồn là khu vực ĐBSCL.

Kết quả cho thấy nguyên nhân ô nhiễm chất hoá học trong đất, nước ở lưu vực hạ nguồn Mekong ĐBSCL là do nguyên nhân tại chỗ chứ không phải từ thượng nguồn đổ về.

Theo ông Ni, nhà nước cần siết chặt việc nhập khẩu và phân phối các loại độc chất hoá học như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, người dân cũng cần thay đổi thói quen phun xịt và sử dụng hoá chất trong nông nghiệp…

Thạc sĩ Nguyễn Văn Việt – trưởng khoa sức khỏe môi trường và sức khoẻ trường học thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ – nói: “Chúng tôi có tổ chức đi lấy mẫu nước ở các điểm cấp nước và phát tờ rơi vận động hướng dẫn người dân dùng nước sạch. Ngoài ra chúng tôi có hướng dẫn cách làm sạch, khử trùng nước trực tiếp qua những đợt đi định kỳ. 

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ gia đình ở nông thôn phải sử dụng nguồn nước mặt từ các kênh rạch, mà kênh rạch hiện nay đúng là đang bị ô nhiễm từ các loại thuốc và hoá chất dùng trong nông nghiệp, chăn nuôi…tồn lưu.

Về mặt y tế, chúng tôi khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng trực tiếp nguồn nước này, nếu dùng sinh hoạt thì phải lắng lọc, khử trùng bằng cloramin B, nấu chín… để hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh do các vi sinh vật”.

Dễ bị ô nhiễm thuốc diệt cỏ
Người dân phun thuốc trừ sâu ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) – Ảnh: T.Luỹ

Chúng ta đã hình thành thói quen nuôi trồng, chế biến, sản xuất nông nghiệp dựa vào hóa chất bảo vệ thực vật quá nhiều năm. Trồng cây gì cũng lạm dụng bón phân, phun thuốc, diệt dỏ, diệt sâu bệnh.

Thói quen đó làm tích tụ độc chất trong đất và nước của vùng đất chúng ta sống, theo nghiên cứu của chúng tôi có đến 21 độc chất hoá học có trong đất, nhiều nhất là nhóm độc DDT. Nguy hiểm hơn là các loại chất độc này có loại tích tụ trong đất đến 15 năm.

Giờ đây các loại độc chất này ít bị rửa trôi do vùng chúng ta đang đối diện nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Không còn cảnh những mùa nước tràn đồng, ngập mênh mông như trước nữa khiến nguy cơ đất ô nhiễm càng nặng nề.

Nguồn đất và nước ô nhiễm này ngoài nguy cơ gây ngộ độc tại chỗ, lâu dài hơn là ảnh hưởng đến cả sự phát triển của nhiều thế hệ do các căn bệnh nan y.

Tiến sĩ Dương Văn Ni

“Nếu đủ điều kiện thì người dân nên sử dụng nước máy, nếu có sử dụng cây nước thì cây nước đó phải có địa chỉ, phải được kiểm nghiệm. Nguồn nước ở dưới kênh, sông rất dơ do phân heo, phân chuồng thải ra, thêm nữa là thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun xịt sẽ trôi xuống nguồn nước không được kiểm nghiệm”

Bác sĩ Trần Thanh Thảo (giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang)

 
T.LUỸ – H.THƯƠNG