10/01/2025

Chúa nhật I Mùa Chay A – 2017: Các cơn cám dỗ chối bỏ ơn Chúa

Mùa Chay này, ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta suy niệm chủ đề: “Lời Chúa là hồng ân, tha nhân là hồng ân”. Ngài muốn chúng ta nhận ra ân sủng của Chúa trong đời sống thường ngày để ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc.

Các cơn cám dỗ chối bỏ ơn Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta bắt đầu Mùa Chay thánh 2017, bắt đầu một cuộc hoán cải để tìm về và gắn bó với Đức Giêsu Phục Sinh, nguồn của niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ. Mùa Chay này, ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta suy niệm chủ đề: “Lời Chúa là hồng ân, tha nhân là hồng ân”. Ngài muốn chúng ta nhận ra ân sủng của Chúa trong đời sống thường ngày để ta cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc.

Nhưng thực tế đời sống lại cho chúng ta kinh nghiệm này là chúng ta đang bị cám dỗ để chối bỏ ơn Chúa nên ta mất bình an và niềm vui. Vì thế chúng ta muốn dành ít phút để tìm hiểu về những cơn cám dỗ đó.

1.     Ước vọng Mùa Chay

Tất cả chúng ta ở đây, tùy theo tuổi tác già hay trẻ, có lẽ đã trải qua nhiều Mùa Chay. Mỗi mùa đều kêu gọi chúng ta ăn năn sám hồi, thay đổi đời sống, gắn bó với Chúa Giêsu. Rồi chúng ta thấy Mùa Chay qua đi sau một vài cố gắng như xưng tội, rước lễ, tham dự các nghi thức phụng vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, nhưng kết quả không thấy mình thay đổi bao nhiêu. Chúng ta vẫn thấy mình nhỏ bé, tầm thường, yếu đuối, buồn vui lẫn lộn, vẫn thu mình trong nếp sống quen thuộc, vẫn ngại ngùng không dám dấn thân và nhiều khi không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta mong muốn có một cuộc thay đổi tích cực, mãnh liệt, nhanh chóng giống như thánh Phaolô trên đường đi Damas. Chúng ta phải làm gì?

Câu trả lời của Giáo Hội luôn luôn là: ta phải gặp được Chúa Giêsu. Bất cứ ai gặp được Đức Giêsu đều được Người chữa lành như những người mù què câm điếc thời Chúa Giêsu, được biến đổi như Mađalena, Matthêu, đều nhận được niềm vui và bình an như Giakêu, Nicôđêmô, được sống lại như Lazarô, con trai bà goá thành Naim. Những người đánh cá tầm thường, ít học lại trở nên mạnh mẽ, khôn ngoan, phi thường và có những khả năng kỳ diệu để chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại như Phaolô, Phêrô và các tông đồ xưa cũng như nay.

Quả thật, đức tin là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa một Thiên Chúa cụ thể là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người và một con người cụ thể là từng người chúng ta với tất cả những nét riêng biệt và hoàn cảnh độc đáo của ta. Nhiều người chúng ta tự xưng mình là tín hữu, là người có đức tin, nhưng thật ra lại chưa gặp được Đức Giêsu nên chưa hoàn thành đức tin của mình. Muốn thay đổi thật sự con người mình, tất cả và từng người phải gặp được Chúa Giêsu.

2.     Chủ đề Mùa Chay 2017

Chính trong ý hướng muốn giúp chúng ta gặp được Đức Giêsu, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu chủ đề Mùa Chay năm nay: “Lời Chúa là hồng ân, tha nhân là hồng ân”. Kèm theo đó ngài mời gọi chúng ta đọc lại dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Lazarô” (x. Lc 16,19-31) để khám phá ra hồng ân của Chúa trong đời sống. Nhưng chúng ta cần chú ý 2 điểm trong tựa đề này.

Điểm thứ nhất: Khi nói “Lời Chúa là hồng ân”, nhiều người chúng ta thường nghĩ ngay Lời Chúa là những chữ viết hay câu nói của Thiên Chúa trong cuốn Kinh Thánh hay của Chúa Giêsu trong cuốn Phúc Âm hoặc nghĩ đến những tín điều, những bài giáo lý ta phải tin, phải sống. Vì hiểu Lời Chúa theo nghĩa đó nên đời sống ta chưa có thể thay đổi sâu xa được.

Lời Chúa ở đây phải hiểu là một con người sống động, là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, là Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Người là hồng ân cao cả nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta để khi ta gặp được Người và mở lòng ra để đón nhận Người, thì chúng ta nhận được nguồn vui, hạnh phúc, ơn cứu độ và sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa. Lúc đó ta mới thấy đức tin là cuộc gặp gỡ tuyệt vời như thế nào.

Điểm thứ hai: Trong câu “tha nhân là hồng ân”, tha nhân không phải là một con người trừu tượng, mơ hồ nào đó, nhưng là một người cụ thể, rõ rệt mà ta đang sống với. Đó là người chồng, người vợ, con cái, cha mẹ đang sống trong gia đình, là bạn học trong trường, bạn đồng nghiệp trong công ty, nhà máy, là bạn hàng ở chợ, là người đi cùng ta trong chuyến xe hay bất cứ ai ta gặp trên đường đời. Họ không phải là người xa lạ nhưng là anh chị em của ta trong đại gia đình Thiên Chúa. Vì thế họ chính là hồng ân Chúa gửi đến cho ta. Nếu ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu trong họ, họ sẽ giúp ta biến đổi và cảm nghiệm được niềm vui và ơn cứu độ của Chúa dành cho ta.

3.     Áp dụng vào Chúa nhật I Mùa Chay năm nay

Bài đọc I (x. St 2,7-9; 3,1-7) và bài Tin Mừng (x. Mt 4, 1-11) kể lại việc ông bà nguyên tổ và Đức Giêsu chịu cám dỗ như gợi ý về đời sống trần thế của chúng ta với nhiều cơn cám dỗ và thử thách có thể làm chúng ta đánh mất ơn Chúa và làm mất niềm vui và sự sống phi thường. Nhưng nếu chúng ta biết nhận ra những ơn lành của Chúa trong mọi biến cố đời sống để chống lại các cơn cám dỗ như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm nhận được ơn cứu độ và bình an, ngay cả trong những lúc đau thương khốn khổ nhất như Chúa Giêsu trên thập giá.

Trong đời sống thường ngày, hầu như chúng ta ít nhận ra ơn Chúa ban mà chỉ thấy những cố gắng vất vả của con người. Mỗi ngày ta ăn uống, học hành, làm việc nhưng chỉ thấy con người. Chúng ta bỏ tiền vài chục ngàn đồng mua ký gạo, miếng thịt, mớ rau hay vài trăm ngàn đồng mua quần áo, đồ dùng và nghĩ rằng đồng tiền mình làm ra có thể mua được tất cả những thứ đó. Chúng ta quên rằng nếu không có ánh sáng mặt trời, mưa gió thuận hoà thì không thể có những thứ lương thực ta cần. Tất cả vũ trụ này được tạo dựng nhờ Lời Chúa phán, nhờ Đức Giêsu là Ngôi Lời đã làm người. Vì thế Lời của Chúa hiện diện trong từng giọt nắng, giọt mưa, trong từng ngọn gió, ngọn cỏ quanh ta. Khi ta hưởng dùng những thứ đó ta có cảm nhận được “Lời Chúa là ân sủng” hay không?

Hơn nữa, nồi cơm ta ăn kia đâu phải tự tay ta trồng lúa mà phải nhờ những người nông dân một nắng hai sương. Bát cơm ta ăn có thể còn thấm cả máu đào của người nông dân ở Việt nam, ở Myanmar vì một trái mìn còn sót lại trong đồng ruộng. Chiếc áo ta mang không phải chỉ tính bằng đồng tiền ta kiếm được ở chợ đời mà có khi còn thấm cả máu thịt của cô công nhân dệt vải ca 3 vì mệt quá nên máy dệt đã cắt đứt bàn tay cô.  Con cá ta ăn có khi phải đổi bằng cả mạng sống của người ngư phủ trong cơn bão bất ngờ ngoài biển cả. Tôi đã làm công nhân ngành in 21 năm ở Liên hiệp Khoa học Sản xuất In, gọi tắt là LIKSIN. Tôi đã thấy một em công nhân chạy máy offset chỉ vì nghèo nên lấy chiếc áo mà người ta đã cắt đứt hết cúc để làm giẻ lau máy in và mặc vào người. Khi máy chạy, ống lô mực đã cuốn em vào do vạt áo lòng thòng và trong tích tắc em bị cán nát như một con khô mực trong bàn cán của người bán hàng rong. Cuốn sách, tờ báo ta đọc có thể nhuốm cả máu của người công nhân nghèo khổ. Tha nhân đúng là hồng ân cần được ta mở lòng cảm nghiệm trong đời sống hằng ngày.

Những cơn cám dỗ vì đói khát tiền của vật chất, vì tham lam sức mạnh hay quyền lực như những cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa có thể làm chúng ta chỉ nghĩ đến mình, chỉ biết có mình mà quên mất tha nhân hoặc đánh mất lòng tin vào Thiên Chúa để tôn thờ và làm nô lệ cho những Thần Tài, Thần Sức Mạnh, Thần Sắc Đẹp, Thần Khoa Học… Chúng ta rất cần nhìn lại mình trong Mùa Chay này để khám phá ra rằng “Lời Chúa là hồng ân, tha nhân là hồng ân”.

Lời kết

Chúng ta hãy dâng tất cả những cố gắng của chúng ta và anh chị em tín hữu trong Mùa Chay này để xin Chúa cho mỗi người chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Người sẽ biến đổi ta trở thành hiện thân của Người cho thế giới hôm nay.