09/01/2025

Kiến nghị dừng xuất khẩu cát

Từ loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ, các nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng tạm dừng xuất khẩu cát để rà soát, đánh giá lại chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng lạch.

 

Kiến nghị dừng xuất khẩu cát

Từ loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ, các nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng tạm dừng xuất khẩu cát để rà soát, đánh giá lại chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng lạch. 

 

 

 

Kiến nghị dừng xuất khẩu cát
Nhiều tàu nước ngoài đến Phú Quốc chở cát đi Singapore – Ảnh: V.Tr.

Dự án nào “lách luật” để khai thác cát xuất khẩu phải kiên quyết thu hồi.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển):

Kiến nghị dừng xuất khẩu cát
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Ảnh: V.TRƯỜNG

Tác động xấu tới 
môi trường

Theo tôi, có ba vấn đề cần làm rõ. Một là, liệu rằng nguồn thu từ xuất khẩu cát có đóng một vai trò quan trọng về kinh tế hay không? Nó có làm thay đổi mang tính đột phá nào về kinh tế hiện nay?

Hai là, liệu nó có làm môi trường tốt lên hay làm hủy hoại nguồn tài nguyên? Và thứ ba là khai thác ở đâu, chỗ nào sẽ không gây tác động tiêu cực?

Biển cũng giống như các hệ thống tự nhiên khác, nó là một thực thể hoàn chỉnh. Cho nên khai thác cát biển là đụng vào một trong những hợp phần của môi trường tự nhiên biển và cũng là đụng vào một trong những nguồn tài nguyên của biển.

Tài nguyên ở đây không chỉ là khoáng sản mà còn là một hệ sinh thái cùng với cát, là nơi cư trú tự nhiên của nhiều loài.

Quan trọng hơn, nó là yếu tố để bảo vệ các vùng bờ biển khỏi xói lở, sụt lún. Với góc nhìn như thế, tôi cho rằng khai thác ít hay nhiều chắc chắn đều có tác động xấu.

Nước ta là nước nhiệt đới ẩm nên có nhiều cát. Vùng cửa sông bao giờ cũng nhiều cát. Đã gọi châu thổ thì tiến ra biển mới gọi châu thổ. Nếu châu thổ mà lùi vào trong thì bản chất châu thổ sẽ bị mất.

Chức năng tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng rất quan trọng đối với lãnh thổ Việt Nam bằng việc có tiến được ra biển hay không, có mở rộng bờ cõi hay không. Đây là giá trị về đất, về lãnh thổ rất quan trọng nhưng nhiều người không để ý.

Người ta hay đổ lỗi khi bờ sông, bờ biển sạt lở là do biến đổi khí hậu. Nhưng thực ra đó là hậu quả của việc chính mình đang làm.

Đó là việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, cát mất cân bằng. Kết cấu của cát là bời rời chứ không kết dính. Nếu chúng ta cứ hút cát lên mà không tính toán thì sẽ xảy ra hai hiện tượng cơ học là sụt lún và xói lở theo chiều ngang.

Singapore mua cát để mở rộng đất đai, chúng ta lại bán đi là điều mâu thuẫn. Chúng ta xuất khẩu cát được một số năm rồi, tôi kiến nghị nên tạm dừng.

Chính phủ, các địa phương, các ngành có liên quan nên ngồi lại đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và tài nguyên. Đây là điều rất quan trọng.

ThS Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia sinh thái ĐBSCL):

Kiến nghị dừng xuất khẩu cát
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – Ảnh: V.TRƯỜNG

Phải tính đến cát, sỏi không còn về ĐBSCL

Vai trò của cát nên được nhìn nhận đầy đủ. Cát không chỉ là vật liệu san lấp thông thường mà cát còn có vai trò sinh thái và nhất là ổn định bờ sông, bờ biển. Một khi thiếu hụt cát thì nhất thiết sạt lở sẽ diễn ra, dẫn đến thu nhỏ lãnh thổ.

Ở góc độ này, cát không phải là một tài nguyên đơn thuần có thể bán đi dễ dàng mà phải nhận thức rằng cát có vai trò ổn định lãnh thổ quốc gia.

Hơn nữa, cát rất cần cho nhu cầu xây dựng, phát triển trong nước về lâu về dài và cần phải được gìn giữ, tiết kiệm.

Hơn 50% chiều dài bờ biển 700km của ĐBSCL đã bị sạt lở. Báo cáo của các cơ quan chuyên môn có uy tín cho biết trong khoảng năm 2003-2012, vùng bờ biển bùn từ Bạc Liêu trở xuống qua Kiên Giang nhiều nơi bị sạt lở với tốc độ hơn 50m/năm, đặc biệt là đoạn 180km phía Biển Đông.

Ở Biển Tây sóng ít dữ dội hơn nhưng khoảng 60% bờ biển phía tây cũng bị sạt lở. Tính trung bình trong khoảng thời gian này, ĐBSCL mất khoảng 5km2đất mỗi năm do sạt lở.

Sắp tới khi có 11 đập thủy điện chắn ngang sông Mekong ở Lào và Campuchia thì theo dự báo, toàn bộ 100% lượng vật liệu di chuyển ở đáy sông, tức là cát, sỏi, sẽ không còn về được ĐBSCL.

Việc thiếu hụt cát do bị thuỷ điện chắn lại và do khai thác cát sẽ dẫn đến việc sạt lở bờ biển. Việc khai thác cát bán đi nơi khác sẽ tạo nên sự mất cân bằng về cát. Một khi mất cân bằng thì tất yếu sạt lở sẽ diễn ra, dẫn đến thu hẹp lãnh thổ.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM):

Kiến nghị dừng xuất khẩu cát
Luật sư Bùi Quang Nghiêm – Ảnh: H.DIỆP

Đừng đổ cho 
biến đổi khí hậu

Qua loạt bài điều tra “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài”, tôi thấy thực tế đây không phải là nạo vét luồng tuyến tận thu cát để xuất khẩu mà là khai thác và xuất khẩu tài nguyên trên phạm vi rộng trong một thời gian rất dài.

Không chỉ có biến đổi khí hậu mới gây ra sạt lở bờ biển và bờ sông, nguyên nhân chính là con người. Chính con người mới làm cho đất đai nước ta bị thu hẹp một cách nhanh chóng, đừng đổ lỗi cho biến đổi 
khí hậu.

Bản chất của việc xuất khẩu cát tận thu từ dự án xã hội hoá là xuất tài nguyên. Do vậy phải kiểm soát, trong đó vai trò của quản lý nhà nước là 
quyết định.

10 năm, xuất khẩu sang Singapore 
67 triệu m3 cát

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết từ năm 2007 đến cuối năm 2016, Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 67 triệu mcát sang thị trường Singapore.

Riêng giai đoạn 2007-2009 chủ yếu xuất khẩu cát sông khai thác ở vùng ĐBSCL và mua từ Campuchia với khối lượng hơn 23,7 triệu m3.

Từ năm 2013 đến cuối năm 2016 xuất hơn 43 triệu m3 cát nhiễm mặn. Trong đó năm 2015 xuất nhiều nhất khi có tới hơn 31 triệu m3 lên tàu sang Singapore.

Singapore mở rộng thêm 24% diện tích

Chính phủ Singapore công khai mọi hoạt động lấn biển để mở rộng diện tích của đảo quốc này tại phòng trưng bày Singapore City Gallery ở số 45 Maxwell Road (khu Chinatown).

Tại đây có đầy đủ thông tin Singapore bắt đầu lấn biển từ khi nào, những khu vực nào. Hình thù các đảo trước đây và bây giờ.

Đặc biệt là có bảng chữ nói rõ từ những năm 1960 đến nay nước này đã mở rộng thêm 24% diện tích, tương đương 13.000 sân bóng đá. Và hoạt động lấn biển vẫn đang tiếp tục.

V.TRƯỜNG – H.ĐIỆP ghi