Vua Gia Long và người Pháp: Vua Gia Long qua ghi chép của người Pháp
Để có những hình ảnh đáng tin cậy về vị vua sáng lập lại nhà Nguyễn, chúng ta cần nhiều ống kính khác nhau, từ những nguồn khác nhau.
Vua Gia Long và người Pháp: Vua Gia Long qua ghi chép của người Pháp
Để có những hình ảnh đáng tin cậy về vị vua sáng lập lại nhà Nguyễn, chúng ta cần nhiều ống kính khác nhau, từ những nguồn khác nhau.
Giáo sĩ Pierre-Marie Le Labousse, sinh ngày 22.1.1759 tại Pluneret (Morbihan, Pháp), đi truyền giáo từ ngày 20.9.1787, có thể ông đã mất ở Chợ Mới, tỉnh Khánh Hòa, ngày 25.4.1801. Le Labousse là một trong những phụ tá thân cận nhất của giám mục Bá Đa Lộc; ông đã đưa thi thể vị giám mục từ Quy Nhơn về Gia Định và ghi lại chúc thư của vị giám mục. Ông còn để lại nhiều thông tin đáng tin cậy khác về giai đoạn ông phục vụ Hội Truyền giáo ở VN. Trong số đó có chân dung vua Gia Long trong lá thư ông viết ở miền Nam Nam Hà gửi các vị giám đốc Viện Thừa sai. Lá thư này rất dài, đề ngày 1.5.1800, được in đầy đủ trong bộ Les Nouvelles Lettres Edifiantes (Tân huấn thư).
Đoạn ông viết về chân dung vua Gia Long, như sau:
“Ông hoàng này có lẽ là người sắc sảo nhất và sôi động nhất trong vương quốc ông, nhưng như tôi đã nói ở trên, những lời can gián của Đức giám mục Bá Đa Lộc cũng làm giảm bớt bầu nhiệt huyết này.
Ông không còn là ông vua chỉ biết cai trị bằng roi, kiếm và nói chuyện chết chóc nữa. Bây giờ ông là một vị đế vương, biết mình là cha của thần dân, chứ không phải là nhà độc tài của họ. Ngày trước, ông vẫn được lòng dân, nhưng không phải lúc nào ông cũng biết cư xử khéo léo mềm dẻo với các quan và quân lính. Họ sợ ông nhưng họ không thích ông. Ngày nay, ông đối đãi với họ khác hẳn, nếu trước đây họ chẳng bao giờ nghe được một lời êm tai, nay ông đã tìm được bí quyết thu phục lòng người. Ông cứng rắn nhưng không tàn ác; ông nghiêm trị nhưng theo đúng nguyên tắc pháp luật.
Ông có đủ tất cả các đức tính của lương tâm lẫn trí tuệ. Ông có lòng tri ân, hào hiệp, tinh tế về điểm danh dự; anh hùng trong nghịch cảnh, chịu đựng thất bại với lòng can đảm xứng đáng với vị hiền nhân đã rèn luyện ông (chỉ Bá Đa Lộc).
Thời trẻ, ông có say mê rượu chè, nhưng từ khi thấy mình phải cầm đầu sự nghiệp, ông đã hoàn toàn tự sửa, không nhấp một hớp rượu. Ông đã ra những huấn lệnh rất nghiêm khắc cấm say rượu.
Những đức tính trí tuệ nơi ông không làm giảm đức của lòng thương yêu; linh lợi, sâu sắc, thẳng thắn, nhìn thoáng qua là nắm bắt được trọng tâm của những sự thể phức tạp nhất. Nhờ có trí nhớ hơn người khiến ông ghi nhớ tất cả, cũng như sự dễ dàng thiên bẩm bắt chước được tất cả. Những công binh xưởng và những bến tàu chiến của ông làm cho người ngoại quốc thán phục và con mắt cả châu Âu sẽ khen ngợi nếu châu Âu có thể đến đây chứng kiến. Một bên, người ta thấy súng ống, đại bác đủ kiểu, đại bác dã chiến (pièces de campagne), giá súng đại bác (affuts), đạn đại bác… Một bên là thuyền tàu không đếm xuể, những chiến hạm lớn, đủ loại hình thái, kiên cố đến độ làm cho ta kính nể.
Tất cả đều là sản phẩm của nhà vua, một người vừa năng động vừa khéo léo. Mặt trời vừa ló dạng, ông đã ra khỏi cung điện, đến bến tàu, ông chỉ rời khỏi đây vào giờ ăn; chưa kể ông còn thường hay ở lại cả ngày để điều động các quan, mỗi người một chức, một việc; khi ấy ông ngồi chung một bàn với họ. Không có gì đập vào mắt hơn, khi ta thấy hàng ngàn người say mê làm việc dưới con mắt của nhà vua. Ông trông coi tất cả, điều khiển tất cả, có khi ông còn chỉ định cả các kích thước.
Ông đã làm được những chiến hạm Âu châu, chỉ với toàn người Việt. Ông bắt đầu bằng cách mua một chiếc tàu, tháo tung ra từng mảnh, rồi cho lắp lại, khéo đến mức đẹp hơn nguyên bản. Sự thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông làm một tàu mới hẳn, và ông đã làm được; từ đó ông làm thêm hai chiếc nữa. Bốn chiếc tàu này là niềm vinh hạnh của ông. Ông đã làm rất mau chóng: chỉ mất ba tháng ở xưởng đóng tàu, có khi còn ít hơn; thế mà tàu rất lớn, chiếc thì chuyên chở được 26 đại bác, chiếc thì 36 đại bác. Mỗi chiếc có thể chở được hơn 300 thuỷ thủ. Ba chiếc trong số này mỗi chiếc được một sĩ quan Pháp điều khiển, chiếc thứ tư vừa xuống nước, sẽ do chính nhà vua điều khiển. Các ông sẽ ngạc nhiên khi nghe nói vua nước Nam có thể lái một chiếc tàu (do ông) làm và có cả các thuyền cụ theo lối Âu châu; các ông sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa, nếu các ông thấy tất cả những gì nhà vua làm ở đây. Ông có kiến thức về tất cả mọi sự và có năng khiếu làm tất cả; ông có cái tài, có thể nói là độc nhất vô nhị, về chi tiết. Tất cả những gì tôi tả lại ở đây chưa thể giúp các ông có một ý niệm đúng mức được.
Ông cực kỳ siêng năng. Ban đêm ông ngủ ít, đọc nhiều. Ông có tính hiếu kỳ và thích học hỏi. Trong cung của ông có nhiều sách Pháp viết về kiến trúc, thành đài. Ông thường giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước. Mỗi ngày, ông có một bước tiến mới. Nói tóm lại, ông là vị vua lớn nhất tới nay chưa bao giờ có ở nước Nam”.
Bức chân dung Gia Long của Le Labousse có những điểm đồng quy với Sử Ký Đại Nam Việt về tính tình vua Gia Long: sự sáng dạ, giỏi bắt chước, ham học. Tóm lại, Le Labousse và tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, đều không nói gì đến việc Bá Đa Lộc dịch sách chiến lược và xây dựng thành đài cho Nguyễn Ánh, bởi nếu Bá có dịch thì nhà vua đã không phải giở từng trang để xem những đồ thị và cố gắng bắt chước.
Thuỵ Khuê
(Trích từ Vua Gia Long và người Pháp, NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017)