Tự nhận là một “người ngoại đạo đối với nền sử học” và đã có 50 năm sống ở Pháp, nữ tác giả Thuỵ Khuê trong cuốn sách biên khảo Vua Gia Long và người Pháp (NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017) đã trình bày những “điều tra” các tư liệu gốc tiếng Pháp, Anh, đối chiếu với sử liệu trong nước của bà với mong muốn biết sự thật lịch sử đằng sau những gì các sử gia thực dân đã che giấu hay bóp méo.
Vua Gia Long và người Pháp: Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ?
Tự nhận là một “người ngoại đạo đối với nền sử học” và đã có 50 năm sống ở Pháp, nữ tác giả Thuỵ Khuê trong cuốn sách biên khảo Vua Gia Long và người Pháp (NXB Hồng Đức và Saigon Books ấn hành tháng 1.2017) đã trình bày những “điều tra” các tư liệu gốc tiếng Pháp, Anh, đối chiếu với sử liệu trong nước của bà với mong muốn biết sự thật lịch sử đằng sau những gì các sử gia thực dân đã che giấu hay bóp méo.
Về công trạng của giám mục Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long, một điểm được hầu hết các sử gia thuộc địa hết sức đề cao: Bá Đa Lộc đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, tháng 9 – 10.1777. Đây là nền tảng của lập luận: nếu giám mục Bá Đa Lộc không cứu sống Nguyễn Ánh thì không có triều Nguyễn. “Sự thực lịch sử” này, sẽ biến thành “công ơn của nước Pháp” đối với triều Nguyễn, được lặp đi lặp lại nhiều lần, đặc biệt trong các văn thư chính thức của chính phủ Pháp hoặc của các thuỷ sư đô đốc gửi các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, để đòi trả các giáo sĩ bị bắt hoặc xin thông thương. Vì thế, ta cần điều tra lại sự kiện này xem hư thực thế nào.
Ngày 18.10.1777, Định Vương Nguyễn Phước Thuần bị giết cùng với Tôn Thất Đồng, anh ruột Nguyễn Ánh và các tướng Trương Phước Thận, Lưu Thủ Lương, Nguyễn Danh Khoáng. Một mình Nguyễn Phước Ánh, 15 tuổi, chạy thoát. Ánh trốn tránh ở đâu? Ai nuôi ăn? Ai cho ở? Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện không viết rõ việc này.
Đại Nam thực lục viết về hoàn cảnh Nguyễn Ánh chạy trốn: “Tháng 9 (âm lịch, tức 10.1777) mùa thu, quân giặc theo ngặt, ngày Canh Thìn, Duệ Tông bị nạn băng. Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa (thuộc Long Xuyên), định nhân ban đêm vượt biển để lánh giặc. Bỗng có con cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sớm mai dò biết đêm ấy có thuyền giặc ở phía trước. Vua bèn dời sang đóng ở đảo Thổ Châu”.
Huyền thoại này sau được viết thành truyện tiểu thuyết, vẽ lại trên các bình sứ, đĩa bát sứ cổ. Có lẽ lúc ấy Nguyễn Ánh mới 15 tuổi, khó tự mình nhân danh chúa Nguyễn đứng lên phất cờ dựng lại cơ đồ, nên phải dựa vào “điềm đế vương”, có thể do các vị đại thần chủ trương và cho truyền ra từ đầu.
Sử gia Pháp “xác định” Bá Đa Lộc cứu Nguyễn Ánh
Sau đây là sự phân tích của sử gia Maybon về vấn đề này, thể hiện trong cuốn Lịch sử hiện đại nước Nam (1592 – 1920), in tại Paris năm 1920.
Trước hết, Maybon cho rằng phải xác định thời điểm Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc lần đầu: “Nếu giám mục không gặp thiếu niên Nguyễn Ánh lúc ấy, thì có lẽ là sau khi Sài Gòn bị chiếm lần thứ nhì; bởi vì dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương thì “vào khoảng tháng 9 – 10.1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran (tức Bá Đa Lộc) đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp (Ánh) trốn sang đảo Poulo Panjang (Thổ Châu) ngay khi quân Tây Sơn rút lui”.
Đến đây mới thấy sự khôn khéo của Maybon. Nếu chỉ đọc đoạn đầu mà không đọc chú thích, thì các sự kiện Maybon đối với chúng ta là một xác định có cơ sở, nhờ câu văn đi trước “bởi vì, dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương”. Nhưng nếu muốn biết thêm nguồn gốc của những chứng nhân Tây phương này thì ta sẽ phải đọc phần chú thích và thấy đó là: 1- Lời bình của M.Maitre (không biết ông này là ai, nói gì, vì ta không có sách của Maitre). 2- Chứng nhân xuất phát từ những giáo sĩ (không nói chứng nhân nào, giáo sĩ nào). 3- Của Barrow và của Bissachère (chỉ là một, vì người viết cuốn sách ký tên Bissachère (tức là Montyon) đã chép lại sách của Barrow). Tóm lại, câu “Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện và giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp (Ánh) trốn sang đảo Poulo Panjang” mà ta vừa đọc, chỉ rút ra từ một ông Barrow, vì các “ông khác” không biết là ai và họ viết gì.
Bây giờ ta thử coi xem Barrow – một nhà thám hiểm, nhà ngoại giao người Anh – viết như thế nào trong cuốn Avoyage to Cochinchina (in tại London năm 1806 và được dịch sang tiếng Pháp, in tại Paris năm 1807): “Nhà vua đã bị địch bắt, nhưng hoàng hậu, hoàng tử (chỉ Nguyễn Ánh), các con và một người chị hay em, được Adran cứu thoát. Nhờ đêm tối, họ rời xa kinh thành (Gia Định) và trốn vào rừng. Ở đấy, trong nhiều tháng, vị vua trẻ của nước Nam (…) trốn cùng với gia đình, không dưới lùm cây sồi rậm rạp mà dưới lùm đa hay bồ đề vì ở đây không ai dám xâm phạm. Một nhà tu Công giáo tên Paul (Paul Nghị) liều mình đem đồ ăn mỗi ngày, cho đến khi (quân đội đi lùng) không còn tìm kiếm nữa và sau cùng được lệnh rút về”.
Chỗ sai lầm của Barrow trong câu này là: 1- Ông tưởng Định Vương là cha của Nguyễn Ánh, nên gọi Nguyễn Ánh là hoàng tử, thực ra Định Vương là chú của Nguyễn Ánh. 2- Ông nói Nguyễn Ánh (hoàng tử) trốn với mẹ (hoàng hậu) và các con… là sai, vì lúc ấy Nguyễn Ánh chưa có vợ con gì cả, và cũng không phải do Adran cứu thoát, sẽ chứng minh ở dưới. Chỉ có câu “Một nhà tu Công giáo tên Paul (Paul Nghị) liều mình đem đồ ăn mỗi ngày” của Barrow là đúng.
Nhưng câu văn này của Barrow, đã được sử gia Maybon “biên tập” lại, theo cách sau đây: Trước hết, ông chỉ lấy một ý của Barrow: “được Adran cứu thoát” và cắt hết các ý khác, rồi thêm vào những “thông tin” sau đây:
1. Chỗ trốn của Nguyễn Ánh ngay cạnh chủng viện (không có trong lời Barrow) để thiết lập một thứ logic cho việc Bá Đa Lộc cứu sống Nguyễn Ánh.
2. Sau đó, Maybon viết thêm vào câu “Giám mục Adran đã sai Paul Nghị”. 3. Maybon còn thêm vào câu “ngài giúp (Ánh) trốn sang đảo Poulo Panjang”.
Maybon đã biến một câu có nhiều sai lầm của Barrow thành một thông tin khả tín bằng cách cắt xén và thêm thắt những điều không có trong lời của tác giả. Người đi sau, khi thấy “sử gia học giả” Maybon đã viết như thế, thì không ngần ngại gì mà không chép lại như một “sự thực hiển nhiên”.
Rất may là chúng ta tìm được những chứng nhân khác, viết về việc này.