08/01/2025

Các phản ứng chống lại việc xây tường biên giới với Mêxicô

Không cần phải nói ai cũng đã biết lập trường của Giáo Hội đối với người di cư tỵ nạn. Kể từ khi lên làm Giáo hoàng, ĐTC Phanxicô đã luôn luôn kêu gọi “xây cầu” và “đạp đổ” mọi bức tường ngăn cách giữa các dân tộc và các giai tầng xã hội. Từ vài năm qua đứng trước làn sóng người di cư tị nạn của các nước Trung Đông và Phi châu tìm vào Âu châu ngài khích lệ các chính quyền tiếp đón họ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ người tị nạn hội nhập cuộc sống xã hội.

 Các phản ứng chống lại việc xây tường biên giới với Mêxicô

 

 
Phản ứng của một số giới chức trong Giáo Hội trước quyết tâm xây tường biên giới với Mêxicô 
của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump


Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi lên cầm quyền Tổng thống Trump đã ký nhiều sắc lệnh, trong đó có việc xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêxicô. Trong cuộc họp báo đồng thời với việc ký sắc lệnh tại Bộ An ninh Quốc gia, ông Sean Spicer, Thư ký Phòng Báo chỉ của tân tổng thống, đã tuyên bố rằng “việc xây bức tường biên giới này là một cái gì quan trọng hơn là một lời hứa của cuộc vận động bầu cử. Nó là bước đầu tiên của óc thực tiễn, khiến cho biên giới đưọc an ninh hơn. Điều này sẽ ngăn chặn ma tuý, tội phạm và di cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ”. Tổng thống Trump cho biết việc xây bức tường biên giới sẽ bắt đầu trong vài tháng tới đây. Tổng thống và các cố vấn cũng gợi ý vài phương thức bắt chính quyền Mêxicô trả chi phí cho việc xây cất này, chẳng hạn như gia tăng thuế trên hàng hoá Mêxicô bán sang Hoa Kỳ, gia tăng thuế trên tiền người Mêxicô tại Hoa Kỳ gửi về nước… Tuy nhiên, dự án xây tường vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn, vì chi phí dự trù 8-10 tỷ Mỹ kim thật ra phải cần tới 30 tỷ, kéo dài 5 năm và cần tới 40.000 nhân công. Bức tường biên giới chạy qua các thành phố El Paso-Ciudad Juarez à San Diego-Tijuana cũng như các vùng quê, sông ngòi, sa mạc và công viên quốc gia. Trên 2.000 dặm đã có 653 dặm có tường được xây hồi thập niên 1990 bởi chính quyền của Tổng thống George Bush, Bill Clinton và Barack Obama.

Không cần phải nói ai cũng đã biết lập trường của Giáo Hội đối với người di cư tỵ nạn. Kể từ khi lên làm Giáo hoàng, ĐTC Phanxicô đã luôn luôn kêu gọi “xây cầu” và “đạp đổ” mọi bức tường ngăn cách giữa các dân tộc và các giai tầng xã hội. Từ vài năm qua đứng trước làn sóng người di cư tị nạn của các nước Trung Đông và Phi châu tìm vào Âu châu ngài khích lệ các chính quyền tiếp đón họ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ người tị nạn hội nhập cuộc sống xã hội.

Hồi cuối tháng giêng vừa qua, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Bộ Thăng tiến Phát triển Nhân bản Toàn diện, đã bày tỏ âu lo của Toà Thánh trước quyết tâm của chính quyền Hoa Kỳ xây tường biên giới với Mêxicô. ĐHY đã nói lên điều này trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tin SIR bên lề một đại hội tại Đại học Giáo hoàng Laterano. ĐHY nói: “ĐTC Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi “triệt hạ các bức tường và xây cầu. Chúng tôi cầu mong rằng bức tường không được xây, nhưng vì biết Tổng thống Trump nên có lẽ nó sẽ được thực hiện. Toà Thánh âu lo, vì nó không chỉ liên quan tới tình hình của Mêxicô, mà còn là dấu hiệu cho thế giới nữa. Không phải chỉ có Hoa Kỳ muốn xây tường chống lại người di cư, nhưng điều này cũng xảy ra ở Âu châu. Tôi cầu mong các nước Âu châu không bắt chước ông Trump. Một tổng thống có thể xây tường, nhưng cũng có thể một tổng thống khác sẽ triệt hạ nó.”

** Chính sách của Tổng thống Trump chống lai người di cư cũng khiến cho các Giám mục Hoa Kỳ mạnh mẽ phản đối. ĐC Joe Vasquez, Giám mục Austin, Chủ tịch Uỷ ban Di dân của HĐGM Hoa Kỳ, đã phê bình quyết định của tổng thống và khẳng định rằng Giáo hội Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để gần gũi và liên đới với các người di cư và gia đình họ. Việc xây tường biên giới sẽ khiến cho sự sống của người di cư gặp nguy hiểm. Chúng ta phải xây cầu, chứ không được xây tường và dựng lên các hàng rào ngăn cách. Bức tường biên giói này sẽ khiến cho người di cư, nhất là những nguời dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em, bị các tay buôn người và buôn lậu khai thác bóc lột tệ hại hơn nữa. Nó cũng sẽ đẩy nhiều cộng đoàn sống hoà bình dọc hai biên giới vào ảnh bất an. ĐC Vasquez cũng tố cáo chính sách mới của chính quyền Mỹ bắt giam và đày ải người di cư. Các chính sách như thế sẽ chia rẽ các gia đình và nuôi dưỡng sự kinh hoàng và sợ hãi trong các cộng đoàn. An ninh của dân Mỹ không được bảo đảm với việc leo thang đày ải người di cư. Các biện pháp do chính quyền đề ra sẽ khiến cho cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất càng khó khăn hơn vì không được đất nước chúng ta che chở. Hằng ngày chúng ta chứng kiến nỗi khổ đau của các gia đình phải đấu tranh để có một cuộc sống bình thường Chúng tôi đã trông thấy các trẻ em bị chấn thương tinh thần và các chính sách được Tổng thống Trump công bố càng đảo lộn các gia đình người di cư hơn nữa.

ĐHY Daniel Di Nardo, TGM Galveston-Houston, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cũng viết trên trên Website của tổng giáo phận và bày tỏ sự âu lo sâu xa đối với các tuyên bố của Tổng thống Trump, trong đó có quyết định xây tường dọc biên giới với Mêxicô. Theo ĐHY, việc xây tường này gia tăng việc giam giữ và đày ải người di cư và ngăn chặn sự phán xử của quốc gia và các lực lượng trật tự địa phương liên quan tới việc che chở các cộng đoàn trong cách thức tốt nhất. Như là tổng giám mục của một giáo phận trong tiểu bang Texas, tôi tin rằng lệnh xây một bức tường dọc biên giới với Mêxicô sẽ chỉ khiến cho người di cư có thể bị ảnh hưởng bởi các tay buôn người và buôn lậu trầm trọng hơn, khiến cho sinh mạng của họ bị nguy hiểm một cách vô ích. Tất cả các biện pháp này chỉ chia rẽ các gia đình, và khiến cho dân chúng hoảng loạn sợ hãi. Chúng không phải là kiểu tốt nhất giúp bảo đảm an ninh cho người Mỹ.

Đức tân Hồng y Joe Tobin, TGM Newark, cũng truyên bố: “Một quốc gia đầy sợ hãi thì nói tới việc xây các bức tường… chúng ta phải đối diện với sự sợ hãi trước khi nó dẫn chúng ta vào trong bóng tối.”

** Trong các ngày trung tuần tháng 2 vừa qua, các Giám mục vùng biên giới giữa tiểu bang Texas của Hoa Kỳ và vùng bắc Mêxicô cũng đã nhóm họp tại Brownville để thảo luận vấn đề của người di cư. Trong thông cáo công bố sau đó, các Giám mục khẳng định: “Từ nhiều năm qua, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau gây ra bởi một hệ thống di cư tan nát từng mảnh, bởi các điều kiện cơ cấu chính trị và kinh tế làm nảy sinh ra các đe doạ, đày ải, cảnh không trừng phạt và bạo lực. Tình trạng này được kiểm thực trong bản báo cáo giữa Trung Mỹ và Mêxicô cũng như trong bản tường trình giữa Hoa Kỳ và Mêxicô. Thông cáo viết tiếp: “Di cư là một hiện tượng toàn cầu có nguồn gốc là các điều kiện kinh tế và xã hội, cảnh nghèo túng và bất an, khiến cho hàng dân tộc di chuyển và khiến cho toàn các gia đình phải di cư để tìm cách sống còn. Nhưng ngày nay hiện tượng này bị ghi dấu bởi các biện pháp mà các chính quyền dân sự đưa ra. Cần phải có các đường lối chính trị tôn trọng các quyền nền tảng của các người di cư không có giấy tờ.” Thông cáo kết thúc với dấn thân của mọi tổ chức bác ái Hoa Kỳ và các trung tâm di cư ở Mehicô trợ giúp các người di cư bằng cách tiếp tục cống hiến cho người di cư các phục vụ trong lĩnh vực tinh thần, luật pháp và trợ giúp vật chất và yểm trợ các gia đình. Từ năm 1986, các giám mục thuộc vùng biên giới nói trên đã nhóm họp thường xuyên mỗi năm để thảo luận về các vấn đề của người di cư.

Trong cuộc họp của các phong trào bình dân tại Trường Trung học Công giáo Modesto bắc California, ĐC José Gomez, TGM Los Angeles, Phó Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, cho biết hồi đầu tháng 2 này cảnh sát biên giới đã bố ráp hơn 60 cộng đoàn trong vùng, gieo kinh hoàng cho các trẻ em, khiến chúng không chịu đi học nữa vì sợ cha mẹ chúng bị bắt trong lúc chúng vắng nhà. Bà Ellie Hidago, đặc trách mục vụ xã hội Giáo xứ Dolores, cho biết các trẻ em trong vùng rất âu lo khi thấy cha mẹ đi làm việc chưa về. Các em sợ cha mẹ bị cảnh sát bắt. Tình hình tại đây rất căng thẳng và lộn xộn. Trong các giáo xứ và nhà thương, chúng tôi đang tổ chức các cuộc gặp gỡ thông tin để giúp các người di cư không có giấy tờ, hiểu các quyền lợi của họ, phải phản ứng ra sao khi các nhân viên Văn phòng Di cư Hoa Kỳ tới gõ cửa nhà họ, thì phải làm gì. Chẳng hạn các nhân viên không được vào nếu họ không mở cửa, và đâu là các chương trình cho con em của họ, ai sẽ lo lắng cho chúng nếu xảy ra chuyện gì. Cần phải cho biết các dị ứng của họ, số điện thoại của bác sĩ, số bảo hiểm sức khoẻ… Ngoài ra, cần luôn luôn có một tài liệu mang chữ ký, nhường quyền cho ai đó. Bởi nếu không thì con cái có thể bị rơi vào hệ thống con nuôi.

Phong trào “Đền thánh” chuyên che chở người di cư không giấy tờ đã kêu gọi các giới lãnh đạo Công giáo, Tin Lành, Do Thái và Hồi giáo cùng tham gia tổ chức các buổi cầu nguyện canh thức phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump. Đã có 800 nhà thờ và dòng tu nhận lời tham gia. Hồi đầu tháng 2 vừa qua đã có hàng chục buổi canh thức cầu nguyện, thuyết trình được tổ chức tại Los Angeles và San Francisco, Denver, Portland Oregon, Tucson và Philadelphia. Phong trào Đền thánh nảy sinh trong Giáo hội Trưởng lão ở miền nam Tucson hồi năm 1982 nhằm che chở các người di cư chạy trốn chiến tranh đến từ Trung Mỹ Latinh, và hiện nay đã có 500 tổ chức Tin Lành, Công giáo và Do Thái tham gia tại 17 thành phố ở Hoa Kỳ, và nó trở thành điểm tham chiếu an toàn cho người di cư.

** Trong một thông cáo gửi tới hãng thông tin FIDES của Bộ Truyền giáo, HĐGM Mêxicô cũng bày tỏ lo âu và viết: “Chúng tôi bày tỏ sự đau đớn của chúng tôi và khước từ việc xây bức tường này, và với lòng tôn trọng, chúng tôi mời gọi tất cả mọi người suy tư một cách sâu xa về các kiểu, qua đó có thể bảo đảm an ninh, sự phát triển, tạo công ăn việc làm và các biện pháp cần thiết và công bằng khác mà không gây ra các thiệt thòi cho những người vốn đã khổ đau, những người nghèo túng và dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ một cách chặt chẽ và liên đới với biết bao nhiêu anh chị em đến từ Trung và Nam Mỹ, đi ngang qua đất nước của chúng tôi hướng về Hoa Kỳ.” Các Giám mục Mêxicô mời gọi chính quyền Mêxicô tiếp tục tìm ra các thoả hiệp với Hoa Kỳ để sau cùng phẩm giá và các quyền của người di cư được tôn trọng, vì các anh chị em di cư chỉ tìm các cơ may tốt lành hơn cho cuộc sống của họ mà thôi.

Sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm người di cư thuộc 7 nước Hồi giáo Syria, Iran, Iraq, Sudan. Lybia, Somalia và Yemen vào Hoa Kỳ trong 3 tháng và sắc lệnh xây bức tường biên giới nói trên, đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối đó đây trong nhiều thành phố Mỹ. Hàng ngàn người đã tụ tập nhau tại Quảng trường Công viên Washington ngay Trung tâm Manhattan, tay cầm các biểu ngữ viết “kháng cự”, “không bức tường nào hết, đây là thành phố New York của chúng tôi”, “tôi về phe những người di cư”. Tiếp đến, đoàn người biểu tình đã tuần hành về Quảng trường Hiệp nhất.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kịch liệt chống lại việc xây bức tường biên giới và cho biết sẽ hết sức tranh đấu để tránh việc thành lập các trại tị nạn ở biên giới với Mêxicô. Vì bức tường này sẽ tạo ra các trại tị nạn trên vùng biên giới. Bà Margaret Huang, giám đốc điều hành tổ chức tại Hoa Kỳ, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép Tổng thống Donald Trump thành lập các trại tị nạn gần biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêxicô như các trại tị nạn mà chúng tôi đã trông thấy tại Hy Lạp, Australia và các nước khác. Bức tường này sẽ gửi đi một sứ điệp kinh khủng: những người đến từ các quốc gia khác, và đặc biệt là châu Mỹ Latinh, phải cảm thấy họ bị sợ hãi và đẩy lui. Và chúng tôi không được cho phép cái hùng biện bài người di cư của ông Trump tiếp tục nuôi dưỡng một đường lối chính trị đánh vào cuộc sống của hàng triệu người xin được che chở như vậy.”

 

 

Linh Tiến Khải