08/01/2025

NASA phát hiện hệ Mặt Trời mới

Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một hệ sao với những hành tinh cho phép sự sống tồn tại chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, theo Independent.

 NASA phát hiện hệ Mặt Trời mới

Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một hệ sao với những hành tinh cho phép sự sống tồn tại chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, theo Independent.

 

 

Các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một hệ sao với những hành tinh cho phép sự sống tồn tại chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, theo Independent. Phát hiện được công bố trong buổi họp báo tại trụ sở chính của NASA ở Washington vào 1 giờ đêm qua theo giờ Việt Nam.

7 hành tinh giống Trái Đất xoay quanh ngôi sao lùn Trappist-1 đều có khả năng tồn tại nước trên bề mặt. Ba trong số 7 hành tinh này có nhiều điều kiện hoàn hảo và các nhà khoa học suy đoán sự sống có thể đã hình thành ở đó. Nhóm nghiên cứu tin chắc họ có thể kết luận sự sống tồn tại trên các hành tinh thuộc hệ Trappist-1 hay không trong vòng một thập kỷ và chia sẻ đây chỉ là bước khởi đầu.

Minh hoạ hệ sao Trappist-1 với 7 hành tinh giống Trái Đất có thể tồn tại sự sống. Ảnh: NASA.

Trước đây, chưa có hệ sao nào khác được phát hiện có số lượng hành tinh giống Trái Đất lớn như vật. Các hành tinh nhiều khả năng có cấu tạo đá như Trái Đất với kích thước tương tự hành tinh của chúng ta. 6 hành tinh có nhiệt độ bề mặt trong khoảng 0-100°C. Điều này đem lại cho chúng điều kiện khí quyển cần thiết để hình thành dạng sống sinh học.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra ba trong số 7 hành tinh nằm ở khu vực phù hợp với sự sống tính từ ngôi sao mẹ, có thể chứa đại dương nước lỏng.

“Giờ đây chúng tôi có 7 hành tinh có thể nghiên cứu chi tiết để tìm kiếm sự sống. Mọi người sẽ biết thêm nhiều thông tin về hệ thống này trong thời gian tới”, Michael Gillon, nhà thiên văn học ở Đại học Liège, Bỉ, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu quốc tế sử dụng một loạt kính viễn vọng không gian và trên mặt đất để tìm ra 7 hành tinh trong hệ Trappist-1, bao gồm kính viễn vọng của Đại học Liverpool John Moores ở La Palma và kính viễn vọng không gian quay quanh Trái Đất Spitzer của NASA.

Mỗi hành tinh được đánh số từ 1b đến 1h được phát hiện nhờ phương pháp quá cảnh (transit method), trong đó quỹ đạo và đặc điểm của hành tinh được đo khi chúng di chuyển qua phía trước ngôi sao mẹ, khiến ngôi sao mờ đi trong thời gian ngắn.

Từ kết quả đo đạc, nhóm nghiên cứu nhận thấy quỹ đạo của các hành tinh đủ gần ngôi sao Trappist-1 để có thể chứa nước trên bề mặt. Cả 7 hành tinh đều có một mặt luôn hướng về ngôi sao mẹ.

Mô hình khí hậu chỉ ra ba hành tinh ở trong cùng là 1b, 1c và 1d chắc chắn quá nóng để nước có thể tồn tại ở một tỷ lệ nhỏ trên bề mặt. Hành tinh ở ngoài cùng của hệ là 1h được cho là hành tinh băng lạnh giá. Tuy nhiên, các hành tinh 1e, 1f và 1g chuyển động trong khu vực phù hợp với sự sống tính từ ngôi sao mẹ.

“Dựa vào điều kiện khí quyển và địa lý, cả bảy hành tinh đều có khả năng chứa nước lỏng. Ba trong số đó là 1e, 1f và 1g có thể tồn tại lượng nước lớn”, tiến sĩ Amaury Triaud, nhà thiên văn học ở Đại học Cambridge, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.

Theo tiến sĩ Triaud, 1d là hành tinh có khả năng chứa sự sống cao nhất. “Hành tinh 1f có kích thước tương tự Trái Đất nhưng lạnh hơn một chút và nhiệt độ khá phù hợp”, tiến sĩ Triaud nói.

Trappist-1 là ngôi sao lùn siêu lạnh, nhỏ hơn và mờ hơn Mặt Trời với khối lượng lớn gấp 80 lần sao Mộc, được phát hiện lần đầu năm 2016. Ngôi sao lạnh hơn và đỏ hơn Mặt Trời này nằm trong chòm sao Aquarius. Dù ở gần Trái Đất, nó quá mờ để có thể quan sát bằng mắt thường hoặc kính thiên văn nghiệp dư.

 

Theo Vnexpress