09/01/2025

Cô giáo dạy miễn phí cho ‘cô dâu Việt’ ở Đài Loan

20 giờ, phòng ghi hình của một trung tâm giáo dục ngoài giờ ở TP Đài Bắc (Đài Loan) bật đèn “đang ghi hình” trước cửa. Bên trong, một phụ nữ ngồi trước máy quay nói tiếng Trung, thỉnh thoảng nhấn mạnh tiếng Việt “a, ă, â…”.

 

Cô giáo dạy miễn phí cho ‘cô dâu Việt’ ở Đài Loan

20 giờ, phòng ghi hình của một trung tâm giáo dục ngoài giờ ở TP Đài Bắc (Đài Loan) bật đèn “đang ghi hình” trước cửa. Bên trong, một phụ nữ ngồi trước máy quay nói tiếng Trung, thỉnh thoảng nhấn mạnh tiếng Việt “a, ă, â…”.

 

 

 

Cô giáo dạy miễn phí cho 'cô dâu Việt' ở Đài Loan
Cô Trần Thị Hoàng Phượng giảng dạy tiếng Việt – Ảnh: NVCC

Sau 30 phút giảng, cô nói bằng tiếng Việt trước khi kết thúc: “Học tiếng Việt không khó, chúng ta cùng cố lên nhé”.

Cô là Trần Thị Hoàng Phượng, sinh năm 1970 tại TP.HCM, tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM, giảng viên khoa tiếng Việt Trường ĐH Chính trị Đài Loan và hiện làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở viện giáo dục Trường ĐH Sư phạm Đài Loan.

Khi lấy chồng là người Đài Loan làm việc ở Việt Nam và đến Đài Loan năm 2001, cô học thạc sĩ ngành hôn nhân gia đình và phát triển trẻ em, bắt đầu làm công tác xã hội. Năm 2005, khoá học “Tiếng Việt và văn h Việt Nam” của cô được ngành giáo dục TP Đài Bắc tặng giải thưởng “Khoá học ưu việt”. Năm 2007 cô bắt đầu viết và sản xuất các chương trình dạy tiếng Việt và tiếng Trung trên truyền hình. 

Năm 2015, cô đoạt giải “Chuông vàng” (Golden Bell Awards) dành cho người dẫn chương trình phát thanh hay nhất trong năm. Cũng trong năm này, cô làm bản tin thời sự Đài Loan bằng tiếng Việt đầu tiên dành cho cư dân mới trên truyền hình.

Phóng viên Tuổi Trẻ trò chuyện với Hoàng Phượng về quá trình 14 năm dạy tiếng Việt trên đất khách.

Từ chuyện một “cô dâu” tự tử

* Thời điểm gia đình cô đến Đài Loan cũng đã có hàng chục ngàn “cô dâu Việt” lấy chồng Đài Loan. Cô cảm nhận đời sống của đồng hương mình lúc đó ra sao?

– Thời điểm đó, xã hội Đài Loan rất có thành kiến với người di dân, nhiều người nhìn người Việt qua Đài Loan là những người thiếu tri thức, trình độ thấp, thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội. Thấy cách nhìn thành kiến như vậy tôi rất buồn. Điều đó làm tôi băn khoăn có nên tiếp tục sống ở đây nữa hay không…

Khi mới qua, tôi đọc bài báo nói về một “cô dâu Việt” sinh con được vài tháng, bị gia đình chồng hiểu nhầm vấn đề gì đó nhưng không biểu đạt được vì cô không biết tiếng Trung.

Quá bức xúc, cô mang đứa con nhảy lầu tự tử. Hậu quả là người mẹ gãy chân và đứa bé qua đời. Đọc trên báo, tôi cứ nghĩ làm thế nào để thay đổi điều này, chỉ vì bất đồng ngôn ngữ mà xảy ra chuyện quá đau lòng.

Rồi chồng tôi mang về một cuốn tạp chí giới thiệu chương trình tình nguyện phiên dịch cho cô dâu Việt. Anh hỏi tôi có muốn tham gia không, tôi nhận lời.

Đến đó, tiếp xúc với nhiều “cô dâu Việt”, tôi thấy chị em mong muốn hòa nhập xã hội nhưng ngặt nỗi không biết tiếng Trung. 

Tôi muốn thay đổi cách người Đài Loan nhìn “cô dâu Việt”. Thay đổi này phải bắt đầu từ giáo dục và tạo ảnh hưởng từ giáo dục.

Mở lớp dạy tiếng Trung, tiếng Việt

* Và cô chọn giảng dạy để khởi đầu cho “thay đổi từ giáo dục” của mình?

– Đúng vậy. Tiếp xúc với “cô dâu Việt”, tôi được biết cũng có nhiều lớp tiếng Trung của địa phương giúp các cô hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, giáo viên dạy bằng tiếng Trung, không rành tiếng Việt nên giải thích các cô không hiểu.

Tôi viết thư cho Trường ĐH Mở Đài Loan mượn một phòng học để dạy tiếng Trung cho “cô dâu Việt”. Cô hiệu trưởng nhận thấy việc di dân đang có nhiều vấn đề cần giải quyết ngay nên mời tôi đến.

Cô cấp cho tôi một phòng để dạy tiếng Trung miễn phí. Tôi dạy tiếng Trung, dùng tiếng Việt giải thích nên các cô nắm bắt rất nhanh. Các cô rất vui khi có thể giao tiếp được với gia đình của mình.

Lúc đầu chồng, mẹ chồng của các cô đến lớp xem vì không tin tôi dạy cho vợ, con dâu họ điều tốt. Nhưng sau đó vợ và con dâu về nói được tiếng Trung nên họ rất phấn khởi. Dần dần, gia đình của một số cô tiếp cận với tôi nói: “Cô ơi, tôi cũng muốn học tiếng, văn hóa của con dâu tôi”.

Thế là tôi tiếp tục xin cô hiệu trưởng Trường ĐH Mở cho tôi mượn thêm một phòng học nữa để mở lớp dạy tiếng Việt. Cô hiệu trưởng đồng ý. Tôi mở lớp dạy tiếng Việt và văn h Việt Nam.

Lớp đầu tiên có 70 người là chồng, cha mẹ chồng của “cô dâu Việt” đến học. Đọc tin trên báo chí, ông hiệu trưởng ĐH Chính trị liên lạc mời tôi về mở lớp dạy tiếng Việt tại ĐH Chính trị. Tôi làm giảng viên chính thức của trường đến nay đã 11 năm.

Dạy tiếng Việt được một thời gian, tôi nhận được thư của nhiều người ở TP Đài Nam, Đài Trung, Cao Hùng nói rất thích học tiếng Việt nhưng không thể đến lớp của tôi vì quá xa. Tôi xin được một khoản tài trợ để làm chương trình dạy tiếng Việt trên phát thanh, truyền hình để những người ở xa vẫn có thể học được.

Tôi làm được tổng cộng 80 chương trình phát thanh (5 phút/chương trình), 18 tập trên truyền hình (30 phút/tập), 100 tập (5 phút/tập) với chủ đề “Mỗi ngày một câu càng nói càng hay” trên tivi. Chương trình này tôi mời người có vợ Việt Nam, giáo sư, thương gia, viên chức nhà nước, lãnh đạo… đến cùng học tiếng Việt.

Chuyển biến

* Rồi những “cô dâu” ấy có trở thành giáo viên dạy tiếng Việt như cô không?

– Tôi muốn chứng minh không chỉ có tôi làm được mà những chị em “cô dâu Việt Nam” khác cũng làm được, chỉ cần xã hội cho chúng tôi một không gian để phát huy. Nghĩ vậy, tôi bắt đầu đào tạo những “cô dâu Việt” thành giáo viên dạy tiếng Việt.

Tôi thành lập Hiệp hội kế thừa văn hóa và nghệ thuật Việt Nam tại Đài Loan. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt tại các trường tiểu học, trung học, đại học… nhiều người là thành viên hiệp hội này. Tôi cũng làm các chương trình giải trí, biểu diễn văn h, ca hát để đưa văn h nghệ thuật Việt Nam do những chị em “cô dâu Việt” biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt và quảng bá văn hoá Việt tại Đài Loan.

Tôi nghĩ hình ảnh của người Việt Nam hiện nay tại Đài Loan đã chuyển biến tích cực, có chỗ đứng tốt hơn so với trước rất nhiều.

* Điều gì làm cô ấn tượng nhất qua sự chuyển biến ấy?

– Trước đây, nhiều “cô dâu Việt” không biết tiếng Trung, sinh con xong nói với con bằng tiếng Việt gia đình chồng không đồng ý.

Họ sợ con cháu họ không nói được tiếng Trung. Nhưng sau khi tiếng Việt được dạy trên truyền hình, nhiều gia đình Đài Loan thấy tiếng Việt được xã hội thừa nhận nên để cho con cháu họ học tiếng Việt. Đó là điều tôi thấy rõ nét nhất so với trước.

Xã hội Đài Loan trước đây gọi người nước khác lấy chồng Đài Loan là “cô dâu nước ngoài” hay “hôn phối nước ngoài”. Sau đó, họ gọi là “người di dân” và hiện là “tân cư dân”.

Như vậy, từ cách gọi “cư dân” có thể thấy Đài Loan đã xem cô dâu nước ngoài là một thành viên trong xã hội.

Chị Đinh Thị Dung (giảng viên tiếng Việt tại Trường ĐH Khoa học và công nghệ Đài Loan):

Tôi theo chồng qua Đài Loan đã 12 năm. Tôi theo học lớp tiếng Việt của cô Phượng rồi trở thành giảng viên tiếng Việt của ĐH Khoa học công nghệ Đài Loan. Hiện tôi cũng giảng dạy thêm tiếng Việt ở nhiều nơi khác nữa và đó là công việc chính của tôi. Cô Phượng là người khởi xướng chương trình dạy tiếng Việt ở Đài Loan.

* Bạn Đào Thị Hồng Nhung (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đài Loan):

Cô Hoàng Phượng luôn hướng đến những cái chung của cộng đồng, làm gì cũng nghĩ liệu nó có ích cho người Việt ở đây hay không. Cô phấn đấu không ngừng để đưa tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ được dạy trong các trường học ở Đài Loan. Cô tìm ra nhiều giải pháp, tổ chức các hoạt động, chương trình để người Việt cảm giác ấm áp khi xa quê hương. Cô luôn nỗ lực thay đổi hình ảnh người Việt trong mắt người Đài Loan.

HÀ BÌNH (thực hiện từ Đài Loan)