10/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di cư và tị nạn

VATICAN – ĐTC tái kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di cư và tị nạn. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn Quốc tế về chủ đề “Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

 Đức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di cư và tị nạn

 

 

 

VATICAN – ĐTC tái kêu gọi đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di cư và tị nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-2-2017 dành cho 250 tham dự viên Diễn đàn Quốc tế về chủ đề “Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Silvano Tomasi, cựu quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, và Tiến sĩ Hans-Gert Poettering, người Đức, nguyên Chủ tịch Nghị viện Âu châu, ĐTC nhắc đến hiện tượng rộng lớn người di cư và tị nạn trên thế giới ngày nay, và ngài tóm tắt thái độ mà cộng đồng chính trị, xã hội dân sự và Giáo Hội cần có trước những thách đố cấp thiết do hiện tượng này đề ra, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di cư và tị nạn.

ĐTC nói: “Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn. Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng.”

ĐTC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những người di cư và tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành… đồng thời giúp thăng tiến các quyền lợi của họ như những nhân vị, bảo đảm cho họ những điều kiện cần thiết. Ngài nhắc nhở rằng sự thăng tiến nhân bản cho người di cư và gia đình họ bắt đầu từ những cộng đoàn nguyên quán. Tại đó, ngoài quyền xuất cư còn phải bảo đảm cho họ quyền không phải xuất cư, nghĩa là quyền tìm được nơi quê hương của mình những điều kiện để có cuộc sống xứng đáng.

Sau cùng, ĐTC nói: “Cần giúp những người di cư và tị nạn hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp. Hội nhập không có nghĩa là đồng hoá hoặc bị xáp nhập, nhưng là một tiến trình hai chiều, dựa trên sự nhìn nhận hỗ tương sự phong phú về văn hoá của tha nhân, đồng thời tránh nguy cơ sống co cụm như trong những ghetto.”

ĐTC cũng khẳng định rằng liên kết 4 động từ nói trên ngày nay chính là một nghĩa vụ đối với các anh chị em chúng ta vì những lý do khác nhau, phải rời quê hương của họ. Đó là nghĩa vụ theo đức công bằng, văn minh và liên đới.

Ngài nói: “Không còn có thể bênh vực những chênh lệch không thể chấp nhận được về kinh tế, ngăn cản việc thực thi nguyên tắc mọi của tài nguyên trái đất là để dùng chung cho tất cả mọi người… Không thể chấp nhận một nhóm nhỏ kiểm soát tái nguyên của nửa thế giới.”

ĐTC nói: “Đứng trước những thảm trạng ghi đậm trên cuộc sống của biếu bao nhiêu người di cư và tị nạn – chiến tranh, bách hại, lạm dụng, bạo lực, chết chóc – chúng ta không thể không có những tâm tình cảm thông tự nhiên và liên đới. “Em ngươi ở đâu?” (x. St 4,9): câu hỏi này Thiên Chúa đặt ra cho con người từ thưở nguyên thuỷ, có liên quan tới chúng ta, đặc biệt là đối với những anh chị em di cư… ‘Đó không phải là câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tôi cho tôi, cho anh, và cho mỗi người chúng ta.'” (SD 21-2-2017)
 
 

G. Trần Đức Anh OP