10/01/2025

Vai trò của Giao hội Công giáo tại Ai Cập

Trong các ngày đầu tháng 2, các Giám mục Giáo hội Công giáo Copte Ai Cập đã về Roma viếng mộ hai Thánh Phêrô Phaolô và thăm Toà Thánh. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sedrak về vai trò của Giáo Hội trong một quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.

 Vai trò của Giao hội Công giáo tại Ai Cập

 

 
Phỏng vấn Đức Thượng phụ Ibrahim Isaac Sedrak 
về vai trò của Giáo hội Công giáo Copte Ai Cập


Trong các ngày đầu tháng 2, các Giám mục Giáo hội Công giáo Copte Ai Cập đã về Roma viếng mộ hai Thánh Phêrô Phaolô và thăm Toà  Thánh. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Đức Thượng Phụ Ibrahim Isaac Sedrak về vai trò của Giáo Hội trong một quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.

Ai Cập rộng hơn 1 triệu cấy số vuông, có 90 triệu dân, 85% theo Hồi giáo, 15% theo Kitô giáo, và một số rất nhỏ theo Do thái giáo và đạo Bahai. Tên gọi tiếng A Rập của Ai Cập là Misru có nghĩa là “biên giới, vùng đất”. Một trong những tên cổ xưa của Ai Cập là “Kemet” “đất đen” vì mầu phù sa của sông Nilo. Trong tiếng Copte tên nước là “Keme hay Kemi”.  Từ Egitto tiếng Ý và các tiếng tây âu khác đến từ tiếng Latinh Aegyptus phát xuất từ tiếng Hy lạp Aigyptos. Có lẽ từ Hy lạp đến từ Hut ka Pta, “nhà của thần Ptah” là tên của đền thờ kính thần Pta ở Memphis. Trong thời Ai cập tên gọi được dùng nhiều nhất là Taui có nghĩa là Hai vùng đất ám chỉ sự hiệp nhất giữa Ai Cập Thượng và Ai Cập Hạ vào khoảng năm 3.100 trước công nguyên. Nhưng lịch sử Ai Cập cổ xưa hơn nhiều, vì đã bắt đầu từ thế kỷ thứ X trước công nguyên. Sau khi bị Aláchxăng Đại đế chinh phục hồi thế kỷ thứ IV trước công nguyên, Ai Cập ở dưới sự cai trị của nhà Tolomei cho tới khi bị đế quốc Roma chiếm đóng năm 30 trước công nguyên. Sau đó vào thế kỷ thứ VII Ai Cập nằm dưới ách thống trị của người A rập và là một tỉnh của nhà nước hồi cho tới khi bị đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ vào đầu thế kỷ XVI. Vào cuối thế kỷ XVIII Ai Cập bị Pháp đô hộ. Sang đầu thế kỷ XIX Ai Cập nằm dưới quyền kiểm soát của vua Memét Ali Pascià của Albania. Vào cuối thế kỷ XIX Ai cập bị người Anh đô hộ và đã chỉ được độc lập vào năm 1956.

Đa số dân Ai Cập là người gốc Ảrập và Ai Cập, nhưng cũng có nhiều nhóm khác nhau như các bộ lạc du mục Ảrập Beduini sống trong sa mạc mạn đông sông Nilo và bán đảo Sinai; người Berberri sống trong ốc đảo Siwa Sahara và mạn tây sông Nilo; các cộng đoàn người Nubiani trong vùng sông Nilo Thượng; các cộng đoàn bộ lạc Begi sống trong vùng cực tây nam; và các bô lạc Dom của vùng đồng bằng sông Nilo và Fayum. Ngoài ra, hiện nay cũng có 70.000 người Palestine, di cư từ năm 1948, 150.000 người Iraq tị nạn từ thập niên 1990, và hơn 200.000 người tỵ nạn Sudan trong các thập niên qua.

Hỏi: Thưa Đức Thượng phụ, đâu là các thách đố chính mà Giáo hội Công giáo Copte phải đương đầu hiện nay?

Đáp: Trước hết là việc đối thoại, Khi tôi nói tới Ai Cập, tôi không nói như là Kitô hữu, nhưng như là người Ai Cập. Ý niệm công dân quan trọng đối với chúng tôi, và chúng tôi luôn luôn tìm nhấn mạnh nó, nhất là trong tương quan với các bạn hữu hồi của chúng tôi, cách riêng với những người có tâm thức cởi mở tìm làm cho cuộc đối thoại tiến tới.

Hỏi: Tương quan của Kitô hữu với người hồi như thế nào thưa Đức Thượng phụ?

Đáp: Ngày nay đã có nhiều thay đổi, có tự do ngôn luận, cả khi rất tiếc không thiếu các hình thức kiểm soát. Chắc chắn là khi nói tới tôn giáo, thì có nguy cơ đụng chạm tới sự nhậy cảm của con người, và điều này có thể đưa tới các phản ứng thái quá. Người dân Ai Cập rất nhậy cảm, nhưng khi trông thấy người ta dùng bạo lực, thì họ biết phân biệt tốt xấu. Đa số dân chúng không muốn việc lèo lái này, và họ biết rằng khuynh hướng cuồng tín không đến từ Thiên  Chúa, không phải là một tôn giáo. Chính vì nó mà Ai Cập đang đánh mất đi căn tính của mình, đang đánh mất đi tính cách của một quốc gia có nền văn minh cổ xưa. Chính vì thế mà người dân phản ứng.

Hỏi: Như vậy có thể tìm thấy một mảnh đất gặp gỡ ở đâu. thưa Đức Thượng phụ?

Đáp: Trong lãnh vực giáo dục. Rất tiếc là xã hội Ai Cập có rất nhiều thiếu sót trong lĩnh vực này. Chúng tôi có hơn 40% dân mù chữ. Vấn đề chính là vì gia đình không có công ăn việc làm nên cha mẹ không thể cho con cái họ đi học, nhưng bắt chúng phải làm việc. Chúng tôi có thể làm gì? Dĩ nhiên các trường công giáo giúp đỡ rất nhiều trong nghĩa này, nhưng cũng chỉ có thể đạt tới vài lĩnh vực nào trong xã hội thôi. Trong các học viện này có một khoá học về cuộc sống dạy các gia trị nhân bản Kitô, được chia sẻ và thảo luận với các học sinh. Các người hồi không sống kinh nghiệm này như là việc trực tiếp rao truyền Tin Mừng. Họ cảm thấy được đối xử với lòng kính trọng, chứ không phải với sự giả hình. Và đây là điều rất quan trọng. Nhưng bên cạnh cảnh mù chữ trí thức không biết đọc biết viết, cũng có cảnh mù chữ tôn giáo nữa. Trong vùng Ai Cập Thượng, là một vùng rất nghèo và bị bỏ rơi, các anh em hồi giáo hoạt động rất mạnh. Trong quá khứ đã có các thoả hiệp giữa chính quyền và tổ chức huynh đệ hồi giáo. Tổ chức này không được làm chính trị, nhưng có thể thành lập các trường nội tại, trong đó người ta dậy biết bao điều chống lại quốc gia và chống ại cả tôn giáo nữa. Và như thế họ đã đào tạo biết bao thế hệ không suy nghĩ và cũng không đặt vấn nạn, nhưng khép kín với việc đối thoại. Chính sự kiện này tạo ra khuynh hướng cuồng tín tới lúc nào đó bùng nổ. Tôi phải nói rằng người Ai Cập yêu chuộng hoà bình, nhưng khi đụng tới tôn giáo, thì họ rất nhậy cảm. Kitô hữu Ai Cập chúng tôi biết phải hành xử ra sao, khi nói về tôn giáo và đâu là các đề tài có thể đối thoại.

Hỏi: Cộng thêm vào đó còn có các vấn đề kiinh tế nữa. Chúng đã có các hậu quả nào ạ?

Đáp: Cuộc khủng hoảng kinh tế đã chỉ khiến cho các khó khăn gia tăng nhiều hơn. Cả ngành du lịch cũng không cất cánh được. Không có công ăn việc làm, không có phát triển kinh tế. Sự kiện dân số gia tăng đề ra các thách đố mới. Hàng năm chúng tôi có thêm 1,5 triệu trẻ em sinh ra. Điều này khiến cho tại trường học có lớp có tới 120 trẻ em. Trong các trường hợp như vậy thì không thể nào mà học hành được. Chúng là các vấn đề cụ thể đòi hỏi phải có các giải pháp. Giáo Hội làm phần mình. Trường Công giáo mở cửa cho tất cả mọi người. Trong đó có bầu khí an lành. Các nhà giáo được tuyển chọn một cách khách quan. Trái lại, các trường công của chính phủ không có khả năng đáp ứng nhu cầu giáo dục, và vì thế việc giáo dục các trẻ em tuỳ thuộc gia đình. Nếu một trẻ em đến từ một gia đình cuồng tín, thì lời đầu tiên nó nói với một trẻ em không Hồi giáo là “mày là một Kitô hữu, vì thế mày là kẻ bất trung không có niềm tin”. Điều này tạo ra vấn đề. Trước đây các trường hợp loại này rất hiếm xảy ra. Có những người khôn ngoan chống lại hệ thống này, và can đảm đưa ra lập trường của họ. Ngày nay không còn có những người như thế nữa. Dù sao đi nữa, tôi phải nói rằng, ngoài chuyện tôn giáo ra, mọi người dân Ai Cập đều phải sống cùng các cuộc khủng hoảng và các khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Và người ta trông thấy khi xảy ra một biến cố nào đó đáng than phiền, chẳng hạn như vụ khủng bố chống lại Nhà thờ Chính thống Copte Thánh Phêrô trong thủ đô Cairo hồi tháng 12 năm 2016, khiến cho 30 người chết: trong dịp đó không phải chỉ có các Kitô hữu khóc thương những người thiệt mạng, mà cũng có biết bao nhiêu người hồi không đồng ý với các hành động khủng bố này cũng  khóc thương các nạn nhân.

Hỏi: Thưa Đức Thượng phụ, các Kitô hữu đã hội nhập vào xã hội Ai Cập như thế nào?

Đáp: Có một từ mà tôi không thích: đó là từ “hạ cố”. Người ta ban bố tự do cho các Kitô hữu để họ sống tốt. Nói như thế là không đúng. Tôi là người Ai Cập, vì thế tôi không chấp nhận sự hạ cố này. Tôi là công dân Ai Cập, trước khi là tín hữu Hồi hay tín hữu Kitô. Chúng tôi rất hay nhắc tới ý niệm về quyền công dân. Tổng thống Al Sisi nói tốt về quyền công dân và về sự khác biệt. Rất nhiều lần ông lập lại rằng chúng được Thiên Chúa muốn như thế. Tuy khác nhau nhưng chúng ta phải sống với nhau. Đây là năm thứ ba tổng thống đã đến tham dự Thánh lễ Giáng Sinh của tín hữu Chính thống. Đây là điều chưa từng xảy ra truớc đây bên Ai Cập. Tổng thống gửi các đại diện tới tham dự Lễ Giáng Sinh của tín hữu Công giáo Copte chúng tôi. Tôi thừa nhận là có tiến bộ trong các tương quan, kể cả nhờ biết bao tín hữu hồi làm việc trong lĩnh vực truyền thông và họ nêu rõ sự hiện này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng để thay đổi tâm thức cần phải có thời gian.

Hỏi: Thưa Đức Thượng Phụ, thực tại của Giáo hội công giáo Copte Ai Cập hiện nay ra sao?

Đáp: Chúng tôi thuộc thiểu số Kitô hữu bên trong một dân tộc có gần 90 triệu người đại đa số theo Hồi giáo. Giáo hội Kitô có đông tín hữu nhất là Giáo hội Chính thống, có khoảng 12 triệu tín hữu. Giáo hội Công giáo có khoảng 250.000 người, và các Giáo hội Tin Lành cũng có số tín hữu tương tự. Ba Giáo Hội này có một hội đồng chung có tiếng nói với chính quyền và dân chúng. Như là tín hữu Công giáo Copte, chúng tôi có một Công nghị gồm Đức Thượng phụ và 7 Giám mục, cộng thêm với Đức Thượng Phụ về hưu là ĐHY Antonios Naguib. Có chương trình gia tăng các Giám Mục trong Công nghị. Tuy là thiểu số nhưng các Kitô hữu chúng tôi được kính trọng trong xã hội, vì công việc Giáo Hội đang làm trong lĩnh vực giáo dục, nhân đạo và bác ái. Chúng tôi có 170 trrường học và rất nhiều nhà thương. Vì Giáo hội Công giáo Copte có đông tín hữu nhất nên Đức Thượng Phụ cũng là chủ tịch không phải chỉ của Công nghị mà cũng là của HĐGM Ai Cập gồm các Giám Mục copte và cả các Giám mục của các lễ nghi Công giáo khác như Latinh, Hylạp Melkít, Armeni, Canđê và Siriac. Giáo Hội chúng tôi cũng có hai dòng nữ là các nữ tu Thánh Tâm Ai Cập, và các nữ tu Ai Cập của Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Hỏi: Chuyến viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Toà Thánh của các Giám mục Ai Cập đã diễn ra như thế nào?

Đáp: Với chuyến viếng thăm chúng tôi đã hiểu biết Toà Thánh Vatican và các cơ quan trung ương nhiều hơn. Chúng tôi đã đồng tế Thánh lễ với ĐTC Phanxicô trong nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, và chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ kéo dài hơn 1 giờ với ĐTC. ĐTC là người biết lắng nghe và hoà hợp với người đối thoại. Ở Ai Câp, ngài không chỉ được các tín hữu Công giáo  mà cũng được toàn dân Ai Cập quý mến. Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ ước mong ngài đến viếng thăm Ai Cập. Lần này chúng tôi đã trao cho ngài một thư mời của Công nghị. Sẽ thật là một phúc lành cho chúng tôi, nếu ngài nhận lời, cũng như chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đã được mọi người dân Ai Cập tiếp đón nồng hậu, kể cả các tín hữu Hồi nữa.

(Oss. Rom. 12-2017)

 

 

Linh Tiến Khải