10/01/2025

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy sống tinh thần tha thứ

VATICAN – ĐTC mời gọi các tín hữu hãy sống tinh thần tha thứ, cho cả các địch thù và ngài kêu gọi hoà bình cho nhân dân tại Cộng hoà Dân chủ Congo, Pakistan và nhiều nơi khác trên thế giới. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19-2-2017, với 30.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

 ĐTC mời gọi các tín hữu hãy sống tinh thần tha thứ

 

 

 

VATICAN – ĐTC mời gọi các tín hữu hãy sống tinh thần tha thứ, cho cả các địch thù và ngài kêu gọi hoà bình cho nhân dân tại Cộng hoà Dân chủ Congo, Pakistan và nhiều nơi khác trên thế giới.


Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19-2-2017, với 30.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo Thánh Mathêu (5,38-48) trong đó Chúa Giêsu dạy phải yêu thương cả địch thù. 

Ngài nói:

“Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mt 5,38-48) – một trong những trang diễn tả rõ nhất ”cuộc cách mạng” Kitô giáo – Chúa Giêsu chỉ cho thấy con đường công chính đích thực nhờ luật tình thương vượt lên trên luật ‘ăn miếng trả miếng’, ”tức là mắt đền mắt, răng đền răng”. Qui luật cổ xưa đòi phải áp dụng cho những người vi phạm những hình phạt tương đương với những thiệt hại đã gây ra: kẻ nào giết người thì sẽ bị giết, chặt tay chân kẻ nào đã làm cho người khác bị thương,… Chúa Giêsu không yêu cầu các môn đệ của Ngài phải chịu sự ác, trái lại, Ngài dạy họ hãy phản ứng, không phải bằng cách gây ra một điều ác khác, nhưng bằng điều thiện. Chỉ như thế mới có thể phá vỡ xiềng xích sự ác và thực sự thay đổi tình cảnh. Thực vậy, sự ác là “trống rỗng” sự thiện, và không thể làm đầy bằng một sự trống rỗng khác, và chỉ có thể bằng một sự đầy tràn, nghĩa là bằng sự thiện. Sự trả thù sẽ không bao giờ đưa tới giải quyết các xung đột.

Đối với Chúa Giêsu, sự từ khước bạo lực cũng có thể bao gồm sự từ bỏ một quyền lợi hợp pháp. Ngài nêu vài ví dụ: giơ má bên kia, nhường áo của mình hoặc tiền bạc, chấp nhận những hy sinh khác (x. cc. 39-42). Nhưng sự từ bỏ này không có nghĩa là những đòi hỏi của công lý bị làm ngơ không biết đến hoặc bị phản đối; trái lại, tình thương Kitô, được biểu lộ đặc biệt trong sự thương xót, chính là một sự thực hiện công lý ở mức cao độ hơn. Điều mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là cần phải phân biệt rõ ràng giữa công lý và báo thù. Chúng ta được phép đòi hỏi công lý, đó là bổn phận của chúng ta phải thực thi công lý. Nhưng chúng ta không được phép báo thù hoặc thúc giục trả thù một cách nào đó, vì nó biểu lộ oán ghét và thù hận.

Chúa Giêsu không muốn đề nghị một trật tự mới về dân sự, nhưng đúng hơn Ngài đề nghị giới răn yêu thương tha nhân, bao gồm cả sự yêu thương địch thù: “Các con hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các con.” (c. 44). Lời này không có nghĩa là chấp thuận sự ác mà kẻ thù đã làm, nhưng như một lời mời gọi hãy hướng tới một viễn tượng cao hơn, đại đảm, giống như viễn tượng của Chúa Cha trên trời, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên soi cho người xấu và người tốt, và làm cho mưa rơi xuống người công chính và người bất chính” (c. 45). Thực vậy, cả kẻ thù cũng là một người, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mặc dù lúc này đây hình ảnh ấy bị lu mờ vì lối cư xử bất xứng.

ĐTC nói thêm rằng: Khi nói về “những kẻ thù”, chúng ta không được nghĩ đến người nào đó khác biệt và xa lạ chúng ta; chúng ta hãy nói về chính mình nữa, chúng ta có thể xung đột với tha nhân, nhiều khi với cả những người thân trong gia đình. Kẻ thù là những người nói xấu chúng ta, vu khống và gây hại cho chúng ta. Với tất cả những người ấy chúng ta được kêu gọi đáp lại bằng sự thiện, sự thiện cũng có chiến lược riêng, được tình thương gợi lên.

Xin Đức Mẹ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu trên con đường có nhiều yêu sách này, con đường thực sự đề cao nhân phẩm và làm cho chúng ta sống như con của Cha chúng ta ở trên trời. Xin Mẹ giúp chúng ta thực hành sự kiên nhẫn, đối thoại, tha thứ, và như thế chúng ta trở thành những người kiến tạo hiệp thông và huynh đệ trong cuộc sống hằng ngày.

Viếng thăm giáo xứ


Ban chiều cùng ngày 19-2-2017, ĐTC đã viếng thăm Giáo xứ Thánh Maria Josefa Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Ponte di Nona ở mạn đông thành Roma. Đây là giáo xứ thứ 13 ĐTC viếng thăm từ khi được bầu làm GM Roma cách đây gần 4 năm.

Khi đến giáo xứ vào lúc 4 giờ chiều, ĐTC đã lần lượt gặp các trẻ em và thiếu niên thuộc các lớp giáo lý, rồi gặp giới trẻ, các bệnh nhân, các gia đình và các nhân viên ở Trung tâm Caritas. Sau đó ngài đã giải tội cho 4 giáo dân trước khi chủ sự Thánh lễ đồng tế với ĐHY Giám quản Agostino Vallini, Đức cha phụ tá khu vực và các LM ở trong vùng.

Giáo xứ ở Ponte di Nona có thánh đường được xây cất gần đây dâng kính Thánh nữ Maria Josefa Sancho de Guerra, sáng lập Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Bác Ái, được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 1 tháng 10 Năm Thánh 2000.

Trong số 6.500 gia đình trong giáo xứ với tổng cộng là 20.000 dân cư, phần lớn là các đôi vợ chồng trẻ với con cái còn nhỏ và họ sống trong các nhà bình dân. Có 200 em học giáo lý thường xuyên trong giáo xứ.

Ngoài ra, trung tâm Caritas của giáo xứ có 20 người thiện nguyện; họ thường phân phát các thùng thực phẩm cho hơn 200 gia đình nghèo với tổng cộng 600 người. Tỷ lệ dân nghèo ở đây khá cao và nhiều người không có công ăn việc làm. (SD 19-2-2017)

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP