Việt Nam đã có ngân hàng sữa mẹ
Ngày 17.2, ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên ở VN đã chính thức đi vào hoạt động tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi TP.Đà Nẵng.
Việt Nam đã có ngân hàng sữa mẹ
Ngày 17.2, ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên ở VN đã chính thức đi vào hoạt động tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi TP.Đà Nẵng.
Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) đặt tại tầng 2 của bệnh viện (BV). Tại đây, những bà mẹ sau sinh được tư vấn kích sữa để nuôi con bằng sữa mẹ và được khuyến khích tự nguyện góp sữa để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi mẹ sau khi chào đời.
TIN LIÊN QUAN
‘Tủ sữa mẹ miễn phí’ người người ủng hộ, bác sĩ có đồng tình?
Với mong ước chia sẻ nguồn sữa mẹ ngọt ngào tới những em bé thiếu sữa, chị Lê Huyền Trang đã mở tủ sữa mẹ miễn phí tại cửa hàng mình. Ý tưởng của chị nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ những người mẹ. Thế nhưng, các bác sĩ thì có nghĩ vậy không?
Tại BV Phụ sản – Nhi TP.Đà Nẵng, mỗi năm có từ 13.000 – 15.000 trẻ chào đời, gần 30% trong số đó thuộc nhóm có nguy cơ cao (nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý…). Theo TS-BS Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc BV, NHSM đầu tiên này được kỳ vọng sẽ “mang lại cơ hội sinh tồn kỳ diệu” cho khoảng 3.000 – 4.000 trẻ mỗi năm.
Bà Ramona Byrkit, Giám đốc khu vực Mê Kông của PATH (tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế toàn cầu), cho biết bà từng chứng kiến các NHSM trên thế giới cứu sống nhiều trẻ nhỏ; mô hình này thành công ở Nam Phi, Ấn Độ… và bây giờ đến lượt VN.
Chị Bùi Thị Thu (quê Quảng Ngãi) vừa sinh con nhỏ tại Khoa Sản của BV đã tham gia nhóm bà mẹ đầu tiên “góp” sữa cho NHSM. Số sữa chị Thu tặng mỗi ngày cũng qua quy trình sàng lọc, xét nghiệm trước và sau thanh trùng, trữ đông (-24 độ) và rã đông tự nhiên, bảo quản trong phòng vô trùng theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng. “Tôi hạnh phúc khi được chia sẻ giọt sữa quý giá đến các cháu nhỏ kém may mắn. Chương trình này thực sự nhân văn”, chị Thu tâm sự.
Đảm bảo an toàn cho bé
Mới đây, tại TP.HCM cũng có “tủ sữa mẹ miễn phí” do một cá nhân đứng ra vận động từ những bà mẹ dư sữa cho con bú. Sữa này được trữ lạnh nhằm tặng lại cho những trẻ không có sữa mẹ. Việc làm này theo các nhà chuyên môn, là ý tưởng tốt, tuy nhiên cũng rất cần có sự tham gia của ngành y tế để đảm bảo vệ sinh, tránh bị nhiễm khuẩn, làm lây nhiễm bệnh cho trẻ.
Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, cho biết: “BV Từ Dũ cũng có đề án làm NHSM nhưng chưa triển khai vì cần phải đảm bảo thêm nhiều yếu tố. Ngày 17.2, BV cử hai bác sĩ ra Đà Nẵng nhân dịp nơi đây khai trương đưa vào hoạt động NHSM, để tham khảo mô hình, cách làm nhằm phục vụ cho việc thành lập NHSM tại BV Từ Dũ”.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại TP, hai BV đang có kế hoạch triển khai NHSM là Từ Dũ và Hùng Vương. “Nhu cầu các bé cần sữa mẹ là có, tuy nhiên Sở sẽ thẩm định đủ điều kiện mới đưa vào hoạt động NHSM ở hai BV trên”, TS Thượng nói.
TIN LIÊN QUAN
Mẹ ‘khoe’ ảnh cho con bú: Nên hay không?
Ngày càng nhiều bà mẹ “khoe” ảnh cho con bú tạo nên một trào lưu mang tên Brelfie (viết tắt của cụm từ breastfeeding selfie: tự sướng khi con bú) với niềm tự hào được làm mẹ.
Theo TS-BS Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế): Nguồn sữa mẹ tiếp nhận về ngân hàng được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng. Các bà mẹ tặng sữa sẽ được kiểm tra sức khoẻ, làm các xét nghiệm sàng lọc để đảm bảo sữa an toàn cho bé thụ hưởng. Điều kiện bảo quản sữa mẹ phải đảm bảo về vệ sinh vô khuẩn dụng cụ chứa đựng, điều kiện nhiệt độ, thời gian… duy trì chất lượng sữa, đặc biệt là không bị nhiễm các vi khuẩn hay các tác nhân ô nhiễm từ môi trường.
Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế sẽ chính thức ban hành quy trình chuẩn về hướng dẫn quy trình tiếp nhận, bảo quản sữa mẹ và hình thức hoạt động của NHSM…
“Việc cộng đồng huy động sữa mẹ giúp các bé thiếu sữa mẹ là thể hiện tính nhân văn, việc làm tốt đẹp. Tuy nhiên, cần biết có một số bệnh lây qua đường sữa mẹ hoặc một số bà mẹ chất lượng sữa không đủ điều kiện nhưng họ không biết nên vẫn dành tặng. Vì lý do đảm bảo sức khoẻ cho bé thì việc tặng, lưu trữ sữa mẹ cần được thực hiện tại nơi đủ điều kiện, giúp cho em bé được tiếp nhận nguồn “thực phẩm” sữa mẹ an toàn”, TS-BS Nguyễn Đức Vinh nói.
An Dy – Thanh Tùng – Liên Châu