29/11/2024

Theo dấu xưa, chuyện cũ: Mặt đầm xưa nổi chợ

Chợ Đầm – một trong những điểm đến nổi tiếng của Nha Trang ngày nay, được hình thành trên một đầm sâu và rộng, gắn với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và trữ tình.

 

Theo dấu xưa, chuyện cũ: Mặt đầm xưa nổi chợ

Chợ Đầm – một trong những điểm đến nổi tiếng của Nha Trang ngày nay, được hình thành trên một đầm sâu và rộng, gắn với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và trữ tình.



Đầm Én khi chưa lấp /// Ảnh: Tư liệu

Đầm Én khi chưa lấpẢNH: TƯ LIỆU

Chúng tôi hẹn nhà nghiên cứu văn hóa Quách Giao, 83 tuổi, tại tư gia ở đường Bến Chợ (TP.Nha Trang). Đúng như tên đường, từ căn nhà của ông, chỉ bước ra cổng là đến chợ Đầm. “Khi chợ chưa được xây lên, trước nhà tôi là một đầm lầy rộng, nước ngập sâu. Trên bờ có trồng liễu, đặt ghế đá cho người dân và khách ngồi ngắm cảnh. Cha tôi (tức cố thi sĩ Quách Tấn – PV) thường chọn nơi đây tâm sự cùng bạn thơ, trong đó có Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan…”, ông Quách Giao nhớ lại.
Theo một số tư liệu, đầm này xưa có tên đầm Xương Huân, còn gọi là đầm Én, vì là nơi có nhiều chim én trú. Tương truyền, thuở sơ khai, vùng này có một con vật (gọi là con cù) khổng lồ ngủ vùi trong lòng đất. Khi bà Thiên Y A Na giáng trần, sấm chớp nổi lên, đất trời rung chuyển làm cho con cù tỉnh giấc, nó vùng dậy và bơi ra biển. Dấu vết mà nó để lại là một đầm nước mênh mông, nằm cạnh con sông Cái. Còn theo các nhà nghiên cứu, đầm Én được hình thành là do xưa kia dòng sông Cái rộng lớn và lưu lượng mạnh, mùa lũ nước không kịp chảy ra biển nên xoáy vào nội địa. Theo năm tháng, dòng sông dịu dần, lòng đầm lặng yên. Trước khi lấp đầm xây chợ, đầm này trở thành cửa ngõ giao thương sôi động với nhiều thuyền đưa hàng từ Diên Khánh xuôi theo sông Cái về Nha Trang buôn bán.
Nhà nghiên cứu Quách Giao cho biết trước đây đầm Én là một thắng cảnh của Nha Trang và miêu tả: “Những chiếc thuyền nối tiếp nhau vào bến, chậm chậm, êm êm. Trên mặt đầm từng vệt nước kéo dài theo đáy thuyền như những dải lụa trên nước. Mùa thu, thuyền đi trong mưa phùn, quang cảnh mờ mờ như tranh thủy mặc. Đêm trăng, mặt đầm chỗ đọng như rong phủ, chỗ sáng như bạc và trăng nổi giữa đầm như quả châu lóng lánh. Vậy nên khách đến Nha Trang mùa hạ ưa nằm nơi bãi biển, mùa thu thì thích ngồi trầm ngâm bên cạnh đầm”.
Theo dấu xưa,  chuyện cũ: Mặt đầm xưa nổi chợ

Chợ Đầm tròn ngày nay với mái hình hoa senẢNH: NGUYỄN CHUNG

“Nóc chợ trổ hoa sen”
Đầm Én chỉ còn trong ký ức kể từ khi chợ mới được xây dựng bề thế, đặt tên là chợ Đầm. Theo tài liệu mà Ban Quản lý chợ Đầm cung cấp, từ khoảng năm 1908, Nha Trang đã có khu chợ hình thành ở cuối đầm Én (gần đường Phan Bội Châu ngày nay). Qua thời gian, dân cư đông đúc, bạn hàng buôn bán lấn ra ngoài lòng đường, việc xây cất nhà dọc ven đầm trở nên rất lộn xộn. Vì thế, chính quyền địa phương đã bàn đến việc xây chợ mới. Công tác khởi sự là ngày 12.4.1969 với việc thổi cát lấp đầm do Nha Thuỷ vận Sài Gòn phụ trách. Mất 6 tháng, người ta đã cho thổi 350.000 m3 cát để bao trùm diện tích đầm rộng gần 7 mẫu. Sau khi san ủi, đo đạc, chiều 12.12.1969, viên đá đầu tiên được đặt lên bãi cát mênh mông, đánh dấu cho việc xây cất chợ Đầm và đến ngày 22.2.1972, công tác xây chợ hoàn tất. Đầm Én mất hẳn dấu vết.
 
Tuy vậy, ký ức về đầm Én vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người Nha Trang. Nhà thơ Giang Nam nhớ lại, do đầm Én rộng nên rất thoáng mát, nước đầm trong và sạch vì lên xuống theo triều nước sông Cái. Chiều tối, nhiều người dân và du khách tản bộ quanh đầm, rồi trò chuyện trên những ghế đá, hóng mát hoặc ngắm cảnh mặt đầm lênh láng buồn, đưa mắt theo những cánh én chập chờn. Khi đầm không còn nữa, những đàn én bay rợp trời, rồi tản mát, ngày một thưa dần và thôi không quay lại chốn cũ nữa.
Nhà nghiên cứu Quách Giao vẫn nhớ quanh đầm Én có 12 bến nước, mỗi bến lại đón nhận thuyền cập mang theo từng loại hàng. Ông kể tiếp: “Có lần hai nhà thơ Chế Lan Viên và Yến Lan đến bến Đình vào đêm trăng mùa thu, Quách Tấn ngâm bài Đêm thu nghe quạ kêu của ông, trong đó có câu: Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng/Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng. Chế Lan Viên và Yến Lan càng thấy thú vị trong khung cảnh nên thơ, nên bảo nhau gọi bến Đình là bến Phong Kiều”.
Quãng thời gian người ta lấp đầm trùng hợp với lúc nhà thơ Quách Tấn bị bệnh, hư một con mắt. Trong bài Tương quan của ông có câu: “Đầm Xương Huân bị lấp/Mắt mình mờ một con”. Nói về tình cảm của cha mình với đầm Én, nhà nghiên cứu Quách Giao cho biết thêm, trước khi xây chợ Đầm, có vị kiến trúc sư đã đến thăm Quách Tấn và nhân buổi mạn đàm có nhắc đến đồ án xây dựng khu chợ. Quách Tấn góp ý rằng nếu vì công việc kiến thiết thành phố mà phải lấp đầm thì nên để lại vết tích của đầm xưa cho thế hệ mai sau biết đến. Suy nghĩ của Quách Tấn trùng khớp với ý tưởng của những người thiết kế khu chợ. Sau đó, chợ Đầm được xây dựng có hình thể tròn, mái xếp hình chữ V, tượng trưng cho bông hoa sen nở trên mặt đầm.
Sau khi chợ Đầm hình thành, nhà thơ Quách Tấn đã làm bài thơ Bóng chợ Đầm: Mặt đầm xưa nổi chợ/Nóc chợ trổ hoa sen/Nhuỵ phấn trăng vàng kết/Đài hương mây trắng chen/Mơ màng sương ánh tuyết/Thấp thoáng bến neo thuyền/Chi ngại đời dâu bể/Nhàn duyên náo cũng duyên.

 

Nguyễn Chung