Những chiến binh xanh ở Đông Nam Á
Những thủ lĩnh trẻ của ASEAN đang góp phần vào công cuộc bảo vệ tài nguyên quý giá của tự nhiên, với các dự án hứa hẹn tạo nên thay đổi trong cộng đồng.
Những chiến binh xanh ở Đông Nam Á
Những thủ lĩnh trẻ của ASEAN đang góp phần vào công cuộc bảo vệ tài nguyên quý giá của tự nhiên, với các dự án hứa hẹn tạo nên thay đổi trong cộng đồng.
Trong bối cảnh nhiều rừng đước tại ASEAN đang bị đe dọa, Muhammad Adzmin Ab Fatta, một thành viên của Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại Malaysia, đã triển khai sáng kiến phổ biến kiến thức cho cộng đồng nhằm ngăn chặn nguy cơ gây hại cho các hệ sinh thái dễ bị tổn hại.
Tái tạo Bức tường ASEAN
Theo tờ The Star, vào tháng 12 năm ngoái, Muhammad Adzmin đã công bố dự án #Mangrove4U, một trong những sáng kiến thuộc dự án rộng hơn là Tái tạo bức tường ASEAN. Thanh niên 23 tuổi này đã chọn điểm khởi đầu là Pulau Omadal, một hòn đảo ngoài khơi thị trấn Semporna, trên bờ biển phía bắc của bang Sabah thuộc Malaysia. Từ đây, anh lên kế hoạch nhân rộng dự án cho những rừng đước đang lâm vào tình cảnh tương tự khắp Đông Nam Á.
Ý tưởng gia cố và bảo tồn rừng đước, “lá chắn” hữu hiệu giúp bảo vệ các bờ biển, đã được manh nha khi Muhammad Adzmin tham gia hội thảo Thế hệ đại dương YSEALI tại Jakarta vào tháng 3.2016. Tại đây, vị thủ lĩnh trẻ nhận thức rõ tầm quan trọng của các khu rừng đước với hệ sinh thái biển. Chúng giúp làm giảm mức độ tàn phá của thiên tai đối với các khu định cư và là vũ khí quan trọng chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu.
“Đáng buồn là rừng đước đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trước quá trình khai thác bờ biển và phát triển không bền vững, ngành nuôi trồng thủy hải sản và sự phá hoại của con người”, anh Muhammad Adzmin cho biết.
Thanh niên Malaysia này đã lập một nhóm gồm những người trẻ tuổi cùng chung chí hướng, gồm Herminatalia Tabar (26 tuổi), Sumira Muis (23 tuổi), Fazlan Thomas (28 tuổi), Masmeera Jimlan (22 tuổi) và Rahim Wahab (24 tuổi). Là trưởng dự án, Muhammad Adzmin tự lên kế hoạch, gặp gỡ các bên liên quan, chẳng hạn các cơ quan chính phủ như Bộ Lâm nghiệp để vận động ủng hộ và gây quỹ. Anh cũng cố gắng tạo ra một mạng lưới gồm các thủ lĩnh trẻ ở Semporna, cụ thể là những người sống trong vùng ngập mặn, để họ trở thành một phần của sáng kiến và dần dần đảm trách sứ mệnh.
Tuy nhiên, công tác tăng cường nhận thức cộng đồng khó khăn hơn dự kiến. Họ không những phải thu thập đầy đủ số liệu nhằm biết rõ tình hình khu vực, mà còn phải dịch tất cả nội dung sang tiếng Bajau, ngôn ngữ mẹ đẻ của cộng đồng Semporna.
TIN LIÊN QUAN
Cảnh báo IS chuyển hướng sang Đông Nam Á
Các nước ASEAN cần tăng cường chia sẻ thông tin và kiểm soát khu vực biên giới để đối phó nguy cơ khủng bố gia tăng, theo chuyên gia của Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ (UNODC).
Bảo vệ rừng, biển
Một thành viên YSEALI đến từ thành phố Ipoh, thủ phủ bang Perak của Malaysia cũng đang ấp ủ dự án cứu rừng đước ở khu bảo tồn Pulau Kukup thuộc bang miền nam Johor. Sau khi đăng ký thành công để trở thành một thành viên YSEALI, Karyshma Gill, 19 tuổi, bắt đầu tham gia các hội thảo của giới thanh niên và tự nghĩ ra sáng kiến “Cứu rừng”.
Chương trình này có 4 thành viên, với trưởng nhóm là cô Gill, nhưng thu hút được nhiều người tình nguyện. Họ chỉ mất 1 giờ lên kế hoạch cho chuyến đi thực tế ở rừng đước Pulau Kukup. Vượt qua những trở ngại về hậu cần cũng như các thách thức khác, cả nhóm dành cả ngày gieo hạt đước và dọn dẹp vệ sinh khu vực, đồng thời tìm hiểu vai trò của cây đước đối với cuộc sống của các ngư dân trong vùng. Cô chia sẻ dự án này là cách riêng của mình trong nỗ lực thay đổi suy nghĩ của thế hệ trẻ, vốn hiếm khi nào trân trọng sự tồn tại của tự nhiên và hiểu thấu tầm quan trọng của thiên nhiên đối với đời sống chúng ta.
Trong khi đó, cô Ecklyn Fok Fei Mei, 26 tuổi, sinh viên hệ sau đại học của Trường Universiti Malaysia Terengganu (UMT), đã phát động chiến dịch được YSEALI tài trợ, có tên là “Chúng ta hãy dọn rác”. “Đây là dự án tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm rác nhựa siêu nhỏ (đường kính 1 mm trở xuống) và tác động của nó đối với các rạn san hô”, theo cô Ecklyn, người đã thuyết phục khoảng 90 sinh viên khác tham gia sáng kiến này. Với sự hợp tác của Câu lạc bộ Khoa học biển, chiến dịch dọn rác đã được triển khai ở khuôn viên Trường UMT vào ngày 3.12.2016.
Thông qua hội thảo YSEALI, Ecklyn cũng gặp gỡ và trao đổi với những người cùng chung ý tưởng nhằm mở rộng nỗ lực bảo tồn biển. Không những thế, cô đã gặp được 3 thủ lĩnh trẻ đến từ Indonesia, Malaysia và VN, cùng nhau thành lập dự án Asean CoralRanger (Người bảo vệ san hô ASEAN).
“Chúng tôi quyết định khởi đầu bằng một hội thảo nhỏ để quảng bá các vấn đề then chốt của biển cả, chẳng hạn như bảo tồn rạn san hô và ô nhiễm rác nhựa siêu nhỏ. Chúng tôi hy vọng sự góp sức của những người thuộc các lĩnh vực khác nhau có thể tạo ra những thay đổi tích cực và nâng cao nhận thức về những cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt”, nữ sinh viên trẻ chia sẻ.
Thuỵ Miên