09/01/2025

Hiến tạng cho người dưng

Có lẽ khó khăn nhất trong cuộc đời bà Ngần là lúc bà đưa ra một quyết định: hiến tạng con trai mình để cứu nhiều người khác.

 

Hiến tạng cho người dưng

Có lẽ khó khăn nhất trong cuộc đời bà Ngần là lúc bà đưa ra một quyết định: hiến tạng con trai mình để cứu nhiều người khác.

 

 

 

Hiến tạng cho người dưng
Bà Ngần và bà Lợi (phải) nay đã thân thiết như hai chị em – Ảnh: QUỲNH LIÊN

Cũng chính quyết định này đã mang đến cho bà và gia đình mối lương duyên đặc biệt đối với những gia đình người được nhận tạng.

Quyết định khó khăn

Con trai bà Cấn Thị Ngần (56 tuổi, ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là anh Trịnh Đình Vàng, 31 tuổi, út trong nhà. Hồi giữa năm 2016, anh Vàng rơi từ lan can xuống đất trong lúc ngủ, khi được phát hiện thì đã ở trong tình trạng bất tỉnh, bể đầu, máu chảy từ tai, gãy tay.

Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận bệnh nhân Vàng đã chết não. Khi đó, bà Ngần đang làm giúp việc cho một gia đình ở trung tâm Hà Nội.

Tình hình của anh Vàng làm bà Ngần rối bời. Nuôi con lớn chừng này, tính chuyện dựng vợ gả chồng chưa kịp thì con đã ra đi.

“Lúc bác sĩ thông báo tình hình và động viên tôi hiến tạng con, tôi như đứt từng khúc ruột. Rứt ruột đẻ con ra, nuôi con lớn, giờ chứng kiến con trong tình cảnh ấy hỏi làm sao tôi chấp nhận được?

Thế nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lại, tôi đã đồng ý vì hai lý do: nếu như con tôi chết mà cứu được nhiều người thì đó là cái chết không uổng phí và thông qua hiến tạng, tôi thấy con vẫn còn sống ở đâu đó trên đời này” – bà Ngần tâm sự.

Rồi bà Ngần đồng ý ký vào giấy hiến tạng anh Vàng.

Khi đi qua một phòng bệnh, thấp thoáng nghe những lời bàn tán đầy hi vọng của những gia đình bệnh nhân vừa hay tin được nhận tạng, tâm trạng người mẹ nghèo đầy xáo trộn, dường như có phần đau đớn tột bậc nhưng đồng thời lại có phần được an ủi vì việc làm của mình là phúc đức cứu người.

Được sự đồng ý của bà Ngần và gia đình, ngay trong đêm các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã lấy tim, gan và hai quả thận của anh Vàng để cứu sống 4 người đang cận kề cái chết.

Ngay sau khi kết thúc ca mổ, quả tim của anh Vàng đã lại đập bên trong lồng ngực mới, bệnh nhân được ghép thận cũng đã xuất hiện nước tiểu ngay sau khi được ghép trên bàn mổ, ở bệnh nhân được ghép gan cũng cho tín hiệu kết hợp tốt.

Nhưng bà chỉ biết có vậy. Nhà nghèo, bà còn bao nhiêu việc, còn phải lo miếng cơm manh áo…

Mối lương duyên 
đặc biệt

Miếng cơm manh áo vẫn chật vật như mọi ngày, nhưng bà Ngần vẫn cồn cào nhớ con.

Thế rồi bà muốn biết thông tin của người được hiến tạng để sau này thỉnh thoảng tới thăm cho đỡ nhớ. Nhưng vì bảo mật đời sống riêng tư của người bệnh nên phía bệnh viện không chấp thuận.

Bất ngờ khoảng một tháng sau, có hai gia đình nhận được giác mạc của anh Vàng tới thăm. Một trong hai người được ghép giác mạc là anh Nguyễn Xuân Hưng, 27 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội.

Cách đây hơn hai năm, mắt anh Hưng xuất hiện triệu chứng sưng, đau, ngứa và thị lực suy giảm nhanh, mắt lúc nào cũng như có màn sương che phủ, rồi gần như mù.

Đi khám, bác sĩ nói bị giác mạc chóp bẩm sinh, nếu không can thiệp sẽ bị mù lòa. Cách điều trị duy nhất là ghép giác mạc. Nhưng làm gì có ai cho mắt đâu, nên làm đơn gửi bệnh viện rồi chờ.

Một ngày nọ, sau khi viết đơn khoảng một năm rưỡi, bất ngờ Hưng nhận được thông báo đã có người cho giác mạc. Ngay hôm sau Hưng được ghép.

Bà Nguyễn Thị Lợi – 63 tuổi, mẹ anh Hưng – cho biết từ lúc con trai được ghép giác mạc, cả nhà luôn tâm niệm phải tìm bằng được gia đình người cho giác mạc để tri ân, nhưng việc tìm kiếm rất khó vì phía bệnh viện giấu thông tin về người hiến tạng.

Sau đó thông qua Internet, gia đình đã tìm được thông tin về quê quán của người cho tạng, nhưng lúc đó cũng chỉ biết xã chứ không biết cụ thể tên, tuổi, địa chỉ.

Chỉ dựa vào chút thông tin ít ỏi đó, gia đình bà Lợi và một người được cho giác mạc khác ở Xuân Mai, Hà Nội đã dò tìm về đúng địa chỉ nhà bà Ngần ở Quốc Oai.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã khiến bà Ngần không khỏi xúc động và bất ngờ hơn nữa khi nhận thấy giữa mình và bà Lợi có quá nhiều điểm trùng hợp. Cả hai người phụ nữ đều trong cảnh chồng mất sớm, phải tự mình nuôi một bầy con.

Trong khi chồng của bà Ngần chết vì tai nạn điện thì chồng của bà Lợi lại bị sét đánh, bây giờ số phận lại run rủi cho con trai bà Lợi được nhận giác mạc của con trai bà Ngần. Trong niềm xúc động vô cùng, bà Lợi cứ nắm chặt lấy bàn tay thô ráp của bà Ngần, nói cảm ơn…

Hiến tạng cho người dưng
Nhờ được ghép giác mạc của anh Trịnh Đình Vàng, anh Nguyễn Xuân Hưng nay đã có thể đọc được trên điện thoại – Ảnh: Q.LIÊN

Còn lại tình người

Sau 50 ngày mất của anh Vàng, bà Ngần đến thăm nhà Hưng. Suốt quãng đường hơn 10 cây số, bà Ngần khóc suốt vì cảm giác như sắp được gặp con trai lần nữa.

Vừa bước chân qua cổng nhà Hưng, bà Ngần không kìm nén được đã oà khóc thành tiếng. Đến khi gặp Hưng, bà Ngần dù kìm nén nhưng nhiều lần cứ ôm lấy cậu thanh niên xa lạ mà cứ ngỡ ruột thịt.

Khi nhìn vào mắt Hưng, bà Ngần có cảm giác như được gặp lại ánh nhìn của con trai mình. Lần đó, bà Ngần khuyên Hưng phải giữ gìn con mắt, cố gắng khỏe mạnh để làm chỗ dựa cho mẹ già.

Hơn ba tháng được ghép giác mạc, Hưng cho biết mắt phải (mắt được ghép) đã có chuyển biến từ hai phần nay lên bốn phần. Đã nhìn được gần, nhìn trong bóng râm, nhìn được dáng người. Hưng nuôi hi vọng một ngày không xa sẽ sáng mắt, sẽ tìm được công việc tốt rồi lấy vợ.

Sau đó bà Ngần trở lại thăm gia đình nhà bà Lợi. Không giống với trước chỉ là đau xót vì nhớ con trai, lần này bà Ngần đã có nụ cười, nhất là khi nói đến tương lai của Hưng.

Tâm nguyện của người mẹ

Bà Ngần tâm sự đã có được niềm an ủi khi thấy nhiều mảnh đời được hồi sinh từ quyết định hiến tạng con trai mình. Bên cạnh đó, bà và gia đình còn có được mối thâm tình quý báu với gia đình người được nhận tạng là bà Lợi.

Tâm nguyện của người mẹ này muốn gặp lại những người được nhận tạng còn lại, coi như được an ủi phần nào. Bà Ngần bảo nếu biết được địa chỉ của người được nhận tạng ở đâu, xa xôi, vất vả thế nào vẫn tìm đến thăm hỏi dù chỉ một lần…

QUỲNH LIÊN