09/01/2025

Xây nghĩa trang miễn phí cho người dưng

Ở xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp) ai cũng biết vợ chồng ông Nguyễn Văn Ghe và bà Thái Thị Thảo làm từ thiện khi dành 2.000m2 đất của mình để… xây nghĩa trang cho người dưng.

 

Xây nghĩa trang miễn phí cho người dưng

Ở xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp) ai cũng biết vợ chồng ông Nguyễn Văn Ghe và bà Thái Thị Thảo làm từ thiện khi dành 2.000m2 đất của mình để… xây nghĩa trang cho người dưng.

 

 

 

Xây nghĩa trang miễn phí cho người dưng
Vợ chồng ông Ghe chăm sóc nghĩa trang từ thiện sau nhà – Ảnh: N.Tài

Tôi làm thỉnh thoảng cũng có suy nghĩ là tìm chút phước cho mình. Nhưng thật sự khi làm việc thiện đã là một thói quen lậm vào người rồi thì khó bỏ

Ông Nguyễn Văn Ghe

Đó là chuyện năm năm trước, khi nghĩa trang xã sẽ phải di dời nhưng chưa có dự án cụ thể. Một gia đình lúc bấy giờ khi có tang ma mệt nhất vẫn là chuyện tìm đất xây mộ. Sống giữa vùng rốn Đồng Tháp Mười, việc xây một ngôi mộ đủ để đối phó với mùa lũ về không hề đơn giản.

Cắt đất nhà làm nghĩa trang

Thấy người ta đi tìm đất xây mộ khổ quá trong khi mình có đồng lúa 20.000m2 phía sau nhà, vợ chồng ông Ghe chạy lên xã xin hiến 1.000m2 đất sau nhà làm nghĩa trang. Xã chỉ lên huyện xin ý kiến.

Huyện bảo: “Trời ơi, kiếm đất làm nghĩa trang không ra, giờ anh có đất làm mồ mả cho người nghèo thì quá tốt”. Thế là một phần diện tích lúa sau nhà ông Ghe liền biến thành nghĩa trang. “Cũng chẳng có nguyên do gì đâu, tự nhiên lúc đó thấy nhiều người cần thì mình làm” – ông Ghe kể lại tỉnh bơ.

Hôm chúng tôi tới thăm trời đã về chiều. Mưa hơi lất phất nhưng phía sau nghĩa trang, vợ chồng ông Ghe – bà Thảo, người cuối tuổi thất thập – người đầu tuổi thất thập, vẫn lúi húi sắp lại mấy đống gạch chuẩn bị cho hàng quách mới.

Nghĩa trang của vợ chồng ông Ghe sau đó được nới lên 1.500m2, rồi 2.000m2 với hơn 130 ngôi mộ xây cất theo hàng lối. Sau mỗi mùa lúa, vợ chồng ông đều dành ra hơn chục triệu đồng xây hàng quách mới. “Mỗi quách khoảng 1 triệu đồng. Mấy năm nay đều đặn mỗi năm vẫn xây mới khoảng 30 quách” – ông Ghe nói. Tính luôn cả tiền đầu tư nâng nền ban đầu, vợ chồng ông Ghe đã đầu tư vào nghĩa trang không dưới 300 triệu đồng.

Nghĩa trang của ông Ghe không phân biệt tôn giáo, cũng chẳng cần thân quen hay dòng họ. Sẵn quách, gia đình nào hữu sự mà cần cứ liên lạc với ông Ghe. Gia đình nào khó khăn quá, vợ chồng ông giúp luôn vài bao ximăng đủ để tươm tất mồ mả. Từ làng trên đến xóm dưới, khi hữu sự đều tất tả chạy đến ông Ghe. Các xã lân cận cũng tìm đến. Nghĩa trang còn có những gia đình xa xôi trong Đồng Tháp Mười nghe danh ông Ghe cũng tìm đến nhờ vả khi hữu sự.

Những ngôi mộ có người thân ở xa, việc hương khói vợ chồng ông Ghe đảm nhiệm. Ông nhận lời giúp khi có người nhờ vả. Ông quan niệm đơn giản về việc giúp đỡ này như sau: “Quan trọng là mình cũng ấm lòng”.

Không quan tâm người đến khi hữu sự là ai, nhưng gần như mỗi một hoàn cảnh trong nghĩa trang ông bà đều ít nhiều biết về họ. Có cô gái trẻ làm công nhân ở Sài Gòn chẳng may bị tai nạn giao thông khi vừa lập gia đình, ngày chôn cất cả xóm tiếc thương, hay gia đình cả ba người thân qua đời đều về quần tụ trong nghĩa trang này… Việc biết từng hoàn cảnh cũng đến tự nhiên qua năm tháng, theo từng chuyến hương khói của người tảo mộ.

Vợ chồng ông Ghe hễ rảnh rỗi là lại cùng nhau ra nghĩa trang khi nhổ cỏ, khi trồng cây. Mỗi đợt tảo mộ, ngôi mộ nào lạnh lẽo, không người quét tước, khói nhang, ông bà lại xắn tay áo vào làm. Không chỉ bỏ tiền ra lập nghĩa trang, vợ chồng ông Ghe còn trở thành quản trang thầm lặng cho hơn trăm người dưng yên nghỉ.

Thấy 2.000m2 đất làm nghĩa trang của vợ chồng ông Ghe sắp hết, nhiều người trong xóm thường xuyên nói với ông: “Cho người lạ hết, vài bữa tới hàng xóm mà không có chỗ là không được nghen chưa”. Mỗi lần vậy, cả ông Ghe và bà Thảo cùng trả lời: “Yên tâm đi, đất ruộng tui có tới 20.000m2, hết 2.000m2 này tui cắt thêm 2.000m2 khác”.

Người tạo phước

Chuyện vợ chồng ông Ghe xây nghĩa trang cho người dưng vốn dĩ không ai trong xứ này bàn tán gì. Họ đã quen với rất nhiều việc làm “bao đồng” của hai vợ chồng ăn chay trường quanh năm này.

Năm người con đều đã dựng vợ gả chồng, vợ chồng ông Ghe với 2ha lúa, mở thêm tiệm cơm chay giao cho một người con gái buôn bán xem như ổn định cuộc sống.

Chừng hơn 10 năm trước, việc một xe cấp cứu xuống đưa được người bệnh đi cấp cứu còn tính thời gian chờ đợi hàng giờ. Ông Ghe thấy vậy cho rằng cần phải có một chiếc xe cấp cứu ngay cho người dân.

Thế là mùa lúa 2007, vợ chồng ông Ghe để ra luôn một mùa trúng lúa, mua một chiếc xe 12 chỗ về sửa sang. Hơn 100 triệu đồng ông Ghe bỏ ra, vùng xã Phú Thọ có một chiếc xe cấp cứu dán chữ “Từ thiện” miễn phí.

Anh con trai út vốn chạy xe tải nhỏ, được ông Ghe “trưng dụng” làm luôn tài xế xe cấp cứu. Ông Ghe chịu luôn tiền xăng, sẵn sàng chở người bệnh đến bệnh viện bất cứ khi nào. Đến năm ngoái, thấy nhu cầu cấp cứu còn nhiều mà chiếc xe “Từ thiện” năm nào giờ đã bắt đầu cà rịch cà tang, vợ chồng ông Ghe đầu tư tiếp thêm gần trăm triệu đồng mua một chiếc xe cấp cứu “Từ thiện” mới.

Gần như không lúc nào vợ chồng ông Ghe không làm việc gì đó cho cộng đồng. Ngoài mua xe cấp cứu chuyển viện miễn phí, xây nghĩa trang cho người dưng, ông Ghe cả ngày chạy chiếc xe cúp cà tàng loanh quanh vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền của… giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

Rồi ông xung phong tham gia sửa chữa cầu đường giao thông nông thôn, hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó, đóng góp Quỹ vì người nghèo của các địa phương…

Ông Ghe còn là một trong những “đầu tàu” tổ chức, vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền của, công sức thành lập tổ từ thiện chuyên phục vụ miễn phí cơm, cháo, nước ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Số tiền cho các suất cơm, cháo, nước này mỗi tháng cũng tròm trèm cả trăm triệu đồng.

“Mình càng làm càng nhiều tiếng tăm. Nên hầu như mỗi hoạt động thiện nguyện gì gần gần đây bà con đều tìm tới mình. Riết rồi nhiều việc mình làm xong không nhớ hết” – ông Ghe nói như phân bua. “Nhưng cũng có khi mình làm việc liên tục vậy nên quên luôn cả tuổi, thấy sức còn làm được thì làm” – ông già đã 78 tuổi nói rồi tự cười.

Có thể sức khỏe chính là một cách “trao lại của bề trên” cho các việc làm nhân ái của ông Ghe suốt những năm qua, như lời ông bộc bạch: “Tôi làm thỉnh thoảng cũng có suy nghĩ là tìm chút phước cho mình. Nhưng thật sự khi làm việc thiện đã là một thói quen lậm vào người rồi thì khó bỏ”.

Ông Ghe nói bản thân mình đi tìm phước, nhưng dường như phước đức trong ông luôn đầy tràn khi khuôn mặt luôn mở nụ cười thường trực với người xa lạ.

Vợ chồng ông Ghe đã tạo nên vô số nụ cười giữa đời. Làm nên những điều thiện, chính những người như vợ chồng ông Ghe đã tạo ra phước đức không nhỏ trong cuộc sống này.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Ghe được chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì những hành động nhân ái miệt mài đóng góp cho xã hội. Ông được tỉnh Đồng Tháp ví là một trong những “gương sen”, không ngừng làm đẹp cho đời. Ông Ghe cũng được Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng thưởng “Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam” với hàng loạt thành tích từ công việc thiện nguyện hiệu quả của mình.

NGỌC TÀI – SƠN LÂM