11/01/2025

Tiểu bậy trên đường, vừa nộp phạt vừa đi xin nước để rửa

Ngày 8-2, đội quản lý trật tự đô thị Q.1, TP.HCM tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi gây mất vệ sinh đường phố như xả nước thải, xả rác ra đường và tiểu bậy.

 

Tiểu bậy trên đường, vừa nộp phạt vừa đi xin nước để rửa

Ngày 8-2, đội quản lý trật tự đô thị Q.1, TP.HCM tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi gây mất vệ sinh đường phố như xả nước thải, xả rác ra đường và tiểu bậy.

 

 

 

Tiểu bậy trên đường, vừa nộp phạt vừa đi xin nước để rửa
Ông N.V.C. bị đội trật tự đô thị lập biên bản về hành vi tiểu bậy trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 sáng 8-2 – Ảnh: Q.KHẢI

Đoàn kiểm tra quanh các trục đường chính, khu vực công cộng như công viên 30-4, xung quanh nhà thờ Đức Bà, các đường: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Lê Duẩn…

Tiểu bậy gần nhà vệ sinh công cộng

Tại đường Hai Bà Trưng, đoạn gần đường Tôn Đức Thắng, đoàn phát hiện ông N.V.C. tiểu bậy ngay tủ cáp viễn thông nên tiến hành ghi hình lập biên bản, đồng thời yêu cầu ông C. phải đi xin nước của người dân sống gần đó để rửa nơi đã gây bẩn.

Chống chế trước lực lượng kiểm tra, ông C. cho rằng do mắc tiểu quá nhưng không tìm được nhà vệ sinh công cộng nên mới “làm đại”.

Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra chỉ nhà vệ sinh công cộng cách đó vài trăm mét thì ông C. chịu ký vào biên bản.

Tại đường Chu Mạnh Trinh, Hai Bà Trưng, đoàn kiểm tra cũng lập biên bản ba trường hợp người buôn bán thức ăn, nước đá… xả nước thải ra đường. Tất cả các trường hợp trên đều bị đoàn kiểm tra lập biên bản đưa về UBND Q.1 để tham mưu cho UBND Q.1 ra quyết định xử phạt.

Theo nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ ngày 1-2), hành vi tiểu tiện nơi công cộng bị phạt từ 1 triệu đồng tới 3 triệu đồng.

Còn theo nghị định 167, hành vi xả nước thải ra lòng đường, vỉa hè bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ông Phạm Nhất Trí, đội phó đội quản lý trật tự đô thị Q.1, cho biết đội sẽ tham mưu UBND quận ra quyết định xử phạt ở mức trung bình, tức hành vi tiểu bậy nơi công cộng có thể bị phạt 2 triệu đồng, còn xả nước thải ra lòng đường, vỉa hè bị phạt 200.000 đồng.

Theo ông Trí, trong năm 2016, Q.1 đã phạt hơn 2.000 trường hợp liên quan đến các hành vi trên, nhưng theo mức phạt cũ chỉ 200.000 đồng/trường hợp. Từ đầu năm 2017 đến nay đã lập biên bản hơn 10 trường hợp vi phạm tương tự.

Trong đó, có 7 trường hợp đang được đội trật tự đô thị tham mưu cho UBND Q.1 ra quyết định xử phạt theo quy định mới, mức phạt tăng hơn chục lần. Việc ra quân xử phạt các hành vi vi phạm như trên đang được triển khai đồng loạt trên địa bàn 10 phường của Q.1.

Tiểu bậy trên đường, vừa nộp phạt vừa đi xin nước để rửa
Ông N.V.C. bị buộc giội rửa nơi ông tiểu bậy trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) – Ảnh: Q.Khải

Cần quy trình xử lý hình ảnh để làm chứng cứ

Xung quanh đề xuất dùng điện thoại thông minh làm công cụ giám sát, xử lý vi phạm về môi trường, một chuyên gia về cải cách tư pháp lưu ý những vấn đề sau đây.

Thứ nhất, cần lực lượng quản trị để xử lý hết, kịp thời, hiệu quả hình ảnh người dân gửi về. Người dân gửi hình ảnh về có quyền biết được hình ảnh mình gửi có được tiếp nhận, xử lý hay không.

Nếu người dân không biết hoặc lực lượng chức năng xử lý không hiệu quả thì họ sẽ quay lưng, không hợp tác nữa.

Thứ hai, cần phải sàng lọc những dữ liệu hình ảnh gửi về để loại những thông tin gây nhiễu, sử dụng thông tin, hình ảnh tốt, có giá trị.

Thứ ba, TP cần có quy trình, thủ tục xử lý hình ảnh để làm chứng cứ xử phạt chặt chẽ, đúng pháp luật. Quy trình đó phải đảm bảo các bước xác minh, căn cứ để việc xử phạt được đúng người, đúng hành vi vi phạm. Quy trình đó cũng phải bảo đảm tránh rò rỉ, giữ bí mật hình ảnh người vi phạm.

Cũng theo vị này, trước mắt TP có thể cho thực hiện thí điểm trong khoảng 3-6 tháng bằng cách kêu gọi người dân ghi hình những hành vi vi phạm phổ biến như xả rác, tiểu bậy, hút thuốc nơi công cộng.

Thành phố cũng cần xây dựng bộ hướng dẫn cho người dân khi cài phần mềm về cách chụp hình, quay phim hình ảnh vi phạm.

Và cần có ban hành kèm theo những hình ảnh làm mẫu về tư thế, góc độ, vị trí… phù hợp với từng hành vi vi phạm. Những hình mẫu đó phải chuẩn, minh bạch, tránh để người vi phạm tranh cãi.

Qua thí điểm tiếp nhận, xử lý hình ảnh, xử phạt trong 3-6 tháng, các cơ quan chức năng sẽ sơ kết thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện về kỹ thuật và cơ sở pháp lý. Từ đó, nếu thấy ổn sẽ tiếp tục mở rộng ra kêu gọi người dân ghi hình, cung cấp hình ảnh về những hành vi vi phạm khác.

Bêu hình ảnh người vi phạm là chưa 
phù hợp

Theo luật sư Hứa Thị Thảo, đề xuất đưa hình ảnh người vi phạm không chịu đóng phạt lên Facebook, lên trang web là biện pháp mạnh, có hiệu quả răn đe. Tuy nhiên, điều này không phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

Nếu muốn thực hiện biện pháp này thì cần phải bổ sung vào văn bản pháp luật liên quan.

Ngoài ra, luật sư Thảo góp ý thành phố cần ban hành quy trình quản lý dữ liệu hình ảnh của người vi phạm do người dân gửi về để tránh rò rỉ, bị sử dụng vào các mục đích bôi nhọ, hạ uy tín người khác.

QUANG KHẢI – ÁI NHÂN