10/01/2025

Sài Gòn chuyện đời của phố: Cuộc sống ven đô thời Pháp thuộc

Trong hồi ký của ông Hồ Thủ Nhâm (cư dân Sài Gòn, học Trường Sư phạm Sài Gòn, Đại học Văn khoa trước 1975, đi dạy học nhiều năm trước khi nghỉ hưu và mất tháng 5.2016) có hồi ức về đoạn đời khi ông còn bé, lưu lạc theo gia đình từ Q.4 ra vùng Củ Chi thời Pháp chiếm đóng.

 

Sài Gòn chuyện đời của phố: Cuộc sống ven đô thời Pháp thuộc

 

Trong hồi ký của ông Hồ Thủ Nhâm (cư dân Sài Gòn, học Trường Sư phạm Sài Gòn, Đại học Văn khoa trước 1975, đi dạy học nhiều năm trước khi nghỉ hưu và mất tháng 5.2016) có hồi ức về đoạn đời khi ông còn bé, lưu lạc theo gia đình từ Q.4 ra vùng Củ Chi thời Pháp chiếm đóng.



Cái nghèo “mạt, rận”
Năm 1941, mẹ tôi đang sống cùng gia đình ở khu Cầu Ông Lãnh, Q.4 thì lên xe hoa khi mới mười bảy tuổi. Thời đó, lập gia đình ở tuổi 17 là bình thường, nhưng là sự thay đổi lớn của cô gái thành thị lấy chồng vùng quê ven đô. Cảnh nhà lúc đó đã không còn sung túc như trước, ông ngoại có bệnh mắt, không còn đi làm lãnh lương cao như thời làm việc cho Tây ở Sở Hỏa xa Đông Dương trên đường de la Somme (Hàm Nghi) nữa nên không còn gì luyến tiếc.
Mẹ tôi về làm dâu ở Tân Thạnh Đông, cái làng quê nghèo ở Củ Chi trong những năm nghèo đói nhất của đất nước, khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa bắt đầu. Thời đó, vùng này không có dầu lửa thắp đèn ban đêm, phải dùng dầu mù u. Không có vải, phải dùng bao bố may quần mà mặc. Không có chỉ may, phải cạo bẹ thơm lấy sợi làm chỉ vá áo quần. Thậm chí, nhiều đàn ông trung niên và cả thanh niên ra đồng làm đất phải hà tiện quần không dám mặc để tồng ngồng giữa đất và trời. Mẹ tôi kể hồi mới về làm dâu, đã nhiều lúc bà mắc cỡ, ù té chạy một nước khi nhìn thấy cảnh tượng cười ra nước mắt ấy.
Cái nghèo “mạt, rận” của dân làng Tân Thạnh Đông cũng từ đó vì khi mặc bao bố thay vải, thỉnh thoảng dân làng phải lôi ra để giết mạt và rận (loại ký sinh ở gà và trâu bò) bằng cách cán chai thuỷ tinh lên chúng phát ra tiếng kêu lắc rắc.
Bà ngoại kể, mẹ tôi hồi trẻ nổi tiếng là đẹp ở vùng Cầu Ông Lãnh, Q.4. Về Tân Thạnh Đông làm dâu, bà còn đẹp hơn sau khi sanh con đến nỗi bà con luôn tấm tắc khen: “Con nhỏ ngộ thấy lạnh!“. Lúc chưa có con, bà theo chân cha tôi hoạt động trong phong trào Thanh niên tiền phong, đi khắp lục tỉnh, vừa hoạt động vừa dạy dệt vải để che mắt địch. Rồi mỏi mệt, ông đưa bà về Cầu Ông Lãnh năm 1942, chuyển bụng để sau đó sanh ra tôi đúng ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Pháp, trong lúc vội sang cầu qua trung tâm Sài Gòn xem đốt pháo bông. Đầu năm 1945, Pháp oanh tạc Sài Gòn, cả gia đình gồm ông bà ngoại, cha mẹ và tôi, cùng dì Út về Tân Thạnh Đông lánh nạn. Lúc đó, bà nội của tôi nuôi tằm kéo lụa. Nhà nội được cả xóm nể nang vì ăn mặc lành lặn hơn các gia đình khác, không ai mặc quần bao áo bố. Món ăn dùng hoài không chán là những con nhộng kén, bỏ vào nồi luộc béo ngậy.
Sài Gòn chuyện đời của phố: Cuộc sống ven đô thời Pháp thuộc 2

Cảnh chợ quê Nam bộ xưa (trích trong bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do học sinh Trường Mỹ thuật Gia Định xuất bản năm 1935 đến 1938

Ký ức đau thương
 
Trời cho tôi có trí nhớ sớm, chỉ mới vài tuổi mà nhớ nhiều hình ảnh về làng quê vùng ven này. Những buổi trưa hè, được cha âu yếm đòng đòng trên vai, tôi cười như nắc nẻ trên tấm thân vững chãi của ông. Chúng tôi đi trên đường gập ghềnh mô đất, hai bên bờ là những bụi tre gai. Thỉnh thoảng cha dừng lại, kiễng chân hái mấy chùm nhãn lồng vàng mọc xen vào bụi tre hay mấy trái gấm chua ngọt lủng lẳng trên cành. Chung quanh đầy âm thanh, tiếng chim tu hú kêu rời rạc gọi bầy xen lẫn tiếng cuốc kêu khắc khoải, từ xa là tiếng chày giã gạo nhịp đôi, nhịp tư cắc cum khi nhặt khi khoan. Những âm thanh hình ảnh mà cho tới bảy mươi tuổi, thỉnh thoảng hiện về trong giấc mộng để rồi có khi tôi bừng tỉnh với nhòe nhoẹt nước mắt.
Mỗi sáng, cha một tay dắt dì Út là em nhỏ nhất của mẹ tôi đưa đến trường và đòng tôi trên vai. Ông ghé nhiều nhà bạn bè, thì thầm những chuyện mà sau này tôi hiểu là chuyện hoạt động bí mật chống Tây. Tôi cười như nắc nẻ trên vai cha, tay níu mớ tóc xoăn của ông, tay kia nắm lấy chùm nhãn lồng. Buổi chiều mẹ tôi đứng đón hai cha con ở ngưỡng cửa. Bữa cơm đầm ấm, tôi luẩn quẩn bên chân cha, con chó mực bên cạnh chực chờ chiếc xương hay đầu cá nướng. Có những buổi tối hãi hùng cả nhà nằm co mình dưới hầm tránh đạn, tiếng giặc Tây bố ráp chạy rầm rập. Đạn bay vèo vèo quanh nhà, vài tiếng chân người chạy vụt qua rồi biến mất.
Nhức nhối trong tôi bi kịch về một buổi sáng, được bồi đắp bằng lời kể của mẹ tôi…
Sáng mùng 5 tháng chạp năm 1945, cha đột nhiên gọi má tôi: “Vú On ạ, tối qua Tây nó bố dữ quá, sáng nay nhà bên có làm heo, hay là mình mua một vài ký về ăn rồi cho chết cũng đáng!” (On là tên gọi ở nhà của tôi). Mẹ tôi trước câu nói gở ấy tuy có giật mình nhưng cũng nghe lời ông le te sang mua thịt heo. Thịt về chưa kịp làm thì giặc rần rần kéo tới. Đó là trận càn đầu tiên của giặc Pháp từ Thủ Dầu Một kéo sang. Cả nhà vội vàng kéo nhau chạy sang nhà nội lánh nạn, bỗng nhiên cha nằng nặc đòi quay trở lại. Mấy tiếng đồng hồ sau giặc rút, im tiếng súng, cả gia đình nhận được cái tin khủng khiếp: Cha đã bị Tây bắn chết!
Đám tang cha diễn ra vội vàng. Những năm đó cả làng quê nghèo đói nên cái gì cũng hiếm. Vì thế, rất khó để tìm một chiếc quan tài cho cha. Ông bà nội của tôi, bà ngoại và mẹ dùng một bộ ván gõ và mấy chục thước vải lụa tơ tằm nhà có sẵn quấn vào để mai táng thi hài ông. Mộ nằm ngay nghĩa địa trước nhà nội.

Phạm Công Luận

 

(Trích Sài Gòn – Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hoá – Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book)