10/01/2025

Nạo vét sông Thị Vải gây ô nhiễm

Hơn trăm hộ dân ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) kêu cứu trước tình trạng nạo vét sông Thị Vải gây ô nhiễm, làm tôm chết.

 

Nạo vét sông Thị Vải gây ô nhiễm

Hơn trăm hộ dân ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) kêu cứu trước tình trạng nạo vét sông Thị Vải gây ô nhiễm, làm tôm chết.

 

 

Nạo vét sông Thị Vải gây ô nhiễm
Ghe của Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng hút cát trên sông Thị Vải – Ảnh: Đ.Trong

Gần đây, chính quyền Đồng Nai cho phép Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng (đóng ở huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) nạo vét cát trên một đoạn sông Thị Vải thuộc huyện Nhơn Trạch.

Ở khu vực nạo vét thường có ghe lớn ra vào đưa ống hút hàng chục mét để bơm cát rồi đưa lên sà lan chở đi cả ngày lẫn đêm.

Đưa tàu ghe không số đi hút cát

Trong ngày 5 và 6-2, PV Tuổi Trẻ đi cùng với người dân vào khu vực dự án nạo vét nằm trên sông Thị Vải thuộc địa bàn giáp ranh xã Long Thọ – Phước An (huyện Nhơn Trạch), nằm cạnh trạm bảo vệ rừng Long Thọ.

Có mặt tại đoạn sông này, PV Tuổi Trẻ chứng kiến có bốn chiếc ghe không số chở đầu bơm hút cát “khủng” đang vươn ống bơm dài khoảng 30m để hút cát. Gần những chiếc ghe hút cát khoảng 100m là các sà lan tự hành cỡ lớn đang chờ bơm cát vào.

Cách đó không xa là hàng trăm đùng nuôi tôm – cua của người dân xã Long Thọ. Cạnh nơi bơm hút là những vạt rừng bị sạt lở, chết khô.

Chỉ tay vào nơi bơm hút, nông dân Trần Thị Lê (xã Long Thọ) nói: “Nhà nước nói chỗ này cho phép nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng nạo vét đâu chẳng thấy mà chỉ toàn hút cát rồi đổ bùn xuống lại sông. Chúng tôi yêu cầu đưa giấy phép ra chứng minh vị trí nạo vét thì doanh nghiệp né tránh”.

Theo bà Lê, trước Tết Nguyên đán, chính quyền xã có tập hợp bà con nuôi tôm ở các đùng trên sông Thị Vải để doanh nghiệp nạo vét thỏa thuận bồi thường thiệt hại, lấy mẫu nước đi thử độ ô nhiễm. Tuy nhiên, số tiền thoả thuận bồi thường không bù đắp được thiệt hại nên không ai chấp nhận.

Theo UBND xã Long Thọ, mới đây có gần 100 hộ dân ở xã yêu cầu Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng đến xã đối thoại về chuyện gây ô nhiễm.

Tại buổi đối thoại, đại diện công ty xác định quá trình nạo vét thông luồng trên sông có làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thuỷ hải sản của nông dân. Công ty hứa chờ kết quả kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm, phạm vi ô nhiễm, rồi mới bồi thường thiệt hại cho người dân.

Tự bỏ hơn 37 tỉ đồng 
để nạo vét gần 410.000m3 cát

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 7-2016, UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định phê duyệt dự án “Nạo vét thông luồng thủy nội địa sông Thị Vải” cho Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng (đóng tại huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) làm chủ đầu tư dự án.

Dự án do chủ đầu tư bỏ ra với số tiền trên 37 tỉ đồng. Theo đó, chủ đầu tư được nạo vét sông Thị Vải với chiều dài hơn 2,6km trên diện tích hơn 23ha với khối lượng gần 410.000m3 cát trong thời gian 36 tháng.

Vị trí nạo vét từ đoạn đồng Mu Rùa, xã Phước An đến thượng lưu sông Thị Vải và các xã Long Thọ, Phước An, huyện Nhơn Trạch. UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp phát hiện xói lở bất thường phải dừng ngay dự án để đánh giá tác động đến cảnh quan môi trường. Chủ đầu tư không được lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép…

Tuy nhiên, nông dân Nguyễn Văn Xuân (xã Long Thọ) cho biết từ khi chủ đầu tư nạo vét cát, có nhiều nông dân ở các xã Long Thọ, Phước An kêu cứu, kéo ra sông phản ứng vì nước ô nhiễm, tôm chết.

Ông Xuân nói: “Người dân làm đùng ngoài sông thấy chủ đầu tư đưa tàu vào sát bìa rừng phòng hộ hút cát khiến nhiều vạt rừng đã sạt lở chết khô. Hôm đối thoại, chúng tôi đề nghị chính quyền không cho công ty nạo vét nữa và phải bồi thường thỏa đáng”.

Nói đến những bức xúc của dân, ngày 7-2, ông Nguyễn Văn Dũng – chủ tịch UBND xã Phước An – cho biết: “Sau khi dự án nạo vét thực hiện trên địa bàn, dân làm đùng tố giác Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng khai thác cát không đúng vị trí, gây ô nhiễm, khiến dân thả tôm bị chết”.

Theo ông Dũng, có hơn 50 hộ dân làm đùng gửi đơn lên xã mời công ty tổ chức đối thoại. Khi đối thoại, công ty này thừa nhận nạo vét có gây đục nước, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thuỷ sản của dân trong tầm 1km, nên chỉ hỗ trợ cho 5-6 hộ dân.

“Tôi nghĩ cơ quan chuyên môn cần xem lại cách nạo vét của công ty có đúng với giấy phép được cấp hay không, bởi cho nạo ở độ sâu 4,5m nhưng dân phản ảnh đưa ống hút cát dài 30-40m xuống đáy sông để hút cát.

Quan điểm của xã đề nghị nên tạm dừng dự án nạo vét, đánh giá đúng mức ô nhiễm do công ty gây ra để bồi thường cho dân. Không thể để xảy ra điểm nóng cho xã”.

Nhiều vấn đề phải xem xét lại

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, Công an huyện Nhơn Trạch cho hay có nhiều vấn đề cần phải xem xét đối với việc nạo vét tận thu khai thác cát. Đó là việc nạo vét bùn đổ ở đâu, neo phao có đúng vị trí cho phép không, chỉ cần doanh nghiệp được cấp phép cố tình dịch chuyển phao ra khỏi vị trí cho phép để nạo hút vào ban đêm cũng rất khó phát hiện…

Tạm ngưng 
nạo vét

Trả lời câu hỏi bao giờ giải quyết cho nông dân bị thiệt hại do ô nhiễm, đại diện Công ty TNHH Tuấn Hải Đăng cho biết: “Hiện chúng tôi cho tạm ngưng nạo vét để chờ tổ công tác xác định nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước trên sông do đâu. Nếu ô nhiễm do chúng tôi nạo vét cát thì sẽ bồi thường, hỗ trợ cho dân”.

HÀ MI – ĐỨC TRONG