11/01/2025

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung

VATICAN – ĐTC khuyến khích các nỗ lực chống nạn buôn người, cầu nguyện cho các bệnh nhân và ca ngợi tấm gương của tân Chân phước Justo Takayama Ukon, người Nhật Bản.

 Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung

 

 

VATICAN – ĐTC khuyến khích các nỗ lực chống nạn buôn người, cầu nguyện cho các bệnh nhân và ca ngợi tấm gương của tân Chân phước Justo Takayama Ukon, người Nhật Bản.


Ngài bày tỏ những lập trường trên đây trong lời kêu gọi vào cuối buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng thứ tư 8-2-2017. 

ĐTC nói:

“Hôm qua, ngày 7-2, tại Osaka Nhật Bản, có Lễ Tôn phong Chân phước Justo Takayama Ukon, tín hữu giáo dân Nhật, chết như vị tử đạo tại Manila năm 1615. Thay vì chiều theo những thoả hiệp, ngài đã từ bỏ những vinh dự và cuộc sống tiện nghi sang trọng, chấp nhận tủi nhục và lưu đày. Người trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng, vì thế, ngài là tấm gương đáng ca ngợi về sự vững mạnh trong đức tin và lòng tận tụy trong đức bác ái.”

“Hôm nay, ngày 8-2, là Ngày Cầu nguyện và Suy tư Chống nạn buôn người, năm nay đặc biệt về các trẻ em và thiếu niên. Tôi khuyến khích tất cả những người đang giúp đỡ bằng nhiều cách cho các trẻ vị thành niên bị biến thành nô lệ và bị lạm dụng, để các em được giải thoát khỏi sự áp bức như thế. Tôi cầu mong những người có trách nhiệm trong chính quyền quyết liệt bài trừ tai ương này, mang lại tiếng nói cho các người em bé nhỏ nhất, bị hạ nhục trong phẩm giá của các em. Cần phải thực hiện mọi cố gắng để bài trừ tội ác ô nhục và không thể dung thứ này.”

Sau cùng, ĐTC nói: “Thứ bảy tới đây (11-2), lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, sẽ là Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 25. Thánh lễ chính sẽ diễn ra tại Lộ Đức do ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh chủ sự. Tôi mời gọi cầu nguyện, nhờ lời chuyện cầu của Mẹ Thánh của chúng ta, cho tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh nặng và cô độc nhất, và cho tất cả những người chăm sóc họ.”

Chân phước Justo Takayama Ukon, cũng gọi là Cao San Hữu Cận, sinh năm 1552, được rửa tội năm lên 12 tuổi và được các cha Dòng Tên hướng dẫn. Ông cũng là một Kiếm sĩ Samurai. Đến thời Tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh cấm đạo Kitô, các kiếm sĩ khác đều tuân hành ngoại trừ Takayama Ukon. Ông bị tước hết chức tước và quyền lợi dành cho hàng quý tộc và phải cùng với 300 đồng đạo lưu vong sang Manila và qua đời tại đây ngày 4-2-1615, thọ 63 tuổi.

Trong bài giảng Thánh lễ Phong Chân phước tại Osaka, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện ĐTC chủ sự, đã ca ngợi vị tân chân phước là “người thăng tiến không biết mệt mỏi công cuộc loan báo Tin Mừng tại Nhật Bản; người thực là chiến sĩ của Chúa Kitô, không phải bằng vũ khí, nhưng bằng lời nói và gương lành. Chân phước đã được giáo dục về sự tôn trọng danh dự và lòng trung thành, đã trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Giêsu, lòng trung thành này mạnh mẽ đến độ đã an ủi ngài trong cảnh lưu vong và bị bỏ rơi”.

“Tuy nhiên, sự mất mát địa vị đặc ân và lâm vào một cuộc sống nghèo khổ, thầm lặng không làm cho Người sầu muộn, nhưng trái lại, làm cho ngài thanh thẩn, vui tươi, vì trung thành với những lời hứa khi chịu phép rửa tội.” (Oss.Rom. 8-2-2017)



 
 

G. Trần Đức Anh OP