29/11/2024

Không thể ‘ăn’ vào môi trường mãi

Bàn luận câu chuyện “Có nên lùi áp dụng tiêu chuẩn khí thải?”, nhiều chuyên gia cho rằng nếu lùi thời hạn áp dụng là vẫn chấp nhận hi sinh tiếp về môi trường.

 

Không thể ‘ăn’ vào môi trường mãi

Bàn luận câu chuyện “Có nên lùi áp dụng tiêu chuẩn khí thải?”, nhiều chuyên gia cho rằng nếu lùi thời hạn áp dụng là vẫn chấp nhận hi sinh tiếp về môi trường.

 

 

Không thể 'ăn' vào môi trường mãi
Kiểm tra khí thải xe buýt tại bến xe Chợ Lớn (Q.6, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa

Sau đây là ý kiến các chuyên gia:

Ông Nguyễn Hương 
(giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng):

Đã có sự chuẩn bị

Liên quan đến lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT cũng đã có thông tư 45 (2014) và thông tư 33 (2015) về quy chuẩn kỹ thuật khí thải theo quyết định 49 của Chính phủ.

Khi có lộ trình của Chính phủ, ngành đăng kiểm cũng đã tổ chức chuẩn bị trang thiết bị và nhân lực nên có thể nói việc thực hiện kiểm tra, kiểm định xe theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chúng tôi có thể thực hiện ngay.

Việc xin lùi thời gian thực hiện tiêu chuẩn khí thải cao hơn cần phải nhìn nhận là một hiện tượng tiêu cực về môi trường, thay vì phát triển tốt hơn mà lại theo hướng trì trệ hơn, không hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững”.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng)

Theo tôi, khi có lộ trình thì không nên lùi thời gian áp dụng thêm nữa vì đã có sự chuẩn bị suốt năm năm qua. Cần phải nói thêm rằng, động cơ phương tiện cơ giới của chúng ta hoàn toàn là nhập khẩu từ bên ngoài, doanh nghiệp sản xuất ôtô không phải đầu tư, thay đổi công nghệ 
quá nhiều.

Với tính toán của các chuyên gia thì ở khu vực đô thị 70% mức độ ô nhiễm là do các phương tiện giao thông gây ra nên việc giảm được mức độ ô nhiễm là hết sức quan trọng, nhất là ở đô thị đang có định hướng mục tiêu phát triển du lịch và hướng tới mục tiêu thực hiện thành phố môi trường như Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng hiện nay có khoảng 50.000 ôtô các loại đang lưu thông và tốc độ tăng trưởng hằng năm đều tăng ở mức hai con số. Do vậy việc giảm phát khí thải do các phương tiện có động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, diesel) là không nên chậm trễ.

Ông Đặng Huy Huỳnh (phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):

Không thể “ăn” 
vào môi trường mãi

Quyết định của Thủ tướng về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải được ban hành từ năm 2011, đưa ra lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Euro từ 1-1-2017, tức là có lộ trình gần sáu năm, một khoảng thời gian đủ dài để thực hiện, nhưng hiện nay tiếp tục xin lùi cho thấy trong thực hiện chưa quyết liệt, chưa nghiêm túc về kỷ cương công việc.

Tôi cho rằng có nguyên nhân chủ quan trong việc xin lùi thời hạn áp dụng, và nếu các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Bộ GTVT không tích cực, không quyết liệt thực hiện thì việc xin lùi còn tiếp tục được đặt ra hết năm này qua năm khác.

Điều này sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, sức khoẻ của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng, chất lượng môi trường sống xấu đi và cũng không hội nhập được với quốc tế.

Tôi khẳng định các nhà khoa học và người dân mong muốn thực hiện lộ trình khí thải cao hơn theo đúng quyết định của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề môi trường đã được Chính phủ đặt vấn đề rất cấp bách, việc xin lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro cần phải đánh giá nghiêm túc, và không thể cứ chấp nhận cho lùi mãi để “ăn” vào môi trường.

Ông Thái Vũ Bình (phó viện trưởng Viện KHCN&QLMT, Đại học Công nghiệp TP.HCM):

Không nên lùi 
thời hạn áp dụng

Theo tôi, Chính phủ không nên chấp nhận kiến nghị của Bộ GTVT về việc cho lùi thời hạn áp dụng quy chuẩn về khí thải ôtô theo quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

So với các nước châu Âu, nếu tính đến năm 2017 mới áp dụng Euro 4 thì Việt Nam đã muộn 10 năm, điều này chúng ta đã trả giá khá lớn cho môi trường không khí hiện nay, đặc biệt là tại các đô thị.

Quyết định 49/2011/QĐ-TTg được ban hành từ 1-9-2011, nghĩa là cách đây khá lâu (hơn năm năm), khoảng thời gian này là đủ để các bên (khoa học công nghệ, kinh doanh và sản xuất xăng dầu, sản xuất và nhập khẩu ôtô…) xây dựng các chiến lược và lộ trình liên quan để tuân thủ quyết định này. Nếu dời lại sẽ tạo một tiền lệ không tốt.

Bên cạnh đó, chúng ta đang có ý định tăng mức thuế ô nhiễm môi trường không khí dựa trên lượng nhiên liệu tiêu thụ. Tiền thuế được bổ sung ngân sách và chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.

Nếu hoãn thời gian thực hiện Euro 4 sẽ gây tâm lý không tốt trong cộng đồng khi mà tăng thuế môi trường nhưng việc thực thi biện pháp bảo vệ môi trường thì hoãn lại.

Chưa kể, Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020 đặt chỉ tiêu giảm hàm lượng các chất độc hại trong không khí tại đô thị đạt quy chuẩn theo quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 5-9-2012.

Trong thực tế hàm lượng các chất ô nhiễm trong không khí tại đô thị vẫn gia tăng, nếu không có các biện pháp ngăn ngừa, như trong vấn đề quy định áp dụng Euro 4 chẳng hạn, thì mục tiêu của Chiến lược quốc gia sẽ không đạt được.

Tôi xin đề nghị một số giải pháp:

1. Các đơn vị kinh doanh, sản xuất nhiên liệu, các phương tiện thông tin đại chúng cần nhanh chóng thông báo, quảng bá các loại nhiên liệu (xăng, diesel) đáp ứng Euro 4 trở lên.

2. Yêu cầu các trạm xăng, ít nhất tại các đô thị và các quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên tỉnh phải bán các loại nhiên liệu đáp ứng Euro 4.

3. Trong điều kiện hiện nay, cần khoanh vùng, xác định và quy định các đô thị lớn, các đô thị có mức độ đô thị hóa cao thực hiện trước (kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ấn Độ…), các nơi còn lại có thể dời lại sáu tháng, muộn nhất là một năm.

4. Liên quan đến chính sách thuế: thuế nhập khẩu ôtô: ưu tiên lộ trình giảm thuế với biên độ cao hơn đối với các phương tiện đáp ứng Euro 4 trở lên; thuế nhiên liệu: cần ban hành biểu thuế, thuế suất theo từng loại nhiên liệu (Euro 2, Euro 3, Euro 4, Euro 5…), không thu cùng một biểu thuế, thuế suất cho tất cả các loại nhiên liệu.

Sẽ áp dụng 2 mức chất lượng xăng

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại cuộc họp Chính phủ với các bên liên quan về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo quyết định 49/2011 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì mới đây, đã thống nhất từ giai đoạn 2017 – 2022 sẽ áp dụng hai mức chất lượng xăng tiêu chuẩn mức 2 (Euro 2) và tiêu chuẩn mức 4 (Euro 4). Theo đó, cụ thể tiêu chuẩn Euro 2 sẽ áp dụng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và tiêu chuẩn Euro 4 cho các loại xăng còn lại (tức là xăng nhập khẩu và các nhà máy mới).

Trong đó, ôtô gắn động cơ xăng sẽ phải tuân thủ theo quyết định 49/2011, tức là áp dụng tiêu chuẩn xăng Euro 4, song do Nhà máy Dung Quất vẫn sản xuất và cung cấp xăng tiêu chuẩn Euro 2 nên vẫn sẽ có một lượng được bán ra thị trường cho các dòng xe cũ. Hiện sản phẩm xăng 95 của Dung Quất đã đạt tiêu chuẩn mức 3 rồi và vẫn được bán ra thị trường.

Đối với xe du lịch, xe buýt gắn động cơ diesel, từ 1-1-2018 áp dụng mức khí thải Euro 4. Đối với ôtô tải gắn động cơ diesel thì áp dụng mức khí thải Euro 4 từ năm 2022.

Hiện Bộ GTVT đang là đơn vị được giao xây dựng dự thảo quyết định sửa đổi quyết định 49/2011 theo chủ trương trên. Được biết, cơ quan này đang đưa ra để lấy ý kiến các bên 
liên quan.

NGỌC AN

Anh Hoàng Hữu Hưng (tài xế xe khách tuyến TP.HCM – Kiên Giang):

Không ai muốn cầm lái chiếc xe gây ô nhiễm

Là tài xế, chúng tôi không ai muốn cầm lái một chiếc xe mà khói thải của nó gây ô nhiễm môi trường và làm phiền bạn đồng hành khác cả. Bản thân tôi ngoài làm nghề tài xế xe khách cũng đã có hàng chục năm chạy xe máy, và chỉ có di chuyển bằng xe máy và chịu đựng cảnh kẹt xe mới biết nỗi khốn khổ nếu chẳng may đi phía sau một chiếc xe tải hoặc xe khách mà khói thải đen ngòm của nó phả vào mặt. Phải nói là cực kỳ khó chịu!

Nhưng vì là người làm công ăn lương, tôi và nhiều đồng nghiệp khác không có quyền chọn xe để lái mà phải theo phân công của chủ doanh nghiệp. Không phải doanh nghiệp nào cũng có tiền và có ý thức đầu tư mua sắm xe hiện đại, đáp ứng yêu cầu về khí thải theo tiêu chuẩn châu Âu.

Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận cao nhất, đầu tư một chiếc xe khách hiện đại giá hơn 3 tỉ đồng chỉ để kiếm doanh thu tương đương một chiếc xe 2 tỉ thì không ai làm cả, dù cái lợi vô hình về mặt môi trường thì ai cũng thấy.

Vì vậy, tôi không ngại khi nói rằng nếu chấp nhận lùi thời hạn áp dụng quy chuẩn khí thải mới đối với ôtô là một sai lầm, vì tâm lý của số đông chủ xe là hoãn được chừng nào hay chừng đó. Tôi nghĩ quy định đã có thì cần phải thực hiện nghiêm, giống như chúng ta đã từng làm khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

N. TRIỀU – X.LONG – T.TRUNG ghi