11/01/2025

Hoa Kỳ: Các nhà thần học Công giáo kêu gọi rút lại sắc lệnh chống nhập cư

Sau các Giám mục Công giáo và các tổ chức Do Thái lớn ở Hoa Kỳ, đến lượt Hiệp hội các Nhà thần học Hoa Kỳ phản đối sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh đối với công dân của bảy quốc gia Hồi giáo.

 Hoa Kỳ: Các nhà thần học Công giáo kêu gọi rút lại sắc lệnh chống nhập cư

 

 
WHĐ (08.02.2017) –  Sau các Giám mục Công giáo và các tổ chức Do Thái lớn ở Hoa Kỳ, đến  lượt Hiệp hội các Nhà thần học Hoa Kỳ phản đối sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cấm nhập cảnh đối với công dân của bảy quốc gia Hồi giáo.

Như thế lại có thêm một giọng nói góp vào dàn hợp xướng những cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump: tiếng nói của Hiệp hội các Nhà thần học Công giáo Hoa Kỳ (Catholic Theological Society of America). Được thành lập vào năm 1946, tổ chức này là Hiệp hội Thần học lớn nhất trên thế giới với hơn 1.300 thành viên.

Trong một bản tuyên bố, Ban điều hành Hiệp hội – vốn không quen với những lối ứng xử như thế – đã phê phán sắc lệnh này là “bất công về mặt đạo đức và nguy hiểm về mặt tôn giáo”, đồng thời kêu gọi rút lại và ngưng áp dụng sắc lệnh này.

Được Tổng thống Donald Trump ký ngày 27-01, sắc lệnh này cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iraq và Syria.

Đức tin của chúng tôi kêu gọi đón tiếp người ngoại kiều

Bản tuyên bố viết: “Sắc lệnh hết sức mâu thuẫn với các giá trị tôn giáo và đạo đức trong truyền thống Công giáo Roma. Đức tin của chúng tôi kêu gọi đón tiếp người ngoại kiều ở giữa chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta đối với người tị nạn và những người di cư yếu thế khác cũng dựa trên niềm tin tưởng rằng mỗi người nam, người nữ và trẻ em đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, và có một phẩm giá phải được mọi người tôn trọng.”

Nhiều tiếng nói của các tôn giáo khác cũng cất lên ở Hoa Kỳ để phản đối sắc lệnh này và rộng hơn, chính sách về di dân mà ông Donald Trump dự định thực hiện. Các giám mục Hoa Kỳ đã cho thấy các ngài rất cương quyết, mấy ngày sau khi đã lên án việc xây dựng bức tường ở biên giới Mexico. Và các tổ chức Do Thái lớn ở Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối tới Nhà Trắng, gọi sắc lệnh này là “điều sỉ nhục” đối với các giá trị của họ.

“Trong quá khứ, sự tôn trọng này đối với phẩm giá của những ai trốn chạy mối nguy hiểm nghiêm trọng để đi tìm chốn nương thân mới ở Hoa Kỳ đã khiến cho đất nước của chúng ta được gọi là “Mẹ của những người lưu vong”, các nhà thần học nhắc lại, và trích dẫn bài thơ Le Nouveau colosse (Tượng khổng lồ mới) của Emma Lazarus, đề dưới chân bức tượng Nữ thần Tự do. Các nhà thần học quả quyết: Như thế, sắc lệnh của Tổng thống không chỉ đi ngược lại các giá trị của đức tin Kitô giáo, mà còn trái ngược cả với những giá trị của Hoa Kỳ. Và các nhà thần học cho rằng: Điều này có thể có ‘ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến các mối quan hệ của Hoa Kỳ với các dân tộc khác trên thế giới’.”

Đe doạ đối thoại liên tôn


Các nhà thần học Hoa Kỳ nhìn nhận rằng các quốc gia có nghĩa vụ kiểm soát biên giới của mình và bảo đảm an toàn cho người dân. “Nhưng biên giới quốc gia sẽ không bao giờ vẽ ra đường ranh tuyệt đối cho bổn phận đạo đức của chúng ta đối với người khác. Là người Kitô hữu, đức tin của chúng tôi và sự nhìn nhận của cộng đồng nhân loại kêu gọi chúng tôi chống lại mọi ý kiến nói rằng chỉ có công dân của chúng ta mới là đáng kể.”

Ban điều hành Hiệp hội cũng nhấn mạnh mối đe dọa mà sắc lệnh của ông Donald Trump gây ra cho công cuộc đối thoại liên tôn: “Sắc lệnh (…) đe doạ sẽ phá hoại những nỗ lực của chúng ta nhằm cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa Kitô hữu và người Hồi giáo”, vì có nhiều thành viên của Hiệp hội làm việc ở cấp quốc tế, đặc biệt lại làm việc với các đồng nghiệp trong giới Hồi giáo.

Kết luận, các nhà thần học không chỉ đòi Tổng thống Donald Trump rút lại sắc lệnh này và mở lại biên giới, nhưng họ còn yêu cầu các nghị sĩ “đòi hỏi việc mở lại ấy” và yêu cầu toà án “nhìn nhận rằng thái độ tôn trọng nhân quyền buộc chúng ta phải đón tiếp những người tị nạn và không bao giờ bắt buộc họ trở lại nơi mà cuộc sống và phẩm giá của họ bị đe doạ”.

(La Croix)

 

 

Minh Đức