11/01/2025

Giáo hội Philippines phục vụ và thăng tiến cuộc sống và quyền của dân nghèo

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo, ĐC Ruperto Santos, Giám mục Giáo phận Balanga, khẳng định: “Lòng thương xót hoàn toàn khác với một tâm tình trừu tượng, nó là đặc tính của Thiên Chúa, là Đấng trân trọng con người, trân trọng giá trị và các quyền của nó. Lòng thương xót gắn liền với sự sống, yêu thương sự sống và bảo vệ sự sống. Nó luôn luôn tập trung nơi sự sống.”

 Giáo hội Philippines phục vụ và thăng tiến cuộc sống và quyền của dân nghèo

 

 
Hồi trung tuần tháng giêng vừa qua, tổ chức “Tông đồ Lòng Thương xót Quốc tế” đã nhóm hội nghị lần thứ tư tại Manila, thủ đô Philippines, về đề tài “Giá trị của sự sống và các quyền con người”. Hội nghị được triệu tập trong tình hình của Philippines đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng về các quyền con người, gây ra bởi cuộc chiến chống ma tuý do chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phát động. Hội nghị đã diễn ra tại Đại học Thánh Toma, do các tu sĩ Dòng Đa Minh điều khiển. Tham dự hội nghị đã có đông đảo các linh mục, tu sĩ nam nữ, thành viên các hội đoàn giáo dân, các chuyên viên và giới chức các hiệp hội bảo vệ sự sống và các quyền con người.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo, ĐC Ruperto Santos, Giám mục Giáo phận Balanga, khẳng định: “Lòng thương xót hoàn toàn khác với một tâm tình trừu tượng, nó là đặc tính của Thiên Chúa, là Đấng trân trọng con người, trân trọng giá trị và các quyền của nó. Lòng thương xót gắn liền với sự sống, yêu thương sự sống và bảo vệ sự sống. Nó luôn luôn tập trung nơi sự sống.”

Các giáo dân tham dự hội nghị đã cho biết họ sẽ tổ chức “Cuộc tuần hành cho sự sống” trên các đường phố thủ đô Manila vào ngày 18 tháng 2 này. Trong thông cáo công bố họ mạnh mẽ lên án chính sách tàn sát những người bị tình nghi là buôn bán ma tuý, mà không cần xét xử và không cho họ có quyền và cơ may được biện hộ. Từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte phát động cuộc chiến chống buôn bán ma tuý và khích lệ dân chúng giết các người buôn ma tuý tới nay, đã có 6.200 người bị sát hại, và chỉ nội trong tháng 12 năm 2016 đã có 1.000 người bị giết. Thông cáo có đoạn viết: “Chúng tôi là giáo dân Công giáo Philippines muốn phản đối chống lại tất cả mọi hình thức đe doạ sự sống và phẩm giá con người do các tổ chức và chính quyền kinh tế xã hội và chính trị phát động. Chúng tôi muốn nói với chính phủ chúng tôi rằng chúng tôi chống lại nền văn hoá chết chóc này.”

** Trong thời gian qua, HĐGM Philippines cũng đã nhiều lần lên tiếng phê bình đường lối chính trị này của Tổng thống Duterte. Đối với những người phò chính quyền đây là một “thành công lớn” trong trận chiến chống lại tệ nạn buôn bán ma tuý từ nhiều năm nay đang hoành hành và làm băng hoại xã hội Philippines, nhất là đang giết chết các thế hệ trẻ. Cũng như chính quyền họ cho rằng việc trực tiếp thủ tiêu những người buôn bán ma tuý có hiệu quả tốt và nhanh hơn. Nhưng giải pháp này có cái gì đó “tàn ác và bất công”, vì không cho những người bị tình nghi phạm tội buôn bán ma tuý cơ may và quyền được biện hộ trong một cuộc xử án theo các nguyên tắc của công lý và các quyền con người.

Linh mục Shay Cullen, thừa sai người Ireland, là người thành lập và là giám đốc trung tâm “Nạn nhân” với các hoạt động xã hội trợ giúp các người trẻ bị bỏ rơi, các phụ nữ bị khai thác và người nghiện ma tuý, đã tỏ ra rất âu lo, vì chiến dịch này vừa tàn ác vừa dễ bị lạm dụng cho các vụ thanh toán tư thù, bất công và chà đạp các quyền con người. Cha cho biết trong các tháng qua cùng với tiếng nói của các giám mục, đã có nhiều tổ chức phi chính quyền lên tiếng phản đối chính sách này của tổng thống Duterte, tuy xem ra nó được 76% người dân Philippines tán đồng. Quốc hội có thể thông qua quyết định của Tổng thống Duterte muốn tái lập án tử hình cho những người mắc tội buôn bán ma tuý. Thật ra có tất cả các lý do và bằng chứng cho thấy án tử hình không khiến cho các tay tội phạm và tổ chức buôn bán ma tuý sợ hãi giảm bớt các hoạt động của họ. Việc giết hại này cũng gây ra cái chết cho những người vô tội và bị tình nghi, mà không có bằng chứng rõ ràng, và nhất là vì dân nghèo không có khả năng tài chánh để thuê trạng sư bào chữa cho họ. Chính sách này của nhà nước tàn ác, vì nó không cho công dân quyền được bào chữa và sống sót, và nhất là nó chống lại sự sống thánh thiêng và phẩm giá con người. Các vu xử án cũng là một cách hợp hiến để thủ tiêu một người bị kết án, nhưng các vụ hành quyết nhanh gọn là các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Giết hàng ngàn người mỗi tháng không phải là một sự hiện đáng coi thường. Theo Cha Cullen, nó là một án tử tàn ác nhất mà người ta thi hành mỗi ngày. Nó là một tội phạm quái đản nhằm chống lại các người buôn bán ma tuý nhỏ bé. Những người bị tố cáo không có quyền tự bảo vệ chống lại những kẻ tố cáo họ, như được xác định trong Hiếp pháp Philippines. Các quyền ấy đã bị đình chỉ, và thách đố đối với tất cả mọi người ngày nay là tái thực thi chúng. Cần phải yêu cầu ngưng ngay các vụ tàn sát và bạo lực đang giết chết biết bao nhiêu người và chống lại nhân quyền.

** Hồi đầu tháng giêng vừa qua, ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM Manila, đã ký một thoả hiệp kết tình huynh đệ giữa Tổng Giáo phận Manila và “Nông trại Hy vọng” là trung tâm tiếp đón người nghiện ma tuý và trợ giúp họ cai nghiện để thoát ra khỏi vòng kiềm toả của nạn nghiện ngập ma tuý. Trung tâm này là một nông trại, nơi những người nghiện ma tuý có thể làm việc và học nghề trong thời gian cai nghiện.

Thoả hiệp được ĐHY Tagle ký với Linh mục Hans Stapel, người Bỉ, giám đốc trung tâm, sau Thánh lễ cử hành tại Nhà thờ Chính toà Manila ngày mồng 8 tháng giêng vừa qua. Tuyên bố trong dịp này, ĐHY TGM Manila ám chỉ việc phục hồi các người nghiện ma tuý và tái hội nhập họ vào cuộc sống gia đình và xã hội và nói: “Trong mỗi một cuộc sống đều có niềm hy vọng.” Đồng tình với ĐHY cha Stapel khẳng định: “Các bạn trẻ có thể ra khỏi bóng tối. Chúa Giêsu Kitô mạnh mẽ hơn ma tuý.” Cha cho biết hiện nay tổ chức của cha hiện diện trong nhiều thành phố khác tại Philippines như Milagros, Masbatel và Naga City. Trong tương lai cha sẽ mở trung tâm tại nhiều thành phố khác nữa tại Philippines. Tổ chức “Nông trại Hy vọng” đã được thành lập hồi năm 1983 tại Sao Paolo bên Brasil, và giờ đây có hơn 100 cộng đoàn cai nghiện tại các nước Mozambic, Paraguay, Argentina, Guatemala, Mêxicô, Đức và Bồ Đào Nha.

Linh mục Anton Pascual, Giám đốc Caritas Manila, cho biết mục đích của thoả hiệp nói trên là thăng tiến sự cộng tác giữa nông trại hy vọng và tổng giáo phận trong việc đẩy mạnh một chương trình đã được Caritas bắt đầu trước đây trong việc đồng hành với các người nghiện ma tuý và gia đình họ, qua một lộ trình đào tao tinh thần, cố vấn, và các dự án trợ giứp và huấn nghệ. Thoả hiệp cũng muốn là câu trả lời cho chiến dịch loại trừ tội buôn bán ma tuý do Tổng thống Rodrigo Duterte đề xướng. Mặc dù có các phê bình của các tổ chức phi chính quyền đối với thái độ của cảnh sát và các nhóm “tỉnh thức” hạ sát những người buôn bán ma tuý hay bị tình nghi buôn bán ma tuý, trong 6 tháng qua chính quyền dã giết 6.200 người. Giáo Hội muốn chứng minh cho các cơ cấu chính quyền thấy rằng con đường chiến đấu chống lại ma tuý là gây ý thức văn hoá, phục hồi và tái hội nhập các người nghiện ma tuý vào trong cuộc sống xã hội, chứ không phải là loại bỏ và thủ tiêu họ.

Song song Giáo hội Philippines cũng dấn thân hàng đầu trong việc thăng tiến cuộc sống của dân nghèo. Vì nạn nghèo túng là một trong các lý do khiến cho các trẻ em và người trẻ dễ trở thành mồi ngon của các tổ chức tội phạm buôn bán ma tuý, dụ dỗ các em gia nhập các băng đảng bụi đời và bán ma tuý cho chúng. Điển hình như công việc của các thừa sai dòng “Công trình nhỏ bé của Chúa Quan Phòng” Italia. Vào tháng 10 năm 1991, hai linh mục của dòng đã cùng hai giáo dân tới Philippines trong vùng “Núi khói – Smockey Mountain” trong khu vực Tondo, là nơi đổ rác của thủ đô Manila, và các vị đã bắt đầu công tác tông đồ mục vụ tại đây với rất nhiều khó khăn.

Cha Oreste Ferrari cho biết: khi chúng tôi tới đây thì khu đổ rác tại Tondo này đã bị đóng cửa, vì nó ở quá gần thành phố và người ta dời nó tới vùng Payatas, nơi các tu sĩ Dòng Thánh Vinh Sơn đến sống với dân nghèo trên chính khu vực đổ rác, trong khi chúng tôi sống trong vùng bên cạnh. Đây là các vùng mới, bất hợp pháp và không lành mạnh, nhưng có tới gần 100.000 người sinh sống và làm việc lượm rác trong đó có 40.000 thuộc giáo xứ chúng tôi coi sóc. Trong năm đầu tiên, chúng tôi thành lập vài vườn trẻ và năm thứ ba với sự trợ giúp của một nữ tu người Đức, chúng tôi thành lập một trạm y tế trợ giúp các bệnh nhân lao phổi và các bệnh  thông thường vì vùng này bị ô nhiễm nặng. Vào năm thứ tư chúng tôi thành lập một trung tâm đào tạo cách đó 15 cây số và một nhà tiếp đón các trẻ em tàn tật, hiện nay được gọi là “Cottolengo Philippines”.

** Cha Ferrari cho biết thêm là hiện nay dòng có 9 tu sĩ làm việc tại ba nơi: tại Payatas có giáo xứ do các cha trông coi với 150.000 giáo dân với các trung tâm bác ái xã hội. Trong 14 nhà nguyện nơi các cha tới dâng thánh lễ và ban các bí tích cho tín hữu, có 9 chương trình dưỡng nhi lo lắng cho 400 trẻ em thiếu dinh dưỡng, bằng cách cho các em mỗi ngày một bữa ăn và được săn sóc sức khoẻ. Ngoài ra còn có hai trạm xá khám bệnh và phân phát thuốc và chương trình cấp học bổng và cung cấp dụng cụ học sinh cho các trẻ em. Cách đó 15 cây số tại Montalban có nhà đào tạo cho các sinh viên của dòng thuộc các nước Philippines, Ấn Độ và Kenya. Trong cùng cư xá sinh viên cũng có một trung tâm cho trẻ em tàn tật, trong đó có 35 trẻ em nội trú bị bệnh tâm thần và các tật nguyền khác trên thân xác. Rất nhiều trẻ em tàn tật khác hàng ngày đến trung tâm để được săn sóc và giáo dục phục hồi. Sau cùng tại thành phố Lucena tức Quezon, có hai cứ điểm truyền giáo với 4 chương trình dưỡng nhi và cấp học bổng như tại Payatas, cũng như một trung tâm nơi trẻ em và người trẻ thuộc mọi lứa tuổi có thể theo các khoá học dạy toán, Anh ngữ, điện tử và âm nhạc.

Một thí dụ điển hình khác nữa trong việc thăng tiến cuộc sống của dân nghèo là các trung tâm của Dòng “Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Nữ tu Emiliana Saptaningsih làm việc mục vụ cho dân nghèo các khu xóm ổ chuột trong thủ đô Manila cho biết môi trường hoạt động của các chị là Bagong Silang hay “mới sinh”, tức khu vực mới ở ngoại ô Manila, nơi các gia đình nghèo từ nhiều nơi trong nước tìm tới sinh sống từ năm 1980. Hiện nay Bagong Silang là khu vực ổ chuột lớn nhất Philippines với hơn 300.000 người sinh sống. Dòng đã giúp dân nghèo hợp thức hoá nơi ở của họ, bằng cách trợ giúp nhiều gia đình có một mảnh đất 50-60 mét để xây nhà ở. Nhưng các cơ cấu hạ tầng không thích hợp cho một số dân quá đông như thế. Và đa số không có được các phục vụ tối thiểu cho cuộc sống.

Năm 2012, Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thành lập “Trung tâm Thánh Damiano” để trợ giúp và săn sóc các trẻ em thiếu dinh dưỡng, và các bà mẹ mang thai, qua các chương trình cung cấp thực phẩm và chăm sóc sức khoẻ. Ngoài ra cũng có nhiều chương trình khác cho giới trẻ nhằm đạo tạo giáo dục và dạy nghề cũng như cấp học bổng cho họ. Chị Emiliana cho biết mọi chương trình dòng đảm trách nhắm mục đích trao ban hy vọng cho dân nghèo. Họ cần được trợ giúp để đáp ứng các nhu cầu vật chất khác nhau, nhưng cũng cần được săn sóc các nhu cầu tinh thần nữa. Dân nghèo Bagong Silang có con tim quảng đại và họ nuôi hy vọng có một tương lại tươi sáng hơn. Sứ mệnh của chúng tôi là trợ giúp họ cải thiện cuộc sống, và thực hiện các tiềm năng của họ qua việc đồng hành nhân bản và thiêng liêng. Chị cũng cho biết cộng đoàn công giáo đang cố cùng nhau góp sức để đến gặp gỡ và săn sóc dân nghèo của toàn vùng này.

 
 

Linh Tiến Khải