Mưa trái mùa kéo dài 2 ngày nữa
Ngày 2.2, mưa trái mùa xuất hiện trên toàn khu vực Nam bộ với lượng tương đối lớn. Mưa lớn đặc biệt xảy ra ở TP.HCM, Cần Thơ và nhiều tỉnh ven biển.
Mưa trái mùa kéo dài 2 ngày nữa
Ngày 2.2, mưa trái mùa xuất hiện trên toàn khu vực Nam bộ với lượng tương đối lớn. Mưa lớn đặc biệt xảy ra ở TP.HCM, Cần Thơ và nhiều tỉnh ven biển.
Tại TP.HCM, mưa bắt đầu từ khoảng sau 16 giờ 30, kèm theo giông và sấm chớp, kéo dài đến hơn 20 giờ vẫn chưa dứt. Đường Nguyễn Hữu Cảnh phía Q.Bình Thạnh ngập nước khá nhiều, một số xe máy phải dắt lên lề vì chết máy.
Tại Long An, mưa lớn kéo dài gần 3 giờ gây ngập sâu trong lề, nhiều đoạn nước tràn ra gần giữa QL1. Tại Bến Tre, mưa lớn kéo dài từ 17 giờ đến hơn 18 giờ đã làm cho các phương tiện giao thông qua cầu Rạch Miễu (nối Bến Tre và Tiền Giang) trở nên khó khăn hơn.
Ở khu vực Chợ Lớn, đường Hồng Bàng, Minh Phụng ngập nặng, kéo dài suốt tuyến. Đoạn ngập nặng nhất bắt đầu từ vòng xoay Cây Gõ (Q.6) kéo dài đến đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.5), nhiều xe di chuyển qua đây bị chết máy. Tại khu vực Q.Bình Thạnh, một số con đường bị ngập là: Bạch Đằng (đoạn giao lộ Đinh Bộ Lĩnh), Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh. Riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu, kéo dài gần hết tuyến đường. Mặc dù nước ngập vào giờ cao điểm nhưng nhiều người còn nghỉ tết nên không xảy ra tình trạng kẹt xe. Đến 19 giờ, tình trạng ngập sâu vẫn còn tiếp diễn tại đây.
Giải thích cho hiện tượng mưa bất thường trên, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết: “Khu vực Nam bộ xảy ra mưa diện rộng là do rãnh thấp xích đạo đi ngang khu vực này. Nó liên kết các đám mây lại với nhau tạo thành chuỗi mây hội tụ gây mưa. Ngày 2.2 là thời điểm cực thịnh của hiện tượng này nên mưa lớn và diện rộng; nó sẽ kéo dài đến hôm nay 3.2 và sang ngày 4.2 vẫn còn mưa nhưng lượng và diện sẽ giảm dần. Theo dõi ảnh mây vệ tinh có thể thấy mây phát triển khá nhiều trên khu vực Nam bộ. Không chỉ có Nam bộ mà khu vực Trung bộ cũng có mưa diện rộng. Nhưng có một sự khác biệt là mưa ở Nam bộ chịu ảnh hướng lớn của rãnh thấp xích đạo và một chút của không khí lạnh; còn miền Trung lại chịu ảnh hưởng của không khí lạnh nhiều hơn”.
Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu và sinh thái, đây là hiện tượng khá lạ bởi hằng năm mùa mưa thường chấm dứt từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 của năm cũ. Những cơn mưa rào đang xảy ra ở Nam bộ chính là hiện tượng La Nina yếu đã được dự báo từ tháng 4.2016, thời điểm đợt khô hạn lịch sử đang khắc nghiệt nhất. Mưa trái mùa sẽ tiếp tục xảy ra ở Nam bộ cho đến hết tháng 2 trước khi thời tiết trở về trạng thái trung tính. Tác hại của những trận mưa trái mùa trên không hề nhỏ, nhất là với những nông dân ĐBSCL trồng hoa màu như hành tím, dưa hấu, đậu phộng, ớt…
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư thông tin: Hiện nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5 – 8 độ vĩ bắc nên ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6 giật cấp 7 – 8, vùng biển Bình Thuận – Cà Mau có gió đông bắc cấp 5 có lúc cấp 6, giật cấp 7. Khu vực nam Biển Đông có mưa rào và giông. Từ ngày 3.2 gió giảm dần. Khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông kèm gió giật mạnh cấp 6 – 7.
Thanh Niên