02/01/2025

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 29-01-2017

Trong số các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có 3.000 thiếu nhi và thiếu niên thuộc Phong trào Công giáo Tiến hành ở Roma, họp thành đoàn “lữ hành hòa bình” cùng với cha mẹ và các thầy cô của các em. Có 2 em, 1 nam 1 nữ, đại diện các em, được lên đứng cạnh ĐTC tại cửa sổ của ở Dinh Tông Tòa.

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 29-01-2017

 

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 29-01-2017

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng 45.000 tín hữu trưa Chúa Nhật 29-1-2017, ĐTC giải thích và mời gọi mọi người sống tinh thần các Mối Phúc Thật.

Trong số các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có 3.000 thiếu nhi và thiếu niên thuộc Phong trào Công giáo Tiến hành ở Roma, họp thành đoàn “lữ hành hòa bình” cùng với cha mẹ và các thầy cô của các em. Có 2 em, 1 nam 1 nữ, đại diện các em, được lên đứng cạnh ĐTC tại cửa sổ của ở Dinh Tông Tòa.

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa Bài Tin Mừng về 8 Mối Phúc Thật được đọc lên trong Phụng vụ Thánh lễ Chúa Nhật 29-1.

Ngài nói:

“Phụng vụ Chúa Nhật này cho chúng ta suy niệm về các Mối Phúc (x. Mt 5,1-12a), mở ra Bài giảng trên núi, là Đại Hiến Chương của Tân Ước. Chúa Giêsu biểu lộ thánh ý Thiên Chúa muốn dẫn đưa nhân loại đến hạnh phúc. Sứ điệp này đã hiện diện trong các bài giảng của các ngôn sứ: Thiên Chúa gần gũi người nghèo và người bị áp bức, và Ngài giải thoát họ khỏi những kẻ ngược đãi. Nhưng trong bài giảng này, Chúa Giêsu theo một con đường đặc biệt: Ngài bắt đầu bằng từ “phúc”, nghĩa là hạnh phúc; và tiếp tục với những chỉ dẫn về điều kiện để được phúc như vậy; và Chúa kết luận với một lời hứa. Lý do của mối phúc, tức là hạnh phúc không hệ tại điều kiện được yêu cầu – người có tinh thần thanh bần, người sầu muộn, đói khát sự công chính, bị bách hại – nhưng hệ tại lời hứa theo sau đó, cần đón nhận trong đức tin như một hồng ân của Thiên Chúa. Khởi hành từ một hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh để cởi mở đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và đạt tới một thế giới mới, là nước được Chúa Giêsu loan báo. Đó không phải là một tiến trình tự động, nhưng là một hành trình cuộc sống theo Chúa, nhờ đó, thực tại bất hạnh và sầu muộn được nhìn trong một nhãn giới mới và được cảm nghiệm theo sự hoán cải của người thực hiện. Ta không thể là người có phúc nếu không hoán cải để có khả năng quý chuộng và sống những hồng ân của Thiên Chúa.


ĐTC nói tiếp:

Tôi dừng lại ở đây nơi Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì Nước Trời là của họ.” (c. 4). Người nghèo khó trong tinh thần là người đã đón nhận những tâm tình và thái độ của những người nghèo, họ không nổi loạn trong thân phận của họ, nhưng biết khiêm tốn, ngoan ngoãn, sẵn sàng đối với ơn của Chúa. Hạnh phúc của người có tinh thần thanh bần có hai chiều kích: trước tiên là đối với của cải, tiếp đến là đối với Thiên Chúa. Họ có thái độ điều độ đối với của cải vật chất: không nhất thiết phải từ bỏ chúng, nhưng có khả năng niếm hưởng điều thiết yếu, chia sẻ, có khả năng canh tân mỗi ngày thái độ kinh ngạc vì sự tốt lành của sự vật, không trở nên nặng nề trong sự ham hố tiêu thụ đen tối. Đối với Thiên Chúa, họ chúc tụng và biết ơn vì thế giới là một phúc lành và nơi nguồn gốc của thế giới này có tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Nhưng họ cũng cởi mở đối với Chúa, ngoan ngoãn đón nhận chủ quyền của Chúa, Đấng đã muốn thế giới cho tất cả mọi ngươi trong thân thận nhỏ bé và giới hạn của họ.

Người có tinh thần thanh bần là Kitô hữu không tín thác nơi bản thân, nơi những của cải giàu sang vật chất, không ngoan cố theo ý kiến riêng của mình, nhưng tôn trọng lắng nghe và vui lòng đón nhận quyết định của người khác. Nếu trong các cộng đoàn của chúng ta có nhiều người có tinh thần thanh bần, thì sẽ bớt có chia rẽ, đối nghịch và tranh luận! Sự khiêm tốn, cũng như đức bác ái, là một nhân đức thiết yếu để sống chung trong các cộng đoàn Kitô. Những người nghèo, theo nghĩa này của Tin Mừng, xuất hiện như những người giữ cho mục tiêu Nước Trời được luôn sinh động, họ cho thấy Nước Trời đã có mầm mống trong cộng đoàn huynh đệ, dành ưu tiên cho sự chia sẻ những gì mình sở hữu.

ĐTC kết luận: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương và là hoa trái đầu mùa của những người có tinh thần thanh bần, vì Mẹ hoàn toàn ngoan ngoãn đối với thánh ý Chúa, giúp chúng ta phó thác cho Thiên Chúa, giàu lòng xót thương, để Người ban cho chúng ta đầy tràn các hồng ân của Người, nhất là được dồi dào ơn tha thứ.”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc nhở mọi người về Ngày Thế giới Chống Bệnh phong. Ngài nói: “Bệnh này tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn bị coi là thuộc loại bệnh đáng sợ nhất và xảy ra nơi những người nghèo nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Điều quan trọng là chiến đấu chống bệnh này và chống cả nạn kỳ thị đối với các bệnh nhân. Tôi khuyến khích tất cả những người dấn thân cứu giúp và giúp các cựu bệnh nhân tái hội nhập vào xã hội và chúng ta cầu nguyện cho họ.”

ĐTC chào thăm tất cả các tín hữu hành hương từ Italia và các nước khác, các hiệp hội và các nhóm. Ngài tái bày tỏ sự gần gũi với dân chúng ở miền trung Italia đang còn chịu đau khổ vì hậu quả các trận động đất và những điều kiện khí hậu khó khăn. Ngài nói: ‘Ước gì không thiếu sự nâng đỡ của các tổ chức và tình liên đới chung đói với các anh chị em chúng ta.’

Sau cùng, ĐTC ngỏ lời với các em Công giáo Tiến hành, thuộc các giáo xứ và các trường Công giáo ở Roma, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Giám quản hợp thành đoàn lữ hành hòa bình đến đây với khẩu hiệu “Được bao bọc bằng hòa bình”. Ngài cám ơn các em và mời mọi người nghe sứ điệp hòa bình do 2 thiếu nhi, 1 nam và 1 nữ, tuyên đọc, trước khi hai em thả hai con chim bồ câu bay đi.
 

 

G. Trần Đức Anh OP