04/01/2025

Chương 7: Đời sống kinh tế

Chúng ta tìm hiểu: Lý do tại sao đời sống kinh tế có những quy luật riêng. Vì sao hoạt động kinh tế chỉ mang tính nhân đạo nếu tất cả những người liên quan đều nhận được phần xứng đáng của mình. Vì sao thị trường cũng có những giới hạn, và chúng ta có thể phản ứng ra sao trước trào lưu toàn cầu hoá

 

Chương 7

Công và Thịnh vượng cho Mọi người

ĐỜI SỐNG KINH TẾ

Câu hỏi 158 – 194

với sự cộng tác của Hermann von Laer và Martin Schlag

Lý do tại sao đời sống kinh tế có những quy luật riêng. Vì sao hoạt động kinh tế chỉ mang tính nhân đạo nếu tất cả những người liên quan đều nhận được phần xứng đáng của mình. Vì sao thị trường cũng có những giới hạn, và chúng ta có thể phản ứng ra sao trước trào lưu toàn cầu hoá

Ngay trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích chung của toàn thể xã hội đều cần phải được tôn trọng và thăng tiến, vì con người là nguồn gốc, trung tâm, và mục đích cuối cùng của tất cả đời sống xã hội và kinh tế.

Công đồng Vatican II, GS 63

 

!  Hoạt động Kinh tế

là “toàn bộ những bước thu xếp và những thủ tục nhằm đáp ứng một cách có hệ thống, liên tục và an toàn những nhu cầu của con người về hàng hoá và dịch vụ để có thể giúp các cá nhân và thực thể xã hội phát triển theo ý Chúa”. (Hồng y Josef Höffner)

158  “Hoạt động kinh tế” nghĩa là gì?

→ Hoạt động kinh tế nghĩa là lĩnh vực của các tương tác xã hội trong đó con người cung ứng cho nhu cầu vật chất của họ và của đồng loại.  Do đó, đời sống kinh tế liên quan tới việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ.

Ü 332 è 2426, 2427

Nếu bạn có thể tin tưởng một người, bạn không cần làm hợp đồng. Nếu bạn không thể tin được người đó, thì làm hợp đồng cũng vô ích thôi.

Gioan Phaolô Getty (1892-1976), nhà đại tư bản dầu hoả và người bảo trợ nghệ thuật của Mỹ, giàu có bậc nhất thế giới vào thời của ông

 

Tại sao những cây cầu của La Mã vẫn đứng vững qua bao thời kỳ lịch sử? Lý do chủ yếu là người thiết kế cây cầu đã phải đứng bên dưới công trình của họ trước khi thông xe.

Prem Watsa (1950), nhà phát minh người Canada

159  Mục tiêu của hoạt động kinh tế là gì?

Mục tiêu của hoạt động kinh tế là cung cấp cho chúng ta các sản phẩm vật chất cần để sống. Các nguồn tài nguyên đáp ứng mục tiêu này – như vật liệu thô, máy móc, đất đai, nhân công – thì giới hạn. Do đó, chúng ta phải sáng tạo ra các biện pháp kinh tế, hay nói cách khác, tổ chức hoạt động kinh tế sao cho những nguồn tài nguyên giới hạn đó được dùng một cách càng hữu hiệu và hợp lý càng tốt. Nguồn gốc, trọng tâm, và mục đích của mọi hoạt động kinh tế là con người tự do. Như trước nay vẫn thế, khi chúng ta tham gia vào hoạt động xã hội, phẩm giá con người và sự phát triển công ích phải là trọng tâm (x. GS 63).

Ü 334, 346, 375 è 2426 ð 442

V Rất nhiều nhu cầu của con người không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nghĩa vụ cấp thiết của sự thật và công lý là khắc phục tình trạng các nhu cầu cơ bản của con người không được đáp ứng, và ngăn chặn sự tiêu vong của những ai phải thiếu thốn trầm trọng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), CA 34

 

V Nguyên tắc luân lý nào cho rằng có thể lướt qua chủ thể của các điều luật về kinh tế, thì không phải là luân lý, mà chỉ là kiểu lên mặt dạy đời, nghĩa là trái nghịch với luân lý thật.

Hồng y Joseph Ratzinger/Giáo hoàng Bênêđictô XVI, The Market Economy and Ethics (1986) [Kinh tế Thị trường và Đạo đức Luân lý]

 

160  Hoạt động kinh tế và nguyên tắc đạo đức liên hệ với nhau như thế nào?

Nền kinh tế vận hành theo những nguyên lý riêng của . Kinh tế thị trường, một hình thái kinh tế, ngày càng được đón nhận trên toàn thế giới. Kinh tế thị trường cũng giống như trong một “thương trường” thật sự: nhà cung cấp và người tiêu thụ gặp gỡ, đàm phán tự do với nhau về giá cả, chất lượng, số lượng của các sản phẩm. Nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ mình hoạt động rất hữu hiệu, nhưng chỉ có thể được chấp nhận trên phương diện đạo đức nếu đó là một nền kinh tế thị trường xã hội do một chính quyền hợp hiến đi kèm. Do đó, trước tiên, chính phủ đã phải ban hành những quy tắc rõ ràng, và thứ hai, các điều khoản dự thảo cũng phải được soạn ra để đảm bảo quyền lợi của những ai không thể mang đến bất cứ món hàng nào trên thị trường đó, ví dụ, vì họ không có tiền, cũng không có việc làm. Hơn nữa, có những trải nghiệm của con người không thể được trao đổi một cách công bằng theo cơ chế của thị trường: ví dụ, nỗi đau, bệnh hoạn, tật nguyền. Dù nền kinh tế vận hành theo những nguyên lý riêng của nó, điều đó không có nghĩa là những luật lệ của thị trường lại không phải tuỳ thuộc vào những điều răn và lề luật của Thiên Chúa. Đạo đức là thành phần thiết yếu cho một hoạt động kinh tế tốt đẹp. Kinh doanh trái đạo lý về lâu dài cũng sẽ bất ổn về phương diện kinh tế. Ngược lại, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả về kinh tế, ví dụ phí phạm tài nguyên, thì cũng là biểu hiện của đạo đức kém.

Ü 330-333 è 2426, 2431 ð 442-443

 

 

 

Chúng ta phải biết cho đi chừng nào còn có thể, vì chúng ta có được một Đấng rộng lượng trao ban.

Thánh Bridget của Thuỵ Điển (1303-1373), nhà thần bí và Thánh bảo trợ châu Âu

161  Có phải hễ cứ giàu có là “kém đạo đức”?

Không. Gia tăng của cải có thể là một mục tiêu đạo đức cao quý. Mục tiêu đó được coi là tốt về luân lý chỉ khi người ta theo đuổi nó bằng phương cách phù hợp với sự phát triển chung của tất cả mọi người trong tình liên đới với nhau, chứ không phải chỉ một vài cá nhân được hưởng lợi từ khối của cải gia tăng. Phát triển ở đây có nghĩa là sự phát triển tổng thể, toàn diện của con người. Điều này bao gồm đức tin và gia đình, giáo dục và y tế, và nhiều giá trị khác nữa. Đó không thể luôn chỉ là vấn đề tiêu thụ nhiều hơn. Chắc chắn, “chủ nghĩa tiêu thụ” chỉ khiến người ta nghèo nàn thêm.

Ü 334 è 2426

 

 

V Nếu không có những dạng thức liên đới và tin cậy nhau ở bên trong, thị trường không thể nào thực hiện đầy đủ chức năng kinh tế đúng đắn của nó.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 35

 

V Cũng như điều răn “Ngươi không được giết người” thiết lập một ranh giới rõ ràng để bảo đảm giá trị sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói: “Ngươi không được…” đối với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế cũng giết người.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 53

162  Giáo Hội có phê phán hoạt động kinh tế không?

Giáo Hội có quan điểm cơ bản là tích cực đối với hoạt động kinh tế. Giáo Hội chỉ phê bình hoạt động kinh tế khi thương mại tự đặt mình ở vị trí tuyệt đối. Ví dụ, Giáo Hội phê phán khi người lao động bị bóc lột hay khi người ta chểnh mảng việc sử dụng tài nguyên của trái đất với ý thức bảo tồn lâu dài. Giáo Hội ủng hộ hoạt động kinh tế khi con người có thể nhờ đó mà được hưởng ít ra một sự sung túc tương đối và không còn phải sợ hãi cảnh đói nghèo. Học thuyết xã hội của Giáo Hội muốn mọi người tham gia tích cực để đưa đến sự tiến bộ kinh tế, cải thiện sản xuất, và phân phối của cải vật chất (x. GS 63, 65).

Ü 373-374 è 2423-2425 ð 442

 

 

 

V  Bác ái ở vị trí trọng tâm trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Mỗi trách nhiệm và mỗi cam kết được giải thích rõ trong học thuyết này đều được rút ra từ đức bác ái.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 2

 

163  Làm việc trong ngành kinh doanh có thể là một ơn gọi?

Có. Công việc trong ngành thương mại và kinh doanh có thể là một ơn gọi thật sự đến từ Thiên Chúa: những ai mang trách nhiệm trong lĩnh vực đặc biệt của họ biết tự đặt mình vào vị thế phục vụ anh em đồng loại và xã hội, trở nên phúc lành cho tất cả. Thiên Chúa trao phó trái đất cho chúng ta “canh tác và gìn giữ”. Trong công việc, chúng ta có thể tuân theo ý Chúa, và trong phạm vi nhỏ hẹp nào đó, đóng góp vào việc hoàn chỉnh công trình sáng tạo (St 2,15…). Nếu chúng ta hành động ngay chính và nhân ái, chúng ta sẽ dùng những tặng vật tốt lành của đất đai và tài năng của riêng chúng ta cho ích lợi của anh em đồng loại mà Chúa đã giao phó cho chúng ta chăm lo (Mt 25,14-30; Lc 19,12-27).

Ü 326 è 2427-2428 ð 442

Nếu bạn nghèo, bạn cần ai đó có thể giúp đỡ mình; nếu bạn giàu, bạn cũng cần những người mà mình có thể trao ban.

Ludwig Börne (1786-1837)

 

Bạn có thể lập nên một công ty để phục vụ người nghèo, với lợi nhuận là sản phẩm phụ chứ không phải mục đích.

Muhammad Yunus (1940-), nhà kinh tế và cải cách xã hội ở Bangladesh, giải Nobel Hoà bình năm 2006

 

Nếu chỉ đơn giản cho tiền người nghèo, bạn đã lấy đi khả năng sáng tạo và sự chủ động tự giúp bản thân của họ.

Muhammad Yunus (1940-)

 

164  Kinh Thánh nói gì về giàu và nghèo?

Bất cứ ai theo Đức Giêsu cần nhớ rằng trước tiên và trên hết phải “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21). Giàu có về vật chất không phải là mục tiêu đặc biệt trong đời sống của người Kitô hữu. Sự sung túc của cải cũng không phải là dấu hiệu chắc chắn của ơn đặc biệt Chúa ban. Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hng ngày” (Mt 6,11). Với lời ấy, chúng ta xin Chúa Cha ban tất cả những gì chúng ta cần để sống đời trần thế. Chúng ta không cố giành cho được các của cải xa hoa, nhưng chỉ mong những thứ cần để sống hạnh phúc trong sự sung túc vừa phải, nuôi sống được gia đình, làm việc bác ái, và tham dự vào văn hoá, giáo dục cũng như sự phát triển xa hơn.

Ü 323, 326  è 2443-2446  ð 449

& Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

Lc 6,24

 

& Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng để con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.

Cn 30,7-9

 

 

 

165  Nghèo khổ có phải luôn là điều tồi tệ?

Nếu “nghèo” có nghĩa là bất đắc dĩ phải sống thiếu thốn và không có những phương tiện tối thiểu để sinh sống, thì nghèo quả là một điều tồi tệ. Thực tế cho thấy một phần nhân loại đói khát, trong khi phần khác lại ném bỏ thực phẩm thừa, đó là một điều đáng hổ thẹn và là tội ác vọng tới Trời. Thật khó xác định ở các nước giàu đường ranh giới của cái nghèo vật chất đi tới đâu, hay nói cách khác, mức sống tối thiểu là ở đâu. Mức nghèo tương đối – nghĩa là không sống trong thừa mứa – thì không nhất thiết là một điều tiêu cực. Sự nghèo khổ đó có thể dẫn người ta nhận ra những nhu cầu thật sự của họ trong cách nhìn của Thiên Chúa và tiếp cận Ngài với thái độ thành khẩn cầu xin và tin cậy. Khi các Kitô hữu đón nhận lại Tin Mừng một cách trân trọng, họ sẽ chủ tâm và tình nguyện từ bỏ của cải vật chất: nhiều người muốn thế để có thể phục vụ Chúa với trái tim tự do. Nói chung, đúng là bất cứ ai muốn theo Đức Giêsu phải “nghèo khó trước mắt Chúa”, nghĩa là hoàn toàn từ bỏ sự dính bén nội tâm với của cải (Mt 5,3). Không điều gì chiếm vị trí ưu tiên vượt trên tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Ü 324 è 2437-2440 ð 448

Vài người tiêu pha số tiền mà họ không có, đi mua những thứ họ không cần, để gây ấn tượng trước những kẻ họ không ưa.

Danny Kaye (1913-1987), nhà giải trí người Mỹ

 

& Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đau đớn xâu xé tâm hồn.

1Tm 6,10

 

166  Sung túc có phải luôn là điều tốt?

Có thể sống mà không phải lo âu chuyện tiền bạc là một đặc ân lớn mà người thụ hưởng phải cất lời cảm tạ Chúa mỗi ngày về điều đó. Ai sống theo lối này có thể trợ giúp những người, mà vì lý do nào đó, không được may mắn như thế trong đời. Tuy vậy, sự sung túc cũng có thể khiến tinh thần tự mãn, kiêu căng, ngạo mạn. Không như người nghèo, người giàu thường bị cám dỗ xem hoàn cảnh may mắn của mình là do thành quả mình tạo dựng nên. Khi việc sở hữu của cải đưa đến lòng tham, thường đi kèm theo lòng chai dạ đá. Đức Giêsu đã mắng ông nhà giàu đam mê vật chất: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi” (Lc 12,20).

Ü 325 è 2402-2404

 

 

Từ lòng tham phát sinh mọi tội ác và lầm lạc.

Cicero (106-43 TCN)

Bạn không thể có mọi thứ. Bạn sẽ đặt chúng ở đâu?

Steven Wright (1955-), nhà hài kịch người Mỹ

 

 

167  Tại sao Đức Giêsu nói chúng ta không nên lo lắng về ngày mai (Mt 6,34)?

Nói như thế, Đức Giêsu không có ý hạ thấp giá trị của sự hoạch định kỹ lưỡng. Trong một đoạn khác, Người khen tài quản lý khôn ngoan và cách làm việc đáng tin cậy. Hơn nữa, chính Đức Giêsu đã sống như người thợ và lao động cho tha nhân. Trái lại, quá lo lắng cho tương lai là không thích hợp với lòng tin cậy nền tảng của một Kitô hữu.

Ü 523

 

THƯƠNG NGƯỜI CÓ MƯỜI BỐN MỐI

THƯƠNG LINH HỒN BẢY MỐI

 

THƯƠNG XÁC BẢY MỐI

 

V Thách thức lớn đối với chúng ta… là phải chứng tỏ rằng nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng như biểu hiện của tình huynh đệ có thể và phải tìm thấy chỗ đứng của mình trong hoạt động kinh tế thông thường.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 36

 

168  Người Kitô hữu phản ứng ra sao trước tình trạng nghèo khổ của mình?

Người ấy sẽ làm tất cả những gì có thể để giải thoát chính mình và gia đình khỏi cảnh nghèo túng bằng cách làm việc tận tâm và kiên trì. Thường chúng ta phải phối hợp với nhiều người khác để vượt thắng các cấu trúc “ác hại” và các thế lực bất công ngăn cản người nghèo tiếp cận những cơ hội sở hữu tài sản, gia tăng của cải, và khả năng tự lực cánh sinh.

Ü 325 è 2443-2446 ð 449-450

V Chúng ta không còn có thể tin cậy vào những quyền lực giấu mặt và bàn tay vô hình của thị trường. Sự phát triển trong công lý đòi hỏi nhiều hơn sự tăng trưởng kinh tế, khi ta tin tưởng có sự phát triển như vậy. Sự phát triển này đòi hỏi những quyết định, những chương trình, những cơ chế những quá trình được quy hướng đặc biệt tới một đường lối phân phối lợi tức tốt đẹp hơn, tạo ra những nguồn cung ứng công ăn việc làm, và tạo nên một sự thăng tiến toàn diện cho người nghèo mà vượt xa cách nghĩ trợ cấp xã hội đơn thuần.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 204

 

V Ngày nay, xảy ra trường hợp là một số thành phần kinh tế lại quyền lực nhiều hơn chính nhà nước. Nhưng người ta không thể biện minh những hoạt động kinh tế mà thiếu chính trị, vì như thế sẽ không thể tạo điều kiện cho những cách thức khác nhằm giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 196

 

169   Tôi nên làm gì trước cảnh nghèo của tha nhân?

Vì Đức Chúa thương yêu từng con người “đến nỗi chết trên thập tự”, nên các Kitô hữu nhìn đồng loại theo cách mới. Ngay cả nơi người nghèo nhất, họ cũng nhận ra hình ảnh của Đức Kitô, Chúa của họ. Do đó, các Kitô hữu được thúc bách cách sâu xa phải làm mọi thứ có thể để giảm nhẹ nỗi đau của người khác. Khi làm thế, họ nhận → Mười bốn mối thương người làm kim chỉ nam cho mình. Người ta có thể giúp đỡ trực tiếp giữa người này với người khác. Nhưng cũng có thể gián tiếp qua các khoản đóng góp, để giúp người nghèo sống sót và sống đúng với phẩm giá. Tuy nhiên, quan trọng hơn, là sự giúp đỡ mà có thể tạo điều kiện cho người nghèo tự giải phóng chính mình khỏi cái nghèo, ví dụ, bằng cách tìm việc làm, hay trao cho người đó một nền học vấn vững chắc hơn. Khi làm thế, đừng để ai cảm thấy việc bác ái trở thành gánh nặng, nhưng cũng đừng có ai tự thấy mình dễ dàng được miễn trừ công tác bác ái này. Doanh nhân góp phần đáng kể trong cuộc chiến chống lại đói nghèo bằng cách tạo ra công việc làm và điều kiện làm việc nhân đạo.

Ü 329 è 2447 ð 449-450

V [Nếu quyền sở hữu tài sản tư bị huỷ bỏ,] chính những nguồn lực tạo nên sự thịnh vượng cũng khô cạn theo, vì không ai còn bận tâm vận dụng tài năng hay sự cần cù của mình nữa. Rồi kiểu công bằng lý tưởng mà người ta đã thêu dệt những giấc mộng êm đẹp về nó, trên thực tế sẽ chỉ còn là sự cào bằng mọi thứ xuống thành một điều kiện sống khốn khổ và thoái hoá mà thôi.

Giáo hoàng Lêô XIII (1810-1903), RN 15

 

170  Chúng ta có thể mang lại “Nước Chúa” bằng sự phát triển vật chất hay không?

Nếu chúng ta làm việc hăng say và kiên nhẫn để phát triển toàn diện con người và gìn giữ môi trường, chúng ta có thể làm nên nhiều thành tựu, nhưng không thể tái dựng thiên đàng. Đức Giêsu nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Do đó, chúng ta đừng nhầm lẫn sự tiến bộ trần thế hay của cải vật chất với Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự tiến bộ đó cũng liên quan mật thiết với Nước Thiên Chúa trong mức độ mà sự tiến bộ kinh tế “có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn” (GS 39).

V Chính qua lao động mà con người, khi sử dụng trí thông minh và vận dụng sự tự do của mình, đã thành công trong việc thống trị mặt đất và biến trái đất thành nơi sinh sống thích hợp. Bằng cách này, con người biến một phần đất đai thành của mình, chính xác là phần mà người đó giành được thông qua công việc lao động: đây là nguồn gốc của tài sản tư nhân.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), CA 31

 

 

171  Tư bản chủ nghĩa có tương hợp với phẩm giá con người?

Khi nhìn về sự thất bại nổi bật của nền kinh tế do trung ương hoạch định trong hệ thống Xô Viết, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Nếu chủ nghĩa tư bản có nghĩa là một hệ thống kinh tế công nhận vai trò cơ bản và tích cực của kinh doanh, thị trường, tài sản tư hữu, và trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất, cũng như tính sáng tạo tự do của con người trong lĩnh vực kinh tế, thì câu trả lời chắc chắn là tán thành. Có lẽ đúng hơn, thay vì nói đến nền kinh tế tư bản, nên nói tới nền kinh tế kinh doanh, nền kinh tế thị trường, hay đơn giản là nền kinh tế tự do. Còn nếu chủ nghĩa tư bản có nghĩa là một hệ thống trong đó sự tự do trong các lĩnh vực kinh tế không được giới hạn trong một khung pháp lý vững vàng, khung luật pháp mà đặt kinh tế ở vị trí phải phục vụ cho tự do toàn diện của con người, và xem kinh tế như một khía cạnh thực hành của sự tự do ấy, và cốt lõi của tự do là đạo đức và tôn giáo, thì câu trả lời chắc chắn là ‘không’” (CA 42).

Ü 335 è 2425 ð 442

V Giáo Hội không những giải pháp kỹ thuật và cũng không đòi “can dự vào hoạt động chính trị của các quốc gia bằng bất cứ cách nào”.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 9

 

172  Liệu có cái gọi là “mô hình kinh tế Kitô giáo”?

Không. Giáo Hội có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, và không tham dự vào cuộc thi đua giành giải nhất mô hình kinh tế và những giải pháp kỹ thuật tối ưu. Giáo Hội chỉ yêu cầu nền kinh tế phải phục vụ con người và công ích, và phải giữ đòi hỏi chính đáng này cho xứng với phẩm giá con người.

Ü 335 è 2420-2422 ð 23

V Hành vi thờ con bò vàng cổ xưa (x. Xh 32,1-35) đã quay trở lại dưới lớp nguỵ trang mới mẻ và tàn nhẫn đó là: lòng sùng bái tiền bạc và kiểu cai trị độc tài của một nền kinh tế vô cảm thiếu vắng sự quy hướng thật sự về con người.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 55

 

Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ người lân cận nếu chẳng ai sở hữu phương tiện nào cả?

Clement thành Alexandria (khoảng 150-210), nhà thần học Hy Lạp thời kỳ đầu

 

173  Làm thế nào chúng ta có thể đạt được một trật tự kinh tế biết phục vụ con người và công ích?

Điều này chủ yếu dựa vào việc kết hợp các yếu tố của công lýtình yêu đối với tha nhân vào hoạt động kinh doanh hàng ngày. Các Kitô hữu không chỉ có cơ hội mà còn nghĩa vụ phải cải thiện các thể chế và điều kiện sống cho tới khi chúng mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, cần lưu ý: trước khi một Kitô hữu thăng tiến được người khác, người ấy phải cải thiện bản thân. Chỉ khi đó sự cam kết dấn thân của người ấy nhằm tối ưu hoá các hoàn cảnh kinh tế và các tổ chức xã hội mới đáng tin cậy.

Ü 42 è 1888 ð 327-329

V Thiên Chúa đã trao trái đất cho nhân loại để nuôi sống mọi thành viên, mà không loại trừ hay ưu ái một ai. Đây là nền tảng cho mục đích phổ quát của mọi sản vật trên trái đất.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 31

 

! Thế chấp

Tài sản cố định (đất đai, nhà cửa) được một người mắc nợ đem ra làm vật đảm bảo cho khoản nợ anh ta đã vay (đặc biệt là khoản nợ phát sinh do anh ta mua một tài sản). Cũng như người chủ của căn nhà đem thế chấp đó phải trả tiền đều đặn cho ngân hàng cho vay, thì chủ nhân của khối tài sản kia phải đảm bảo rằng nó được sử dụng theo cách có lợi cho xã hội.

 

 

 

174  Tài sản riêng của doanh nghiệp có phải là một điều bất công?

Không. Một doanh nhân, như bất cứ người nào khác, có quyền tự nhiên được thụ hưởng kết quả của công sức lao động và tiếp cận các phương tiện (phương tiện sản xuất) để đạt được những thành quả đó. Quyền này thúc đẩy sự tự do sáng tạo trong kinh doanh, từ đó mọi người có liên quan trong quá trình kinh tế đều được hưởng lợi. Tạo ra của cải thúc đẩy người ta nỗ lực; vì tài sản tư hữu “thêm những kích thích để người ta thực thi nghĩa vụ, nó tạo nên một trong những điều kiện cho tự do dân sự” (GS 71). Mặt khác, những sự bất công nghiêm trọng trong kinh tế là những ngòi nổ xã hội. Thường thì chúng thật sự bất công, ví dụ, khi người lao động không nhận đủ phần chia thoả đáng trong khối lợi nhuận. Nạn bóc lột nhân công vẫn còn là chuyện thường ngày tại nhiều quốc gia. Mức vượt trội quá đáng về kinh tế nơi một số người kéo theo sự bất lợi và thua kém cho nhiều người khác. Do đó, tài sản tư hữu nên trở thành tài sản → “Thế chấp xã hội”: nghĩa là tài sản đó nên được sử dụng vì lợi ích của tất cả, bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra của cải vật chất cho mọi người. Nghĩa vụ của chính quyền chính là điều phối và thực thi đòi hỏi đó của xã hội về tài sản.

Ü146-184, 328-329  è 2403, 2427-2430  ð 443

Không bao giờ là quá sớm để dạy trẻ em về tiền bạc như một phương tiện. Dạy chúng làm việc để có tiền, và chúng học được lòng tự hào và tự trọng. Dạy chúng dành dụm tiền, và chúng sẽ hiểu được sự an toàn và giá trị bản thân. Dạy chúng rộng tay cho đi, và chúng sẽ học biết yêu thương.

Judith Jamison (1943-), vũ công và biên đạo múa người Mỹ

!  Mammon [Tiền của]

Tiếng Aram = mamona. Tiền bạc được sử dụng trái với luân lý, hay kiếm được cách bất chính. Thuật ngữ chỉ tiền tài với hàm ý chê bai.

 

 

175  Tự thân tiền bạc có xấu xa không?

Không. Tiền là một phát minh tốt đẹp của con người, nhưng có thể bị lạm dụng. Tiền là phương tiện trao đổi, thước đo giá trị, khoản dành dụm cho tương lai, và phương tiện hỗ trợ cho những gì chính đáng. Tiền không bao giờ được phép trở thành mục tiêu cuối cùng. Đức Giêsu nói rõ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi → Tiền của được” (Mt 6,24). Tiền có thể trở thành thần tượng và chất gây nghiện. Ai theo đuổi tiền vì hám lợi, sẽ trở thành nô lệ cho lòng tham của chính mình.

Ü 328 è 2424, 2449 ð 355

 

 

Vài người xem doanh nghiệp tư nhân là một con hổ săn mồi cần phải bị bắn bỏ. Những kẻ khác lại nhìn doanh nghiệp tư nhân như con bò sữa mà họ có thể trục lợi. Không mấy ai xem doanh nghiệp tư nhân như một chú ngựa vạm vỡ, đủ sức kéo cỗ xe cồng kềnh.

Winston Churchill (1874-1965), Thủ tướng Anh, trong bài diễn văn ngày 29 tháng 10 năm 1959

 

176  Có được phép kiếm tiền lời không?

Có. Tiền lời là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn thành đạt, nhưng chưa phải là chứng cứ đủ để cho thấy doanh nghiệp đó phục vụ xã hội. Để điều hành doanh nghiệp theo cách bền vững, việc theo đuổi chính đáng lợi nhuận phải dung hoà với việc bảo vệ thiết yếu phẩm giá con người. Lợi nhuận thu được trên cơ sở bóc lột sức lao động hay vi phạm công bằng xã hội và quyền lợi của người lao động là bất công.

Ü340 è 2443-2446 ð 449

Thị trường cũng giống như chiếc dù lớn, chỉ hoạt động khi được mở bung ra.

Helmut Schmidt (1918-), Thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức

V Trên bình diện quốc gia cũng như quan hệ quốc tế, dường như thị trường tự do là phương tiện hữu hiệu nhất để khai thác các nguồn lực và đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 34

 

V Trong các nước giàu, những chênh lệch xã hội thậm chí xuống tới mức độ đói nghèo, cũng vậy, trong các nước kém phát triển, người ta vẫn thường thấy những biểu hiện của tính ích kỷ, thói khoe giàu, vừa đáng hổ thẹn, vừa làm rối ren.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, SRS 14

 

177  “Thị trường tự do” có phải là phương tiện tốt không?

Trong một thị trường tự do, người ta có thể chào bán và chọn mua các hàng hoá và dịch vụ một cách tự do trong một khung pháp lý và đạo đức. Về cơ bản, người tiêu thụ quyết định món nào nên được sản xuất, ở mức giá nào, và với số lượng bao nhiêu, trừ khi các tập đoàn độc quyền và các liên hiệp phá rối quy luật cung cầu. Nói chung “thị trường tự do” đã chứng tỏ mình có thể thúc đẩy hoạt động và duy trì lâu dài sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, trong một thị trường tự do, các nguồn lực được sử dụng hữu hiệu hơn là trong nền kinh tế do nhà nước hoạch định. Tuy vậy, hiệu năng không phải là tất cả. Đôi khi thị trường tự do dẫn tới tình huống những ai có ít nguồn lực tài chính hơn dễ gặp bất lợi hay bị những kẻ có nguồn lực lớn hơn bóc lột, ví dụ, qua việc ép buộc công nhân chấp nhận một mức lương thấp vô lý. Khi chuyện này xảy ra, phía yếu thế hơn cần được trợ giúp, một mặt qua các điều luật của Nhà nước, mặt khác qua các tổ chức xã hội như công đoàn. Chỉ có thể chấp nhận thị trường tự do khi nó phục vụ toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên vẫn tồn tại những “thị trường” bất hảo, ví dụ, mua bán ma tuý, buôn người dưới đủ mọi dạng thức, bán vũ khí bất hợp pháp, v.v..

Ü 347 è 2425-2426  ð 442

!  Cooperative [Hợp tác xã]

Một liên hiệp gồm nhiều người chung tay làm kinh doanh và nhờ đó có tiền lời chung. Các hợp tác xã đầu tiên tồn tại lâu đời ở Anh đã được thành lập vào giữa thế kỷ mười chín

 

 

 

 

 

178  Cạnh tranh trong thị trường tự do có xúc phạm tình yêu đối với tha nhân không?

Điều đó tuỳ thuộc vào bản chất của sự cạnh tranh. Nếu “cạnh tranh” được hiểu như một kiểu lên kế hoạch phá hoại đối thủ, thì kiểu này vi phạm điều răn yêu thương người lân cận. Trái lại, nếu cạnh tranh là nỗ lực thẳng thắn, trung thực, nhằm làm tốt hơn đối thủ, thì đó là phương tiện hữu hiệu để đạt những mục tiêu công bình quan trọng như: giá giảm, doanh nhân đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, các nguồn lực được sử dụng tiết kiệm hơn, kỹ năng kinh doanh mang tính đột phá và mới mẻ được khen thưởng… Hơn nữa, các Kitô hữu trên thế giới đã thành lập những dạng cộng tác mà không dựa trên cạnh tranh, ví dụ → Hợp tác xã, kết hợp hiệu năng kinh doanh với sự nâng đỡ huynh đệ.

347  2423-2425  2430  442

Khi các nhu cầu gia tăng chóng mặt đời sống đắt đỏ hơn, ai cũng muốn và buộc phải có nhiều thứ để sống theo cách của mình, thì cùng tốc độ và tầm mức đó, uy tín công quyền lòng tin tưởng lẫn nhau bị sút giảm, các kẻ đầu cơ thực hiện những mánh khoé kiếm lợi, sự bất lương chiếm chỗ và dối gạt lên ngôi.

Adolph Kolping (1813-1865), linh mục Công giáo Đức, người tổ chức hỗ trợ cho công nhân trẻ

 

 

 

179  Đâu là những giới hạn của thị trường tự do?

Nhiều người không thể tiếp cận với thị trường và không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình. Họ nghèo, không làm ra được gì để rao bán, và cũng không thể mua thứ gì cả. Chúng ta cần luôn luôn nhắc lại rõ ràng rằng một con người không chỉ sở hữu gì, mà trên hết họ một người nào đó, họ là một người anh em hay chị em của chúng ta, một người có phẩm giá bất khả nhượng. “Nghĩa vụ cấp thiết của sự thật và công lý là khắc phục tình trạng những nhu cầu cơ bản của con người không được đáp ứng, và ngăn chặn sự tiêu vong của những ai phải thiếu thốn trầm trọng” (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 34). Hơn nữa, thị trường tự do phải bị giới hạn ở đây: có vô số thứ không thể định giá và do đó không được phép bán, ví dụ, chính con người (nạn bóc lột, buôn người, mãi dâm), sức khoẻ (nạn công nghiệp hoá và thương mại hoá thuốc men), các bộ phận của cơ thể người (nạn buôn bán nội tạng), hay tình bạn, các mối liên hệ gia đình, sự tha thứ, v.v..

Ü 349 è 2431 ð 442

 

 

 

V Toàn cầu hoá không được phép trở thành chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Nó phải tôn trọng tính đa dạng của các nền văn hoá, mà trong sự hoà hợp chung của các dân tộc, các nền văn hoá đó lại chính là những yếu tố chủ chốt để diễn giải các vấn đề trong đời sống.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Bài phát biểu ngày 27 tháng 4, 2001

 

V Các chính sách không được lệ thuộc vào kinh tế, cũng như kinh tế không được lệ thuộc vào các mệnh lệnh của một mô hình chỉ điều hành bằng kỹ thuật theo hiệu quả đạt được. Ngày nay, với quan điểm vì ích chung, cần phải gấp rút có các chính sách và nền kinh tế thích hợp để bước vào cuộc đối thoại thẳng thắn nhằm phục vụ sự sống, đặc biệt sự sống con người.

Giáo hoàng Phanxicô, LS 189

 

180  Toàn cầu hoá có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế?

Về phương diện kinh tế, thế giới ngày càng trở nên nối kết chặt chẽ với nhau hơn. Sự sụp đổ các rào cản sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, giao thông vận chuyển tiến bộ, và đặc biệt cách mạng kỹ thuật số, đã đưa tới một tình thế ở đó các doanh nghiệp có thể giao tiếp toàn cầu trong thời gian thực, và sản xuất hàng hoá đi toàn thế giới. Các luồng tiền chảy từ nơi này sang nơi khác trên trái đất với tốc độ ánh sáng. Các cơ sở sản xuất chế biến được đặt tại nơi nào mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Các thị trường mới liên tục mở ra, v.v..

Ü 361 è 2438-2440 ð 446-447

 

 

Dự án tương lai cho Giáo Hội: là thổi hồn vào thực tại toàn cầu hoá.

René Rémond (1918-), sử gia người Pháp

Không ai có thể khám phá ra những lục địa mới nếu thiếu lòng can đảm không dám rời bỏ bến cũ.

André Gide (1869-1951)

 

V Thách thức trước mắt là đảm bảo một hướng toàn cầu hoá mang tính liên đới, không gạt ai ra bên lề.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), Thông điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới 1998

 

 

 

 

181  Toàn cầu hoá có lợi cho kinh tế không?

Toàn cầu hoá có lợi nhưng cũng có cái giá của nó. Chúng ta vẫn còn chưa đối phó hữu hiệu với hiện thực mới này cả trên phương diện đạo đức lẫn chuyên môn. Một mặt, toàn cầu hoá gắn với niềm hy vọng phát triển toàn cầu và cải thiện những điều kiện vật chất và văn hoá. Mặt khác, chúng ta phải đối diện với hàng đợt những cơn lũ di cư và tháo chạy khỏi miền quê, kéo theo sự đánh mất các bản sắc văn hoá. Những thành phố chứa hơn cả triệu dân có thể biến thành những trung tâm dân cư mất kiểm soát và tồi tệ đến mức khó cho con người cư ngụ; sự mất quân bình càng trầm trọng hơn, và nạn bóc lột dân nghèo gia tăng thay vì giảm xuống. Trong thời đại toàn cầu hoá, các dân tộc và các thế hệ cần phải thể hiện tình liên đới với nhau nhiều hơn nữa.

Ü 362-366 è 2438-2440 ð 446-447

V Hoạt động kinh tế, đặc biệt hoạt động của nền kinh tế thị trường, không thể được tiến hành trong sự bao bọc của một thể chế, chính trị, luật pháp giống như trong ống chân không. Trái lại, giả thiết phải có sự bảo đảm chắc chắn cho tự do cá nhân và tài sản tư hữu, cũng như hệ thống tiền tệ vững chắc và dịch vụ công hữu hiệu.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005)

 

Đừng bao giờ cầm tay chỉ việc cho ai cả. Hãy bảo người đó làm việc gì, và bạn sẽ phải ngạc nhiên trước tài khéo léo của anh ta.

George Smith Patton (1885-1945), viên tướng Hoa Kỳ

 

Đoàn kết, ta còn chút ít việc không thể làm. Chia rẽ, ta chỉ làm được chút ít việc.

John F. Kennedy (1917-1963), Tổng thống Hoa Kỳ

 

182  Chính phủ có vai trò gì trong nền kinh tế?

Chính phủ và các cộng đồng quốc tế (ví dụ, Liên minh châu Âu, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ) định khung cho nền kinh tế. Khi làm vậy, trước tiên chính phủ cần phải được hướng dẫn bởi nguyên tắc bổ trợ (xem câu hỏi 94-96), và hỗ trợ cho các bên tham gia vào nền kinh tế biết tự giúp đỡ chính mình. Chính phủ không được tổ chức những gì mà các cơ sở kinh doanh tự mình có thể thực hiện được (tư nhân hoá). Khi sự nâng đỡ để giúp tự lực như vậy không thể thực hiện được, thì chính phủ mới phải can thiệp theo nguyên tắc liên đới (xem câu hỏi 99-102): không để người thất nghiệp rơi vào cảnh tuyệt vọng, thực hiện các khoản dự trữ cho người về hưu, và những ai cần chăm sóc đặc biệt. Điều quan trọng nhất là bảo vệ những người yếu kém nhất. Sự can thiệp của Nhà nước cần phải được cân nhắc cẩn thận: không quá thô bạo (nền kinh tế do Nhà nước quản lý hay Nhà nước nắm hết quyền lực) cũng không quá dè dặt (để mặc tư nhân kinh doanh). Nhiệm vụ chủ chốt của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế là thiết lập khung pháp lý và cơ cấu đánh thuế; ngoài ra, hệ thống phúc lợi cũng phải hỗ trợ những ai không có khả năng tự kiếm sống.

Ü 351-355 è 2430-2431 ð 447-448

V  Sự xuất hiện và gia tăng các hội đoàn và phong trào, hầu hết do thanh niên lập ra, có thể được nhìn nhận như công việc của Chúa Thánh Thần – Đấng soi sáng những đường lối mới đ đáp ứng những kỳ vọng, việc tìm kiếm một đời sống tinh thần sâu sắc và lòng khao khát thuộc về một tập thể cùng chí hướng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đảm bảo rằng những hội đoàn này tham gia tích cực vào những nỗ lực mục vụ chung của cả Giáo Hội.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 105

183  Vai trò của các nhóm, hội, tổ chức, và đoàn thể là gì?

Có những cơ sở phi lợi nhuận, được các cá nhân thành lập và điều hành, theo đuổi những mục tiêu là các mối quan tâm chung: các câu lạc bộ thể thao, các hiệp hội đồng hương, các nhóm bảo vệ môi trường, các đoàn thể tôn giáo,... Đó là những hình thức hoạt động hợp tác đâm rễ trong lòng xã hội dân sự. Chính phủ nên củng cố và bảo vệ các tổ chức đó bằng luật pháp và các chính sách thuế.

Ü357 è 2429 -2433 ð 447-448

 

 

Hãy chọn một chí hướng, một công việc phụ, kín đáo, bí mật. Mở mắt ra và tìm kiếm ai đó đang cần một ít tình bạn, một chút an ủi, một sự trợ giúp nhỏ nhoi, một ít thời giờ. Đó có thể là một người đơn độc, một bệnh nhân, một kẻ bất mãn, một người vụng dại mà bạn có thể làm gì đó cho họ, có thể mang lại ý nghĩa nào đó đối với họ. Hay một lý tưởng cao quý cần những người tình nguyện, những ai có thể từ bỏ một buổi tối rảnh rỗi hay sẵn lòng chạy việc vặt. Cũng hãy chuẩn bị tinh thần trước những điều làm bạn thất vọng! Thế nhưng đừng từ bỏ việc tìm kiếm chí hướng của bạn, vì trong chính cái nghề phụ đó, bạn có thể hành động như một con người để trao tặng cho những người khác. Có một công việc thiện nguyện đang chờ bạn, nếu bạn thật sự muốn việc đó.

Albert Schweitzer (1875-1965)

Ngày hôm nay chúng ta sẽ sống ở đâu, nếu trước đây có ai đó đã nói với Columbus: “Christopher, ở lại đây đi. Hãy hoãn chuyến đi khám phá của ông, chờ cho tới khi nào những vấn đề quan trọng nhất của chúng ta được giải quyết xong: nạn đói và chiến tranh, tội phạm và nghèo khổ, bệnh tật và ô nhiễm, thất học và phân biệt chủng tộc”?

Bill Gates (1955-)

 

184  Một doanh nghiệp là gì?

Một doanh nghiệp là một đơn vị sản xuất, cần phải có công cụ, nhà xưởng, tiền bạc,... và một nhóm người (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, CA 43). Một doanh nghiệp nên cung cấp hàng hoá và dịch vụ thật sự tốt và hữu ích. Thành lập một doanh nghiệp thường đòi hỏi óc sáng tạo, khuynh hướng đổi mới, lòng can đảm, và tinh thần trách nhiệm cao.

Ü 338 è 2426 ð 443

Sau khi xem xét kỹ phát minh của ông, chúng tôi đi đến kết luận rằng nó không có tiềm năng thương mại nào cả.

Trích thư của nhà tài chính J.P.Morgan gửi cho nhà phát minh Alexander Graham Bell sau khi ông Alexander đã trình bày về máy điện thoại của mình cho ông Morgan

 

185  Một doanh nghiệp tốt củng cố những đức tính nào của con người?

“Khi được quản lý tốt, doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh phẩm giá của nhân viên, gia tăng các phẩm chất đạo đức, như tình liên đới, óc khôn ngoan thực tế, đức công bằng, tinh thần kỷ luật, và nhiều đức tính khác. Trong khi gia đình là trường học đầu tiên về đời sống xã hội, thì doanh nghiệp, cũng như các tổ chức khác, tiếp tục quá trình giáo dục con người sống đạo đức” (Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, “Ơn gọi của Doanh nhân”, 3).

Ü 338 è 2426 ð 443

Tôi phải bán thứ gì đó cho những người khác, khách hàng của tôi. Tôi phải phối hợp các công nhân. Tôi phải thuyết phục nhà cung cấp rằng tôi là đối tác phù hợp của họ. Và tôi phải có thể bán sản phẩm của mình. Ai đó nghĩ rằng chuyện bán hàng không xứng với họ, thì không nên khởi nghiệp.

Norman Rentrop (1957-), doanh nhân Đức và nhà tài trợ chính cho Bibel-TV, một mạng lưới truyền hình liên tôn của Kitô giáo

 

186  Vì sao nền kinh tế là một nơi chốn và một trường học của nhân loại?

Nhiều nhân viên và chủ doanh nghiệp làm việc nhiều hơn nghĩa vụ đòi hỏi. Họ làm thế do ý thức trách nhiệm, do lòng yêu thích công việc, và yêu thích những ai được hưởng dịch vụ mà họ cung cấp. Ngay cả những chủ doanh nghiệp cũng không phải luôn hành động để kiếm lời: ví dụ, những khoản đầu tư thường bắt nguồn từ một hành vi rộng lượng, vì đầu tư có nghĩa là từ bỏ sự tiêu xài tức thời và dùng tiền để tạo việc làm. Thế rồi, ngày càng nhiều người làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận, theo đuổi những mục tiêu xã hội trong đường hướng kinh doanh. Công việc tình nguyện cũng là một dạng công việc do tình bác ái thúc đẩy.

Ü 365-367 è 2426-2428  ð 443

V Học thuyết xã hội của Giáo Hội cho rằng các mối liên hệ xã hội thật sự của con người gồm tình bạn, tình liên đới và sự giúp đỡ lẫn nhau, có thể được thi hành ngay trong hoạt động kinh tế, chứ không chỉ bên ngoài hay “theo sau” hoạt động này.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 36

 

Khi bạn khát, mới đào giếng là quá muộn rồi!

Tục ngữ

 

187  Khi nào một doanh nghiệp làm việc thành công?

Thành công bao gồm, trước hết nhưng không phải là duy nhất, số tiền lãi kiếm được. Một doanh nghiệp được gọi là hoạt động tốt khi kiên trì tạo ra được điều hữu ích cho người khác và cho xã hội. Nhà nước thiết lập khung pháp lý. Nhưng hệ thống pháp lý là không đủ để khiến một doanh nghiệp trích tiền lãi của mình đóng góp cho xã hội. Điều quan trọng là hành động công minh, nhân ái, ý thức về xã hội và môi trường – đã phải hàm chứa ngay trong hoạt động kinh tế, trú ngụ ở tâm điểm của chính doanh nghiệp, thể hiện trong các tiến trình và kết tụ nơi các mục tiêu.

Ü 332, 340 è 2426-2427 ð 443

Các doanh nghiệp nên “tạo ra hàng hoá thật sự có chất lượng và cung cấp dịch vụ thật sự hữu ích.”

Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, “Ơn gọi của Chủ doanh nghiệp”, 40

 

V Cả thị trường lẫn chính trị đều cần những cá nhân biết mở lòng trao tặng cho nhau.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, CiV 39

 

188  Trong kinh doanh, làm sao người ta có thể hành động công minh?

Trong hoạt động kinh tế, một người hành động công minh khi trao cho người khác phần họ đáng được nhận. Điều này bao gồm chủ yếu trong việc thực hiện hợp đồng một cách trung thực, tôn trọng thoả ước, giao hàng đúng chất lượng và đúng lịch, thanh toán tiền đúng hạn. Để công bằng, hai bên phải được tự do ký kết hợp đồng, nghĩa là không có lọc lừa, cưỡng ép, sợ hãi. Người thuộc phía đối tác đàm phán có quyền lực hơn mà ép buộc người khác phải chịu các điều khoản của mình, là đã hành động thiếu công minh.

Ü340 è 2411 ð 430

Một người làm ăn có lời cũng phải chịu thua lỗ. Những ai chịu trách nhiệm đầu tư đương nhiên có nghĩa vụ phải trả nợ cho số tiền mà mình đã đi vay để đầu tư, do đó các khoản đầu tư càng phải được tính toán cẩn thận.

Walter Eucken (1891-1950), nhà kinh tế học người Đức

 

 

189  Giá cả phải chăng là gì?

Về cơ bản, giá cả phải chăng là giá được đồng thuận trong các cuộc đàm phán tự do thông qua sự tương tác giữa cung và cầu. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể xen vào làm lệch hướng thoả thuận tự do nói trên: thiếu thông tin, lừa đảo, vị thế độc quyền của người bán hay người mua, tình huống khẩn cấp tác động lên một phía đối tác,... Cho vay nặng lãi (thu lãi quá cao trên một khoản cho vay), và khai thác bóc lột, là những tội ác chống lại công lý và bác ái.

Ü 340 è 2414, 2434, 2436

 

Điều thế giới cần là một nhân loại nhìn thế giới này như một mái ấm, chứ không phải như một siêu thị.

Yann Arthus-Bertrand (1946-), nhà hoạt động vì môi trường người Pháp

 

Bạn có biết sự khác biệt giữa người nghèo và người giàu không? Người nghèo bán ma tuý để sắm hàng hiệu Nikes, còn người giàu bán hàng hiệu Nikes để mua ma tuý.

Frédéric Beigbeder (1965-), nhà văn Pháp

 

190  Những “tội lỗi” trong kinh doanh là gì?

Không may có nhiều mánh kh lừa bịp, thủ đoạn gian trá, mưu mẹo lường gạt, và bao lời nói dối trong thế giới kinh doanh. Những ai hành động theo đường lối dối trá này đều phá huỷ vốn liếng đích thực của doanh nghiệp: đó là uy tín. Thiếu uy tín, doanh nghiệp không thể hoạt động. Khi một ai hứa hay ký một hợp đồng, bạn phải có thể tin cậy vào lời hứa hay bản hợp đồng đó. Người ta giành được uy tín qua mức độ đáng tin cậy, và đạt được nó qua hành động đúng đạo lý. Trong thế giới kinh doanh, người ta phải đặc biệt cảnh giác trước: lòng tham, nạn tham nhũng, và bất kỳ dạng bất công nào như trộm cắp, lừa đảo, bóc lột, cho vay nặng lãi,...

Ü 343 è 2408-2414 ð 428-430

Chẳng có gì phải hổ thẹn khi sống giàu có, nhưng chết trong giàu sang mới là trọng tội.

Ngạn ngữ Mỹ

 

Không thể khiến cho mọi thứ tốt đẹp, trừ khi mọi người đều tử tế, và tôi chẳng mong chuyện đó xảy ra chỉ trong một sớm một chiều.

Thánh Thomas More (1478-1535), Cố vấn Hoàng gia Anh thời Henry VIII, triết gia, Thánh tử đạo

 

 

 

191  Về bản chất, phải thị trường đầu cơ tài chính là một cơ cấu tội lỗi?

Trên nguyên tắc là không. Nếu hướng tới ích chung, thị trường tài chính và các ngân hàng thực hiện một dịch vụ quan trọng: họ giúp các xí nghiệp và doanh nghiệp kiếm được tiền vốn cần thiết để hoạt động. Người vay nợ phải trả lãi vay như một cái giá cho khoản tiền mà ngân hàng đưa ra. Hơn nữa, cơ chế đầu cơ thực chất là tốt, vì phục vụ cho mục đích điều chỉnh số lượng và giá cả hàng hoá từ vùng này đến vùng khác, và cân bằng giữa các thời điểm thiếu hụt hoặc dư thừa. Dĩ nhiên trong những năm gần đây, những công cụ trên đã bị lạm dụng cách thê thảm. Thị trường tài chính bị lạm phát. “Các nhà đầu tư” đã đầu cơ mà không có bất kỳ thứ gì mang giá trị thực để “chống lưng” cho món tiền của họ. Trong một vài giây, các khoản tiền khổng lồ chạy vào hoặc bốc hơi, mà không có bất cứ công việc thật sự nào đằng sau thị trường này.

Ü368 è 2426

 

 

V Các cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát khi… những người làm việc trong lĩnh vực kinh tế mất niềm tin vào các cách thức vận hành và các hệ thống tài chính của lĩnh vực kinh tế. Dù sao, các hệ thống tài chính, thương mại, sản xuất đều là những “phát minh” mang dấu ấn không chắc chắn của con người. Nếu người ta tin tưởng mù quáng vào các hệ thống tài chính đó, thì chúng mang trong mình mầm mống làm cho chúng có nguy cơ đổ vỡ. Nền tảng đích thực và vững chắc là niềm tin vào chính con người. Vì vậy, tất cả những phương án được đề nghị để hạn chế cuộc khủng hoảng này: trên hết phải tìm cách gầy dựng sự an toàn cho các gia đình và sự ổn định cho các công nhân, thông qua những quy định và biện pháp kiểm soát thích hợp, phải khôi phục nền đạo đức cho thế giới tài chính.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 30 tháng 3 năm 2009

 

192  Làm sao thị trường tài chính có thể lấy lại uy tín?

Ngoài cam kết tình nguyện với các nguyên tắc đạo đức, tính minh bạch cao nhất có thể được trong các giao dịch là cách hữu hiệu nhất để dẫn dắt thành phần tài chính và ngân hàng ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành. Hơn nữa, thị trường tài chính quốc tế phải được điều hoà trong một khung pháp lý ràng buộc chặt chẽ.

Ü 369-372 è 2430-2432 ð 430

 

 

 

V Phát triển là tên gọi mới của hoà bình.

Giáo hoàng Phaolô VI (1897-1978), trích từ SRS 10

 

Trong tất cả những sai lầm phạm phải khi nuôi dạy trẻ em, sai phạm trầm trọng nhất là tin rằng sự phát triển của trẻ bị giới hạn bởi di truyền.

Alfred Adler (1870-1937), nhà tâm lý học người Áo

 

Cảm thức về Thượng Đế và nhận thức về bản thân được gia tăng, có tầm quan trọng căn bản đối với bất cứ sự phát triển trọn vẹn nào của xã hội loài người.

CCC 2441

 

193  Vì sao “phát triển” hàm nghĩa rộng hơn là “tăng trưởng kinh tế”?

Phát triển là một thuật ngữ có ý nghĩa rộng hơn “tăng trưởng kinh tế”. Ngoài viễn cảnh phồn vinh và an toàn, người ta cần một hướng phát triển toàn diện: trong gia đình, về lòng tin, qua giáo dục, qua dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt đẹp. Tại các nước giàu, nhiều người vẫn còn mơ đến sự thịnh vượng toàn cầu. Tuy nhiên, ngày nay, không chính quyền nào có thể tự mình đối đầu và giải quyết các vấn đề trong nước. Một trong những nhiệm vụ của nền kinh tế quốc tế là hiện thực hoá một sự phát triển tổng thể dựa trên sự hợp tác với nhau cho nhân loại, nói cách khác, cho mi người, và cho từng người trong tính toàn vẹn của mình. Điều này cũng có lợi cho các nước giàu nữa. Điều không đúng là người giàu phải luôn giàu hơn, và kẻ nghèo lại cứ nghèo thêm. Trong một hệ thống kinh tế nhân đạo, sự tăng trưởng kinh tế cho một số người y cũng phải dẫn tới sự cải thiện tình hình cho những người khác nữa.

Ü 373-374 è 2426-2433 ð 443-444, 446-448

V Nếu chúng ta gặp phải một xác động vật, và xác ấy thối rữa,… bốc mùi hôi thối. Tham nhũng cũng bốc mùi hôi thối! Một xã hội thối nát cũng tồi tệ như vậy. Một Kitô hữu chấp nhận tham nhũng thì không còn là một Kitô hữu nữa, mà là kẻ thối nát!

Giáo hoàng Phanxicô, ngày 21/3/2015

 

V Sự tham nhũng đã trở thành tự nhiên, tới mức đang trở nên một cách diễn đạt của cá nhân và xã hội gắn với thói quen, thông lệ trong các giao dịch tài chính và thương mại, trong việc lập hợp đồng dân sự, trong mỗi cuộc đàm phán liên quan tới các quan chức Nhà nước. Đấy là chiến thắng của ảo giác bề ngoài trên hiện thực, của thói trơ tráo vô liêm sỉ trên tính thận trọng liêm chính. Tuy nhiên, Đức Chúa không nản lòng – Ngài vẫn kiên nhẫn gõ cửa nhà những kẻ tham nhũng…

Giáo hoàng Phanxicô, ngày 23/10/2014

 

 

194  Tham nhũng là gì, và người ta có thể làm gì về tệ nạn này?

Tham nhũng – lạm dụng quyền hành và sử dụng sai các nguồn lực được tin tưởng giao cho để tìm lợi lộc cá nhân – là căn bệnh ung thư tàn phá xã hội từ bên trong. Tham nhũng tước đoạt của những ai không có quyền lực cơ hội tiếp cận những lợi ích, mà họ đương nhiên được hưởng, ví dụ, sự an toàn, giáo dục, việc chăm sóc sức khoẻ, việc làm, sự thăng tiến. Thường thường, chính nạn nân sẽ trở thành thủ phạm, một khi họ thành công trong việc giành được một mức độ quyền hành nào đó. Các dạng tham nhũng bao gồm: hối lộ, biển thủ, bè phái, sử dụng sai các nguồn lực và nhiều thứ khác nữa,... Tham nhũng lan tràn và gây hậu quả tàn phá. Ngay cả các cơ quan thuộc Giáo Hội cũng không tránh được thứ “độc dược ngọt ngào của tham nhũng” (lời của Giáo hoàng Phanxicô). Tham nhũng đi ngược lại các nguyên tắc căn bản của công bằng xã hội; nó lừa dối con người không cho hưởng các quyền tự nhiên của họ; nó phá hoại công ích và chà đạp nhân phẩm. Mọi người có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt những ai làm việc trong lĩnh vực chính trị. Cách bảo vệ hàng đầu trước nạn tham nhũng là sự minh bạch tối đa trong việc phân phối các nguồn lực và các cơ hội. Kitô hữu và cộng đoàn Kitô giáo nào sống không tham nhũng giữa lòng xã hội thối nát, có thể trở thành men đổi mới toàn xã hội.

Ü 411 è 2407-2414 ð 428

 

Trích từ các văn bản quan trọng của Giáo Hội

 

7

 

ĐỜI SỐNG KINH TẾ

 

Rerum Novarum  Cảnh báo người giàu

Do đó, những ai gặp may mắn lại được cảnh báo rằng tài sản không mang lại sự giải thoát khỏi sầu muộn và chẳng ích gì cho hạnh phúc vĩnh cu, trái lại, còn gây cản trở. Người giàu nên lo ngại trước lời cảnh tỉnh của Đức Giêsu – những lời đe doạ hiếm thấy từ môi miệng của Đức Chúa – và rằng chúng ta phải trả lẽ nghiêm ngặt cho Thẩm phán Tối cao về tất cả tài sản mà chúng ta sở hữu.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 22

 

Rerum Novarum  Của cải cho mọi người

“Con người không nên xem các thứ sở hữu vật chất của mình như là tài sản riêng, mà như là của chung, để không ngần ngại chia sẻ với những người nghèo khổ. Do đó, vị Tông đồ nói, ‘Hãy ra lệnh cho người giàu của thế gian này … biết hào phóng trao tặng, biết rộng tay chia sẻ’” . Đúng là không ai bị ép buộc phải phân phát cho người khác những gì cần cho nhu cầu của bản thân và gia đình… Đây là nghĩa vụ, không phải vì công lý (không kể các trường hợp cùng cực), mà là vì đức bác ái Kitô giáo – một nghĩa vụ không bị áp đặt bởi luật lệ của con người.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 19

 

Centesimus Annus  Những giới hạn của nhà nước phúc lợi

Khi can thiệp trực tiếp và tước đoạt phần trách nhiệm của xã hội, Nhà nước Phúc lợi Xã hội đưa tới sự thất thoát các tiềm năng của con người và sự gia tăng bất thường các cơ quan công quyền. Các cơ quan này bị chi phối nhiều hơn bởi những thói suy nghĩ quan liêu hơn là bởi mối bận tâm phục vụ cho các khách hàng, và kèm theo đó là sự gia tăng chi phí khủng khiếp để duy trì hoạt động của chúng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 48

 

Caritas in Veritate  Những mối nguy hiểm của toàn cầu hoá

Thị trường toàn cầu thúc đẩy trước tiên và trên hết các nước giàu tìm kiếm những khu vực trong đó họ thuê gia công với chi phí thấp để giảm giá nhiều loại hàng hoá, gia tăng sức mua, và tăng tốc mức phát triển về tính sẵn có của các hàng hoá tiêu thụ cho thị trường nội địa. Do đó, thị trường toàn cầu khơi dậy những dạng cạnh tranh mới giữa các quốc gia khi họ tìm cách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập những trung tâm sản xuất, bằng các phương tiện khác nhau, bao gồm các chế độ tài chính ưu đãi và bãi bỏ các quy định trên thị trường lao động. Những tiến trình này dẫn đến sự thu hẹp các hệ thống an sinh xã hội như là cái giá phải trả cho việc tìm kiếm lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong thị trường toàn cầu, mà hậu quả là sự tác hại nghiêm trọng đến các quyền lợi của người công nhân, lên các nhân quyền căn bản, và lên sự liên đới gắn với các dạng thức truyền thống của Nhà nước xã hội. Các hệ thống an sinh xã hội có thể mất khả năng tiến hành các nhiệm vụ của mình, cả trong các nước mới hình thành và các nước có mặt trong danh sách phát triển sớm nhất, cũng như tại các nước nghèo. Ở đây, các chính sách ngân sách, với những lần cắt giảm trong chi tiêu xã hội thường được thực hiện dưới áp lực từ các định chế tài chính quốc tế, có thể khiến bao công dân trở nên mất khả năng đối mặt trước những nguy cơ cũ và mới; tình trạng bất lực đó gia tăng do thiếu sự bảo vệ hữu hiệu từ phía các đoàn thể của tầng lớp công nhân. Trước sự kết hợp của những thay đổi về xã hội và kinh tế, các tổ chức công đoàn trải qua khó khăn ngày càng lớn khi tiến hành nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của công nhân, một phần vì các chính quyền,  với lý do lợi ích kinh tế, thường giới hạn quyền tự do hay năng lực đàm phám của công đoàn. Do vậy, các mạng lưới tương trợ truyền thống càng gặp nhiều cản trở hơn nữa để vượt qua.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 25

 

Caritas in Veritate  Nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng

Thách thức lớn đối với chúng ta, nổi bật lên do những vấn đề về phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu, và thêm khẩn thiết do sự khủng hoảng kinh tế, tài chính, là không được coi thường và hạ giá các nguyên tắc truyền thống về đạo đức xã hội như tính minh bạch, trung thực, và trách nhiệm, mà còn phải chứng tỏ, trong suy nghĩ và hành vi, rằng trong các mối liên hệ thương mại, nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng như biểu hiện của tình huynh đệ có thể và phải tìm thấy chỗ đứng của mình trong hoạt động kinh tế thông thường. Đây là một nhu cầu của con người thời nay, mà cũng là yêu cầu hợp lý từ góc độ kinh tế. Đây là một đòi hỏi của cả bác ái lẫn chân lý.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), 36

 

Caritas in Veritate  Người nghèo và lối sống xa hoa

Ngày nay nhiều người cho rằng họ chẳng nợ nần gì ai ngoại trừ chính mình. Họ chỉ quan tâm tới quyền lợi của mình, và thường khó lòng đảm nhận trách nhiệm về sự phát triển toàn diện của bản thân cũng như của người khác… Một mặt, người ta viện ra và kêu gọi thực thi các quyền mà về bản chất là tuỳ tiện và không thiết yếu, đòi hỏi rằng chúng phải được công nhận và thúc đẩy bởi các cơ cấu công quyền; trong khi đó, mặt khác, những quyền tối thiểu và cơ bản vẫn không được biết tới và bị vi phạm tại nhiều nơi trên thế giới. Người ta thường ghi nhận một mối liên hệ giữa hai điều: một bên là những đòi hỏi về “quyền thặng dư” và ngay cả quyền vi phạm và dung dưỡng thói xấu, trong những xã hội giàu có, và bên kia là tình trạng thiếu thực phẩm, nước sạch, học vấn cơ bản, và dịch vụ y tế tối thiểu trong những khu vực của thế giới chậm phát triển và ở nơi những vành đai của các trung tâm đô thị lớn.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Carias in Veritate (2009), 43

 

Evangelii Gaudium  Sự độc tài của một nền kinh tế vô cảm

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể khiến chúng ta không nhìn ra sự kiện là nó phát xuất từ cuộc khủng hoảng sâu xa trong chính con người, đó là: thái độ chối bỏ tính ưu việt của con người! Chúng ta tạo ra những thần tượng mới. Hành vi thờ con bò vàng xưa (x. Xh 32,1-35) đã quay trở lại dưới lớp nguỵ trang mới mẻ và tàn nhẫn: trong việc sùng bái tiền bạc và trong sự độc tài của một nền kinh tế vô cảm thiếu vắng việc quy hướng thật sự về con người. Cuộc khủng hoảng toàn cầu tác động lên nền tài chính và kinh tế đã phơi bày những sai lệch mất cân bằng của chúng và trên tất cả là tình trạng thiếu quan tâm thật sự đến con người của chúng; con người bị thu hẹp lại chỉ còn một nhu cầu độc nhất trong những nhu cầu của mình: tiêu thụ.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 55

 

Evangelii Gaudium  Thịnh vượng cho mọi người

Trong khi thu nhập của một thiểu số tăng theo cấp luỹ thừa, hố ngăn cách phần đa số còn lại với sự thịnh vượng của thiểu số may mắn nói trên cũng lan rộng nhanh chóng. Sự mất cân bằng này là hậu quả của các hệ tư tưởng bảo vệ tính tự trị tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chính. Theo đó, chúng loại trừ quyền thực thi bất kỳ hình thức kiểm soát nào của nhà nước, vốn thận trọng bảo vệ lợi ích chung. Một thứ độc tài mới mẻ xuất hiện, vô hình nhưng lại thực quyền, đơn phương và liên tục áp đặt luật lệ và quy tắc của nó. Các khoản nợ và lãi vay tích luỹ cũng khiến các nước khó nhận ra tiềm năng kinh tế riêng của mình, và kiềm hãm công dân trong nước thụ hưởng sức mua thật sự của họ. Chúng ta còn có thể thêm vào tất cả vấn đề trên nạn tham nhũng tràn lan và nạn trốn thuế tư lợi đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu. Lòng thèm khát quyền lực và sở hữu của cải dường như không đáy. Trong hệ thống này – với khuynh hướng nghiền nát mọi thứ cản đường nó gia tăng thêm lợi nhuận – bất cứ điều gì là mong manh, ví dụ như môi trường, trở nên vô phương tự vệ trước các mối lợi của một thị trường được người ta tôn sùng, thị trường đó trở nên như luật lệ độc nhất chi phối mọi thứ.

Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 56

 

Con người ở vị trí trung tâm của hoạt động kinh tế

Các biện pháp dài hạn, được thiết kế để đảm bảo khung pháp lý thích hợp cho tất cả các hoạt động kinh tế, cũng như các biện pháp khẩn cấp liên quan để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phải được hướng dẫn bằng các chuẩn mực đạo đức của chân lý. Trước tiên và trên hết, điều này bao gồm: việc tôn trọng sự thật về con người – không chỉ là một nhân tố kinh tế cộng thêm hay một thứ hàng hoá dùng rồi bỏ, nhưng được trao ban một bản chất và phẩm giá không thể bị thu lại thành một phép tính kinh tế đơn giản. Do đó, mối quan tâm đến lợi ích về vật chất và tinh thần cơ bản của mỗi người là khởi điểm cho mọi giải pháp chính trị và kinh tế, và là thước đo tối thượng cho tính hữu hiệu và giá trị đạo đức của giải pháp đó.

Hơn nữa, mục tiêu của nền kinh tế và chính trị là phục vụ nhân loại, bắt đầu với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, dù họ ở đâu đi nữa, ngay cả khi còn đang hoài thai trong lòng mẹ. Mỗi lý thuyết hay hành động kinh tế và chính trị phải khởi sự cung cấp cho mỗi cư dân trên hành tinh này phương tiện tối thiểu để sống trong tự do và đúng với phẩm giá, nghĩa là có thể nuôi sống gia đình, giáo dục con cái, ngợi khen Thiên Chúa, và phát triển tiềm năng riêng biệt của con người. Đây là điểm chính; khi thiếu tầm nhìn như thế, tất cả mọi hoạt động kinh tế là vô nghĩa.

Với ý thức trên, các thách thức nghiêm trọng khác nhau về kinh tế và chính trị đang đối mặt với thế giới ngày nay đòi hỏi phải can đảm thay đổi thái độ, sự thay đổi sẽ khôi phục vị trí đúng đắn của mục đích (con người) và phương tiện (kinh tế và chính trị). Tiền của và các phương tiện khác như kinh tế, chính trị phải phục vụ, chứ không được cai trị trong khi cần ghi nhớ rằng, theo một cách dường như nghịch lý, tình liên đới tự do và vô vị lợi lại là chìa khoá để nền kinh tế toàn cầu vận hành suôn sẻ.

Thưa Thủ tướng, tôi muốn chia sẻ cùng ngài những suy nghĩ này, để làm rõ điều ẩn tàng trong mọi lựa chọn chính trị, nhưng đôi khi lại bị quên đi, đó là: tầm quan trọng chủ chốt của việc đặt nhân loại, mỗi người nam và người nữ, ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động chính trị và kinh tế, cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế, vì con người là cội nguồn đích thực và sâu xa nhất, đồng thời là cùng đích của kinh tế và chính trị.

Trích thư Giáo hoàng Phanxicô gửi Thủ tướng Anh, ông David Cameron, ngày 15 tháng 6 năm 2013