29/11/2024

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những trò vui ngày tết

Buổi sáng đầu năm, quan lại mặc đại lễ phục, tập trung ở hoàng thành. Họ sắp xếp đội ngũ và sau đó vào sân chầu nơi vua thiết triều.

 

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Những trò vui ngày tết

Buổi sáng đầu năm, quan lại mặc đại lễ phục, tập trung ở hoàng thành. Họ sắp xếp đội ngũ và sau đó vào sân chầu nơi vua thiết triều.



 

Điện Thái Hoà  xưa – Một phái đoàn Pháp đứng trước điện sau khi yết kiến nhà vuaẢNH: TƯ LIỆU

Buổi sáng đầu năm, quan lại mặc đại lễ phục, tập trung ở hoàng thành. Họ sắp xếp đội ngũ và sau đó vào sân chầu nơi vua thiết triều. Các quan nhất phẩm ở hàng đầu, quan nhị phẩm ở hàng thứ hai, và cứ theo thứ tự như thế.

Tất cả các quan bái lạy năm lần và hô: “Chúng thần xin kính chúc hoàng thượng vạn vạn tuế!”.
Sau nghi thức này, nhà vua có đôi lời ngắn gọn với các quan, rồi tất cả lui ra. Ông Chaigneau và ông Vannier người Pháp được miễn lễ, không buộc phải theo lối bái lạy như thế, các ông xem nghi thức như thế là quá hạ mình. Các ông thường đi cùng nhau, hoặc đến trước, hoặc đến sau các quan bản xứ, nghiêng đầu chào đức vua năm lần, sau đó vào điện chầu, lưu lại một lúc rồi cáo từ.
Trong suốt ngày đầu năm, ở hoàng cung, nhà các quan hay dân thường, để bày tỏ niềm vui năm mới, người ta đốt pháo nhiều vô kể, pháo bản xứ và pháo đến từ Trung Quốc. Pháo Trung Quốc có ngòi dài, được kết lại với nhau thành chuỗi dài cả trăm phong pháo. Đốt pháo như thế sẽ tuần tự bắt lửa cả chuỗi, nối đuôi nhau nổ liên thanh. Mọi người đều đổ ra đường, người thì đi dạo, người thì đi xem kịch hay xem tung hứng nhào lộn, người thì đua đánh đu trên các cây đu bằng tre. Tóm lại, mạnh ai nấy vui thích.
Nhưng tôi nghĩ rằng người An Nam không có niềm vui nào lớn hơn trong các ngày lễ đó là đánh bài ăn tiền. Việc cờ bạc chỉ được cho phép trong thời hạn từ ngày đầu năm cho đến ngày những việc công ích khởi động trở lại.
Buổi tối, ở mỗi gia đình, cả gia tộc quây quần cho một bữa tiệc lớn, họ hàng gần gũi nhất cùng chung vui và không quên việc tổ tiên ông bà. Các món ăn được bày biện trên các sập và trước khi vào tiệc, thực khách có vài phút yên lặng, nhằm để cho hồn người đã khuất có thể lấy hương lấy hoa từ những món ăn được bày biện. Để giúp cho người đã khuất có cuộc sống đàng hoàng ở thế giới bên kia, trước khi vào tiệc, người ta còn đốt ít nhiều giấy vàng giấy bạc. Những mẫu giấy đó, theo người lương, có thể chuyển hóa thành kim loại quý khi bốc hơi đi (hoá), ông bà tổ tiên có thể dùng để sắm sửa ăn uống. Buổi tiệc tàn, người ta lại chia ra từng nhóm để bài bạc, có thể kéo dài thâu đêm. Trong hoàng cung, đức vua cũng có tiệc chiêu đãi quan lại nhưng không có chuyện đánh bài.
Người xứ Cochinchine rất đam mê cờ bạc ăn tiền, họ say sưa sát phạt suốt thời gian lễ hội. Ngày đầu năm vì phải chúc tết cấp trên, bà con hay bạn bè, họ không thể đâm đầu ngay vào bài bạc, nhưng những ngày tiếp theo, họ chơi bù thoải mái, nhất là sang mồng hai và mồng ba tết. Ta có thể thấy những nhóm tụm ba tụm bảy chơi bài khắp nơi, trong nhà, ngoài phố, ngay cả ven đường. Người chỉ có vài đồng giắt lưng cũng thử chuyện đen đỏ, nếu thua thì chạy vạy vay mượn để cầu may lần nữa. Người xứ này có nhiều loại bài bạc: họ chơi bài, phối hợp con bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng chẳng giống gì với cách chơi [người Âu] chúng ta. Các con bài của họ là những mảnh nhỏ bìa cứng giấy láng, cỡ chín centimet chiều dài và hai centimet rưỡi chiều ngang, in những hình nhân không rõ nét với những hình vẽ nhoè nhoẹt để tính điểm. Cờ tướng thì được cho phép mọi lúc, gần như không bao giờ đánh cờ vì tiền, thường chỉ những người có vai vế đẳng cấp mới chơi.
Lính tráng và gia nhân thì thích trò phóng lao. Họ cột một vòng mây vào một thanh gỗ cỡ năm mươi centimet chiều cao được cắm xuống đất. Người chơi đứng cách cột khoảng mười hai hay mười lăm bước, rồi tuần tự theo phiên nhắm vào tâm mà phóng ba lần ba cây lao. Người chơi nào phóng được lao vào tâm thì lấy hết số tiền cọc.
Người An Nam còn chơi bài úp ngửa hay mặt trái phải với ba tiền đồng. Người chơi ngồi khom ra đất tụm lại năm hay sáu người thành vòng tròn, mỗi người có số tiền đặt trước mặt. Người làm cái sẽ tung ba đồng tiền lên. Nếu cả ba ra mặt trái, nhà cái hốt tiền; nếu ra ba mặt phải thì nhà cái chung tiền cho mọi người. Khi không đổ ra như vậy, cả ba đều phải hay cả ba đều trái, thì hoà cả làng. Dân chúng cứ bài bạc như vậy cho đến ngày quy định phải trở lại làm việc.
Trở lại làm việc
Ngày quy định mọi hoạt động nhà nước khởi động trở lại là ngày rất bận bịu đối với quan chức dân sự và rất nhọc nhằn với võ quan binh lính. Về mặt hành chính dân sự thì phải giải quyết những vụ việc tồn đọng chậm trễ; phía quân bị thì phải bắt tay làm tiếp những việc dở dang do nghi lễ.
Lính tráng người An Nam cũng luyện tập sử dụng súng ống theo kiểu châu Âu. Chính người Pháp đã du nhập vào xứ này lối luyện tập như vậy, vận dụng cho quân lực của vua Gia Long. Duy có một điểm khác biệt, thay vì ra lệnh bằng miệng thì người xứ này lại dùng một cái phèng la bằng đồng, đường kính cỡ 22 – 23 cm, sử dụng một que gỗ để đánh khi đưa ra một mệnh lệnh về thao tác. Như thế, người chỉ huy hay người huấn luyện, sau khi giải thích việc phải làm, sẽ đánh phèng la một tiếng nếu như muốn lính tráng bồng súng lên. Với tiếng thứ hai, lính tráng nâng súng lên hay cầm vững tay theo như cách hướng dẫn trước đó. Một bài tiến công theo mười hai bước cũng được thực hiện theo cách như thế. Như ta thấy, một tiếng phèng la tương tự tiếng hô “bồng súng” hay hô nhịp bước “một, hai, ba” trong nội dung một bài tiến công mười hai bước.
Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang và Trần Đình Hằng dịch – NXB Thuận Hoá, Huế, 2016)

 

Michel Đức Chaigneau