09/01/2025

Ông đồ vẫn ngồi đó, qua đường chẳng ai hay

“Cụ đồ Phanxicô ở Vatican” viết xong thông điệp, “sau một suy tư lâu dài vừa vui cũng vừa đầy đau khổ” (LS, 246), ngẩng đầu lên, may quá, vẫn còn vài người nán lại đứng nhìn “mực tàu giấy đỏ” Laudato Si’. Lại có những người ngồi xuống bên cạnh cụ, mặc cho “ngoài đường mưa bụi bay”. Họ lắng nghe về truyền thông, về “cứu lấy ngôi nhà chung” là trái đất. Họ sẽ lên đường đi truyền thông, dùng đủ kiểu truyền thông chân thực, nhưng có lẽ phải rất hy sinh dũng cảm để giữ cho “sự khôn ngoan Phanxicô” không bị “lịm tắt dần giữa sự ồn ào của các quảng cáo” (LS, 47).

 

Thời xưa ở Hà Nội, có ông đồ già ngồi ở hè phố viết câu đối “bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua”, nhưng người ta đổ xô chuộng đồ Tây, mải chen lấn đi mua hàng hiệu của Pháp, bỏ quên ông đồ! Các tiếng rao ơi ới hút mắt người trên phố, còn mấy ai ngồi xuống bàn luận với ông đồ già?


Hồi xa xưa ấy, có những ông đồ còn giữ được sự hiền triết khôn ngoan, giúp người Việt suy tư sâu xa, dạy người Việt cách ăn nết ở. Như cụ đồ Trần Tế Xương rất mong chuyện giáo dục, ăn ở cư xử “cho ra cái giống người”.


Thời nay, có “ông cụ Phanxicô ở Vatican” cũng thiết tha muốn ta 


SỐNG KHÔN NGOAN, SUY TƯ SÂU XA và YÊU THƯƠNG QUẢNG ĐẠI (Thông điệp Laudato Si’ về “Chăm sóc ngôi nhà chung, 47) nên cũng “bày mực tàu giấy đỏ” trên thông điệp “Chăm sóc ngôi nhà chung, Laudato Si”, để xin ta suy tư về truyền thông tích cực, hầu chống suy thoái xã hội và suy giảm phẩm chất cuộc sống.


Trước khi “xuống phố Vatican” để lướt vài dòng thông điệp, mời bạn rảo một vòng trên các phố thị Việt Nam: Ôi chao, sao truyền thông đầy những âm thanh ầm ĩ quá, sao mà có thể tĩnh lặng bàn bạc về khôn ngoan, suy tư, yêu thương?


Bạn hãy đọc các báo chí Việt Nam. Chắc chắn là có những lời dạy về chủ nghĩa, về trung với đảng, hiếu với dân… Hoặc những tin giật gân, tin câu khách, và thiếu khá nhiều các tin tức giúp con người “khôn ngoan, suy tư, yêu thương”.


Vào internet thì cũng đầy những trang lôi cuốn tình dục, quảng cáo thương mại… khiến ta cũng có thể bị “cuốn theo chiều gió”. Nhiều bạn trẻ bị HIV đã thừa nhận nguyên do bởi truyền thông dẫn mối đi tìm sex và ma túy mà nay thân tàn ma dại.


Chuyện bệnh tật chết chóc mà cũng do truyền thông ư?


Ta nhớ lại lời than van trong sách Tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo:


“Đối diện với những bất công nghiêm trọng, việc quyết định làm ngơ hoàn toàn trước những khía cạnh đau khổ của con người phản ánh một sự chọn lựa không thể biện minh được. Các cơ cấu và chính sách truyền thông, và sự phân phối kỹ thuật là những nhân tố làm cho một số người “giàu thông tin” và những người khác “nghèo thông tin” vào thời điểm khi mà sự phồn vinh, và ngay cả sự sống còn, đều tuỳ thuộc vào thông tin. Bằng cách này, các phương tiện truyền thông luôn góp phần tạo nên những bất công và mất quân bình làm phát sinh chính sự đau khổ mà chúng loan truyền” (561).


Trong Thông điệp Laudato Si’, phần liệt kê các loại suy thoái xã hội và suy giảm phẩm chất cuộc sống (47), Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ trích các loại truyền thông sau đây:


1. “Truyền thông nhồi nhét cho con người những dữ kiện”.


2. “Truyền thông ô nhiễm môi trường tinh thần”.


3. “Truyền thông làm nảy sinh tình cảm nhân tạo, chỉ qua máy móc hay màn ảnh hơn là với con người và vạn vật”.


4. “Truyền thông ngăn cản chúng ta bước vào trực tiếp với âu lo, bất an, niềm vui với kẻ khác và với cảm nghiệm cá nhân của mình”.


5. “Truyền thông chua xót, cô đơn buồn thảm”.


“Cụ đồ Phanxicô ở Vatican” viết xong thông điệp, “sau một suy tư lâu dài vừa vui cũng vừa đầy đau khổ” (LS, 246), ngẩng đầu lên, may quá, vẫn còn vài người nán lại đứng nhìn “mực tàu giấy đỏ” Laudato Si’. Lại có những người ngồi xuống bên cạnh cụ, mặc cho “ngoài đường mưa bụi bay”. Họ lắng nghe về truyền thông, về “cứu lấy ngôi nhà chung” là trái đất. Họ sẽ lên đường đi truyền thông, dùng đủ kiểu truyền thông chân thực, nhưng có lẽ phải rất hy sinh dũng cảm để giữ cho “sự khôn ngoan Phanxicô” không bị “lịm tắt dần giữa sự ồn ào của các quảng cáo” (LS, 47). 

 Nguyễn Khang