09/01/2025

Nhân dịp Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, ĐHY Koch: “Năm 2016 thực sự là một năm đại kết”

Đức Hồng y Koch cho biết các thành viên của Hội đồng các Giáo hội Kitô ở Đức đã được yêu cầu soạn Tài liệu về chủ đề này – đặt trong bối cảnh năm nay 2017 là năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách. Đức Hồng y Koch cũng nhắc lại nhiều bước tiến đáng kể trong năm 2016 hướng đến sự hiệp nhất Kitô giáo…

 Nhân dịp Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, ĐHY Koch: “Năm 2016 thực sự là một năm đại kết”

 

 
WHĐ (20.01.2017) – Khi chúng ta cử hành Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm nay, người Công giáo có nhiều lý do để vui mừng vì năm 2016 là “thực sự là một năm đại kết”. Đó là phát biểu của Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, người cùng đi với Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tất cả các chuyến tông du đại kết của ngài trong suốt năm qua.

Về chủ đề của Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm 2017 – trích trong thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: “Hoà giải – Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14) – Đức Hồng y Koch cho biết các thành viên của Hội đồng các Giáo hội Kitô ở Đức đã được yêu cầu soạn Tài liệu về chủ đề này – đặt trong bối cảnh năm nay 2017 là năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách.

Đức Hồng y Koch cũng nhắc lại nhiều bước tiến đáng kể trong năm 2016 hướng đến sự hiệp nhất Kitô giáo…

Đức Hồng y Koch nói nét chủ đạo trong Tuần lễ Cầu nguyện này là hoà giải, do các Kitô hữu ở Đức đề nghị, là nơi mà cuộc Cải cách được khởi xướng. Đang khi chúng ta hết lòng biết ơn đối với cuộc cải cách và tái khám phá tất cả những gì là điểm chung giữa Tin Lành Luther và Công giáo, Đức Hồng y nói, chúng ta cũng phải nhìn nhận lịch sử đau đớn của 500 năm qua. Mặc dù Luther đã không muốn chia rẽ Giáo hội, nhưng “những cuộc chiến khốc liệt về niềm tin” diễn ra sau cuộc Cải Cách “đã biến châu Âu thành biển máu”. Chúng ta phải thừa nhận cả hai trang sử này, bằng cách sám hối và hoà giải, nhưng cũng tạ ơn về những ơn huệ của cuộc cải cách.

Nhận định về chuyến viếng thăm gần đây của Đức Giáo hoàng tại Thuỵ Điển để cùng nhau kỷ niệm cuộc cải cách, Đức Hồng y Koch nói rằng cuộc gặp gỡ ở Lund là thành quả của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa các tín hữu Tin Lành Luther và Công giáo từ sau Công đồng Vatican II, đặc biệt là việc ký kết Tuyên bố chung về Giáo thuyết Công chính hoá vào năm 1999 tại Augsburg. Nếu không có bước tiến này về mặt giáo lý, Đức Hồng y nói, sự kiện ở Lund đã không thể diễn ra. Nhấn mạnh rằng sự kiện Lund gồm hai phần: một buổi cầu nguyện đại kết ở Nhà thờ Chính toà Lund và một lễ kỷ niệm chung giữa Công giáo và Tin Lành Luther ở sân vận động Malmö, Đức Hồng y nói, Đức Thánh Cha “luôn canh cánh trong lòng” rằng đại kết không chỉ là về phương diện thần học mà còn về những hợp tác cụ thể cho toàn thể nhân loại.

Trong khi cuộc Cải cách ở tâm điểm của Tuần lễ cầu nguyện này, Đức Hồng y nói rằng có một nhu cầu rất lớn cần phải hoà giải để hàn gắn những mối quan hệ và chữa lành những chia rẽ tại những nơi khác trong Giáo hội, từ những chia rẽ của thế kỷ thứ 5 về các quyết định giáo lý của Công đồng Chalcedon, đến các chia rẽ giữa Đông và Tây vào thế kỷ 11 và chia rẽ với Anh giáo vào thế kỷ 16. Hoà giải, Đức Hồng y nói, là chủ đề chính của đức tin của chúng ta và trong Chương 5 của thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô giải thích rằng Thiên Chúa đã giao hoà chính mình Ngài với chúng ta, nên chúng ta cũng phải hoà giải với nhau.

Đức Hồng y Koch nhắc lại rằng năm 2016 “thực sự là một năm đại kết” với rất nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng, bắt đầu với cuộc gặp lịch sử giữa Đức Giáo hoàng và Thượng phụ Chính thống Nga tại La Habana, rồi đến cuộc hành hương của Đức Giáo hoàng đến Lesbos với Thượng phụ Bartholomaios và Tổng Giám mục Chính thống Hy Lạp Hieronymus, Giám mục Athina; cuộc gặp gỡ này là “một dấu hiệu rất quan trọng” cho thấy người tị nạn ở trong con tim của Giáo hội. Cuối cùng Đức Hồng y Koch nhấn mạnh tầm quan trọng của Thượng Hội đồng Toàn Chính thống hồi tháng 6, và tài liệu mới do Uỷ ban hỗn hợp Công giáo – Chính Thống công bố hồi tháng 9, cũng như các cuộc tông du của Đức Giáo hoàng đến Armenia, Gruzia và Thuỵ Điển.

(Theo Vatican Radio)

 

Minh Đức