29/11/2024

Kinh Thành Huế đầu thế kỷ XIX: Một lần gặp vua Gia Long

Vua Gia Long đã cho cha tôi ngày giờ hẹn và nơi bái kiến, tôi phải theo cha đến cung Cao – Minh. Ngày hẹn, tôi đi cùng cha tôi đến cung vào khoảng sáu hay bảy giờ tối. Khi đến phòng chờ, người hầu cận nói với chúng tôi người ta chờ chúng tôi một lúc rồi.

 

Kinh Thành Huế đầu thế kỷ XIX: Một lần gặp vua Gia Long

Vua Gia Long đã cho cha tôi ngày giờ hẹn và nơi bái kiến, tôi phải theo cha đến cung Cao – Minh. Ngày hẹn, tôi đi cùng cha tôi đến cung vào khoảng sáu hay bảy giờ tối. Khi đến phòng chờ, người hầu cận nói với chúng tôi người ta chờ chúng tôi một lúc rồi.



Ông Chaigneau Nguyễn Văn Thắng, cha của tác giả, trong quân phục thời Gia Long /// Ảnh: Tư Liệu

Ông Chaigneau Nguyễn Văn Thắng, cha của tác giả, trong quân phục thời Gia LongẢNH: TƯ LIỆU

Cha tôi cầm tay tôi và dẫn đến một gian phòng lớn nơi vua ngự trên một sập gụ thếp vàng, có trải chiếc chiếu đẹp có đường viền bằng lụa vàng, với nhiều người hầu đứng phục dịch bên trái và bên phải đức vua.
Vua Gia Long có vóc dáng cao hơn người bình thường và có vẻ có thể lực cường tráng. Mái đầu bạc tôn quý của ngài cân đối với thân hình. Khuôn mặt đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy một tấm lòng cao cả bao dung: ngài có những cử chỉ thật trang nhã và tính cách thân thiện, nhất là trong những lần trao đổi thân tình thường nhật. Nhưng sự lanh lợi tự nhiên của ngài cũng có thể làm cho ngài từ thái độ nhân từ chuyển sang trạng thái tức giận tột cùng mỗi khi lệnh của ngài không được thi hành đúng như chỉ bảo. Vua có sắc da sáng, mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành hai lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt.
Vua Gia Long là một người có nhiều trí tuệ và hoài bão. Do trải qua nhiều gian nan thử thách, ngài có được sự đúng đắn, chín chắn trong đánh giá người và việc. Ngài nắm rõ mọi ngóc ngách của hệ thống hành chính vương triều, hơn cả những vị thượng thư mà ngài nhiều lần đã bắt lỗi. Nhưng ngoài công việc phải trao đổi nghiêm túc ra, ngài là người vui tính nhất, dễ mến nhất của đất nước này: nhiều lúc, do ý thích và ở nơi thân tình, ngài đã thốt ra những lối nói bông đùa dân dã đến mức làm người nghe đỏ cả mặt.
Đức vua đang nằm nghiêng mình trên sập gụ, tay cầm sách, vội bật dậy khi thấy chúng tôi đến. Ngài thốt lên: “Hà ha! Nào những người bạn của ta đây! Hãy đến đây, đến gần hơn nữa để trẫm xem thử con có giống người cha cao quý của con hay không!”. Ngài đặt hai tay lên vai tôi, mân mê cằm của tôi, nhìn tôi chăm chú rồi ngài nói: “Khanh đã đổ nhiều công sức, nhưng khanh lại cho thằng bé này cái mũi hơi theo kiểu người An Nam”. Bản thân tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để bẩm lời chúc mừng với đức vua nhưng ngài nói không dừng, chẳng để tôi chút thời gian để bày tỏ.
Cuối cùng, tôi lui lại vài bước rồi nói thật to và rành mạch: “Xin bái kiến hoàng thượng là thiên tử, hạ thần xin khấu đầu kính chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!”. Tôi chưa dứt lời thì vua Gia Long đã cười vang: “Này, ngươi cũng muốn vậy, muốn ta là thiên tử! Chắc chắn không phải cha ngươi đã dạy ngươi điều đó, vì cha ngươi chẳng bao giờ bẩm với ta những điều bậy bạ như vậy. Ta mà là con trời à!”. Vua nhìn sang cha tôi rồi cả hai cùng cười hả hê đến nỗi tôi cũng cười lây mà không hiểu tại sao. Đức vua nói tiếp: “Ta đã bảo với tất cả những ai gọi ta là con trời rằng ta cũng có một người cha và một người mẹ, rằng cha ta thì đã làm thế này và mẹ ta đã làm thế kia…”. Nhưng tôi xin dừng lại ở đây, vì nhân đó vua Gia Long nói dông dài về cách con người lưu truyền nòi giống, và rồi ngài dùng những cử chỉ và chữ nghĩa rất hiển hiện, đến mức nếu tôi mà kể ra đây thì sẽ rất chói tai cho những ai vốn có tâm hồn thanh thoát.
Sau khi đã cười và nói dông dài thoải mái về một chủ đề mà ngài ưa thích, đức vua quay lại phía tôi và phán rằng tôi đã quên, trong việc chúc tụng, một điều hết sức thiết yếu. Ngài bảo: “Ngươi gọi ta là thiên tử nhưng ngươi chưa bái lạy thiên tử”. Người xứ An Nam rất xem trọng tập quán vái chào xứ mình. Tôi buộc phải tuân theo, dù là miễn cưỡng: bổ sung thêm lời chúc tụng là động tác vái lạy theo kiểu người An Nam, kiểu chào mà vài năm về sau tôi sẽ chẳng chịu làm, trừ phi là bị bó buộc. Thế rồi, với đôi chút do dự, tôi bắt đầu vái lạy phủ phục: đầu tiên là quỳ một đầu gối, rồi đầu gối tiếp theo, rồi chắp tay lại, cúi rạp người xuống, theo như tư thế rạp cong người của trẻ con làm con ngựa để bè bạn nhảy qua. Tôi đã sắp thực hiện cái vái lạy thứ năm thì nhà vua, rất tinh mắt, thấy cảnh tượng này, nửa nghiêm trang nửa khôi hài, không hợp lòng cha tôi, nên khoát tay bảo tôi: “Thôi đủ rồi con, con chỉ phải vái lạy ta bằng một nửa lối người xứ ta phải làm. Nhưng này, con mấy tuổi?”.
Muôn tâu hoàng thượng, hạ thần tám tuổi.
Con học gì?
Muôn tâu hoàng thượng, hạ thần học tiếng Pháp và chữ Hán.
Rất giỏi, gắng học rồi ta sẽ cho con làm quan. Con có muốn làm quan không?
Muôn tâu hoàng thượng, hạ thần rất muốn.
Rồi ngài quay về phía cha tôi nói tiếp: “Thằng bé này có sung sướng khi hiện diện giữa những quý phi xinh đẹp hay không! Rất nhiều kẻ muốn được vào địa vị của thằng bé! Này Ông – Long (vua Gia Long gọi cha tôi như thế), thật là khổ khi có những vật báu như thế mà không thể tận hưởng tuỳ thích! Trời đất quá nghiêm khắc với chúng ta, nay đã là những ông lão: cho phép ta ngắm nhìn cây tươi trái đẹp, nhưng như chỉ cho ta sức lực vừa đủ để với hái”.

Michel Đức Chaigneau

 

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, NXB Thuận Hoá, Huế, 2016)