08/01/2025

Kỹ sư 9X điều hành nhà máy hàng tỉ đôla

Chỉ cần một sơ suất nhỏ thì nhà máy trị giá 1,7 tỉ USD có thể bị hỏng hóc và hậu quả có thể làm rã hệ thống lưới điện.

 

Kỹ sư 9X điều hành nhà máy hàng tỉ đôla

Chỉ cần một sơ suất nhỏ thì nhà máy trị giá 1,7 tỉ USD có thể bị hỏng hóc và hậu quả có thể làm rã hệ thống lưới điện.

 

 

 

Kỹ sư 9X điều hành nhà máy hàng tỉ đôla
Các kỹ sư trẻ quản lý, vận hành Nhà máy thuỷ điện Lai Châu – Ảnh: T.Vũ

Tất cả các bạn trẻ ở đây đều nhanh nhạy và nắm bắt công việc rất tốt. Họ là những thế hệ tiếp theo và tương lai của đất nước ở các công trình trọng điểm quốc gia. Công việc xây lắp những nhà máy đồ sộ như thế này không đơn giản, anh em chúng tôi phải làm và kiểm soát như “từ dưới cống chui lên” để nhà máy hoàn thành tốt và vận hành an toàn

Chuyên gia xây lắp, phó giám đốc ban điều hành LILAMA NGUYỄN THANH OAI (người có 35 năm trong ngành xây lắp thuỷ điện)

Ở thuỷ điện Lai Châu, những kỹ sư tài năng ở độ tuổi 9X đang làm chủ một công trình trọng điểm quốc gia như vậy. Họ còn phải chịu trách nhiệm vận hành hồ chứa nước 1,3 tỉ m3 treo lơ lửng trên thượng nguồn sông Đà, mà ở phía hạ du là hai hồ chứa khổng lồ Sơn La và Hoà Bình.

Kỷ cương và sẵn sàng

Những ngày cuối cùng trước khi khánh thành Nhà máy thuỷ điện Lai Châu (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) hồi cuối tháng 12-2016, từng tốp công nhân đang thu dọn vệ sinh, lau chùi các cửa kính, trang hoàng mọi thứ sạch sẽ, tinh tươm.

Ông Vũ Văn Tùng, phó trưởng phòng kỹ thuật an toàn (Ban quản lý thuỷđiện Sơn La), cười bảo bây giờ có lẽ ông là một trong những kỹ sư kỳ cựu cuối cùng ở lại với công trình vì tất cả đã bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành. Từ phòng điều hành trung tâm ở tầng 5 đến tầng vận hành đáy đập ở tầng 11 (sâu gần 150m so với nền nhà máy), các kỹ sư trẻ măng vận hành nhà máy bằng tự động hoá và các thiết bị điện tử.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tiệp (24 tuổi), giám đốc phân xưởng vận hành Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, cùng hai kỹ sư trẻ khác đang vận hành ở buồng điều khiển trung tâm tâm sự rằng nhiệm vụ này vừa vinh dự vừa là trọng trách rất lớn lao.

Để ngồi vận hành ở trung tâm công trình trị giá 1,7 tỉ USD này, Tiệp cũng như nhiều kỹ sư khác phải được “tập sự” ở thủy điện Sơn La trước đó.

Sau khi có quyết định xây dựng thuỷ điện Lai Châu, các kỹ sư trẻ được đưa đến đây để tham gia từ những ngày đầu và họ buộc phải nắm bắt rành rọt từng chi tiết nhỏ nhất, đến phức tạp nhất của nhà máy.

“Ngoài chuyên môn, anh em luôn phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt và sẵn sàng mọi tình huống. Tôi luôn nhắc anh em về ý thức tổ chức kỷ luật, không ỷ lại, chủ quan. Chỉ cần một sai sót nhỏ thì hậu quả là rất lớn” – Tiệp khẳng định.

Nói về công tác vận hành nhà máy, Tiệp cho biết: “Quá trình vận hành dây chuyền sản xuất của Nhà máy thủy điện Lai Châu đến thời điểm hiện tại, tất cả hệ thống thiết bị chính và thiết bị phụ trợ đều đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật, vận hành ổn định.

Sau khi đưa tổ máy số 3 và toàn bộ hệ thống thiết bị phụ trợ của nhà máy vào vận hành, anh em đều đáp ứng tốt công việc. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã sản xuất được trên 3,8 tỉ kWh điện để cung cấp cho hệ thống điện quốc gia an toàn, không có sự cố nào làm đứt đoạn cấp điện”.

An toàn là trên hết

Cũng như Tiệp, kỹ sư trẻ Đỗ Việt Bách, phó giám đốc phân xưởng vận hành nhà máy, người Yên Bái, được điều lên đây từ những ngày đầu để theo dõi rồi vận hành.

Bách bảo rằng đã lên với thủy điện vùng xa (cách trung tâm TP Lai Châu hơn 100km) thì phải chịu nhiều áp lực, không những trong công việc mà cả trong cuộc sống. Ngoài giờ làm việc họ phải sống tập thể, xa gia đình, bạn bè, người thân.

“Đa số anh em ở đây đều trẻ và chưa có vợ, có người chưa có cả người yêu, nhưng vì công việc và sự đam mê riêng nên hầu hết ai cũng muốn thử sức, vượt qua chính mình” – Bách nói.

Để chuẩn bị cho đội ngũ trẻ trung năng động này, ngay từ khi tuyển các kỹ sư, lãnh đạo ban quản lý đã đưa họ đi đào tạo và học sơ đồ nguyên lý thực tế ở thuỷ điện Sơn La. Vì thế kể từ khi phát điện chính thức tổ máy số 1 cuối năm 2015 đến khi phát điện tổ máy số 3, các kỹ sư trẻ luôn vận hành an toàn.

Bách kể những ngày đầu đến với công trình trọng điểm quốc gia này là những thử thách không nhỏ đối với các kỹ sư trẻ, nhưng nhờ sự tôi luyện với những kỹ sư kỳ cựu, các chuyên gia hàng đầu trong ngành xây lắp, ngành điện ở nhà máy thủy điện Sơn La nên anh em nắm bắt công việc khá nhanh và tự tin.

Khó nhất vẫn là phần xây dựng, với nhà máy hiện đại như Lai Châu, tất cả các vấn đề giám sát xử lý đều bằng điện tử nên anh em chỉ cần tập trung công việc là ổn định.

Bách bảo tết năm này anh em sẽ chia nhau để trực, dù vận hành nhà máy suôn sẻ nhưng tất cả không được chủ quan, lơ là. Tất cả nhân viên luôn đề cao khâu kiểm tra để tìm ra khiếm khuyết, những nguy cơ gây sự cố để có thể xử lý trước, bố trí nhân viên ở lại đảm bảo trực tết 24/24 giờ.

“Chúng tôi sẵn sàng ứng trực các vấn đề xảy ra liên quan đến sản xuất. Đồng thời phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan để đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày tết đối với công trình trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, tổ chức các phương án phòng cháy chữa cháy, đầu mối thông tin liên lạc để các bên dễ dàng phối hợp khi có vấn đề về an ninh trật tự, giữ cho tổ máy luôn duy trì, đảm bảo phát điện liên tục, an toàn” – Bách chia sẻ.

Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, thủy điện lớn thứ ba Đông Nam Á, chiếm một vùng rộng lớn trên sông Đà, huyện miền núi Nậm Nhùn, có công suất 1.200MW với ba tổ máy, sản lượng điện hằng năm cung cấp lên lưới 4,7 tỉ kWh, có tổng vốn đầu tư khoảng 35.700 tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD tính theo bình quân tỉ giá từ năm 2011-2016).

VIỆT HÙNG – TẤN VŨ