10/01/2025

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Nghi lễ trình quốc thư

Đúng ngày ấn định việc chính thức nhận quà biếu và bức thư của vua Louis XVIII, người trong cung đã đến để sẵn sàng theo hướng dẫn điều động của cha tôi.

 

Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Nghi lễ trình quốc thư

Đúng ngày ấn định việc chính thức nhận quà biếu và bức thư của vua Louis XVIII, người trong cung đã đến để sẵn sàng theo hướng dẫn điều động của cha tôi.



Tàu thuyền tấp nập ở cảng Đà Nẵng vào thế kỷ 19ẢNH: T.L

Những món quà kèm quốc thư
Bức thư đặt trên một mâm gỗ nhỏ được chạm lộng và theo thông lệ, tất cả được phủ lên một tấm vải thưa màu vàng. Một vị quan phụ trách nghi lễ bưng mâm gỗ, đi hai bên là hai người cầm lọng che màu vàng. Các món quà khác đặt trên những chiếc bàn được khiêng bởi bốn người phu, có một người cầm lọng che đi kèm theo mỗi chiếc bàn. Quà gồm có: một chiếc đồng hồ lớn mạ vàng, hai chân đèn mạ vàng óng, hai bình cắm hoa bằng đồng màu vàng óng, mười sáu bức tranh trình bày những trận đánh của đế chế, một khẩu súng hơi đặt trong chiếc hộp trang trí công phu, một cặp súng ngắn cũng được xếp trong hộp, một tấm gương soi kích thước lớn.
Cha tôi đi theo sau vị quan nghi lễ mang chiếc mâm gỗ, các bàn có quà thì đi sau cha tôi. Đến cổng cung điện, cha tôi đích thân bưng mâm gỗ vào tận gian phòng thiết triều dâng cho đức vua. Đức vua nhận bức thư bằng tất cả sự trang trọng và có vẻ hài lòng với các món quà. Vua Minh Mạng mở bức thư của nhà vua nước Pháp và đưa cho cha tôi, yêu cầu cha tôi dịch miệng ngay cho ngài nghe, trong khi chờ đợi sẽ được chuyển dịch bằng chữ Hán.
Ngài lắng nghe chăm chú, giữ im lặng một lát rồi nói với cha tôi: “Trẫm cũng có những ý nghĩ tình cảm như đức vua nước Pháp và trẫm cũng ước muốn luôn có được giao hảo hữu nghị với đức vua. Nhưng một hiệp ước về giao thương mà để làm gì? Nước Pháp quá xa xôi với vương quốc của ta để thần dân của ta có thể đi sang bên đó buôn bán với người Pháp. Bao nhiêu biển cả ngăn cách hai đất nước, với lại xứ ta chẳng có thuyền bè nào có thể vượt qua chừng đó biển cả đại dương. Nếu người Pháp mong muốn mang hàng hoá sang xứ này thì ta sẽ đón tiếp như những thần dân của những xứ sở khác, miễn sao là họ tôn trọng phong tục tập quán bản xứ”.
Thái độ của vua Minh Mạng với nước Pháp
Cha tôi đáp lời là ông cảm thấy rất buồn khi đức vua không nồng nhiệt đón nhận lời đề nghị của nước Pháp về việc ký kết một hiệp ước mà mục tiêu là quy định những quyền lợi hỗ tương trong việc giao thương giữa hai đất nước, đồng thời củng cố thêm những mối quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai xứ sở. Cha tôi bẩm tiếp: “Đức vua cha của bệ hạ, mà hạ thần luôn vinh danh tưởng nhớ, thấy được sự tận trung của hạ thần, đã cho phép hạ thần trình bày thẳng thắn quan điểm của hạ thần về quốc sự và ngài cũng thường chuẩn y theo như ý kiến hạ thần đề đạt. Bẩm tâu bệ hạ cho phép hạ thần được tâu với bệ hạ theo một cung cách thẳng thắn trung thực như thế như trước đây. Và bẩm tâu bệ hạ ngay hôm nay đây, hạ thần cảm thấy lo ngại là nước Pháp có thể phật lòng vì bị khước từ”.
Đức vua tiếp lời: “Họ không thể lấy đó mà giận chúng ta được vì chúng ta cảm thấy chẳng lợi ích gì từ một hiệp ước như vậy. Mà quả thật như thế, chúng ta không gây phiền hà cho việc buôn bán của thần dân nước Pháp và rằng chúng ta đối xử với họ một cách đúng đắn thì họ có thể đòi hỏi chúng ta gì hơn nữa? Với lại, khanh hiện diện ở đây không phải là để giám sát những quyền lợi của họ (thần dân nước Pháp) và báo cho chúng ta biết những nhu cầu của họ sao?”.
Buổi tiếp kiến để lại cho cha tôi một ấn tượng thật nặng nề. Thái độ không thuận lợi của vua Minh Mạng, với vẻ lạnh lùng trầm ngâm, thật đối nghịch với diện mạo cởi mở và thiện ý của vua Gia Long. Nói tóm lại, vẻ cứng rắn của triều đình mới buộc cha tôi dự báo những khó khăn rất lớn trong tương lai. Điều hiển nhiên, nếu cha tôi chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi và bình yên thì ông đã quyết định quay về lại Pháp ngay. Nhưng vì cha tôi đã cam kết hoàn thành bổn phận lãnh sự tại xứ Cochinchine trong thời gian 5 năm, và do thái độ thẳng thừng của vua Minh Mạng làm ông cảm thấy sự hiện diện của ông ở xứ này là cần thiết cho việc bảo vệ những quyền lợi của nước Pháp, nên ông đành phải nhẫn nhịn ở lại vị trí mà vua Louis XVIII đã giao phó.
Tình hình như vậy nhưng với tư cách quan lại triều đình, cha tôi vẫn tiếp tục dự những buổi thiết triều của vua Minh Mạng, nói cho đúng là đức vua vẫn tiếp kiến cha tôi một cách trân trọng và vẫn giữ vẻ ngoài lịch thiệp. Hình như tạm thời lúc này đức vua cảm thấy hài lòng rằng người ta không còn bẩm tâu với ngài về chuyện hiệp ước, hẳn là ngài chẳng có chút cảm tình nào với chuyện ký kết như vậy. Cha tôi được vua đồng ý chuẩn y tạo thuận lợi cho giao thương của nước Pháp tại xứ này, vua cũng đồng ý nhận những món vua Gia Long đã đặt hàng được chở về trên hai thương thuyền Pháp đang neo đậu ở vịnh Tourane (Đà Nẵng), và rồi chi trả kỹ lưỡng sòng phẳng. Theo đề nghị của cha tôi, vua Minh Mạng đã chuẩn y nhanh chóng quyền được lưu trú, đi lại của người phụ trách văn phòng lãnh sự của ông và của ông Edouard Borel, đại diện cho Hãng Balguerie tại Bordeaux.

Michel Đức Chaigneau

 

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (NXB Thuận Hóa, Huế, 2016)