11/01/2025

Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

Vụ khủng bố đẫm máu này lại khiến cho nhiều người đặt vấn nạn liên quan tới cuộc đối thoại của Giáo hội Công giáo với Hồi giáo. Xin giới thiệu bài phỏng vấn ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, về vấn đề này.

 Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

 

 
Ngày 19 tháng 12 năm vừa qua, Anis Amri, một thanh niên người Tunisi, đã đánh cắp một xe vận tải chở hàng, giết tài xế người Ba Lan, rồi lái xe tông vào một chợ Giáng Sinh đầy người đang đi mua sắm ở Breitscheidplatz trong thủ đô Berlin của Cộng hoà Liên bang Đức, khiến cho 12 người chết và 56 người bị thương. Sau khi chạy trốn khỏi Đức, Anis Amri đã đi xe lửa qua Bỉ, Hoà Lan và Pháp để vào Italia, và đã bị cảnh sát bắn chết tại Sesta San Giovanni, thuộc Milano bắc Italia, ngày 22 tháng 12. Amri đã từng bị kết án tù 5 năm tại Italia vì nhiều tội khác nhau. Trước khi thực hiện vụ khủng bố này Anis Amri đã tung lên mạng video anh đang ca tụng Nhà nước Hồi IS.

Vụ khủng bố đẫm máu này lại khiến cho nhiều người đặt vấn nạn liên quan tới cuộc đối thoại của Giáo hội Công giáo với Hồi giáo. Xin giới thiệu bài phỏng vấn ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa ĐHY, kiểu khủng bố như đã xảy ra tại Berlin nhắc lại vụ khủng bố tương tự đã xảy ra tại Nice của Pháp hối tháng 7 năm 2016 và vụ khủng bố tại Rouen. Chúng đã khiến cho nhiều người tại Âu châu khép kín đối với người Hồi. Đấy là chưa kể tới các vụ khủng bố tại Aleppo và vụ khủng bố mới đây xảy ra tại Nhà thờ Chính toà Copte trong thủ đô Cairo của Ai Cập. 

Trước tất cả các vụ khủng bố này, còn có thể nói tới đối thoại không, thưa ĐHY?


Đáp: Chính vì tình hình này mà cần phải đặc biệt chú ý tới thế giới Hồi giáo. Tất cả chúng ta đều đã bị liên luỵ bởi những gì đã xảy ra tại Đức, Ai Cập và trước đó nữa là trên quê hương Pháp của tôi. Nhưng mà cả trong tình trạng đó, chúng tôi cũng đã có thể đánh giá cao việc thức tỉnh căn tính tôn giáo tứ phía đa số người dân Pháp, cũng như tình liên đới, mà các anh chị em Hồi giáo các nước khác đã bày tỏ với chúng tôi, đặc biệt là sau vụ sát hại vị linh mục cao niên, Cha Jacques Hamel. Chúng tôi đau đớn tiếp tục chứng kiến các hành động tàn bạo vô nghĩa chống lại những người vô tội trong cuộc sống thường ngày của họ. Trước các hành động đó, trước thảm cảnh của các người di cư tị nạn, trước cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là trước tình trạng xung đột tại Syria, cám dỗ bỏ cuộc rất là lớn. Nhưng chính trong lúc này là lúc phải tiếp tục tin nơi sự đối thoại, là điều nòng cốt đối với toàn thể nhân loại.

Hỏi: Thưa, ĐHY làm thế nào để đưa cuộc đối thoại này tiến tới trong cuộc sống thường ngày?

Đáp: Tất cả mọi người đều phải đào sâu niềm tin tôn giáo của mình, và hiểu rằng đối thoại không phải chỉ được dành cho “các chuyên viên”. Nhưng tất cả mọi người đều phải từ bỏ các thái độ nghi ngờ hay tranh cãi bênh vực các lý do của mình. Khi thực thi, trong sự tự do và lòng tôn trọng, quyền lợi của tha nhân, tất cả những gì mà đa số các tôn giáo đều có chung là cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bác ái, hành hương, là chúng ta sẽ chứng minh rằng các tín hữu là một yếu tố của hoà bình cho các xã hội loài người. Trong thế giới bấp bênh ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo không phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối. Nó tìm ra lý do của nó trong cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại.

Hỏi: Nếu phải tóm tắt với một hình ảnh các kết quả của cuộc đối thoại trong năm 2016, thì ĐHY chọn hình ảnh nào?


Đáp: Chắc chắn là tôi chọn hình ảnh ĐTC Phanxicô gặp gỡ Đại Imam Sceicco Ahmad Muhammad al Tayyib, đến Vatican với một phái đoàn cấp cao, trong đó có các Giáo sư Abbas Shouman, Phó Thư ký Đại học Hồi Sunnít, và Giáo sư Hamdi Zakzouk, Giám đốc Trung tâm Đối thoại Al Azhar. Đại Imam đã được tôi và ĐC Miguel Angel Ayuso Guixot, Thư ký Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn, tiếp đón, và chúng tôi đã tháp tùng Đại Imam tới gặp gỡ ĐTC. Trong cuộc hội kiến, chúng tôi đã nhấn mạnh trên sự cần thiết các vị lãnh đạo và tín hữu của các tôn giáo lớn cùng nhau dấn thân cho hoà bình trên thế giới, khước từ bạo lực và khủng bố; và chúng tôi cũng đề cập tới tình hình của các Kitô hữu và các căng thẳng trong vùng Trung Đông.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã hơn một lần lặp lại rằng không được đồng hoá Hồi giáo với bạo lực, có phải không, thưa ĐHY?


Đáp: Vâng, nhưng không phải chỉ có thế. Trong chuyến bay từ Ba Lan trở về Roma ngày 31 tháng 7, ĐTC đã trả lời một câu hỏi, và bảo đảm rằng các anh chị em hồi giáo tìm kiếm hoà bình, tìm kiếm gặp gỡ. Và chính Sceicco Al Tayyib, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo Vatican ngay sau cuộc gặp gỡ với ĐTC, đã nhấn mạnh rằng Hồi giáo không liên quan gì tới khủng bố, bởi vì ai giết người là đã hiểu sai các văn bản nền tảng của Hồi giáo; và thật là điều nền tảng các tôn giáo lớn phải có một nỗ lực chung để đưa ra cho nhân loại một hướng đi mới tiến tới lòng thương xót và hoà bình trong thời đại khủng hoảng trầm trọng này. Như vậy, nếu Đức Gioan Phaolô II đã là vị Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Đại Imam của Đại học Al- Azhar  trong chuyến công du Ai Cập trong Năm Thánh 2000, thì Sceicco Al Tayyib đã là Đại Imam đầu tiên viếng thăm ĐTC tại Vatican, và luôn luôn trong một Năm Thánh, là Năm Thánh Lòng Thương Xót, tức 15 năm sau Năm Thánh 2000.

Hỏi: Thưa ĐHY, đâu đã là hoạt động ngoại giao đi trước và theo sau cuộc gặp gỡ này?

Đáp: Vào tháng 2, ĐC Ayuso đã đến Cairo, và tại Cairo, ĐC đã được Đức TGM Bruno Musarò, Sứ thần Toà Thánh, tháp tùng tới Đại học Al Azhar. ĐC Ayuso đã trao tận tay cho Giáo sư Shouman một bức thư của tôi, trong đó tôi bầy tỏ sự sẵn sàng tiếp đón Đại Imam và tháp tùng ông vào gặp ĐTC Phanxicô tại Vatican. Sau đó, ĐC Ayuso đã sang Cairo 2 lần nữa, vào tháng 7 và tháng 10, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sẽ ghi dấu việc tái đối thoại giữa Hội đồng Toà Thánh và Đại học Hồi giáo Cairo, vào cuối tháng 4 năm 2017.

Hỏi: Thưa ĐHY, đâu là các chặng ý nghĩ khác trong các sinh hoạt của Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn trong năm 2016?

Đáp: Vào đầu năm 2016 có cuộc gặp gỡ hằng năm tại Genève giữa các nhân viên của Hội đồng và của Văn phòng Đối thoại Liên tôn với sự cộng tác của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô  trong “Tuần hoà hợp liên tôn” do Liên Hiệp Quốc thành lập. Vào tháng giêng, ĐC Ayuso, Thư ký Hội đồng, đã sang Abu Dhabi tham dự “Diễn đàn các tư tưởng gia Ảrập”, tổ chức lần đầu tiên. ĐC đã là thuyết trình viên duy nhất không phải người Hồi giáo, và ĐC đã phát biểu về đề tài “Khuynh hướng cực đoan”, phân tích các lý do và các phương thế sửa chữa có thể có. Vào tháng 2, tôi đã được ông Khaled Abashed, trưởng phòng Hồi giáo, tháp tùng tham dự Hội nghi Đối thoại Liên tôn lần thứ 12  triệu tập tại Doha của Qatar.

Hỏi: Thật là ý nghĩa trong năm 2016 ĐTC đã gặp giới lãnh đạo các tôn giáo khác nhiều lần trước khi chủ sự buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương 5 châu. Các buổi gặp gỡ này đã có ý nghĩa gì, thưa ĐHY?

Đáp: Đó đã là các lúc rất quan trọng, trong đó ĐTC đã nói mấy lời tự phát ngắn gọn. Các cung cách và cử chỉ dễ thương của ngài đã để lại nơi tất cả mọi người một kỷ niệm tốt. Các vị thuộc “Học viện Hoàng gia Đặc trách Nghiên cứu Liên tôn” tại Amman của Giordania cũng như ông Haxhi Baba Edmond Bahimaj, thủ lãnh cộng đoàn Bektashi, được ĐGH tiếp kiến tuần sau đó, đã cho tôi biết như vậy. Đây là một huynh đoàn Hồi giáo phát xuất từ nhóm Sufi, được thành lập hồi thế kỷ 13 tại Thổ Nhĩ Kỳ, và được phổ biến, nhất là ở Albania. Cùng sự kiện này lại xảy ra ngày mồng 1 tháng 6 với một phái đoàn 35 người, và sau cùng ngày 23 tháng 11 với các người Hồi Sunnít Iran tham dự cuộc hội luận về “Khuynh hướng cực đoan và bạo lực nhân danh tôn giáo”, do Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn tổ chức cùng với tổ chức Văn hoá và tương quan tại Teheran. Ngoài ra trong các ngày mồng 7-8 tháng 9 đã có hội nghị về “Châu Mỹ đối thoại – Ngôi nhà chung của chúng ta”, do Hội đồng Toà Thánh và Học viện Đối thoại Liên tôn Buenos Aires cùng tổ chức. Các tham dự viên sau đó đã được ĐTC Phanxicô tiếp kiến. Sau cùng, chúng ta cũng không quên buổi tiếp liên tôn do chính ĐTC muốn ngày mồng 3 tháng 11, với sự tham dự của biết bao thân hữu và các tác nhân đối thoại, trong đó có các nhân viên của “Trung tâm Quốc tế Đối thoại Liên tôn” tại Vienne của Áo, viết tắt là KAICIID. Trung tâm này cũng đã thăng tiến một cuộc hội luận về lòng thương xót  tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma.

Hỏi: Các con số thống kê cho thấy Á châu quan trọng, và ĐTC cũng chú ý theo dõi các biến cố của đại lục này vì tầm quan trọng của cuộc đối thoại với Đông phương. Có các tương quan nào với Á châu và các nền văn hoá của nó, thưa ĐHY?

Đáp: Hồi tháng 5, ĐC Thư ký của Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn đã sang Nhật Bản để tham khảo ý kiến các vị lãnh đạo tôn giáo cấp cao vùng Trung Đông về đề tài quyền công dân, nhằm thăng tiến môt ý thức lớn hơn tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. Trong các cuộc gặp gỡ tại Tokyo cũng đã có việc củng cố các liên lạc giữa Giáo hội Công giáo và tổ chức Phật giáo Risho Kosei Kai. Vào tháng 10, ĐC Ayuso cũng đã cùng với Cha Phó Thư ký Indunil Kodithuwakku đi sang Singapore, rồi Đài Loan nhân cuộc gặp gỡ Kitô, Lão giáo lần đầu tiên được tổ chức tại đây.

Hỏi: Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn cũng đã gửi các sứ điệp tới các tôn giáo lớn tại Á châu nhân các dịp lễ, có đúng thế không, thưa ĐHY?


Đáp: Đúng thế. Nhân lễ Ánh Sáng Vesakh, kỷ niệm các biến cố chính trong cuộc đời Đức Phật, chúng tôi đã gửi sứ điệp về đề tài “Tín hữu Kitô và Phật giáo cùng nhau thăng tiến giáo dục môi sinh”. Vào tháng 10, chúng tôi đã gửi một sứ điệp cho các tín hữu Ấn giáo tập trung vào tầm quan trọng của gia đình nhân dịp lễ Deepavali có nghĩa là “hàng đèn dầu”, dựa trên một huyền thoại cổ xưa diễn tả chiến thắng của chân lý trên dối trá và của ánh sáng trên tối tăm. Sau cùng vào tháng Ramadan, nhằm tháng 6, chúng tôi cũng đã gửi các lời cầu chúc truyền thống tới cộng đoàn Hồi giáo.

Hỏi: Một trong những thời điểm chính của năm 2016 vừa qua chắc chắn đã là cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 20 tháng 9, nhân kỷ niệm lần thứ 36 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập nhau cầu nguyên cho hoà bình thế giới, Nó đã có ý nghĩa nào, thưa ĐHY?

Đáp: Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình hồi năm 1986 đã hướng Giáo Hội tới các tôn giáo không Kitô. Mặc dù có giáo huấn của Đức Phaolô VI trong Thông điệp “Ecclesiam Suam” và của Công đồng Chung Vatican II với Tuyên ngôn “Nostra aetate”, các tôn giáo này xem ra vẫn xa vời, nếu không nói là xa lạ. Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình đã là biểu tượng, là việc thực hiện nhiệm vụ của Giáo Hội trong một thế giới đa tôn giáo. Vì thế, không phải vô tình mà chính ĐTC Phanxicô đã muốn tái đề nghị các nội dung của nó bằng cách đến Assisi tham dự một ngày cầu nguyện cho hoà bình với đề tài “Khát khao hoà bình. Các tôn giáo và các nền văn hoá đối thoại với nhau”.

(Oss. Rom. 21-12-2016)

 

Linh Tiến Khải