02/01/2025

Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS

Nhắc đến AIDS, hầu như ai cũng có phản xạ muốn tránh xa, nhưng có một người phụ nữ suốt gần 20 năm qua luôn tìm cách đến gần hơn với những người có HIV.

 NIỀM VUI MỖI NGÀY

Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS

Nhắc đến AIDS, hầu như ai cũng có phản xạ muốn tránh xa, nhưng có một người phụ nữ suốt gần 20 năm qua luôn tìm cách đến gần hơn với những người có HIV.

 

 

 

Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS
Chị Vinh “Sida” chăm sóc, thăm nom và động viên một người nhiễm HIV – Ảnh nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Vinh – người phụ nữ có tấm lòng vàng – đã vực dậy nhiều bệnh nhân AIDS bị xa lánh khi đã đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm họ để tắm rửa, mướn nhà, kiếm việc làm, vệ sinh vết thương, cho uống thuốc, đưa đi chữa bệnh, thậm chí là mai táng khi họ bị căn bệnh thế kỷ đánh gục…

“Chỉ có niềm vui mới làm việc được với những người có HIV. Và thêm một điều không thể thiếu là sự chân thành…

Chị NGUYỄN THỊ VINH

Vượt qua nỗi sợ

Nhà chị Vinh nằm trong con hẻm gần ngã ba Ông Tạ (Q.Tân Bình, TP.HCM), nơi này đã ít nhiều thay đổi công năng để làm phòng chăm sóc dã chiến cho người có HIV. Dù đã bước vào tuổi 60 nhưng chị Vinh “Sida” vẫn còn rất “lửa” khi nói về người có HIV và tràn đầy thao thức với những người vốn bị xã hội xa lánh…

Chị kể khoảng năm 1998 vì tò mò chị đã đăng ký tham dự một khóa học chăm sóc người có HIV cùng hơn 300 người khác. Sau khóa học, nhiều người cảm thấy sợ nên rã nhóm. Chỉ còn khoảng chục người mạnh dạn ở lại để lập nhóm Tiếng Vọng chủ yếu đi tìm người có HIV chăm sóc, tắm rửa, an ủi, giúp thuê nhà, liên hệ với một số bác sĩ khám chữa bệnh và trung tâm cai nghiện giúp chữa trị để họ sớm hoà nhập với cộng đồng. Hiện nay những người của nhóm Tiếng Vọng ngày ấy giờ chỉ còn mỗi chị Vinh “Sida”.

“Ngày đó, tôi cùng các cộng sự tìm đến các chân cầu, nơi có khá đông người có HIV bị gia đình ruồng bỏ để tìm hướng giúp đỡ. Trong lòng dù rất sợ nhưng nhìn cảnh họ gầy gò, lở loét, đói rách hoặc thoi thóp những hơi thở cuối cùng đã thôi thúc tôi dấn thân. Gặp người nào ở gần chùa, nhà thờ, tôi xin vào và tự tay tắm rửa rồi kiếm quần áo sạch cho họ mặc trước khi đưa về nhà hoặc trạm xá” – chị Vinh nhớ lại.

Rồi nhiều hôm đang ăn dở bữa cơm, nghe có người báo tin gia đình kia nhốt con có HIV trong chuồng, chị liền chạy đến xin gia đình cho được đem về chăm sóc, chữa trị. Tội nhất là những trường hợp bị gia đình nhốt riêng ở một góc vườn hay góc nhà bị ruồi bu, kiến cắn khắp người…

Không ít lần khi chị đến các bệnh viện để thăm, tắm rửa, gội đầu cho người có HIV, nhiều người xung quanh không hiểu nên xầm xì: “Cùng bọn với nhau nên chăm sóc nhau thôi”. Điều đó không làm chị buồn vì niềm vui của người bệnh là hạnh phúc của chị.

Và cũng từ đó cái tên Vinh “Sida” trở nên thân thương hơn trên môi miệng của nhiều người. Tuy nghe có vẻ phản cảm nhưng chị lại thấy thích thú vì nghĩ khi người ta gọi mình như vậy nghĩa là mình đã thành công, vì có thể hoà nhập với người có HIV và không có khoảng cách dù chị không hề nhiễm HIV.

Nhân rộng tấm lòng

Xuất phát điểm đơn độc hoặc chỉ một nhóm nhỏ, đến nay số người sát cánh bên chị Vinh đã được nhân rộng lên rất nhiều. Đầu tiên là chồng con chị, những người luôn ủng hộ, động viên chị trong mọi hoàn cảnh từ những ngày đầu chị đến với hành trình gian khổ này.

Với một số bệnh nhân được chữa trị đúng cách và phục hồi sức khoẻ, chồng chị đã dạy họ nghề sửa chữa xe máy và cơ khí để tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn. Các con chị khi còn nhỏ vẫn thường cùng chị đi thăm các bệnh nhân. Hiện nay khi trưởng thành và có cuộc sống ổn định, con chị vẫn thường chia sẻ với chị trong nhiều vấn đề để có thể giúp người có HIV tốt hơn.

Cùng với người thân, chị còn được một số chức sắc tôn giáo và bác sĩ đầu ngành, giám đốc, nhân viên các trung tâm cai nghiện giúp chị một cơ sở chăm sóc người có HIV giai đoạn cuối.

Hơn hết, chị còn quy tụ được hơn 10 thành viên mới vào nhóm Tiếng Vọng, chủ yếu là người có HIV, sau khi được chữa trị thuyên giảm bệnh tật đã tình nguyện ở lại giúp những người đồng cảnh.

“Đa số người đến với nhóm thường không còn nơi nào để đi. Đôi khi họ được đưa đến trong tình trạng mong manh giữa sống và chết hoặc trong một thân xác đã bị hoại tử, hôi thối và kiệt quệ…

Nhưng hơn hết, họ đến với một mặc cảm nặng nề và bế tắc nên các thành viên trong nhóm luôn giữ khuôn mặt và tâm trạng vui vẻ. Vì chỉ có niềm vui mới làm việc được với những người có HIV. Và thêm một điều không thể thiếu là sự chân thành…” – chị Vinh trải lòng.

Có lẽ nhờ vậy mà 18 năm qua, chị và các cộng sự đã đến với hàng ngàn người nhưng không gặp trở ngại nào. Để đến gần hơn với người có HIV, chị Vinh thường mời họ về nhà dùng cơm chung khi có thể. Riêng vào các dịp đặc biệt, lễ tết, nhà chị là một địa điểm quy tụ người nhiễm HIV.

“Điều quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người có HIV chính là người thân. Nếu người thân hoảng loạn một thì họ hoảng loạn mười. Nếu người thân xa lánh, bỏ rơi thì họ sẽ bế tắc và cùng đường.

Do đó, sự động viên, chia sẻ, thông cảm của người thân là một liều thuốc rất cần thiết. Trước khi chữa trị bệnh nhân AIDS, chúng tôi luôn làm công tác tư tưởng với thân nhân rồi mới đến họ” – chị Vinh nói.

BÍCH THÙY