30/11/2024

“Chỉ Có Từ Thiên Chúa Mới Xuất Phát Cuộc Cách Mạng Chân Chính”

Trong cuộc hành hương của chúng ta cùng với những nhà Đạo Sĩ thần bí từ phương Đông, chúng ta đã đi đến thời khắc mà Thánh Matthêu đã tả trong Tin Mừng của ngài bằng những lời sau: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người.” (Mt 2,11). Nhìn bên ngoài, cuộc hành trình của họ đến đây kết thúc. Họ đã đạt mục tiêu của mình. Nhưng chính tại thời điểm này một cuộc hành trình mới, một cuộc hành hương nội tâm có sức thay đổi toàn bộ cuộc đời họ, đang bắt đầu đối với họ. Hình ảnh trong tâm trí của họ về vị vua Hài Nhi mà họ trông đợi hẳn đã rất khác đi.

Kết quả hình ảnh cho epiphany

Bài giảng của Đức Bênêđíchtô XVI trong tối canh thức 20.8.2005 Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Các bạn trẻ thân mến,

Trong cuộc hành hương của chúng ta cùng với những nhà Đạo Sĩ thần bí từ phương Đông, chúng ta đã đi đến thời khắc mà Thánh Matthêu đã tả trong Tin Mừng của ngài bằng những lời sau: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người.” (Mt 2,11). Nhìn bên ngoài, cuộc hành trình của họ đến đây kết thúc. Họ đã đạt mục tiêu của mình. Nhưng chính tại thời điểm này một cuộc hành trình mới, một cuộc hành hương nội tâm có sức thay đổi toàn bộ cuộc đời họ, đang bắt đầu đối với họ. Hình ảnh trong tâm trí của họ về vị vua Hài Nhi mà họ trông đợi hẳn đã rất khác đi.

Họ đã phải dừng lại tại Giêrusalem, đặc biệt là để hỏi vị Hoàng Đế đang trị vì tại đó về tin tức của vị Vua được hứa vừa mới hạ sinh. Họ biết rằng thế giới đang ở trong tình trạng rối loạn, và vì lý do đó, lòng họ đâm hoang mang lo sợ. Họ biết chắc rằng có Thiên Chúa và Ngài là một Thiên Chúa công bình và khoan nhân. Và có lẽ họ cũng biết đến những lời tiên tri vĩ đại của Israel báo trước về một vị Vua kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, một vị Vua sẽ tái lập trật tự thế giới, hành động thay cho Thiên Chúa và nhân danh Người. Chính vì muốn tìm kiếm vị Vua này mà họ đã lên đường: thẳm sâu trong lòng mình, họ cảm thấy được thúc bách phải lên đường tìm kiếm công lý chân thật mà chỉ có thể xuất phát từ Thiên Chúa, và họ muốn phụng sự vị Vua này, phủ phục dưới chân Ngài và qua đó thi hành vai trò của mình trong việc canh tân thế giới. Họ thuộc những người “đói khát sự công chính” (Mt 5,6). Sự đói khát này đã thúc đẩy họ trong cuộc hành hương – họ đã trở nên những người hành hương tìm kiếm công lý mà họ trông đợi từ nơi Thiên Chúa, với quyết tâm dâng hiến chính bản thân mình để phụng sự công lý.

Mặc dù những người ở quê nhà có lẽ đã xem họ như những kẻ mơ mộng những điều hảo huyền không tưởng, nhưng họ mới thực là những người thực tế, và họ biết rằng để thay đổi thế giới này thì cần phải có quyền lực. Do đó, họ khó mà tìm hài nhi được hứa ban ở những chỗ khác hơn là tại cung điện của nhà Vua. Tuy nhiên, giờ đây họ đang phủ phục dưới chân hài nhi của những người khó nghèo, và họ nhanh chóng nhận ra rằng Hêrôđê, vị vua mà họ đã hỏi thăm, có ý đồ sử dụng quyền lực của mình để hòng đặt bẫy bắt Người, buộc gia đình phải trốn đi lưu vong. Vị tân Vương, mà họ đang dâng lễ vật, hoàn toàn trái với những gì họ mong đợi. Bằng cách này, họ hiểu ra rằng Thiên Chúa không giống như chúng ta thường tưởng tượng về Người. Đây chính là nơi cuộc hành trình nội tâm bắt đầu. Cuộc hành trình này khởi sự ngay lúc họ phủ phục trước hài nhi và tin nhận Người là Vua đã được hứa ban. Tuy nhiên, họ vẫn còn phải nội tâm hóa những cử chỉ vui mừng này.

Họ phải thay đổi ý tưởng về quyền lực, về Thiên Chúa và về con người, và để được như vậy, họ phải thay đổi chính mình. Giờ đây họ có thể thấy quyền lực Thiên Chúa không giống như quyền lực thế gian. Đường lối Chúa không như chúng ta tưởng tượng hoặc mong ước. Thiên Chúa không bước vào cuộc đua với những quyền lực thế gian trong thế giới này. Người không bố trí các sư đoàn của mình bên cạnh những sư đoàn khác. Thiên Chúa không sai mười hai đạo binh thiên thần đến giúp Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu (x. Mt 26,53). Người tương phản quyền lực ồn ào và phô trương của thế giới này với quyền lực không kháng cự của tình yêu, chịu ngã gục cho đến chết trên Thánh Giá, và còn chết thêm nhiều lần trong suốt dòng lịch sử; tuy nhiên, chính tình yêu này đã hình thành một sự can thiệp mới của Thiên Chúa chống lại bất công và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa. Thiên Chúa hoàn toàn khác – đó là điều mà họ giờ đây nhận ra. Và điều đó có nghĩa là chính họ giờ đây phải trở nên khác đi, họ phải học biết những đường lối của Thiên Chúa.

Họ đã đến để đặt mình phục vụ vị Vua này, để nhào nắn vương quyền của chính mình theo vương quyền của Người. Đó là ý nghĩa của hành vi kính bái và tôn thờ của họ. Trong hành vi đó có lễ vật của họ – vàng, nhũ hương và một dược – những tặng vật để dâng lên Vua được xem là thánh thiêng. Kính bái tôn thờ có một nội dung và nó bao hàm sự cho đi. Qua hành vi kính bái tôn thờ, những con người từ phương Đông này muốn nhìn nhận hài nhi là Vua của họ và đặt quyền lực và tiềm năng của mình tuỳ Người định đoạt, và trong hành vi này họ chắc chắn biết mình đang đi đúng đường. Bằng cách phục vụ và theo chân Người, họ muốn, cùng với Người, phụng sự cho chính nghĩa và công lý.

Trong điều này họ đã đúng. Dù vậy, giờ đây họ phải học để hiểu rằng công lý không thể đạt được chỉ bằng việc ban hành những mệnh lệnh áp đặt từ ngai vàng trên cao. Họ phải học cho đi chính bản thân – không có tặng vật nào khác xứng với vị Vua này. Họ phải học biết rằng cuộc đời mình phải tuân theo đường lối hành xử này của Thiên Chúa đối với quyền lực, theo đường lối của Thiên Chúa. Họ phải trở nên những con người của sự thật, của công lý, của thiện hảo, của thứ tha, của lòng thương xót. Họ sẽ không còn hỏi: Các này có thể phục vụ cho tôi thế nào đây? Thay vào đó, họ sẽ hỏi: Làm thế nào tôi có thể phục vụ cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này? Họ phải học đánh mất đi sự sống của mình và bằng cách này tìm lại được nó. Sau khi đã bỏ lại Giêrusalem phía đằng sau, họ không được đi chệch ra khỏi con đường vạch ra bởi vị Vua chân chính, vì họ đi theo Chúa Giêsu.

Các bạn thân mến, tất cả điều này có ý nghĩa gì cho chúng ta? Điều mà chúng ta vừa mới nói về bản tính của Thiên Chúa là có cách xử sự khác, và về đường lối mà cuộc đời chúng ta phải được uốn nắn theo, nghe rất hay, nhưng vẫn còn mơ hồ và phân tán. Vì lẽ đó Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những mẫu gương. Các Đạo Sĩ phương Đông chỉ là những người đầu tiên trong một chuỗi dài nhưng người nam người nữ luôn cố gắng nhìn ngắm ngôi sao của Thiên Chúa trong đời họ, đi tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng đã tiến sát chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường. Đó là đoàn lũ đông đảo các thánh – cả hữu danh lẫn vô danh – mà trong cuộc đời của các vị, Chúa đã mở Phúc Âm ra trước mặt chúng ta và lần giở các trang; Người đã làm việc này qua lịch sử và Người vẫn còn làm ngày hôm nay. Trong cuộc sống của các vị, dường như trong một quyển sách bằng tranh lớn, sự phong phú của Phúc Âm được lộ tỏ. Các vị là con đường sáng mà chính Thiên Chúa đã phác thảo trong suốt lịch sử và vẫn còn đang phác thảo hôm nay.

Vị tiền nhiệm đáng kính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước và phong thánh cho rất nhiều người thuộc về cả quá khứ xa lẫn quá khứ gần. Qua những cá nhân này ngài muốn chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là người Kitô hữu; làm thế nào để sống cuộc đời nên sống – theo đường lối Thiên Chúa. Các thánh và các vị chân phước đã không chu chu chắm chắm tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình, nhưng chỉ muốn dâng hiến mình, bởi vì ánh sáng của Đức Kitô đã soi chiếu trên các ngài. Các ngài chỉ cho chúng ta con đường đến hạnh phúc, các ngài chỉ cho chúng ta làm thế nào trở nên thực sự là người. Qua những thăng trầm của lịch sử, các ngài thực sự là những nhà cải cách thường xuyên cứu lịch sự khỏi lao vào thung lũng tối tăm; chính các ngài thường xuyên chiếu giãi trên lịch sử thứ ánh sáng cần phải được tìm ra ý nghĩa – cho dù ngay giữa khổ đau – của lời Thiên Chúa phán vào lúc hoàn tất công trình tạo dựng: “Mọi sự rất tốt đẹp”.

Ta chỉ cần nghĩ đến những nhân vật như Thánh Bênêđíchtô, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Têrêsa Avila, Thánh Inhaxiô Loyota, Thánh Carôlô Borromeo, những người sáng lập các dòng tu thế kỷ thứ 19 đã gợi hứng và hướng dẫn phong trào xã hội, hoặc các vị thánh của ngày hôm nay – Maximilian Kolbe, Edith Stein, Mẹ Têrêsa, Cha Piô. Trong việc chiêm ngắm những nhân vật này chúng ta học biết ý nghĩa thế nào là “bái lạy” và thế nào là sống theo tiêu chuẩn của con trẻ Bêlem, theo tiêu chuẩn của Đức Giêsu Kitô và của Thiên Chúa.

Các vị thánh, như chúng ta nói, là những nhà cải cách thực sự. Bây giờ cha muốn diễn đạt ý này một cách triệt để hơn: Chỉ có từ các thánh, chỉ có từ Thiên Chúa mới xuất phát cuộc cách mạng chân chính, phương cách tất yếu để thay đổi thế giới. Trong thế kỷ trước, chúng ta có kinh nghiệm về những cuộc cách mạng với một chương trình chung – không trông mong gì nơi Thiên Chúa, họ đảm nhận toàn bộ trách nhiệm đối với sự nghiệp của thế giới để cải tạo thế giới. Và điều này, như chúng ta thấy, có nghĩa là một quan điểm nhân loại và thiên lệch luôn luôn được đề ra như một nguyên tắc hướng đạo tuyệt đối. Tuyệt đối hoá điều không tuyệt đối song chỉ là tương đối được gọi là chủ nghĩa toàn trị. Nó không giải phóng con người, nhưng chỉ lấy đi phẩm giá và làm cho còn người bị nô lệ. Không phải các ý thức hệ sẽ cứu thế giới, mà là chỉ có một sự trở về cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Hoá của chúng ta, người bảo đảm cho quyền tự do của chúng ta, người bảo đảm cho những gì thực sự là tốt lành và chân chính. Cách mạng chân chính hệ tại ở việc chỉ cần quay về cùng Thiên Chúa là tiêu chuẩn cho những gì là đúng và đồng thời còn là tình yêu vĩnh cửu. Và điều gì có thể cứu chúng ta nếu không phải là tình yêu?

Các bạn thân mến! Cho phép cha nói thêm hai tư tưởng vắn tắt. Có nhiều người nói về Thiên Chúa; một số người còn rao giảng sự thù hận và bạo động triền miên nhân danh Thiên Chúa. Vì vậy điều quan trọng là cần khám phá dung mạo thực của Thiên Chúa. Các Đao Sĩ từ phương Đông đã tìm thấy dung mạo đó, khi họ quỳ xuống trước hài nhi tại Bêlem. Chúa Giêsu nói cùng Philíp: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trong Chúa Giêsu Kitô, đấng đã để cho tim mình bị đâm thâu vì chúng ta, dung mạo đích thực của Thiên Chúa được xem thấy. Chúng ta sẽ theo Người cùng với đoàn lũ đông đảo nhưng người đã đi trước chúng ta. Rồi chúng ta sẽ đi đường chính nẻo ngay.

Điều này có nghĩa là chúng ta không xây dựng một Thiên Chúa riêng tư, một Đức Giêsu riêng tư, nhưng chúng ta tin và thờ phượng Đức Giêsu tỏ ra cho chúng ta qua Kinh Thánh và tự mạc khải Người đang sống trong đoàn lũ vĩ đại những tín hữu được mệnh danh là Hội Thánh, luôn luôn bên cạnh chúng ta và luôn luôn ở trước mặt chúng ta. Có nhiều điều có thể công kích trong Hội Thánh. Chúng ta biết điều này và chính Chúa đã bảo ta thế: Đó là một lưới cá có cá tốt và cá xấu, một cánh đồng có lúa và cỏ lùng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, song song với việc bày tỏ khuôn mặt đích thực của Hội Thánh trong nhiều vị thánh mà ngài đã phong thánh, cũng đã yêu cầu tha lỗi cho những sai lầm đã thực hiện trong tiến trình lịch sử qua lời nói và việc làm của các thành viên trong Hội Thánh. Bằng cách này ngài chứng tỏ cho chúng ta chân dung đích thực của chúng ta và thúc giục chúng ta hãy vào vị trí của mình, với tất cả lỗi lầm và thiếu sót, trong đoàn lũ các thánh bắt đầu với các Đạo Sĩ từ phương Đông.

Nhận thức rằng trong Hội Thánh có cỏ lùng là điều thực sự an ủi. Bằng cách này, mặc dù còn nhiếu khiếm khuyết, chúng ta vẫn còn có thể hy vọng được kể vào những môn đệ của Chúa Giêsu, đấng đến để kêu gọi người tội lỗi. Hội Thánh giống như một gia đình nhân loại, nhưng đồng thời còn là đại gia đình của Thiên Chúa, qua đó Người thiết lập một cộng đồng và một sự hợp nhất toàn diện bao gồm mọi châu lục, mọi nền văn hoá và mọi dân tộc. Vì vậy chúng ta vui mừng thuộc về đại gia đình này; chúng ta vui mừng có những anh em và bạn bè khắp thế giới. Ở đây tại Cologne chúng ta khám phá niềm vui được thuộc về một gia đình rộng lớn bằng cả thế giới, bao gồm cả trời và đất, quá khứ, hiện tại, tương lai và mọi phần của trái đất. Trong đoàn thể vĩ đại những người hành hương này, chúng ta bước đi bên cạnh Đức Kitô, chúng ta bước đi cùng với ngôi sao chiếu sáng lịch sử của chúng ta.

“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người” (Mt 2,11). Các bạn thân mến, đây không phải là câu truyện xa xưa xảy ra đã lâu. Câu truyện đó hiện thực với chúng ta bây giờ. Ở đây trong Bánh thánh Người hiện diện trước chúng ta và giữa chúng ta.  Cũng như vào thời đó, Người nay được che khuất một cách mầu nhiệm trong một sự thinh lặng thánh thiêng; cũng như vào thời đó, chính tại đây dung mạo đích thực của Thiên Chúa được mặc khải. Cho chúng ta Người đã trở nên một hạt lúa mì rớt xuống đất, chết đi và sinh hoa trái cho đến tận thế (x. Ga 12,24). Người hiện diện bây giờ cũng như Người đã hiện diện ở Bêlem. Người mời gọi chúng ta tham gia cuộc hành hương nội tâm mà chúng ta mệnh danh là thờ lạy. Chúng ta hãy lên đường với cuộc hành hương tâm linh này và chúng ta hãy xin Người hãy là người hướng đạo của chúng ta. Amen.

Đan Quang  Tâm chuyển dịch

Nguồn:  www.nguoitinhuu.com