09/01/2025

Phỏng vấn Cha tân Bề trên Tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa

Ngày 18 tháng 10 năm vừa qua, Tổng Tu nghị Dòng Tên đã bầu Cha Arturo Sosa Abascal, người Venezuela, làm Bề trên Tổng quyền thứ 30 của dòng. Cha Sosa sinh năm 1948, khấn trọn năm 1982, đã từng là cố vấn và đại diện cho các nhà và các cơ sở liên giám tỉnh của dòng tại Roma.

 Phỏng vấn Cha tân Bề trên Tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa

 

 
Ngày 18 tháng 10 năm vừa qua, Tổng Tu nghị Dòng Tên đã bầu Cha Arturo Sosa Abascal, người Venezuela, làm Bề trên Tổng quyền thứ 30 của dòng. Cha Sosa sinh năm 1948, khấn trọn năm 1982, đã từng là cố vấn và đại diện cho các nhà và các cơ sở liên giám tỉnh của dòng tại Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha có thể cho biết thân thế của cha, cha đã trở thành linh mục dòng tên như thế nào, và từ vài tháng nay cha là Bề trên Tổng quyền của Dòng?

Đáp: Để biết tôi là ai thì chỉ cần chú ý tới hai nguồn hiện tại là gia đình tôi và trường của Dòng Tên tại Caracas, nơi tôi đã theo học từ bậc tiểu học cho tới trung học, là đủ, nghĩa là từ khi tôi lên 5 tuổi cho tới khi 17 tuổi. Gia đình tôi đã sinh sống tại Venezuela từ ba đời, nhưng ông ngoại tôi là người gốc vùng Santander của Tây Ban Nha, di cư sang châu Mỹ Latinh. Chúng tôi có 6 anh em, tôi là anh cả. Sau đó là đến 2 em gái, 1 em trai hiện sống ở Hoa Kỳ và 2 em gái kế. Tất cả các em gái đều sống tại Venezuela. Gia đình tôi là một gia đình thực hành đạo, có một bà dì nữ tu và một ông anh họ tu sĩ Dòng Tên. Chính trong gia đình mà tôi đã học cầu nguyện và rộng mở cho người khác. Ngay từ ngày còn bé, cha tôi thường cho tôi đi theo trong các cuộc du hành của ông trên toàn nước Venezuela. Ông là trạng sư, kinh tế gia và là một thương gia bước vào làm chính trị. Ông đã là Bộ trưởng Tài chính trong vòng một năm trong chính phủ chuyển tiếp, sau khi chế độ độc tài của Tổng thống Marcos  Perez Jiménes cáo chung. Hầu như trong suốt thế kỷ XIX, Venezuela đã trải qua các chính quyền độc tài, và trong thập niên 1950, dấn thân của cha tôi là tạo ra các không gian dân chủ. Và trong gia đình, tôi đã học biết rằng không ai có thể tự cứu thoát một mình. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, thì phải góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc của quốc gia.

Hỏi: Và nguồn khác mà cha nhắc tới trên đây là gì, thưa cha?

Đáp: Nó cũng quan trọng như nguồn thứ nhất vậy. Tại trường Thánh Ignazio, nơi tôi đã theo học hầu như 13 năm, từ năm 1953 cho tới năm 1966, đã có rất đông các tu sĩ Dòng Tên trẻ, và chúng tôi ở trường từ sáng cho tới chiều, từ thứ hai cho tới thứ bảy. Sau tuần học, các tu sĩ dẫn chúng tôi đi thăm các nhà thương hay đi dạo ngoài đồng quê để tiếp xúc với các nông dân. Tôi nhớ tới các năm này như một môi trường rất là sáng tạo. Tôi cũng đã là thành viên của một hiệp hội thánh mẫu, và hồi đó thú thật là tôi chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ rất dở. Sau khi mãn trung học, tôi đã cảm thấy là để góp phần tốt hơn cho thiện ích của tất cả mọi người, tôi phải gia nhập Dòng Tên. Và thế là ngày 14 tháng 9 năm 1966, ít ngày trước khi lên 18 tuổi, tôi đã xin nhập dòng.

Hỏi: Như vậy các năm huấn luyện đã ra sao và các năm sau đó cha đã làm gì?

Đáp: Việc chuẩn bị tôi ấy à? Đó là việc đào tạo huấn luyện của Dòng Tên theo các chặng: các năm nhà tập, chương trình học triết học và thần học tại Đại học Công giáo Andres Bello trong thủ đô Caracas, rồi một thời gian tại Trung tâm Gumilla do các tu sĩ Dòng Tên điều khiển nhằm trợ giúp các hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng tại miền trung Venezuela, rồi theo học thần học tại Roma trong Trường Chúa Giêsu và Đại học Giáo hoàng Gregoriana giữa các năm 1974-1977, là năm tôi được thụ phong linh mục. Nhưng tôi đã trở về Venezuela để học bổ túc về thần học, trong khi tôi dọn luân án tiến sĩ về các khoa học chính trị tại đại học chính của thủ đô Caracas. Đây là môn tôi đã dạy tại Trung tâm Gumilla cũng như tại Đại học Andres Bello, đặc biệt là lịch sử các tư tưởng. Trong gần 20 năm tôi, cũng đã là giám đốc Nguyệt san “Sic” của Dòng Tên. Từ năm 1996 tới 2004, tôi là Bề trên Giám tỉnh của dòng tại Venezuela, và sau cùng là Viện trưởng Đại học Công giáo Táchira từ năm 2004 cho tới năm 2014. Năm 2014, cha Bề trên Tổng quyền đã gọi tôi về Roma để đặc trách các nhà quốc tế của dòng, nơi có 400 tu sĩ Dòng Tên làm việc dưới quyền của ngài.

Hỏi: Thưa cha, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử của dòng một linh mục không phải người Âu châu được bầu làm Bề trên Tổng quyền có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây chắc chắn là hoa trái của sự thay đổi đang xảy ra trong toàn Giáo Hội, và là một dấu chỉ của tính cách Công giáo của nó, cũng như trong biến cố bầu Đức Bergoglio làm Giáo hoàng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một dữ kiện lịch sử rất quan trọng, không thể chối cãi được: đó chính là tinh thần truyền giáo quảng đại của Âu châu đã cho phép điều này và tạo thuận tiện cho việc hội nhập văn hoá, là nét đặc thù của các tu sĩ Dòng Tên và của các cứ điểm truyền giáo do các tu sĩ điều khiển. Tiến trình này đã kéo dài 1,5 thế kỷ, và ngày nay đã đưa dòng tới chỗ là một thực tại đa văn hoá, nhập thể vào trong hàng chục nền văn hoá khác nhau, để giúp con người và các xã hội trở thành nhân bản hơn, bằng cách chỉ cho thấy Chúa Giêsu Kitô, dung nhan của Thiên Chúa. Đây là một sự phong phú khổng lồ đối với các tu sĩ Dòng Tên và tất cả mọi Giáo Hội. Chẳng hạn như Giáo hội Châu Mỹ Latinh là một Giáo Hội rất sinh động, nhưng thường bị trình bày một cách bất công, bị san bằng trên nền thần học giải phóng, là nền thần học cũng hay bị giới thiệu một cách chế nhạo như là mác xít: đây là một trung gian của đức tin Kitô, mà tôi đã định nghĩa là không thể được, trong một bài viết hồi thập niên 1970.

Hỏi: Thưa cha, sức khoẻ của Dòng Tên hiện nay ra sao? Nó đã mất đi phân nửa các tu sĩ so với nửa thế kỷ trước, chỉ còn lại vài trăm thầy, mà trước đây đông hơn nhiều. Và việc đào tạo hiện như thế nào?

Đáp: Số tu sĩ không phải là một tiêu chuẩn để phán đoán sức khoẻ của các tu sĩ Dòng Tên: ngay từ đầu, Thánh Ignazio đã nói tới “một hội dòng tối thiểu”. Chúng tôi thích phẩm chất hơn, và không có nghi ngờ là sự nghiêm ngặt của việc đào tạo của chúng tôi ngày nay còn lớn hơn xưa kia rất nhiều. Chắc chắn rồi, tôi không chối cuộc khủng hoảng mạnh mà chúng trôi đang trải qua tại Âu châu và Hoa Kỳ, chính yếu là vì phong trào tục hoá và cuộc khủng hoàng dân số. Việc đào tạo hàn lâm và tinh thần thiêng liêng phải chú ý tới sự kiện có nhiều chuyên viên gia nhập dòng. Và môi trường đào tạo cũng khác xưa rất nhiều, và mở rộng ra trong lĩnh vực tâm lý, các khoa học xã hội, các lĩnh vực khoa học. Cả đối với việc nâng cao trình độ văn hoá chung cũng cần phải thổi không khí vào các tu sĩ, xưa kia vốn rất đông. Và tôi phải hãnh diện nói rằng ơn gọi của tôi là nhờ các tu sĩ rất nhiều, nhờ các tu sĩ giáo tập, giáo sư, cũng như nhờ các tu sĩ trẻ chưa là linh mục. Rất nhiều lần tôi câm nín trước kinh nghiệm về Thiên Chúa của các anh em này, là các tu huynh không linh mục. Tôi đặc biệt nhớ tới một thầy suốt đời làm việc trong một nông trại chăn nuôi gia súc: thầy đã là một người chiêm niệm. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hình thức lý tưởng của Dòng Tên là hình thức của các tu sĩ khấn, tức các tu sĩ đã tới lời khấn thứ tư, ngày nay chiếm đa số, so với các trợ sĩ không khấn nó, và so với các tu sĩ kinh viện, đang còn trong thời kỳ đào tạo, và với các tu huynh.

Hỏi: Thưa cha, tại sao Dòng Tên lại không có nhánh nữ vậy?

Đáp: Đã có rất nhiều nữ tu và họ là các nữ tu đã lấy hứng từ tinh thần tu đức của Thánh Ignazio, họ chia sẻ tinh thần tu đức đó. Và tôi muốn nói thêm rằng không có phụ nữ thì một cách đơn thuần sẽ không thể nghĩ tới sứ mệnh của Dòng Tên được. Đàng khác, ở nguồn gốc của các tu sĩ Dòng Tên đã có một nhóm những người nam đã đuợc truyền chức quyết định sống một kiểu thánh hiến mới: cùng nhau sống như là các bạn đường và phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

Hỏi: Nghĩa là một dòng nảy sinh để đứng ở hàng tiền đạo tại các vùng biên giới. Thế ngày nay dòng đang ở đâu và di chuyển như thế nào? Đâu là các biên giới của Dòng Tên hiện nay, thưa Cha Bề trên Tổng quyền?

Đáp: Chúng tôi là các thừa sai và các biên giới, như trong suốt lịch sử của dòng chúng tôi cho thấy, thì nhiều lắm: giáo dục, truyền thống cũng như bình dân, phục vụ người di cư tị nạn, hoạt động trong lĩnh vực rất rộng lớn của việc tranh đấu cho công bằng xã hội, và đào tạo dấn thân chính trị. Cùng với cuộc sống tu sĩ đây là một trong các đam mê của tôi: đó là chiến đấu và chiêm niệm, để dùng lại kiểu nói của vài thập niên trước.

Hỏi: Các tu sĩ Dòng Tên có còn là các người đào tạo và các vị linh hướng nữa không, thưa cha?

Đáp: Có chứ. Ngày nay hơn bao giờ hết. Hiện nay việc phục vụ cuộc sống thiêng liêng này đã gia tăng các phương cách, các nơi chốn và con người. Các cuộc tĩnh tâm theo tinh thần của Thánh Ignazio kéo dài một tháng hay cả một tuần không còn có thể làm nữa vì các tiết nhịp của cuộc sống thời đại. Và người ra đề nghị các hình thức khác trong cuộc sống thường ngày, có thể kéo dài 8 hay 9 tháng. Và giảng giải không phải chỉ có các tu sĩ Dòng Tên và còn có nhiều người khác nữa, nữ giáo dân cũng như các nữ tu, nam giới và nữ giới. Sau Công đồng Chung Vatican II, là một ơn sủng Chúa ban, chúng tôi nhạy cảm hơn rất nhiều đối với sự khác biệt của các ơn gọi và các ơn đến từ Thiên Chúa.

(Oss. Rom 21-12-2016)

 

Linh Tiến Khải