06/01/2025

Hà Thành ký sự

Đáp lời mời gọi của Mẹ Hội Thánh về việc học hỏi và phổ biến Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo(GHXH) như một ‘phương thức mới để loan báo Tin Mừng’, nhóm học hỏi GHXH Sài Gòn – gồm hai linh mục và bảy giáo dân – đa lên đường thăm đất Bắc, tham dự hội thảo giới thiệu và tìm hiểu về GHXH tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội.

Image may contain: sky and outdoor

Đáp lời mời gọi của Mẹ Hội Thánh về việc học hỏi và phổ biến Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo(GHXH) như một ‘phương thức mới để loan báo Tin Mừng’, nhóm học hỏi GHXH Sài Gòn – gồm hai linh mục và bảy giáo dân – đã lên đường thăm đất Bắc, tham dự hội thảo giới thiệu và tìm hiểu về GHXH tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức bởi Câu Lạc Bộ Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận vào 2 buổi tối ngày 17 & 18/9/2015, nhằm mời gọi, gây ý thức và truyền cảm hứng cho người tín hữu giáo dân trong việc tìm hiểu và học hỏi GHXH của Giáo hội. Người trình bày chính cũng như điều phối chương trình trong hai đêm hội thảo này là linh mục trẻ Giuse Nguyễn Thể Hiện, đến từ DCCT Sài Gòn. Đồng hành với ngài là L.M. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Nhứt, dòng Đa Minh. Đây là hai vị linh mục đầy tâm huyết với GHXH, đồng hành sát cánh với các nhóm giáo dân. Buổi hội thảo cũng cần sự góp mặt của các giáo dân đã từng nghiên cứu học hỏi giáo huấn, nhằm chia sẻ những trải nghiệm, những tâm đắc để “thắp lửa” cùng anh chị em giáo dân Miền Bắc. Nắm bắt được tinh thần đó, những người anh em từ Miền Nam đã không ngại đường xa, thu xếp thời gian, công việc để có mặt đúng hẹn.

Lộ trình chuyến đi kéo dài ba ngày, xuất phát từ sáng ngày 17 và kết thúc vào tối ngày 19. Ba ngày ngắn ngủi, nên chúng tôi đa “hoạt động hết công suất” với một lịch trình khá “dày”: Sáng 17/5: xuất phát làm hai nhóm tại sân bay Tân Sơn Nhất (do thời gian và công việc của mỗi người sắp xếp khác nhau). Có một người xuất phát từ Nha Trang. Trưa: tập kết tại nhà xứ Thái Hà, ăn cơm, chuyện trò giao lưu. Chiều: họp, duyệt lại chương trình. Tối: 19.30: dự hội thảo. Khuya: “trà đàm”, ngủ. Sáng 19/9: một tốp chia tay trước để trở lại Sài Gòn, tốp còn lại gặp gỡ các bác đến từ Thái Bình; 11h dùng cơm trưa; thăm người thân; 16h chia tay, ra sân bay. Kết thúc. Ái dà! Không kịp thở! 

Từ Sài Gòn ra, bước xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi đa có những kỷ niệm “cười mếu mặt”: Anh chàng “độc thân vui tính” nhất nhóm bị rơi ví tiền trên máy bay, hớt hải tìm kiếm. May mà tiếp viên nhặt được, nhưng phải mất 30 phút để liệt kê tất cả những thứ có trong ví trước khi được nhận lại! Còn nàng “Em Út” của nhóm xuống sân bay sớm nhất, có nhiệm vụ đón các anh chị đến sau. Khi được thông báo mọi người đã đến, cô Út vội đeo ba lô rảo tìm khắp nơi, miệng a-lô liên hồi :”Chỗ phòng vé hả? Cầu thang hả? Em đứng ở cầu thang đây, phòng vé đây, sao không thấy?” Dáo dác một hồi mới hay “anh ở đầu sông, em cuối sông”: cô Út ở sảnh A, còn các anh chị ở sảnh E! Thế đấy! 

Khi lên chương trình vào tháng 9, ai cũng háo hức sẽ được cảm nếm chút “hương thu” của Hà Nội với hoa sữa, với lá vàng rơi trong gió heo may… Ngờ đâu đến lúc lên đường thì Miền Trung gió bão, Hà Nội tầm tã cơn mưa.

Nhưng cái ảm đạm của khí trời cũng không “hạ nhiệt” được lòng nao nức của khách phương xa. Chiếc taxi từ Nội Bài vào Hà Nội rôm rả tiếng cười trước những câu pha trò dí dỏm. Xe vừa trờ tới cổng giáo xứ Thái Hà, mọi người đa trố mắt “ồ” lên trước tấm băng-rôn rõ lớn đặt ở bên ngoài: “Hội thảo GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO”. Có người chậc lưỡi: “ Anh em Hà Nội không làm thì thôi, chứ đã làm là ‘hoành tráng’!” 

Chúng tôi được đón tiếp đơn sơ nhưng thân tình, gần gũi, cứ như là trở về mái nhà thân yêu của chính mình. Bữa cơm trưa muộn (do “sự cố phi trường”) làm chúng tôi càng cảm thấy ngon miệng hơn với những món ăn đậm hương vị Bắc – đặc biệt là món canh bí đỏ hầm đỗ xanh và món quả sung muối chua – vừa lạ, vừa ngon, lại vừa rất lành tính. Bữa cơm tiếp thêm sức lực và ân tình để chúng tôi hoàn tất tốt những công việc buổi chiều trước khi bước vào công việc chính vào buổi tối. 

Đêm hội thảo đầu tiên đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều xúc động: Một hội trường rộng, dài nêm kín người trên những hàng ghế xếp ngay ngắn. Theo lời một vị linh mục trong ban tổ chức thì số người tham dự lên đến trên hai trăm. Cử toạ đa số là các bạn trẻ. Bên cạnh đó cũng có sự tham dự của một số nhân sĩ trí thức trong cũng như ngoài Công Giáo. Những buổi hội thảo quan trọng thế này dĩ nhiên không thể vắng mặt cha bề trên DCCT Hà Nội Trịnh Ngọc Hiên cũng như các linh mục, tu sĩ sở tại. Cũng có các linh mục khách đến từ phương xa. Thú vị là buổi hội thảo còn có sự góp mặt của các bác nông dân đến từ Thái Bình, mà chúng tôi sẽ dành một phần để nói về. Nhìn một cử toạ đông đúc và đa dạng như thế, đủ hiểu người dân Miền Bắc rất quan tâm đến các vấn đề xã hội và đau đáu với đất nước.

No automatic alt text available.

Ở đêm thứ nhất này, cha Giuse đã đưa mọi người tiếp cận với GHXH bằng cách đặt ra câu hỏi về các vấn đề nóng của xã hội, mời gọi mọi người đưa ra quan điểm, và sau cùng là lý giải vấn đề đúng – sai dưới ánh nhìn của giáo huấn. Từ đó đưa ra kết luận: GHXH cung cấp cho ta những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán, những hướng dẫn để hành động. Tức là GHXH cung cấp các phương pháp XEM – XÉT – LÀM hợp với các chuẩn mực đạo đức, luân lý, bảo vệ nhân phẩm và hướng đến phát triển con người toàn diện. 

Với phương thức ấy, cha Giuse đã làm cho hội trường sôi động lên ngay từ câu hỏi ban đầu: 

Chúng ta thường nghe nhắc đến câu nói: “Đã có đảng và nhà nước lo”, điều đó có đúng không? 

Bắt đầu là từ những người đứng tuổi, sau đó là các bạn trẻ, ai cũng không chấp nhận quan điểm trên, với các lí do rằng đảng và nhà nước hiện nay chưa làm việc hiệu quả, đất nước không phát triển mà còn tụt hậu nên không thể để mặc đảng và nhà nước lo. Hoặc rằng chỉ có thể để cho đảng và nhà nước lo nếu đảng và nhà nước ấy thật tự “của dân, do dân và vì dân” một cách đúng nghĩa… Các ý kiến khác cũng có nội dung tương tự. 

Thế nhưng, với chỉ dẫn của sách “Tóm lược Học Thuyết Xã Hôi của Giáo Hội Công Giáo” (TLHT), vận dụng hai nguyên tắc Công ích – Công thiện và Bổ trợ – Tham gia, những người bạn Sài Gòn và cha Giuse đã làm sáng tỏ câu trả lời: vấn đề không nằm ở chỗ nhà nước có chính danh không, hay nhà nước hoạt động có hiệu quả không, mà nằm ở chỗ việc lo cho công ích – công thiện của một đất nước là trách nhiệm của toàn xã hội. Thứ tự ưu tiên trong nghĩa vụ phục vụ công thiện được sắp xếp như sau: cao nhất là của mỗi công dân; kế đến là của các nhóm công dân/xã hội dân sự; và sau cùng là của  thẩm quyền chính trị – nhà nước và các đảng phái chính trị (1). Trách nhiệm đó là sự đòi buộc lương tâm mỗi người phải tham gia vào việc xây dựng công ích – công thiện cho xã hội, hướng đến các giá trị Công lý, Chân lý, Tự do và Yêu thương. Không được xem sự tham gia ấy là một việc làm tuỳ hứng, tuỳ thời. Trong đức tin tôn giáo, người Ki-tô hữu phải gánh chịu trách nhiệm ấy trước mặt Thiên Chúa. 

Câu hỏi thứ nhất tạm khép lại để bước sang câu hỏi thứ hai. Nếu như câu trên được đặt ra ở tầm mức bao quát toàn xã hội, thì câu hỏi này đặt ở phạm vi hẹp hơn: 

Ngày nay, khi tuyển dụng lao động, các chủ doanh nghiệp thường đề ra câu “lương thoả thuận”, vậy, khi đặt “lương thoả thuận” như một TIÊU CHÍ cho việc tuyển dụng lao động thì có chấp nhận được không? 

Với câu hỏi này, hội trường còn sôi nổi hơn nữa, đặc biệt là các bạn trẻ. Các ý kiến phản hồi được chia làm hai “phe” đối lập nhau, một bên đồng tình, một bên phản đối. Bên đồng tình cho rằng “lương thoả thuận” là một phương thức lành mạnh để “sát hạch”, “đàm phán” giữa hai bên, giúp người lao động chứng tỏ bản lĩnh, năng lực và sự tự tin để làm việc hết mình và hưởng đồng lương xứng đáng với năng lực đó; “lương thoả thuận” thể hiện sự công bằng, thoả đáng của người thuê và người làm. Thế nhưng “phe” phản đối thì có ý kiến ngược lại: “lương thoả thuận” chứa đựng sự mập mờ “đánh lận con đen”, và đôi khi còn có cả sự bất công vì người làm thuê rơi vào thế không có quyền chọn lựa vì cơ hội việc làm hiếm hoi. “Lương thoả thuận” đôi khi còn đẩy người ta đến những việc làm bất chấp đạo lý vì tiền, hoặc người chủ không cần quan tâm đến các yếu tố khác của người lao động, như điều kiện làm việc, đời sống tinh thần, hay những thiệt hại cho công ích do hoạt động lao động ấy gây ra… Các ý kiến ngày càng sôi động, và càng đẩy vấn đề đến một tầm nhìn bao quát và đúng đắn hơn. 

Dưới sự soi rọi của nguyên tắc Nhân Vị, kết hợp với chương sáu sách TLHT: Lao Động Có Tính Nhân Văn, câu trả lời được mở ra một cách sáng tỏ và đầy đủ: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có nhân vị và phẩm giá cao quý, và Lao Động là quà tặng độc đáo mà Thiên Chúa dành tặng riêng cho con người để canh tác, gìn giữ và bảo vệ trái đất. Con người sử dụng lao động để chống lại sự nghèo đói và nâng cao nhân phẩm. Chính vì thế, mỗi con người đều có quyền được tham gia lao động (quyền có công ăn việc làm), và khi lao động, họ có những quyền của mình (quyền của người lao động). Giáo huấn nhấn mạnh rằng, trong mọi hoàn cảnh, mọi hoạt động từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục…, lao động phải hướng đến phục vụ con người, làm thăng tiến con người – một con người toàn diện tự bản chất – chứ không phải bị giản lược, cắt xén chỉ còn phần xác với cơm ăn, áo mặc (2). Chính vì thế, vấn đề “lương thoả thuận” nếu được xét như một PHƯƠNG THỨC tuyển dụng lao động thì ổn, nhưng nếu xét như một TIÊU CHÍ để tuyển dụng thì phạm đến tính nhân văn của lao động, cũng như vi phạm nguyên tắc Nhân Vị tất yếu cũng sẽ liên quan đến ba nguyên tắc còn lại là Công ích – Công thiện, Liên Đới, Bổ Trợ, hợp thành “bộ tứ” bốn nguyên tắc căn bản của GHXH. Ngoài ra, một hợp đồng lao động còn cần phải xét đến các khía cạnh văn hoá, tinh thần, tâm linh, tôn giáo…, của người lao động. Không thể xem người lao động như một cỗ máy, một công cụ, cứ nạp năng lượng vào là hoạt động mà không cần quan tâm tới các nhu cầu tinh thần. Mặt khác, khi thoả thuận lao động, không chỉ căn cứ vào khả năng, tiềm lực của người lao động, hoàn cảnh của công ty, mà còn cần phải xét đến hoàn cảnh của người lao động (nguyên tắc Liên Đới), và hoạt động lao động đó ảnh hưởng tốt, xấu thế nào đến công ích, công thiện. 

Buổi hội thảo càng về cuối, lòng người càng háo hức, những cánh tay cứ đưa lên không ngớt, những câu hỏi, những thắc mắc về giáo huấn của Hội Thánh liên tục được đặt ra. Tiếc rằng thời gian đã khép lại. Cha Giuse xin hẹn tối hôm sau sẽ cùng nhau tìm hiểu để làm sáng tỏ GHXH là gì, đâu là những nguyên tắc, những giá trị căn bản của giáo huấn xã hội, và mục tiêu GHXH hướng đến là gì. 

Buổi hội thảo kết thúc trong lời Kinh Hoà Bình cảm tạ ơn Chúa. Mọi người ra về nhưng cứ quyến luyến chẳng muốn chia tay… 

Thế là đêm hội thảo đầu tiên kết thúc, mà niềm hồ hởi trong lòng người như vẫn còn lưu. Có thể nói buổi hội thảo mang lại kết quả nhiều hơn sự mong đợi. Một ngày làm việc cật lực đã trôi qua, đồng nghĩa với sự khép lại một phần ba hành trình của nhóm – một hành trình ngắn ngủi chưa đầy năm mươi giờ, nhưng nó đã cần đến hơn năm mươi ngày để chuẩn bị. 

Đêm khuya dần, nhưng chẳng ai muốn ngủ. Chúng tôi cùng nhau hàn huyên trên sân thượng tầng tám của toà nhà giáo xứ. Không gian nơi đây có gì đó rất đặc biệt: lắng trong và bình yên, gần gũi và chân tình. Trong ánh đêm mờ mờ dịu dàng, đám cây cảnh trông hiền lành như đang lặng yên ngắm sao. Chốc chốc, làn gió khuya se lạnh hơi sương lại xoạt qua vai khiến người ta muốn xích lại gần nhau hơn… Chung quanh chiếc bàn gỗ hình gốc cây, ba, bốn linh mục cùng sáu, bảy giáo dân thân thiết bên nhau. Ấm nước vối, mấy chiếc bánh Trung Thu càng thêm dài những suy tư thế sự, nước non… 

Sáng hôm ấy, 5h chúng tôi đã có mặt đầy đủ dưới sân để chuẩn bị về Châu Sơn hành hương. Trong chuyến đi này, ngoài anh em Sài Gòn, còn có một số anh em giáo dân Hà Nội, đặc biệt là ba bạn trẻ, rất trẻ, nhưng rất giỏi giang và thành đạt, lại vừa có ý thức quan tâm đến những vấn đề xã hội. Không ai bảo ai, nhưng mỗi người đều đến trước chân Đức Mẹ nguyện cầu, xin Mẹ chúc phúc cho chuyến đi được bình an, tốt lành. Khi xe chuyển bánh thì trời cũng bắt đầu mưa lâm râm. Được một lúc rôm rả nói cười, chúng tôi mỗi người một tư thế bắt đầu ngủ, có người ngáy khò khò bù lại cho buổi tối đêm qua. Khoảng 7h sáng, xe tấp vào quán bánh đa Cá Rô nổi tiếng dọc đường. Mùi bánh thơm phức, nóng hổi giữa tiết trời mưa gió lạnh lẽo làm chúng tôi tỉnh ngủ, bụng réo cồn cào. Và, dân Sài Thành được một bữa tấm tắc xuýt xoa trước món đặc sản lạ lẫm và ngon miệng này. 

Đúng 8h, chúng tôi có mặt tại Châu Sơn. Đức Tổng Giuse đã đón tiếp chúng tôi hết sức thân thiết và ân cần. Chúng tôi ngạc nhiên khi trong huấn từ và bài giảng lễ của Ngài, Ngài nói vanh vách các số, các chương của sách Tóm lược Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo (GHXH), chứng tỏ Ngài ưu tư và thao thức về GHXH biết bao nhiêu! Ngài khẳng định rằng: GHXH chính là con đường để xây dựng đất nước, xây dựng lại con người. Mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi, mà chúng tôi được dạy bảo thật nhiều. Ngài như người cha hiền của con cái gần xa. Ngài truyền cho chúng tôi cái thần, cái hồn của những gì là tinh tuý, cao đẹp nhưng dung dị của người môn đệ Chúa Ki-tô. Đến Châu Sơn, tất cả những muộn phiền, đau thương bên ngoài như gác lại, chúng tôi được tắm trong mạch nước ngầm của yêu thương và bình an. Có một sợi dây vô hình kết nối chúng tôi… 

Bữa cơm tiễn đưa cứ dùng dằng chẳng dứt. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phải lên đường vì thời gian không đủ để nấn ná thêm nữa. Chia tay Châu Sơn, chúng tôi hẹn ngày trở lại. Nhịp làm việc hối hả lại trở lại. Về đến Thái Hà, chúng tôi lại khẩn trương họp để duyệt lại chương trình cho buổi hội thảo thứ hai. Xong đâu đó, mọi người có 30 phút nghỉ ngơi trước giờ cơm chiều để đi vào công việc buổi tối. 

Nếu như ở đêm thứ nhất, với phương thức đặt ra các vấn đề xã hội rồi soi sáng bằng GHXH, hội thảo đã làm bật ra được câu trả lời tại sao phải học hỏi GHXH, thì đêm nay, hội thảo nhằm giúp mọi người có cái nhìn tổng quát về GHXH. Có thể khái quát nội dung chương trình gồm ba phần: 

1 – Cha Giuse nói về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người, sứ vụ của Giáo Hội ở trần thế, và giới thiệu chung về 4 nguyên tắc, 4 giá trị cơ bản của GHXH.

2 – Giáo dân chia sẻ trải nghiệm và những tâm đắc khi học và sống giáo huấn.

3 – Cử toạ đặt câu hỏi và chia sẻ ưu tư.

Sau lời chào hỏi và cầu nguyện, cha Giuse Nguyễn Thể Hiện – cũng là người dẫn và điều phối chương trình cho hai đêm hội thảo – một người rất được ơn ăn nói, với phong cách lúc dí dỏm, vui tươi, lúc trang trọng, tha thiết, ngài đã thật sự làm cả khán phòng xúc động khi được nhắc nhớ lại thân phận cao quý của con người, thân phận được làm con Thiên Chúa  và luôn được Ngài đặt trong kế hoạch yêu thương của Ngài. Tuy nhiên, chính vì chương đen tối của tội lỗi mà con người trở nên sa ngã, yếu đuối. Dẫu đã được rửa chuộc bằng giá Máu của Con Thiên Chúa, con người vẫn mỏng giòn và dễ bị tổn thương trước cám dỗ và sự dữ. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã trao cho Giáo Hội – hiền thê của Đức Ki-tô – mang sứ mệnh cứu độ giữa trần thế này. Và GHXH là cách thế mới để loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay. GHXH chính là sự gặp gỡ, giao hoà giữa Lời Chúa với đời sống con người và các thực tại xã hội. GHXH cung cấp cho chúng ta “NGUYÊN TẮC ĐỂ SUY TƯ, TIÊU CHUẨN ĐỂ PHÁN ĐOÁN, HƯỚNG DẪN ĐỂ HÀNH ĐỘNG”. Bốn nguyên tắc cơ bản ấy là: Nhân Vị (tôn trọng phẩm giá con người), Công Ích – Công Thiện, Liên Đới, Bổ Trợ. Và bốn giá trị cốt lõi mà GHXH hướng đến là: Công Lý, Chân Lý, Tự Do, Tình Yêu. Đây là bốn nguyên tắc và bốn giá trị nền tảng để xây dựng một xã hội hướng đến Văn Minh Tình Yêu, hướng đến sự phát triển toàn diện và phát triển bền vững. Đặt nền tảng trên mạc khải của Thánh Kinh về “sự thật trọn vẹn của con người” và “kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa”, sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo gần như đã đề cập đến tất cả các khía cạnh cơ bản của đời sống xã hội: con người và nhân quyền; gia đình; lao động; kinh tế; chính trị; văn hoá; giáo dục; môi trường, toàn cầu hoá… Nghĩa là GHXH đặt một tầm nhìn tổng quát từ góc độ cá vị đến gia đình, cộng đồng; từ những vấn đề quốc gia đến những vấn đề có tầm vóc quốc tế, toàn cầu. Như thế, GHXH trang bị cho mỗi người một kiến thức phổ quát để có thể nhận thức đúng đắn về con người, để khám phá những chiều kích nội tâm, và để nhận định, xử trí các vấn đề xã hội. 

Phần diễn giải của cha Giuse thật mạch lạc, lưu loát, và đầy sức thuyết phục.

Bước sang phần chia sẻ những trải nghiệm và tâm đắc của người giáo dân khi học hỏi và sống theo GHXH, những giáo dân Sài Gòn cũng đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị cho những anh chị em Hà Nội. Có thể rút tỉa được những kinh niệm quý giá sau:

  • GHXH giúp biến đổi lương tâm con người theo chiều hướng tích cực và giúp cải thiện xã hội thông qua việc thay đổi nhận thức, thay đổi cách phán đoán và hành động.
  • GHXH cũng thúc đẩy lương tâm mỗi người phải công bố Tin Mừng cứu độ của Chúa, trong đó hàm chứa những giá trị sống hợp với luân lý tự nhiên của con người, đồng thời phải tố cáo những điều sai trái, nghịch lý, chống lại quyền con người, bởi con người phải được đặt ở vị trí ưu tiên của mọi hoạt động kinh tế, chính trị, lao động…
  • Không dừng lại ở việc công bố và tố cáo, GHXH còn soi sáng cho ta đưa ra những đề nghị thích hợp để phát triển toàn diện con người và cải thiện những thực tại xã hội.
  • GHXH còn thúc đẩy người tín hữu giáo dân cũng như những người thành tâm thiện chí dám dấn thân sống chứng nhân cho sự thật, công lý và hoà bình.

Bước sang phần cử toạ đặt câu hỏi và nêu ưu tư, hội trường như đã được đốt nóng từ đầu buổi hội thảo cho đến bây giờ mới có dịp bùng lên ngọn lửa. Những bức xúc, thao thức, thắc mắc được nêu lên. Các câu hỏi tựu trung lại xoay quanh một ưu tư: Làm sao tiếp cận được GHXH? Ai sẽ dạy và dạy ở đâu? Nghe cha và anh em Sài Gòn chia sẻ về GHXH rất sống động và thiết thực, nhưng thực tế khi cầm cuốn Tóm Lược TLHT lên đọc thì không hiểu nổi, ngôn từ hàn lâm quá, có người đọc chưa đến hai trang đã ngủ gật rồi, khó quá!

Đó là một thực tế và là một trở ngại trong việc hỏi hỏi và phổ biến GHXH. Những ưu tư đó đè nặng lên chúng tôi, và có lẽ cũng làm nặng lòng Giáo Hội. Làm sao để GHXH có thể đến được với mọi người với ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, dễ thực hành? Phải hiểu, phải hấp thu được trước thì mới nói đến chuyện GHXH đi vào đời sống, biến đổi lương tâm, thay đổi hành động được. GHXH như một viên ngọc quý lấp lánh, nhưng không phải chỉ để ngắm nhìn, nhưng phải trở nên cơm bánh, trở nên lương thực. Thiết nghĩ trách nhiệm đó thuộc về mọi thành phần Giáo Hội trong sự cộng tác, liên đới, bổ trợ theo phẩm trật, chức trách, năng lực và lòng nhiệt thành.

Buổi hội thảo khép lại trong một tâm tình như thế. Có thể gọi đó là thành công? Ngọn lửa đã được thắp lên, có thể âm ỉ, có thể bùng cháy nhưng cũng có thể lụi tàn – tuỳ thuộc sự thúc đẩy trong lương tâm và nhiệt thành của mỗi người, và cũng tuỳ thuộc nơi ấy có được tạo điều kiện, có được quan tâm, nâng đỡ. Và chắn chắc, ngọn lửa ấy cũng không thể cháy được nếu không có Ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, cũng như không được nuôi dưỡng trong một tâm tình khiêm nhu cầu nguyện và yêu chuộng hoà bình.

Chú thích:

(1): Xc GHXHCG các số 417 và 418.

(2): Xc GHXHCG chương III và chương VI.