Dân Thái phản đối nắn dòng Mê Kông
20 tổ chức đại diện người dân địa phương Thái Lan ra tuyên bố phản đối việc nắn dòng Mê Kông đoạn giữa Thái Lan và Lào tại tỉnh Chiang Rai.
Dân Thái phản đối nắn dòng Mê Kông
20 tổ chức đại diện người dân địa phương Thái Lan ra tuyên bố phản đối việc nắn dòng Mê Kông đoạn giữa Thái Lan và Lào tại tỉnh Chiang Rai.
heo The Nation, nội các Thái Lan ngày 27.12 đã đồng ý về nguyên tắc với kế hoạch quốc tế giai đoạn 2015 – 2025 về việc cải tạo sông Lan Thương – Mê Kông để cho phép những tàu hàng 500 tấn có thể lưu thông từ Trung Quốc đến Luang Prabang (Lào). Tuy nhiên quyết định này của nội các vấp phải sự phản đối quyết liệt.
20 tổ chức, bao gồm Mạng lưới nhân dân Thái Lan tại 8 tỉnh sông Mê Kông và liên minh các tổ chức cộng đồng tại lưu vực sông Mê Kông, đã cùng ký một bản tuyên bố chung phản đối và nhấn mạnh đây là quyết định rất sai lầm vì dự án tiềm ẩn nguy cơ cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và hệ sinh thái sông. Tuyên bố chung nhấn mạnh nếu dự án này tiếp tục, không chỉ lãnh thổ bị xâm phạm mà vạt rừng rộng lớn cũng sẽ bị mất.
Ông Jirasak Intayot, điều phối viên Tổ chức Rak Chiang Khong, khẳng định: “Việc nắn dòng, phá hủy thác ghềnh sẽ thay đổi dòng chảy và làm xói mòn bờ sông. Sông Mê Kông là một phần của biên giới Thái Lan – Lào và thay đổi con sông này cũng sẽ làm thay đổi biên giới”, ông nói.
Hiến pháp Thái Lan quy định rằng bất kỳ dự án nào ảnh hưởng đến biên giới quốc gia phải được quốc hội chuẩn thuận. Và quyết định lần này của nội các chưa được quốc hội thảo luận, vì vậy nó có thể vi hiến.
Phá hủy hệ sinh thái
Theo quyết định của nội các Thái Lan, kế hoạch trên là một phần của Hiệp định Về lưu thông thương mại trên dòng Lan Thương – Mê Kông giữa bốn nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc nhằm cải thiện và phát triển giao thông thương mại trên sông Mê Kông.
Theo The Nation, tuy sẽ được thực hiện trên dòng chính của sông Mê Kông, nhưng thoả thuận này chỉ giữa 4 nước nói trên mà không bao gồm Campuchia và Việt Nam, dù 2 nước này cũng là thành viên Uỷ hội Sông Mê Kông (MRC). Đây là một sự vi phạm các thỏa thuận MRC và các quy định về quản lý sông quốc tế.
“Người dân yêu cầu chính phủ Thái Lan kết thúc dự án này ngay lập tức để bảo vệ lãnh thổ đất nước và bảo tồn hệ sinh thái quý giá của sông Mê Kông”, bản tuyên bố chung kết luận. Các tổ chức ký tên cũng yêu cầu chính phủ phải công khai ngay lập tức mọi thỏa thuận kín với Trung Quốc nếu có.
Trong khi đó, ông Niwat Roikaew – Chủ tịch Tổ chức Rak Chiang Khong, cảnh báo việc phá hủy các thác ghềnh trên sông Mê Kông sẽ dẫn đến phá huỷ môi trường sống và sinh sản của các sinh vật bản địa, đặc biệt đe doạ đến loài cá tra dầu khổng lồ quý hiếm sông Mê Kông. “Dự án này không chỉ phá huỷ hệ sinh thái đa dạng của dòng sông, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống người dân phụ thuộc vào con sông, tiêu diệt sinh kế truyền thống của họ”, ông nói.
Bà Pianporn Deetes, Giám đốc truyền thông Tổ chức Sông ngòi quốc tế, nói với Thanh Niên: “Với sáu đập trên thượng nguồn ở Vân Nam (Trung Quốc), đập thứ ba được xây dựng tại Pak Beng (Lào), 4 quốc gia thượng nguồn muốn nắn dòng Mê Kông… Rõ ràng là không có cơ chế xuyên quốc gia nào để quản lý Mê Kông như một con sông chung. Vì vậy, việc hình thành một khung pháp lý và những ràng buộc xuyên lãnh thổ là rất cấp thiết”.
L.Yên
(VP Bangkok)