23/01/2025

‘Ngôi sao chết’ thời Chiến tranh lạnh

Trong lúc ráo riết chạy đua đến mặt trăng, Liên Xô đã trang bị vũ khí cho trạm không gian Almaz để đối phó một chương trình bí mật của Mỹ.

 

‘Ngôi sao chết’ thời Chiến tranh lạnh

Trong lúc ráo riết chạy đua đến mặt trăng, Liên Xô đã trang bị vũ khí cho trạm không gian Almaz để đối phó một chương trình bí mật của Mỹ.




Phác họa trạm MOL, vốn chưa bao giờ lên không gian /// NRO

Phác hoạ trạm MOL, vốn chưa bao giờ lên không gianNRO

Vào cuối năm 1968, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tàu không gian Apollo 8 lên quỹ đạo. Kết quả là bộ ba phi hành gia trên tàu trở thành những người đầu tiên rời khỏi quỹ đạo trái đất để bay vòng quanh mặt trăng vào đêm Giáng sinh. Khi trở về, các phi hành gia Frank Borman, James Lovell, William Anders được chào đón như những người hùng. Tuy nhiên có một điều ít ai biết đến là vào thời điểm đó NASA cũng bí mật huấn luyện một nhóm nhà du hành vũ trụ khác, hoàn toàn không lộ diện trước công chúng.
Quân sự hoá không gian
 
 
Theo thống kê của tờ Foreign Policy,Mỹ hiện sở hữu 568 trong tổng số 1.300 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo. Khoảng 120 trong số này là vệ tinh quân sự hoặc tình báo, hơn gấp đôi so với cả Trung Quốc và Nga gộp lại. Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực đưa ra Thỏa thuận mặt trăng năm 1979, với quy định cấm hoạt động quân sự hoá mặt trăng và các thiên thể khác, nhưng không được ba cường quốc không gian là Mỹ, Nga, Trung Quốc thông qua.
Vào năm 2008, Trung Quốc và Nga đưa ra đề xuất cấm những cuộc đua quân sự trên không gian, và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối cùng cũng thông qua một phiên bản của đề xuất hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên Mỹ cho rằng thoả thuận này vẫn có lỗ hổng nên từ chối ký tên.
 

Một trong những người tham gia chương trình bí mật đó là phó đô đốc về hưu Richard Truly, cũng là phi hành gia đầu tiên trở thành Giám đốc NASA từ 1989 đến 1992. Chi tiết về chương trình có tên gọi Phòng thí nghiệm có người trên quỹ đạo (MOL), do Không quân Mỹ (USAF) và Cơ quan Do thám quốc gia (NRO) điều hành, đã được giải mật hồi năm ngoái.

Dự án được triển khai từ năm 1963 đến 1969 với mục tiêu theo dõi và cản trở các hoạt động không gian của Liên Xô. Theo hồ sơ được giải mật, một trong các trách nhiệm của MOL là nghiên cứu khả năng đánh bật vệ tinh của Moscow ra khỏi quỹ đạo bằng công cụ động lực học hoặc phóng các đầu đạn về phía mục tiêu. Chương trình còn bao gồm kế hoạch tóm lấy tàu du hành của đối phương trên quỹ đạo, dùng vật liệu chắn nhiệt bọc con tàu và gửi về trái đất để nghiên cứu.
Tuy nhiên bất chấp nỗ lực giữ MOL trong vòng bí mật, Liên Xô bằng cách nào đó vẫn phát hiện được ý đồ của đối thủ. Trên thực tế, Moscow đã trang bị pháo tự động cho trạm không gian của nước này là Almaz, theo tổng công trình sư của dự án Vladimir Polyachenko. Nếu một phi thuyền Mỹ có âm mưu “dò xét hoặc thậm chí tấn công Almaz, chúng tôi có thể phá huỷ nó”, theo Đài PBS dẫn lời ông Polyachenko vào năm 2007.
Ông cũng cho biết vào năm 1975, các phi hành gia trên trạm không gian đã bắn thử khẩu pháo, biến Liên Xô thành quốc gia đầu tiên vũ khí hoá trạm không gian. Do vậy, giới chuyên gia vũ khí sau này đã đặt biệt danh “Ngôi sao chết” cho Almaz, theo tên loại vũ khí hủy diệt trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao.
'Ngôi sao chết' thời Chiến tranh lạnh - ảnh 1

Trạm không gian Almaz của Liên Xô, tại khu trưng bày của tập đoàn NGO (Nga)A3AVIA

Vì thiếu hụt ngân sách, chương trình MOL của Washington chưa bao giờ được đưa lên bệ phóng. Nhiều phi hành gia bị chuyển sang chương trình tàu con thoi của NASA, nhưng vẫn thuộc mảng hoạt động bí mật do USAF và NRO điều hành. Kể từ năm 1982 đến 1992, tổng cộng 11 sứ mệnh tàu con thoi đã được triển khai và hiện vẫn còn thuộc diện được bảo mật tuyệt đối.
Theo Foreign Policy, do được đặt dưới trướng USAF, nên không khó để đoán được mục tiêu ưu tiên của chương trình là phá huỷ vệ tinh đối phương. Ví dụ, vào năm 1985, một phi công F-15 đã khai hỏa tên lửa vào một vệ tinh hỏng của Mỹ ở quỹ đạo thấp của địa cầu. Đây cũng là lần đầu tiên một nước dùng vũ khí phá hủy vệ tinh. Phải mất 22 năm sau, vào năm 2007, Trung Quốc mới làm được điều tương tự và lập tức Mỹ cũng chẳng chịu thua kém khi liên tục bắn hạ các vệ tinh hỏng khác trong năm kế tiếp. Lúc đó, một số người có thể cho rằng cuộc chạy đua không gian lại tái diễn. Tuy nhiên tài liệu giải mật của NRO cho thấy đường đua này chưa từng bị gián đoạn.
Chương trình trong bóng tối
Theo tiết lộ của phía Mỹ, ngay từ ban đầu, chương trình Kỷ nguyên không gian bao gồm hai phần hết sức khác biệt: một phần được công khai, do NASA thực hiện, theo đuổi nhiệm vụ thám hiểm vũ trụ; và phần còn lại luôn ẩn trong bóng tối, được Lầu Năm Góc triển khai với mục tiêu quân sự hoá vũ trụ. Ngày nay, NASA không còn tàu con thoi, phải chi tiền cho Nga để “quá giang” lên Trạm không gian quốc tế (ISS), và đau đầu với các hạn chế về ngân sách. Thế nhưng tình trạng này vẫn không ngăn Washington tiếp tục mở rộng chương trình không gian bí mật: gửi phương tiện bay lên quỹ đạo và phát triển các vệ tinh có năng lực tấn công.
Vào năm 2001, một uỷ ban đưa ra đề xuất với nội dung Washington phải tích cực theo đuổi các năng lực trên, nhằm đảm bảo rằng “tổng thống Mỹ sẽ có thể điều động vũ khí trên không gian”. Một năm sau đó, tổng thống George W.Bush rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Nga. Đến năm 2004, Bộ trưởng Không quân James Roche công bố văn bản hệ thống hóa các chính sách chiến tranh trên quỹ đạo, kêu gọi xây dựng “ưu thế không gian”, vốn được định nghĩa là “tùy nghi tấn công mà không sợ bị tấn công”.
Tuy cam kết vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất rằng sẽ không quân sự hóa không gian, nhưng Tổng thống Barack Obama sau đó vẫn thông qua các vụ phóng vệ tinh quân sự với mục tiêu kép là thu thập thông tin lẫn thử nghiệm nền tảng vũ khí. Gần đây hơn, vào tháng 6.2016, tướng John E.Hyten, chỉ huy Bộ tư lệnh Không gian của USAF, đã công bố sách trắng nhắc lại tình thế cấp bách trong việc thiết lập “một lực lượng đủ sức giành được ưu thế không gian”.
Một cách tình cờ, thiết bị thử nghiệm trên quỹ đạo X-37B (USAF hiện sở hữu hai chiếc) vẫn đang bay quanh địa cầu. Được phóng lần đầu tiên vào năm 2010, máy bay không người lái này có thể hoạt động trên quỹ đạo tối đa 2 năm sau mỗi lần phóng. Dù USAF từ chối tiết lộ các sứ mệnh của X-37B, thiết kế con tàu hết sức tương đồng về mặt kích thước, hình dáng và năng lực với con tàu X-20 Dyna-Soar từ thập niên 1960. X-20 được thiết kế dành cho một người lái với mục tiêu khai hoả vũ khí hạt nhân từ không gian. Thái độ bí ẩn của Washington đã khiến các bên quan ngại, đặc biệt là Trung Quốc luôn đặt nghi vấn rằng X-37B là phiên bản hoàn thiện hơn của X-20.
Vào giữa năm nay, Bắc Kinh quyết định trình làng tàu không gian và cũng ra vẻ bí ẩn không kém. Nó được thiết kế với cánh tay cơ khí duỗi dài, mục tiêu công khai là gom rác trên quỹ đạo. Tuy nhiên một số người lại thiên về ý kiến đây là công cụ dùng để vô hiệu hoá hoặc phá huỷ các vệ tinh của Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột. Một điều hiển nhiên là ngày càng có nhiều vệ tinh trên quỹ đạo, nguy cơ va chạm giữa những vật thể này càng lớn, và một sự cố trên không gian nếu xử lý không khéo sẽ dễ bị diễn dịch thành động thái khiêu khích hoặc tệ hơn nữa là hành động gây chiến. 

 

Thụy Miên