22/01/2025

Hưởng nếm ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh

VATICAN – ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người hưởng nếm ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh bằng cách chiêm ngắm dấu chỉ sự đơn sơ giòn mỏng, khiêm tốn và yêu thương hiền dịu của một trẻ sơ sinh. ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng Thánh lễ Giáng Sinh cử hành trong Đền thờ Thánh Phêrô tối hôm qua.

 Hưởng nếm ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh

 

 

 

VATICAN – ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người hưởng nếm ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh bằng cách chiêm ngắm dấu chỉ sự đơn sơ giòn mỏng, khiêm tốn và yêu thương hiền dịu của một trẻ sơ sinh.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng Thánh lễ Giáng Sinh cử hành trong Đền thờ Thánh Phêrô tối hôm qua. Ân huệ của Thiên Chúa đã xuất hiện cho chúng ta đó là Hài Nhi Giêsu, tình yêu nhập thể của Thiên Chúa. Đêm Giáng Sinh là một đêm vinh quang và an vui, vì từ nay và cho đến luôn mãi Thiên Chúa chúng ta, Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Vô Tận, là Thiên Chúa ở với chúng ta: Ngài không xa cách, chúng ta không phải tìm kiếm Ngài trong các quỹ đạo trên bầu trời hay trong một ý tưởng thần bí. Ngài ở gần, ngài đã làm người, và sẽ không bao giờ tách rời khỏi nhân loại nữa, đã trở thành của Ngài. Đó là một đêm ánh sáng chiếu soi những ai đi trong tối tăm, ánh sáng đã hiện ra và bao trùm các mục đồng Bếtlêhem. Các mục đồng khám phá ra rằng “một trẻ em đã sinh ra cho chúng ta”, và họ hiểu rằng tất cả vinh quang, tất cả niềm vui và tất cả ánh sáng đó tập trung vào một dấu chỉ thiên thần đã chỉ cho họ: “Các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ em quấn tã nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12).

Đây luôn luôn là dấu chỉ để tìm thấy Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không sinh ra trong lâu đài vua chúa, trong các hào nhoáng bề ngoài, hay trong quyền bính, nhưng trong sự nghèo nàn của một hang bò lừa, trong cái đơn sơ của cuộc sống, trong cái bé nhỏ gây kinh ngạc. Và để gặp được Ngài cần phải đi tới đó, nơi Ngài ở: cần phải cúi mình xuống, phải trở thành nhỏ bé. Hài Nhi giáng sinh gọi hỏi chúng ta: Ngài kêu mời chúng ta tử bỏ các ảo ảnh phù vân để tiến tới điều nòng cốt, khước từ các yêu sách không thể thoả mãn, vất bỏ đi sự bất mãn đời đời và nỗi buồn vì có cái gì đó sẽ luôn luôn thiếu trong cuộc sống. Thật là tốt bỏ đi các điều ấy để tìm lại hoà bình, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong sự đơn sơ của Thiên Chúa Hài Nhi.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói: Chúng ta hãy để cho Hài Nhi nằm trong máng cỏ gọi hỏi, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em ngày nay không nằm trong một chiếc nôi và được tình yêu thương của một bà mẹ và một người cha vuốt ve, nhưng nằm trong các “máng cỏ phẩm giá tối tăm”: trong hầm trú dưới lòng đất để tránh bom đạn, trên vỉa hè của một thành phố lớn, dưới lòng một con thuyền đầy người di cư. Chúng ta hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em không được sinh ra, bởi các trẻ em khóc vì khống có ai thoả mãn cái đói khát của chúng, bởi các trẻ em trong tay không cầm đồ chơi nhưng cầm khí giới…

Mầu nhiệm Giáng sinh là mầu nhiệm của niềm hy vọng và của buồn thương. Nó đem theo mùi vị của sự buồn sầu, vì tình yêu không được đón nhận, sự sống bị gạt bỏ. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã tìm thấy các cửa nhà đóng kín, nên đã phải đặt Chúa Giêsu nằm trong một máng cỏ, “vì không có chỗ trọ cho các ngài” (c. 7). Chúa Giêsu sinh ra đã bị vài người khước từ và nhiều người khác thờ ơ. Cả ngày nay nữa cũng có thể có cùng sự dửng dưng ấy, khi Lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ, trong đó các tác nhân là chúng ta, thay vì là Chúa, khi các ánh sáng của thương mại ném vào trong bóng tối ánh sáng của Thiên Chúa; khi chúng ta mệt nhọc vì quà tặng và vô cảm đối với ai bị gạt bỏ ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên, Giáng Sinh có một mùi vị của niềm hy vọng, bởi vì cho dù các bóng tối của chúng ta, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn  rạng ngời. Ánh sáng dễ thương của Ngài không khiến cho sợ hãi: Thiên Chúa si mê chúng ta, lôi kéo chúng ta với sự hiền dịu của Ngài, khi sinh ra nghèo nàn và giòn mỏng giữa chúng ta, như một người trong chúng ta. Ngài sinh ra tại Bếtlekhem, có nghĩa là “nhà của bánh”. Xem ra Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài sinh ra như bánh cho chúng ta; Ngài đến để ban cho chúng ta sự sống của Ngài; ngài đến trong thế giới chúng ta để đem đến cho chúng ta tình yêu của Ngài. Ngài không đến để ngấu nghiến và chỉ huy, nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Có một sợi dây trực tiếp nối liền máng cỏ và thập giá, nơi Chúa Giêsu sẽ là bánh bị bẻ ra: đó là sợi dây trực tiếp của tình yêu tự trao ban và cứu rỗi chúng ta, ban ánh sáng cho cuộc sống  chúng ta, ban hoà bình cho con tim chúng ta. Các mục đồng là những nguời bị gạt bỏ ngoài lề xã hội đã hiểu điều đó trong đêm Giáng Sinh… Chúng ta hãy cùng họ bước vào trong Lễ Giáng Sinh đích thực; chúng ta hãy đem đến cho Chúa Giêsu điều chúng ta là, các gạt bỏ bên lề, các vết thương không lành của chúng ta. Và như thế trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ nếm hưởng được tinh thần đích thực của Giáng Sinh: vẻ đẹp được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, chúng ta đứng trước màng cỏ, trước Chúa Giêsu sinh ra như bánh cho cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu khiêm tốn vô biên của Ngài, và nói với Ngài tiếng cám ơn: cám ơn vì đã làm tất cả những điều đó vì con. (SD 24-12-2016).

 
 

Linh Tiến Khải