22/12/2024

Chương 5 cuốn Docat: Gia đình là nền móng của Xã hội

Vì sao gia đình là tế bào căn bản của xã hội; gia đình làm nên thành tựu gì cho xã hội; lý do tại sao lối sống trong gia đình bị phơi nhiễm trầm trọng trước các mối nguy hiểm (và không chỉ ngày nay), và tại sao đời sống gia đình, vì thế, cần phải được bảo vệ đặc biệt.

 NB: Chúng tôi giới thiệu bản dịch và mong các bạn góp ý cho bản dịch được tốt đẹp hơn trước khi in thành sách. Mọi ý kiến xin gửi về email: [email protected]. Chân thành cảm ơn các bạn. Chúc các bạn một mùa Giáng Sinh tràn đầy ơn Chúa để trở thành hiện thân của Đấng Emmanuel cho con người hôm nay.

Chương 5 cuốn Docat:

Gia đình là nền móng của Xã hội 

Câu hỏi 112-133

Với sự cộng tác của Ursula Nothelle-Wildfeuer và Elisabeth Zschiedrich

Vì sao gia đình là tế bào căn bản của xã hội; gia đình làm nên thành tựu gì cho xã hội; lý do tại sao lối sống trong gia đình bị phơi nhiễm trầm trọng trước các mối nguy hiểm (và không chỉ ngày nay), và tại sao đời sống gia đình, vì thế, cần phải được bảo vệ đặc biệt

 

&

Con người ở một mình thì không tốt.

St 2,18

 

Ý nghĩa của Gia đình (FAMILY):

Father

And

Mother,

I

Love

You

 

 

112 Vì sao Thiên Chúa muốn chúng ta cùng chung sống trong gia đình?

Chúa không muốn mỗi người sống cô độc; Ngài tạo dựng chúng ta là những sinh vật có xã hội tính. Do đó, con người tự bản chất được tạo dựng để sống hiệp thông (trong gia đình). Chúng ta thấy rõ điều này trong những trang Kinh Thánh đầu tiên của trình thuật tạo dựng: Đức Chúa đặt Eva cạnh Ađam để làm bạn đồng hành. “Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng… Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra… làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: ‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi’” (St 2,20-23).

Ü 209 è 1877-1880 ð 321

V Nazareth dạy chúng ta ý nghĩa của đời sống gia đình, sự hoà hợp trong tình yêu thương, tính đơn sơ và vẻ đẹp chân phương, đặc tính linh thiêng và bất khả xâm phạm; Nazareth chochúng ta biết sự giáo huấn trong gia đình dịu dàng và không thể thay thế ra sao, vai trò của gia đình không thể sánh được và quan trọng thế nào trên bình diện xã hội.

Giáo hoàng Phaolô VI, Bài giảng tại Nazareth, 1964

& Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất”.

St 1,28

113 Trong Kinh Thánh, gia đình có ý nghĩa gì?

Kinh Thánh thường đề cập đến đời sống gia đình. Trong Cựu Ước, các bậc cha mẹ được yêu cầu phải truyền lại cho con cái kinh nghiệm về tình yêu thương và lòng trung tín của Đức Chúa, và truyền đạt cho chúng biết lẽ khôn ngoan quan trọng bậc nhất và trên hết. Tân Ước cũng kể lại rằng cả Đức Giêsu cũng đã được sinh vào một gia đình cụ thể. Cha mẹ Ngài đã nuôi Ngài khôn lớn trong môi trường gia đình đầy tình thương và lòng yêu mến. Sự việc Thiên Chúa đã tìm một gia đình hoàn toàn “bình thường” để sinh ra làm người và lớn lên, khiến cho gia đình trở thành một nơi đặc biệt của Thiên Chúa, và mang lạigiá trị độc nhất vô song cho gia đình như một cộng đồng nhỏ.

Ü 210 è 531-534 ð 68

Điều đầu tiên con người tìm thấy trong đời, điều cuối cùng con người giơ tay với tới, điều quý giá nhất người ấy có trong cuộc sống, chính là gia đình.

Adolph Kolping (1813-1865), linh mục Công giáo người Đức, tranh đấu cho quyền lợi của công nhân và thợ thủ công

114 Giáo Hội đánh giá gia đình như thế nào?

Giáo Hội xem gia đình là cộng đồng tự nhiên đầu tiên và quan trọng nhất. Gia đình có những quyền lợi đặc biệt, và là trọng tâm của đời sống xã hội. Xét cho cùng, đó là nơi đời sống con người bắt đầu và những mối quan hệ đầu tiên giữa người với người phát triển. Gia đình là nền móng của xã hội; mọi sự sắp đặt trong xã hội đều bắt nguồn từ gia đình. Vì tầm quan trọng lớn lao như vậy của gia đình, nên Giáo Hội xem gia đình như được hình thành trên nền tảng linh thiêng.

Ü 211 è 2207, 2226-2227 ð 271, 273

V Giáo Hội không phải là một tổ chức văn hoá… mà Giáo Hội là gia đình của Đức Giêsu.

Giáo hoàng Phanxicô, 1/6/2013

 

Đời sống của cha mẹ là quyển sách mà con cái họ đang đọc.

Thánh Augustinô (354-430)

 

 

V Yêu thương nghĩa là cho và nhận điều gì không thể mua bán, mà chỉ có thể được trao tặng cho nhau một cách tự do.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, (1920-2005), Thư gửi các Gia đình, 1994

 

 

115 Gia đình có gì đặc biệt?

Tôi được yêu thương vô điều kiện: đó là trải nghiệm không thể thay thế mà người ta có khi sống trong một gia đình đúng nghĩa. Những thế hệ khác nhau sống bên nhau và cảm nhận được tình yêu thương, đoàn kết, thái độ trân trọng, tận tâm không nhuốm màu ích kỷ, sự nâng đỡ, và công bằng. Mỗi thành viên trong gia đình được những thành viên còn lại nhìn nhận, chấp nhận, và tôn trọng, chỉ vì phẩm giá của người ấy, chứ không phải vì người ấy đã phải làm gì mới xứng đáng được trân trọng. Mỗi người được yêu thương, theo đúng như bản tính của mình. Mỗi người không phải là phương tiện để đạt mục đích nào đó của ai khác, nhưng là cùng đích nơi chính mình. Kết quả là, trong gia đình, nền văn hoá sự sống hình thành, thế nhưng nền văn hoá này ngày nay lại trở thành hiếm hoi chứ không còn là một điều hiển nhiên nơi mỗi gia đình nữa. Thường thường hiện nay, vấn đề chính lại là một người có thể làm gì, hay có thể đóng góp được gì (ví dụ, tiền bạc). Người ta thường tập trung trước hết và nhiều nhất vào những thứ vật chất. Kiểu suy nghĩ này thách thức và thậm chí còn thường phá hoại các gia đình.

Ü 221 è 2207-2208 ð 369

Gia đình tôi gắn bó khăng khít đến mức đôi khi tôi có cảm giác chúng tôi là bốn phần trong cùng một thân thể.

Henry Ford (1863-1947), nhà công nghiệp người Mỹ, nhà sáng lập công ty xe hơi Ford Motor

 

Bạn cần sống nghiêm túc ra sao để khỏi xấu hổ nếu phải bán con vẹt nhà mình cho mục chuyện phiếm của cả phố!

Will Rogers (1897-1935), diễn giả hài, và diễn viên

 

V Hạ bậc gia đình xuống thứ hạng phụ trợ hay vai trò hạng hai, loại trừ gia đình khỏi vị trí xứng đáng trong xã hội, sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng lên sự phát triển đúng nghĩa của cả xã hội.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, (1920-2005), Thư gửi các Gia đình, 1994

116 Liệu hai tiếng “gia đình” có còn phù hợp với xã hội hiện đại không?

Vẫn còn. Thông thường, trong những xã hội hiện đại, không còn có những niềm tin tôn giáo và luân lý được đại đa số cùng chia sẻ. Hơn nữa, thế giới ngày càng trở nên hết sức phức tạp. Mỗi lĩnh vực của thực tại hoạt động theo quy luật riêng của nó. Điều này cũng tác động lên gia đình. Giáo Hội quan tâm đến lợi ích và phẩm giá của mỗi cá nhân. Chính lợi ích và phẩm giá của mỗi ngườikết nối tất cả các lĩnh vực lại với nhau. Không đâu trẻ em được nuôi dạy tốt hơn trong cái nôi văn hoá của đời sống gia đình dựa trên lý tưởng cao quý và những mối liên hệ tốt đẹp. Ở đây, các cá nhân có thể bày tỏ và học hỏisự thật rằngthái độ tôn trọng, sự công bằng, đối thoại, và tình yêu là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác để có thể chung sống hạnh phúc với nhau. Do đó, gia đình không chỉ là một thể chế sáp nhập vào xã hội hiện đại, mà thật sự là trung tâm giúp cho con người được hội nhập vào xã hội mình sống. Gia đình là nguồn gốc của những điều kiện tiên quyết cần thiết về xã hội và con người để xây dựng Quốc gia và những lĩnh vực khác nhau trong xã hội (ví dụ, kinh tế, chính trị, văn hoá).

Ü 222, 223 è 2207, 2208 ð 369

Những con người lành mạnh cần một tuổi thơ hạnh phúc.

Astrid Lindgren (1907-2002), nhà văn Thuỵ Điển chuyên viết sách cho trẻ em

 

 

 

 

 

 

117 Gia đình làm gì cho mỗi cá nhân?

Trải nghiệm về gia đình là vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân. Lý tưởng là, gia đình vừa là nơi một người sinh ra và cũng là nơi người đó lớn lên. Trong gia đình, đứa trẻ lần đầu tiên cảm nghiệm được tình hiệp thông với người khác, những người theo tính tự nhiên mong ước cho em điều tốt đẹp, thương yêu em hết lòng, và trân trọng em. Trong một môi trường tích cực như thế, mỗi thành viên có thể phát huy các năng lực và đạt được sức mạnh để đối phó với bất cứ điều gì mà cuộc đời có thể mang lại. Đó chính là mục đích của nền giáo dục dựa trên quan điểm Kitô giáo về con người. Đồng thời, mỗi cá thể trong gia đình cũng hiểu thế nào là lãnh nhận trách nhiệm, vì các thành viên trong gia đình không thể chỉ sống riêng cho bản thân mình. Theo đó, mỗi vai trò, dù là của cha mẹ, ông bà, hay con cháu, luôn luôn có nghĩa vụ phải thi hành đối với các thành viên còn lại trong gia đình.

Ü 212, 221 è 2224-2230 ð 371, 372

Chơi đùa cần phải được xem như ‘công việc’ quan trọng nhất của trẻ em.

Michel de Montaigne (1533-1592), triết gia và nhà viết tiểu luận người Pháp

& Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

Xh 20,12

 

V Tình yêu thương của cha mẹ vừa là nguồn mạch, vừa là nguyên lý sống động truyền cảm hứng và cũng là chuẩn mực soi sáng và hướng dẫn tất cả các hoạt động giáo dục cụ thể, làm cho việc giáo huấn trở nên phong phú với những giá trị của lòng tốt, lòng chung thuỷ, sự phục vụ, tính vô vị lợi, và đức hy sinh. Đấy là hoa quả quý giá nhất của tình yêu.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, (1920-2005), Tông huấn Familiaris Consortio 36

 

Người mẹ là người duy nhất trên đời mà đã yêu thương bạn trước khi thấy mặt bạn.

Johann Heinrich Pestalozzi (1746-1827), giáo viên người Thuỵ

 

Đương nhiên con cái phải kính trọng cha mẹ, nhưng dĩ nhiên cha mẹ cũng cần tôn trọng con cái. Không bao giờ được lạm dụng thế bề trên tự nhiên mà có của mình. Không bao giờ được dùng bạo lực!

Astrid Lindgren (1907-2002)

118 Có phải gia đình cũng đóng góp điều gì đó cho xã hội?

Vâng, mọi điều gia đình thực hiện cho chính mình cho các thành viên trong nội bộ gia đình thì cũng liên quan đến xã hội. Suy cho cùng, một xã hội chỉ phồn vinh nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp đối với các cá nhân trong xã hội, nếu họ cảm thấy được trân trọng và yêu mến. Trong gia đình, người ta học được cách đối xử cho và nhận nhờ hy sinh và chấp nhận, đó là cách đối xử hoàn toàn khác với kiểu đổi chác mua bán của cơ chế thị trường. Cũng thế, việc các cá nhân học biết trong gia đình ý nghĩa của trách nhiệm và liên đới sẽ có lợi cho xã hội: một người chứng tỏ mình có trách nhiệm và biết tương trợ “trong những việc nhỏ” sẽ có thể làm như thế “trong những việc lớn”. Ở đâu người ta học biết tận tâm với người nghèo, bệnh nhân, hay người già yếu tốt hơn nếu không phải là ngay trong gia đình? Ở đâu người ta hiểu rõ hơn tình cảnh của người cô độc, tuyệt vọng, hay bị bỏ rơi nếu không phải là gia đình? Làm sao người ta có thể trở nên nhạy cảm với các vấn đề nan giải trong cấu trúc xã hội nếu gia đình của người ấy không làm gương? Như vậy, ta thấy gia đình góp một phần đáng giá, không thể thay thế, đối với việc “nhân đạo hoá xã hội” (C. Kissling).

Ü 213, 246 è 2207-2211 ð 369, 370

 

 

Những đứa trẻ không được yêu thương sẽ trưởng thành mà không thể yêu thương.

Pearl S. Buck (1892-1973. Văn sĩ Hoa Kỳ được giải Nobel Văn chương

Điểm chính là đưa phụ nữ tham gia vào lao động sản xuất trong xã hội, giải phóng họ khỏi “cảnh nô lệ tại gia”, giải thoát họ khỏi tình trạng nô dịch nhục nhã và mê muội của công việc bếp núc và làm vú em kéo dài bất tận.

Sự huỷ bỏ cấu trúc gia đình truyền thống được cổ vũ mạnh mẽ bởi các Đảng viên Cộng sản, và của Vladimir I. Lenin (1879-1924), nhà chính trị, cách mạng Nga. Đoạn trên trích từ “The Tasks of the Working Women’s Movement” [“Những Nhiệm vụ trong Phong trào của Giới Phụ nữ Lao động”] , bài diễn văn của Lenin năm 1919

 

V Cấu trúc nền tảng và đầu tiên cho “hệ sinh thái con người” là gia đình, trong đó con người nhận biết những ý tưởng căn bản đầu tiên về sự thật và lòng tốt, học biết yêu thương và được yêu thương, và như vậy cũng hiểu làm người thật sự là như thế nào.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, (1920-2005), CA 39.

 

Hai điều mà trẻ em nên nhận được từ cha mẹ: đó là cội rễ, và đôi cánh.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), nhà thơ Đức

119 Gia đình làm gì cho xã hội?

Gia đình, trước hết, là nơi đảm bảo cho sự tiếp diễn của xã hội. Thứ hai, gia đình thực hiện nhiệm vụ đặc trưng là nuôi nấng con cái và giúp chúng hội nhập xã hội. Người lớn truyền lại cho trẻ nhỏ phẩm chất đạo đức và tôn giáo, giá trị tri thức và xã hội, và truyền thống văn hoá, đây là những giá trị cần thiết để cho trẻ lớn lên thành một người tự do và tận tâm. Khi được trang bị những phương tiện như trên từ giáo dục gia đình, cùng với kiến thức thiết yếu từ trường lớp, người ta có thể đảm nhận tất cả mọi loại trách nhiệm trong xã hội. Nhiệm vụ thứ ba của gia đình là chăm sóc các thành viên trong nhà, và cho họ một môi trường riêng tư, an toàn để tăng trưởng và nghỉ ngơi. Thứ tư (đặc biệt ở những nước có đông dân số cao tuổi), việc cung ứng dịch vụ chăm sóc đàng hoàng cho những thành viên trong hộ gia đình đang đau bệnh, hay khuyết tật, hoặc không còn khả năng kiếm tiền, trở nên ngày càng cấp thiết. Chính ở đây, chúng ta thấy nhu cầu cần phải mở rộng gia đình hạt nhân để bao hàm cả thế hệ trước, vì điều này có thể thúc đẩy tình liên đới sâu đậm và đồng thời cũng gia tăng ý thức về bản thể của con người.

Ü 213, 229, 232 è 2207-2209 ð 370

 

Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Người xưa, khi muốn nêu gương lừng lẫy cả đế quốc, trước tiên họ phải dẹp yên các thành bang. Để dẹp yên thành bang, trước hết họ phải chỉnh đốn chính gia tộc của mình. Để chỉnh đốn nổi gia đình, trước tiên, họ phải tu dưỡng bản thân. Muốn tu dưỡng bản thân, đầu tiên, họ phải điều chỉnh các mục tiêu của mình cho đúng hướng.

Confucius [Khổng Tử] (551-479 tr. CN)

 

Lời yêu cầu Nhà nước can thiệp sẽ dẫn tới việc các cơ quan công quyền xâm nhập vào phạm vi riêng tư này (của gia đình) và về lâu về dài sẽ đưa tới sự quốc hữu hoá chính cộng đồng gia đình.

Udo Di Fabio (1954-), thẩm phán Toà án Hiến pháp Đức

 

120 Việc nuôi dạy con cái có phải là nhiệm vụ chỉ của gia đình mà thôi?

Không, chắc chắn là không. Một gia đình không phải là một hệ thống khép kín độc lập, tồn tại chỉ cho chính mình. Tuy vậy, trước tiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng cha mẹ có quyền và nghĩa vụ hàng đầu trong việc nuôi dạy con cái và cung cấp cho chúng nền giáo dục toàn diện. Chỉ những đất nước chuyên chế mới cố giành quyền đó của cha mẹ. Người cha và người mẹ có những đóng góp khác nhau, nhưng đều quan trọng như nhau cho sự thành hình nhân cách đứa trẻ. Chỉ từ quan điểm này thôi, chúng ta cũng thấy việc trao quyền nhận con nuôi cho các cặp đồng tính là vô cùng rắc rối về sau. Kế đến, chiều kích xã hội của con người đòi hỏi rằng người trẻ phải có tương tác xã hội bên ngoài gia đình gần gũi với mình. Nền giáo dục của các em cần phải mang tính toàn diện qua sự hợp tác của gia đình với các cơ sở đa dạng khác nữa, đặc biệt với giáo xứ địa phương, hay, ví dụ, với các câu lạc bộ thể thao.Nền giáo dục toàn diện như thế nhắm đến mục tiêu đào tạo ra các công dân bình tĩnh và tuân thủ pháp luật, những người có khả năng đối thoại, gặp gỡ, và đoàn kết, bằng cách dạy các em thực hành những phẩm chất đạo đức xuất phát từ tình thương và công lý. Để đạt thành tựu trên, lời lẽ răn dạy là không đủ, mà quan trọng hơn hết, là những tấm gương sống động.

Ü 240, 242 è 2223, 2226, 2229

Gia đình hiển nhiên là cấu trúc xã hội đầu tiên làm nền tảng cho tất cả các cấu trúc xã hội khác, điều đó là không thể nhầm lẫn và không phải bàn cãi.

Oswald Von Nellbreuning (1890-1991), Gerechtigkeit und Freiheit [Justice and Freedom] [Công lý và Tự do] (1980)

 

Răn dạy trẻ con chẳng ích gì khi thiếu gương sáng. Dù bạn nói gì đi nữa, chúng sẽ chỉ bắt chước mọi thứ bạn làm.

Lời khuyên vô danh

121 Vai trò của người già trong gia đình là gì?

Sự hiện diện của người cao tuổi trong gia đình rất có giá trị. Họ là thí dụ minh chứng cho mối dây nối kết các thế hệ, và nhờ vào kinh nghiệm sống, họ có thể mang đến sự đóng góp mang tính quyết định cho lợi ích của gia đình, và của cả xã hội. Họ có thể thông truyền các giá trị và truyền thống, cũng như hỗ trợ người trẻ. Bằng cách đó, người trẻ học được rằng không nên chỉ quan tâm tới bản thân mà còn cần chăm lo cho người khác nữa. Khi người già trở bệnh và rơi vào cảnh thiếu thốn, họ không chỉ cần thuốc men và dịch vụ y tế phù hợp, mà hơn hết, họ cần sự đối xử yêu thương và sự hiện diện của người thân quanh mình.

Ü 222 è2212, 2218 ð 371

 

 

&  Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn.

Tv 71,9

 

Những ai có thể cậy dựa vào chúng ta, cũng sẽ hỗ trợ chúng ta trong đời.

Marie Von Ebner Eschenbach (1830-1916)

 

Nếu bạn lấy đi hết mọi kinh nghiệm và phán đoán của những người trên năm mươi tuổi ra khỏi thế gian, thì số còn sót lại sẽ chẳng đủ để có thể vận hành nổi thế giới này.

Henry Ford (1863-1947)

 

& Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban.

Tv 127,3

 

Chừng nào vẫn còn một đứa trẻ bất hạnh trên trái đất, thì chẳng có khám phá hay tiến bộ nào đáng gọi là lớn lao.

Albert Einstein (1879-1955), giải Nobel Vật lý

122 Vì sao trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt?

Trẻ em phải được kiện toàn và bảo vệ bằng mọi cách. “Mỗi đứa trẻ là quà tặng quý giá nhất mà Thiên Chúa dành cho gia đình, cho dân tộc, cho thế giới” (Mẹ Têrêsa). Trẻ em là tương lai của nhân loại. Tất nhiên, trẻ nhỏ cần sự giúp đỡ. Hơn nữa, chúng thường phải lớn lên trong những điều kiện tồi tệ, ác nghiệt. Tại nhiều nơi trên thế giới, trẻ em thiếu thuốc men, dịch vụ y tế, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nền giáo dục sơ đẳng, hoặc ngay cả nơi sinh sống. Ngoài ra, những hành động ô nhục đối với trẻ em vẫn cứ tiếp diễn: nạn buôn bán trẻ em, lao động trẻ em, hiện tượng “trẻ em đường phố”, ép buộc trẻ em tham chiến, tảo hôn, và lạm dụng tình dục trẻ em. Chúng ta phải phát động các chiến dịch quốc gia và quốc tế để chống lại các vụ vi phạm phẩm giá trẻ em nam nữ đang diễn ra qua nạn khai thác mãi dâm trẻ em và đủ các dạng bạo lực khác, và để phổ biến thái độ tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mỗi đứa trẻ.

Ü 244, 245 ð 435

 

 

 

& Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

Mt 19,6

 

Anh chị có sẵn sàng yêu thương và kính trọng nhau suốt đời không? Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?

Câu hỏi của linh mục chủ lễ đặt ra cho đôi tân hôn

123 Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là mối liên kết giữa một người nam và một người nữ được sắp đặt để mang lại điều tốt đẹp cho đôi hôn phối và hướng tới khả năng sinh sản và giáo dục con cái (CCC 1601). Đặc điểm cốt yếu của hôn nhân là lời hứa trung tín và yêu thương nhau vô điều kiện, mà cả hai dành cho nhau. Một đặc điểm thiết yếu nữa là tính vĩnh viễn ràng buộc: tình yêu thương và tôn trọng nhau của đôi vợ chồng phải kéo dài tới hết đời, và họ phải đồng hành và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời: “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khoẻ”, như họ đã thề hứa trong lễ cưới. Tuy nhiên, dù một trong hai người không trung thành, thì dây hôn phối của họ vẫn còn. Hôn nhân chỉ kết thúc khi một trong hai người qua đời.

Ü 217, 223 è 2360-2361 ð 416

 

 

 

Chúng ta không thể tự giải thoát chính mình khỏi bản tính tự nhiên.

Robert Spaemann (1927-)

 

124 Kết hôn với một ai đó, có nghĩa là gì?

Kết hôn với một người là trao tặng chính mình cho người đó: vợ và chồng sống cùng nhau, hiện diện bên nhau trọn vẹn về thể lý cũng như về tinh thần. Hôn nhân bao quát tất cả các mặt trong đời sống. Chỉ trong hôn nhân, hành vi giao hợp mới tìm được đúng vị trí của nó để tình yêu giữa nam và nữ phát sinh hoa trái. Suy cho cùng, hôn nhân được thiết lập chủ yếu là để mở ra một gia đình với con cái. Ngay cả trong những cuộc hôn nhân mà vợ chồng không thể có con, thì sự kết hợp nam nữ cũng là chính hình thức qua đó con cái có thể được đón nhận. Xem xét các khía cạnh trên, chúng ta khó có thể bàn tới cái gọi là “hôn nhân đồng tính”. Ngoài ra, cả cụm từ “bình đẳng trong hôn nhân” cũng mơ hồ. Vợ và chồng đều có phẩm giá làm người như nhau. Thế nhưng, những vai trò khác biệt và bổ túc cho nhau đã cắm rễ trong chính bản thể của hai phái tính, tới tận cấp độ nhiễm sắc thể của họ.

Ü 217, 218 è 2362-2363 ð 416

V Hôn nhân là một nhiệm vụ hàng ngày, như công việc của một thợ thủ công hay thợ kim hoàn, vì người chồng có nghĩa vụ giúp cho vợ mình thêm dịu dàng, tự tin, và người vợ có nghĩa vụ giúp cho chồng mình thêm mạnh mẽ, can đảm. Như thế, tôi đang hình dung ra cảnh một ngày anh chị em đang bước đi trên phố, và người ta sẽ nói: “Hãy nhìn người phụ nữ xinh đẹp kia, cô nàng thật tự tin!”. “Với một anh chồng như thế, thì cũng dễ hiểu thôi!”. Và tương tự: “Hãy nhìn anh chàng kia, thật ra dáng nam nhi!” “Với một cô vợ tốt như thế, ta cũng dễ hiểu thôi!” … Và con cái của anh chị em sẽ thụ hưởng niềm tự hào được có cha và mẹ cùng nhau thăng tiến, và giúp nhau trở thành người nam và người nữ đúng nghĩa.

Giáo hoàng Phanxicô, nói với các đôi vợ chồng trẻ, 14/2/2014

125 Hôn nhân có ý nghĩa gì cho gia đình?

Hôn nhân là nền tảng của gia đình. Đối với các Kitô hữu, hôn nhân là một bí tích, do đó, trở thành một dấu chỉ quan trọng từ Thiên Chúa cứu độ. Tuy nhiên, ngay cả trước khi hôn nhân được nâng lên thành bí tích, Giáo Hội cũng đã xác tín và cảm nghiệm rằng hôn nhân là cơ sở tối ưu cho đời sống chung của người nam, người nữ, và trẻ em. Chỉ trong hôn nhân, một sự tin cậy vô điều kiện mới được đảm bảo, một sự tin tưởng không bị thời gian hay những giới hạn khác chi phối. Do đó, hôn nhân mang đến cho tất cả các thành viên cua gia đình sự bảo vệ phù hợp trong khả năng của con người, và không gian họ cần để phát triển.

Ü 225 è 1655-1657 ð 271

 

Người ta hỏi tôi lời khuyên cho các đôi vợ chồng đang phải khổ sở tranh đấu trong quan hệ hôn nhân. Tôi luôn trả lời: cầu nguyện và tha thứ. Đối với những thanh thiếu niên lớn lên từ những gia đình bạo lực, tôi cũng nói: cầu nguyện và tha thứ. Và đối với cả bà mẹ đơn thân không được gia đình nâng đỡ: hãy cầu nguyện và tha thứ.

Thánh Têrêsa thành Calcutta (1910-1997)

 

V Chúng ta cần cảm thông với nỗi đau từ thất bại trong hôn nhân, và đồng hành cùng những ai thất bại trong tình yêu, mà không được lên án họ. Đằng sau lối suy nghĩ chẻ sợi tóc làm tư đầy nguỵ biện, luôn ẩn giấu một cái bẫy. Luôn luôn như vậy! Cái bẫy ngầm đó chống lại con người, chống lại chúng ta, chống lại Thiên Chúa.

Giáo hoàng Phanxicô, 28/2/2014

126 Một người sẽ đánh giá các hình thức sống chung khác như thế nào?

Rõ ràng Giáo Hội xem hôn nhân và gia đình là ơn gọi phù hợp với những mong mỏi sâu xa nhất của người nam và người nữ. Về vấn đề này, trong cuộc tranh cãi hiện nay, Giáo Hội giữ lập trường kiên định chống lại sự gãy đổ ngày càng gia tăng trong mối liên hệ gần gũi giữa cảm xúc và trách nhiệm, giữa tình dục và mối tương quan liên vị, giữa giao hợp và con cái, giữa sự chung sống và gia đình. Tuy nhiên, với lòng bác ái, Giáo Hội cũng cố vươn tới những ai sống theo những cách khác, và tìm cơ hội cho những hình thức chung sống ngoài hôn nhân một con đường quay về với ơn gọi hôn nhân trọn vẹn.

Ü 227-228 è 2390-2391 ð 425

 

 

Cầm quyền trị nước còn dễ hơn nuôi dạy bốn đứa con.

Winston Churchill (1874-1965), Thủ tướng Anh

V Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ có khuynh hướng chối bỏ vai trò làm cha mẹ, để chỉ làm bạn với con cái, kềm chế lời cảnh báo và sửa dạy chúng, ngay cả khi điều này là cần thiết để dạy cho chúng biết đường chân lý, dù họ vẫn nhẹ nhàng, thương mến chúng. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng: giáo dục con cái là nghĩa vụ thiêng liêng mà cả cha và mẹ cùng san sẻ, gánh vác: nghĩa vụ này đòi hỏi lòng nhiệt thành, sự gần gũi, đối thoại và làm gương. Trong gia đình, cha mẹ được kêu gọi trở thành đại diện cho Cha nhân lành trên trời – mẫu gương hoàn hảo để họ noi theo.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005), 4/6/1999

127 Ước muốn có con cái có phải là một phần của hôn nhân?

Đương nhiên là như vậy. Cũng như hôn nhân là một phần của gia đình, thì gia đình cũng là một phần của đời sống hôn nhân. Cả hai mặt gắn bó với nhau. Để đơn giản, chúng ta có thể nói: “Không thể có gia đình, nếu không có hôn nhân và không thể có hôn nhân nếu không có gia đình. Hôn nhân đưa tới gia đình, vì hướng đến việc sinh sản, nuôi dạy con cái và sống với con cái. Do đó, các đôi bạn muốn kết hôn, ngay từ lúc khởi đầu đời sống hôn nhân, không được chối từ khả năng sẽ sinh con với nhau. “Anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật của Chúa Kitô và Hội Thánh không?”. Đôi bạn phải trả lời “Thưa có” trước câu hỏi mà vị chủ tế đặt ra. Chỉ lúc đó họ mới có thể ký kết khế ước hôn nhân với nhau.

Ü 218 è 2373, 2378 ð 418, 419

V Những cặp vợ chồng vô sinh có khát vọng chính đáng được làm cha mẹ, với sự trợ giúp của khoa học, nên tìm một giải pháp nào tôn trọng đầy đủ phẩm giá con người của họ và phẩm cách của đôi vợ chồng.

Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 25/2/2012

 

 

 

 

 

 

128 Còn về phần những đôi vợ chồng không thể có con?

Hôn nhân của họ không hề kém “đáng giá”, vì sinh sản không phải là mục đích duy nhất của hôn nhân. Hôn nhân vẫn giữ đặc tính bất khả phân ly, và giá trị của một mối liên hệ mật thiết, ngay cả khi đời sống hôn nhân không hoàn hảo vì thiếu con cái, những đứa bé thường được họ khắc khoải mong đợi. Trong trường hợp này, họ có thể xin con nuôi, hay theo một cách khác, chọn quan tâm chăm lo đặc biệt cho trẻ em (ví dụ, trẻ con trong đại gia đình của họ, hoặc con cháu của bạn bè). Một cuộc hôn nhân vẫn có thể “sinh hoa trái” nếu đôi bạn không con biết mở cửa nhà mình trước những số phận cô độc, thể hiện lòng hiếu khách với tha nhân, và tận tâm tham gia vào các công tác xã hội.

Ü 218 è 2374, 2379 ð 422, 423

V Gia đình, cũng như cộng đồng và xã hội, đang trải qua một cuộc khủng hoảng văn hoá sâu đậm. Về gia đình nói riêng, sự yếu đi của các giềng mối là đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội, nơi chúng ta học cách sống với người khác và thuộc về nhau mặc dù có những khác biệt. Đây cũng là nơi cha mẹ truyền đạt đức tin cho con cái. Hiện nay hôn nhân có khuynh hướng bị xem như chỉ là một hình thức thoả mãn cảm xúc đơn thuần, mà có thể được tạo dựng theo bất kỳ cách nào hoặc bổ sung chỉnh sửa tuỳ ý. Thế nhưng thật ra sự đóng góp không thể thiếu cuả hôn nhân đích thực cho xã hội là điều vượt hơn những cảm xúc và nhu cầu nhất thời của cặp đôi.

Giáo hoàng Phanxicô, EG 66

129 Nếu đôi vợ chồng có khả năng sinh con, thì họ nên có bao nhiêu đứa con?

Các cặp vợ chồng nên biết chấp nhận những đứa trẻ được Chúa gửi đến cho họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ được phép sinh (nhiều) con một cách vô ý thức. Thay vào đó – trong sự tuân thủ đúng với lời dạy theo thẩm quyền của Giáo Hội – đôi hôn phối nên đưa ra quyết định làm cha mẹ sao cho có trách nhiệm, xem xét kỹ tình trạng sức khoẻ, trạng thái tinh thần, và điều kiện về kinh tế, xã hội. Về vấn đề này, họ phải học cách hiểu ngôn ngữ cơ thể, và sử dụng phương pháp về kế hoạch hoá gia đình tự nhiên. Sự quyết định về khoảng cách giữa các lần sinh, và số con bao nhiêu, chỉ tuỳ theo ý của đôi vợ chồng, và phải dựa trên lời cầu nguyện và lương tâm được đào tạo đúng đắn. Đây là quyền bất khả nhượng của họ, đặc quyền mà họ thực hiện trong ý thức đang sống trước mắt Chúa, và cân nhắc những trách nhiệm đối với chính bản thân, với bất kỳ đứa con nào đã có mặt trên trời, với gia đình, và xã hội.

Ü 218, 234 è 2368-2370 ð 419, 420, 421

Chính phủ công nhận gia đình là đơn vị tự nhiên, chủ đạo, và căn bản của xã hội, và là một cơ sở đạo đức sở hữu những quyền bất khả nhượng và bất khả xâm phạm, đi trước và vượt trên tất cả luật do con người đặt ra.

Hiến pháp nước Ái Nhĩ Lan, Điều 41, phần 1

 

! Chính sách Gia đình

là một loạt những biện pháp chính trị mà Chính quyền đưa ra để cải thiện những hoàn cảnh của đời sống gia đình. Theo cách hiểu của phía Công giáo, Nhà nước có nghĩa vụ giúp đỡ gia đình (= cộng đoàn dài hạn gồm cha, mẹ, và con cái) tốt nhất theo khả năng, nhưng chỉ mang tính hỗ trợ. Tất cả những mưu toan của chính quyền nhằm khai thác gia đình, làm gia đình bất ổn vì những nguyên cớ liên quan tới ý thức hệ, hay định nghĩa lại quan niệm về gia đình (ví dụ: “bất cứ đâu có trẻ em, nơi đó gia đình”), đều đi ngược lại với giáo huấn Công giáo về xã hội, dựa trên cơ sở những lý do phát xuất từ luật tự nhiên.

130 Những chính sách về gia đình mà chính quyền đưa ra, có ảnh hưởng tới những quyết định của đôi vợ chồng hay không?

Có. → Chính sách gia đình ắt hẳn thúc đẩy các cặp vợ chồng ý thức hơn về số con họ có, dựa trên những nhu cầu của xã hội và công ích. Dù trong trường hợp nào đi nữa, điều đó phải được thực hiện trong sự tôn trọng con người và quyền tự do của các đôi vợ chồng. Chính sách này có thể – và đúng ra nên cung cấp thông tin về tình hình nhân khẩu, và có thể ban hành các quy định nhằm mang đến lợi ích, ví dụ: kinh tế, hay lợi ích khác cho những gia đình có con trẻ. Theo đó, chính sách ấy có thể tạo ra những động cơ thúc đẩy, nhưng rốt cuộc thì việc quyết định về số con phải do cha mẹ thực hiện. Không ai có thể tước đoạt quyền tự do quyết định của họ.

Ü 234, 235

Do đó, điều gia đình cần, trước tiên và trên hết, không phải là những gói thực phẩm hỗ trợ hay những món thuế nặng nề quá đáng hoặc lời khuyên phải sống thế nào, mà là hệ thống thuế khoá hợp lý cho phép họ có thể nuôi con bằng thu nhập chính họ kiếm được.

Juergen Borchert (1949-), thẩm phán về phúc lợi xã hội ở Đức

 

Xã hội con người giống như một nhịp cầu, được giữ cho khỏi sập bằng những khối đá chống đỡ tựa vào nhau theo vòm cung của nó.

Lucius Annaeus Seneca (k.4 TCN – 65 CN)

 

Hãy nhớ mỗi dịch vụ của chính quyền, mỗi lời đề nghị đảm bảo an ninh do chính phủ tài trợ, đều được trả giá bằng việc mất đi quyền tự do cá nhân. Bất cứ khi nào một giọng nói cất lên yêu cầu bạn hãy để chính quyền thực hiện điều gì đó, bạn hãy phân tích cẩn thận liệu lời chào mờidịch vụ đó đáng với tự do cá nhân ta phải từ bỏ để đổi lấy dịch vụ đó hay không.

Ronald Reagan (1911-2004), Tổng thống Mỹ

131 Vì sao Nhà nước và xã hội nên làm bất cứ điều gì tốt nhất cho gia đình?

Gia đình, tự bản chất, góp phần quan trọng cho xã hội, mà sự đóng góp ấy thường diễn ra âm thầm và chưa được đánh giá cao. Nghĩa vụ của xã hội và Nhà nước phải làm gì đối với gia đình, cũng đến từ sự thực rằng gia đình là đơn vị nhỏ nhất và thiết yếu của xã hội. Đây chính là điểm khởi đầu cho chính sách của Nhà nước về gia đình. Một quốc gia nhất thiết phải dựa vào các bậc cha mẹ có đủ tiềm năng để đưa ra quyết định về số con của họ. Tuy nhiên, Nhà nước lại không được phép gây áp lực lên quyết định này, vì công dân có toàn quyền tự do đưa ra quyết định đó. Nhà nước phải đặt tương lai của mình vào tay của công dân, những người được quyền có tự do. Hết lần này đến lần khác, các cuộc khảo sát cho thấy nói chung công dân đánh giá gia đình rất cao. Chính sách của chính phủ về gia đình cố tạo điều kiện cho công dân lập gia đình trong các điều kiện xã hội và chính trị hiện tại, bằng cách xây dựng các điều kiện kinh tế theo hướng phù hợp.

ð 238

Dân chủ hoá gia đình không có nghĩa là bỏ phiếu bầu chọn ai là chủ gia đình.

Willy Brandt (1913-1992), Thủ tướng Liên bang Đức

 

Gia đình có quyền liên kết với những gia đình và tổ chức khác, để chu toàn vai trò của mình một cách xứng hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền lợi, củng cố điều thiện, và để đại diện cho lợi ích của gia đình. Trên bình diện kinh tế, xã hội, pháp luật, văn hoá, vai trò đúng đắn của gia đình và các hội gia đình phải được nhìn nhận trong việc hoạch định và phát triển các chương trình liên quan tới đời sống gia đình.

Toà Thánh, Hiến chương về Quyền của Gia đình, 1983

132 Nhà nước và xã hội có thể làm gì cho gia đình?

Đầu tiên, xã hội và Nhà nước phải công nhận giá trị đặc biệt và cốt yếu của gia đình, để rồi hỗ trợ và bảo vệ gia đình. Điều này bắt đầu với việc củng cố đời sống gia đình, nhưng cũng phải bao hàm cả thái độ tôn trọng sự sống con người trong mọi giai đoạn, đặc biệt đối với thai nhi. Khi chúng ta nói về vấn đề Nhà nước giúp đỡ và bảo vệ gia đình, điều này không bao giờ có nghĩa là Nhà nước hay xã hội, lấy lý do kinh tế hay ý thức hệ, tiếp quản hay thậm chí tước đoạt những nghĩa vụ đã thuộc về gia đình từ thuở ban đầu, và thu hẹp chiều kích xã hội của gia đình. Thay vào đó, mục tiêu của các biện pháp trong chính sách gia đình, khi tuân thủ đúng nguyên tắc bổ trợ, phải là tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình thực hiện những trách nhiệm của mình một cách xứng hợp.

Ü 252, 253, 254 è 2211 ð 370, 323

Gia đình là một đơn vị tập hợp tự nhiên và cơ bản của xã hội, và có quyền được xã hội và chính phủ bảo vệ.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, Điều 16, phần 3

 

 

133 Cụ thể “chính sách gia đình theo đúng nguyên tắc bổ trợ” nghĩa là gì?

Ví dụ: để theo đúng nguyên tắc bổ trợ, Nhà nước không nuôi dạy trẻ em, vì đó sẽ là cướp đoạt khỏi tay cha mẹ đứa trẻ một nhiệm vụ vốn dĩ đã thuộc về họ ngay từ khởi đầu. Đúng ra, trong những tình huống cụ thể (điều kiện sống, công việc, cơ hội học hành), Nhà nước nên cho các gia đình mọi sự giúp đỡ cần thiết. Ở đây, điều quan trọng là phải bảo vệ quyền tự do lựa chọn; ví dụ, về sự phối hợp của cha mẹ khi phân chia công việc chăm sóc gia đình và đi làm kiếm sống. Chức năng đặc biệt của gia đình trong việc thông truyền kiến thức và dạy dỗ con cái không thể được thay thế bằng dịch vụ giữ trẻ ban ngày, bằng việc học ở các trường lớp, hoặc sinh hoạt trong những đoàn thể xã hội khác, dù các tổ chức này có thể hỗ trợ và bổ sung vào nền giáo dục của cha mẹ. Nguyên tắc bổ trợ đồng thời nhấn mạnh sự tự chủ của mỗi người và mỗi gia đình. Điều này có nghĩa là tự các gia đình có thể và nên tham gia vào các cơ quan chính trị và xã hội, biết đoàn kết với nhau để đấu tranh và củng cố cho quyền lợi của mình.

Ü 247 è 2211, 2252 ð 323

V

Trích dẫn các văn kiện quan trọng của Giáo Hội

5

GIA ĐÌNH

 

Rerum Novarum Quyền cơ bản của một gia đình

Không luật nào của con người có thể huỷ bỏ quyền tự nhiên và căn bản của hôn nhân, mà cũng không cách nào giới hạn mục đích chủ chốt của hôn nhân theo lệnh Chúa truyền ngay từ thuở ban đầu: “gia tăng và sinh sôi”. Do đó, chúng ta có gia đình, “xã hội” dưới mái nhà – một xã hội rất nhỏ, phải công nhận thế, nhưng đúng là một xã hội đích thực, và là một xã hội còn xưa hơn bất cứ quốc gia nào. Vì thế, gia đình có những quyền lợi và nghĩa vụ đặc trưng, hoàn toàn độc lập với quốc gia.

Giáo hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (1891), 9

 

Pacem in Terris Quyền của gia đình

Gia đình, hình thành trên hôn nhân tự do đính ước và bất khả phân ly, cần được xem như tế bào tự nhiên, chủ chốt của xã hội con người. Do đó, những lợi ích của gia đình cần được xem xét nghiêm túc trong những vấn đề kinh tế xã hội, cũng như trong lĩnh vực đức tin và luân lý. Vì tất cả những điều này cần phải làm để củng cố gia đình vững mạnh và hỗ trợ gia đình hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Dĩ nhiên, sự nuôi dạy và giáo dục con cái là một quyền chủ yếu thuộc về các bậc cha mẹ.

Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 9

 

Familiaris Consortio Gia đình ngày nay

Thật ra, một mặt, người ta nhận thức sống động hơn về tự do cá nhân và quan tâm nhiều hơn đến phẩm chất của các mối tương quan liên vị trong hôn nhân, đến sự thăng tiến phẩm giá của người phụ nữ, đến việc sinh con có trách nhiệm, và việc giáo dục con cái. Người ta cũng ý thức hơn về nhu cầu cần phát triển những mối quan hệ giữa các gia đình, cần hỗ trợ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất, ý thức hơn về việc khám phá lại sứ mạng giáo hội riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Tuy vậy, mặt khác, người ta thấy không ít những dấu hiệu suy đồi đáng ngại đối với một số giá trị căn bản: quan niệm sai lầm trên cả lý thuyết và trong thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng; sự nhầm lẫn nghiêm trọng trong quan điểm về tương quan uỷ quyền của cha mẹ đối với con cái; những khó khăn cụ thể mà gia đình trải nghiệm khi lưu truyền các giá trị cho thế hệ sau; số vụ li dị tăng lên; hiểm hoạ phá thai; việc dùng các phương pháp triệt sản ngày càng nhiều; xuất hiện tâm thức xem việc chống thụ thai là đương nhiên.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio (1981), 6

 

Laborem Exercens Lao động và gia đình

Người ta cần luôn nhớ và xác định rằng gia đình tạo nên chuẩn mực tham chiếu quan trọng nhất trong việc hình thành trật tự xã hội và đạo đức cho vấn đề lao động của con người. Giáo huấn của Giáo Hội luôn đặc biệt lưu ý đến vấn đề trên, và trong văn kiện y, chúng tôi sẽ phải quay trở lại vấn đề đó. Thật sự, gia đình vừa là một cộng đồng có thể tồn tại nhờ lao động, vừa là trường dạy lao động đầu tiên, cho mỗi người, trong chính ngôi nhà của mình.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (1981), 10

 

Centesimus Annus Hệ sinh thái của con người và gia đình

Cấu trúc đầu tiên và cơ bản cho “hệ sinh thái của con người” là gia đình, trong đó con người đón nhận những tư tưởng cốt yếu đầu tiên về sự thật và điều thiện, và học biết thế nào là yêu thương và được yêu thương, từ đó hiểu ra làm người thật sự nghĩa là gì. Ở đây chúng tôi muốn nói gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân, trong đó món quà trao ban chính mình giữa người chồng và người vợ tạo thành một môi trường phù hợp cho con cái ra đời và phát triển những tiềm năng của chúng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 39

 

Centesimus Annus Vượt thắng cá nhân chủ nghĩa

Để có thể chiến thắng được tâm thức chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn ngày nay, cần phải có một cam kết cụ thể thực hiện tình liên đới và lòng bác ái, bắt đầu từ gia đình, bằng việc hỗ trợ lẫn nhau giữa đôi vợ chồng, và chăm sóc lẫn nhau giữa các thế hệ. Theo nghĩa này, gia đình cũng có thể được gọi là một cộng đồng lao động và liên đới. Tuy nhiên, có khả năng xảy ra trường hợp là, khi gia đình quyết định sống trọn vẹn thiêng chức của mình, lại thấy mình không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ chính phủ và không có các nguồn lực đầy đủ. Do đó, điều khẩn thiết là chúng ta không chỉ thúc đẩy các chính sách gia đình, mà còn cả những chính sách xã hội đặt gia đình làm đối tượng chủ yếu, các chính sách giúp đỡ gia đình bằng cách cung cấp những nguồn trợ lực đầy đủ và các phương tiện nâng đỡ hữu hiệu, cho việc nuôi nấng trẻ em và chăm sóc người già yếu, để tránh vấn đề cách ly người già khỏi gia đình của họ, và để củng cố mối liên kết giữa các thế hệ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1991), 49

 

Laudato Si Gia đình: là nơi giáo dục toàn diện

Trong gia đình, chúng ta được nhận một nền giáo dục đầy đủ, giúp chúng ta phát triển hài hoà, để thành người trưởng thành. Trong gia đình, chúng ta học biết yêu cầu mà không đòi hỏi, biết nói “cảm ơn” với thái độ diễn tả lòng biết ơn thật sự trước những gì mình được tặng ban, biết kiểm soát tính hung hăng và lòng tham, và biết xin tha thứ khi chúng ta gây ra tổn hại. Những cử chỉ đơn giản này với cung cách lịch sự chân thành tạo ra một nền văn hoá trong đó con người biết sống chia sẻ và biết tôn trọng mọi người mọi vật quanh mình.

Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si (2015), 213