Nguyễn Sáng vẽ Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vào năm 1956, kích thước 112,3 x 180 cm, chất liệu sơn mài. Ngay sau khi hoàn thành, bức tranh đã dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt trong giới mỹ thuật.
Theo dấu xưa, chuyện cũ: Tranh bị yêu cầu ‘cất kho’ thành bảo vật quốc gia
Nguyễn Sáng vẽ Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vào năm 1956, kích thước 112,3 x 180 cm, chất liệu sơn mài. Ngay sau khi hoàn thành, bức tranh đã dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt trong giới mỹ thuật.
Cùng với Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí, Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân, Em Thúy của Trần Văn Cẩn, bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng được chọn là bảo vật quốc gia năm 2013. Nhưng ít ai biết rằng, đã có thời gian bức tranh đang được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật VN này bị phản đối gay gắt.
Trong những năm 1960, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến công tác tại Phòng Nghiên cứu của Viện Mỹ thuật VN. Bà kể: “Lúc bấy giờ, hầu hết các hoạ sĩ đi theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chủ đề trong các tác phẩm thường về con người mới, cuộc sống mới, lao động sản xuất, hòa bình, hữu nghị, ngoài ra là các đề tài mang chất bi tráng về cuộc kháng chiến”.
Nguyễn Sáng vẽ Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vào năm 1956, kích thước 112,3 x 180 cm, chất liệu sơn mài. Ngay sau khi hoàn thành, bức tranh đã dấy lên nhiều tranh cãi gay gắt trong giới mỹ thuật. “Nhiều người phê phán bức tranh có vấn đề về mặt tư tưởng. Chẳng hạn như vẽ bộ đội mà vai u thịt bắp. Hình ảnh các chiến sĩ bị thương phải dìu nhau cũng bị cho là thiếu sức mạnh và tinh thần cách mạng”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo nhớ lại.
Trong hồ sơ di sản đang được lưu trữ tại Cục Di sản, bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng được đánh giá: “Tác phẩm ghi nhận một phong cách tiêu biểu của một hoạ sĩ bậc thầy của mỹ thuật VN. Tác phẩm là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật sơn mài VN ngoài lối biểu hình kiểu trang trí trong mỹ thuật truyền thống. Tác phẩm đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội như: cổ động tinh thần quân dân trong thời kỳ kháng chiến; ảnh hưởng đến các thế hệ họa sĩ sau thời Nguyễn Sáng với tinh thần là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân VN…”.
Bà Hải Yến nói: “Lúc ấy, nhiều người vẫn mặc định lễ kết nạp Đảng phải có bàn thờ Tổ quốc, cờ Đảng, những con người đứng thẳng hàng, nghiêm chỉnh, ăn mặc quần áo chỉnh tề, gọn gàng. Những bức tranh vẽ về sự kiện này cũng cần phải thể hiện đúng như vậy. Tranh của Nguyễn Sáng lại thể hiện hình ảnh những con người trong không gian chật hẹp của chiến hào, người thì bị thương, người đang cảnh giới, có người cõng nhau, quần áo xộc xệch, lấm lem. Bởi vậy, đã có không ít ý kiến chê bai bức tranh”. Tháng 6.1966, Viện Mỹ thuật VN quyết định mở phòng trưng bày (sau này là Bảo tàng Mỹ thuật VN), những tác phẩm xuất sắc của các hoạ sĩ được lựa chọn để treo tại đây. Nhiều người đã yêu cầu đem bức tranh của Nguyễn Sáng đi “cất kho” chứ không cho treo.
“Cứu” tranh quý
Bức tranh hẳn đã bị rơi vào quên lãng nếu như không được họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (khi đó là Viện trưởng Viện Mỹ thuật VN) bảo vệ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, trước năm 1945, Nguyễn Đỗ Cung đã cho thấy tính cách khảng khái, luôn đấu tranh bảo vệ các giá trị nghệ thuật trước người Pháp. Như vụ Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Evarite Jonchère tuyên bố “đi Hà Nội chuyến này chỉ đào tạo thợ mỹ nghệ. Người An Nam không trở thành họa sĩ được” và yêu cầu sinh viên của trường chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đi bán. Hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã viết bài phản đối Evarite Jonchère đăng trên tờ Ngày nay (1939). Cuối cùng, Evarite Jonchère phải xin lỗi. Hay Nguyễn Đỗ Cung thẳng thắn tranh luận với Louis Bezacier – Giáo sư lịch sử của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông này cho rằng mỹ thuật đời Lý của VN là mỹ thuật Đại La thời Đường (Trung Quốc). Qua việc phân tích mỹ thuật tại ngôi chùa cổ Phật Tích (Bắc Ninh), Nguyễn Đỗ Cung đã đưa ra những luận cứ để bảo vệ quan điểm, chứng minh một cách thuyết phục VN có một nền mỹ thuật Lý phát triển mạnh mẽ và riêng biệt.
Về bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã kiên quyết cho treo tại phòng trưng bày Viện Mỹ thuật VN cùng những tác phẩm xuất sắc khác.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nhìn nhận:“Chính vì bản lĩnh và hiểu biết sâu sắc về vai trò của người nghệ sĩ, nên mặc dù trước những dư luận trái chiều, Nguyễn Đỗ Cung vẫn hiểu rõ bản chất và tài năng của Nguyễn Sáng”.
Nguyễn Sáng đã vẽ bức tranh theo lối biểu hiện. Ông chọn thời điểm diễn ra lễ kết nạp Đảng trong thời khắc cam go, quyết liệt. Những con người trong đó vẫn đang trong trạng thái chiến đấu, bởi vậy họ không thể ăn mặc tươm tất, cũng không có thời gian để bố trí một lễ kết nạp như bình thường.
“Rõ ràng nhìn vào tranh của Nguyễn Sáng thấy rất thật, những người chiến sĩ được khắc hoạ vạm vỡ bởi nhiều người trong số họ là những người nông dân”, nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo nhìn nhận. “Giới mỹ thuật sau này đã phải công nhận bức tranh của Nguyễn Sáng là bức tranh nổi bật nhất về đề tài chiến tranh”, ông Bảo cho hay.